Lạc Dương luôn xác định du lịch là một trong những yếu tố góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
Lạc Dương luôn xác định du lịch là một trong những yếu tố góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Để phát huy hiệu quả ngành công nghiệp không khói này, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/HU (Nghị quyết 07) về “Phát triển du lịch trên địa bàn Lạc Dương giai đoạn 2017 - 2020”, với mục tiêu xây dựng Lạc Dương thành một điểm đến hấp dẫn.
|
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hiện đang là sản phẩm thu hút đông đảo du khách |
Mở rộng nhiều loại hình du lịch có lợi thế
Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 07, ngành du lịch, dịch vụ của huyện được quan tâm đúng mức, đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo nền tảng để phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều hơn trong cơ cấu kinh tế huyện Lạc Dương trong giai đoạn mới.
Xác định du lịch canh nông, du lịch thể thao, du lịch mạo hiểm, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng là sản phẩm du lịch mới, có tính cạnh tranh cao, có nét đặc trưng khác biệt mang thương hiệu của huyện; do đó, Lạc Dương đã gắn việc mở rộng nhiều loại hình du lịch lợi thế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch với các loại hình kinh tế, từ đó phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương.
Nếu như trước đây, du khách đến địa phương chỉ biết đến du lịch văn hóa và dã ngoại, thì hiện nay các cơ sở du lịch trên địa bàn huyện đã chủ động liên kết tour, tuyến và cung cấp nhiều sản phẩm dịch vụ kèm theo để đáp ứng nhu cầu của du khách. Du khách có thể tham quan, dã ngoại, ăn uống, giao lưu văn hóa cồng chiêng tại Khu Du lịch LangBiang và Làng Cù Lần; dã ngoại, nghỉ dưỡng tại Khu Du lịch Ma Rừng Lữ Quán hay Thung lũng Vàng; du lịch sinh thái và giáo dục môi trường rừng, giao lưu văn hóa cồng chiêng tại Khu Du lịch Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Ngoài ra, du khách cũng có thể dần dà được khám phá loại hình du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa ở thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais thông qua việc phục dựng lễ cưới của người Lạch; mua dâu tây sạch ở xã Đạ Sar, Đạ Nhim; thưởng thức cà phê Arabica Langbiang (K’Ho Coffee); mua sắm sản phẩm thổ cẩm tại tổ dân phố B’Nơr C...
Về phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch, tạo ra sản phẩm du lịch canh nông bước đầu đã phát huy hiệu quả với các sản phẩm của địa phương được du khách ưa chuộng, đặc biệt là dâu tây, các sản phẩm rau hoa, củ, quả được sản xuất trong môi trường ứng dụng công nghệ cao. Hiện nay, huyện Lạc Dương đã được UBND tỉnh công nhận 2 điểm du lịch canh nông đó là Kiến Huy, Rừng hoa Bạch Cúc. Những đơn vị này tiếp tục tái tạo lại vườn, đưa nhiều giống cây trồng mới vào phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách.
Ông Cao Anh Tú, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Dương cho biết, trong thời gian qua, công tác quy hoạch các khu du lịch, điểm du lịch được tiến hành kịp thời, nhằm khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh của huyện nhưng vẫn đảm bảo cảnh quan thiên nhiên, môi trường, bản sắc văn hóa dân tộc. Du khách đến với Lạc Dương ngày càng nhiều, đòi hỏi chính quyền địa phương phải cụ thể hóa việc hình thành sản phẩm phù hợp với tiềm năng và có định hướng phát triển du lịch lâu dài, bền vững. Qua đó, huyện đã và đang xây dựng và phát triển 2 mô hình du lịch dựa vào cộng đồng tại thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais và tại khu dân cư mới xã Đạ Nhim; củng cố hoạt động của các đội nhóm cồng chiêng trở thành sản phẩm đặc thù của địa phương. Đồng thời, đưa vào khai thác các điểm du lịch mạo hiểm, tạo ra một không gian du lịch đa dạng để du khách gần xa lựa chọn.
|
Du khách khám phá đỉnh Langbiang bằng xe Jeep |
Để môi trường du lịch phát triển bền vững
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã định hướng, có chủ trương đúng đắn để phát triển du lịch. Môi trường du lịch được cải thiện, công tác quản lý nhà nước được tăng cường. Các loại hình dịch vụ bổ trợ có bước phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu dịch vụ, thông tin, trải nghiệm của du khách. Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết 07, Lạc Dương đã thu hút được gần 5 triệu lượt khách với tổng doanh thu đạt 386,4 tỷ đồng. Trung bình số lượt khách tăng bình quân 11,4%/năm, doanh thu tăng bình quân 13,7%/năm.
Tuy nhiên, du lịch Lạc Dương vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa thu hút được khách du lịch lưu trú và sử dụng các dịch vụ vì nằm ở vùng phụ cận Đà Lạt. Lạc Dương đã có những giải pháp để phát triển du lịch hơn nữa như: Ngoài những địa điểm du lịch nổi tiếng đã và đang được khai thác, huyện hiện còn có 14 dự án phát triển du lịch và dịch vụ du lịch với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 1.300 tỷ đồng, nhiều dự án đã bắt tay vào khởi động với số vốn triển khai đến nay khoảng trên 216 tỷ đồng.
Khuyến khích đầu tư xây dựng các khu, điểm vui chơi giải trí, các loại hình hoạt động văn hóa, thể thao lành mạnh, hấp dẫn để thu hút và giữ chân du khách. Cùng đó, hầu hết các khu du lịch đang hoạt động trên địa bàn huyện đều có dịch vụ lưu trú. Mặt khác, những năm qua huyện đã phát triển mới được 7 cơ sở lưu trú với công suất 153 phòng, nâng tổng số cơ sở lưu trú hiện có 12 cơ sở, với tổng số 235 phòng đạt chuẩn xếp hạng, so với kế hoạch đề ra là 10 cơ sở lưu trú, 170 phòng.
Đẩy mạnh liên kết với các huyện, tỉnh trong khu vực và trên cả nước, nhằm khai thác triệt để tuyến du lịch Tây Nguyên, hình thành các tour, tuyến du lịch chung như: Lạc Dương - Đà Nẵng, Lạc Dương - Nha Trang, Lạc Dương - Bình Thuận, Lạc Dương - Vũng Tàu, nhằm kết hợp đan xen giữa du lịch vùng núi cao nguyên và du lịch vùng biển... Đồng thời, khai thác thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm là Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc và mở rộng khách châu Âu...
Ông Cil Póh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết, huyện Lạc Dương xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, vì vậy trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã định hướng, có chủ trương đúng đắn để phát triển du lịch. Các loại hình du lịch trên địa bàn gắn với không gian văn hóa cồng chiêng, Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang, Di tích Quốc gia núi Lang Biang, hồ Đan Kia - Suối Vàng... đã và đang được khai thác phục vụ du lịch rất hiệu quả. Mạng lưới các cơ sở du lịch được mở rộng; cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng phục vụ du lịch được đầu tư nâng cấp, sản phẩm du lịch ngày một đa dạng, chất lượng phục vụ ngày càng cao. Môi trường du lịch được cải thiện, công tác quản lý nhà nước được tăng cường. Các loại hình dịch vụ bổ trợ có bước phát triển, cơ bản đáp ứng nhu cầu dịch vụ, thông tin, trải nghiệm của du khách. Qua đó, đến hết năm 2020, phấn đấu đạt con số thu hút hơn 7,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 450 nghìn lượt, tổng doanh thu đạt trên 620 tỷ đồng...
|
Trekking trong rừng là một trong những loại hình du lịch thu hút khách |
HOÀNG YÊN