Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch

06:08, 13/08/2020

Xác định khách du lịch chính là mắt xích kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, như: lữ hành, hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng, khu điểm du lịch...

Xác định khách du lịch chính là mắt xích kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, như: lữ hành, hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng, khu điểm du lịch... Vì vậy, khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến khó lường, khách du lịch hoãn, hủy tour khiến du lịch ngừng trệ, giống như những mắt xích bị đứt gãy, ảnh hưởng và gây thiệt hại đến nhiều ngành nghề. 
 
 Nhớ những ngày sôi động của du lịch Đà Lạt
Nhớ những ngày sôi động của du lịch Đà Lạt
 
“Tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch” là nhu cầu bức thiết, khi mà cơ hội hồi phục từ đại dịch lần thứ nhất tại Việt Nam chưa được bao lâu, thì dịch bệnh COVID - 19 lại bùng phát lần thứ 2 với tốc độ và mức độ nghiêm trọng hơn bao giờ hết và ảnh hưởng gần như tức thì, khiến lượng khách hủy tour lên đến 95%-100% vào cuối tháng 7 và tháng 8/2020 - là hai tháng cao điểm của du lịch nội địa tại nhiều địa phương trong cả nước trong đó có Lâm Đồng. Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp du lịch phải chịu ảnh hưởng kép, hay nói cách khác là bị tiếp một cú “đấm bồi” bởi dịch bệnh COVID-19. 
 
Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) báo cáo ảnh hưởng: Dịch bệnh bùng phát trở lại, doanh nghiệp du lịch đối mặt với khó khăn rất lớn khi chưa kịp phục hồi lần bùng phát đầu tiên, dẫn đến khó khăn chồng chất khó khăn. Tình trạng khách hủy tour diễn ra đồng loạt gây áp lực lớn cho các đầu mối đặt tour, khi mà các doanh nghiệp du lịch đã ứng trước khoản tiền đặt cọc không nhỏ cho các dịch vụ trong chuỗi cung ứng như hàng không, lưu trú, ăn uống... Các hãng hàng không cho hoãn hủy vé thời gian tối đa là 180 ngày, nhưng tâm lý phổ biến của khách du lịch là e ngại, không còn nhu cầu đi du lịch và muốn lấy lại tiền đặt tour.
 
Riêng Đà Nẵng trong những ngày vừa qua, đã rất khó khăn khi giải tỏa một lượng du khách lớn và vừa di chuyển hơn 2.000 khách lẻ còn lại về Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (trong ngày 12 và 13/8). Nhưng lượng khách hoãn khởi hành, hủy dịch vụ rất lớn. Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết: Đà Nẵng đang phối hợp với các bên và sẵn sàng phối hợp với các công ty lữ hành trong giải quyết quyền lợi của du khách, của công ty trong việc hoàn, hủy tour đã đặt trước. 
 
Tuy nhiên, ông Dũng đề xuất, để kịp thời khắc phục khó khăn trước mắt thì Chính phủ nên giảm hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT đến giữa năm 2021; giảm các chi phí điện nước, viễn thông đến hết năm 2020; đồng thời, cần tiếp tục có chính sách giảm lãi suất cho vay, giãn trả nợ cho vay mới vì áp lực về nợ vay của các doanh nghiệp rất lớn; đặc biệt, cần xem xét hoàn tiền ký quỹ cho doanh nghiệp trong thời gian này để có chi phí giải quyết khó khăn trước mắt. Cũng theo ông Dũng, các gói hỗ trợ của chính phủ, các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đã làm hồ sơ, trao đổi với các cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa có công ty nào được nhận hỗ trợ. 
 
Hướng đến khai thác những loại hình du lịch lấy văn hóa truyền thống làm nền tảng...
Hướng đến khai thác những loại hình du lịch lấy văn hóa truyền thống làm nền tảng...
 
... và thiên nhiên tươi đẹp đang đón chờ du khách
... và thiên nhiên tươi đẹp đang đón chờ du khách
 
Nhiều công ty du lịch đề xuất, cần tập trung giải quyết tình hình hiện nay vừa có tình vừa có lý để tăng tính chia sẻ, tính liên kết, tính hệ thống giữa các ngành dịch vụ với nhau trong lĩnh vực du lịch. Những kiến nghị về giảm các chi phí, như tiền điện nước, tiền đóng BHXH, thuế, lãi vay, tiền thuê đất, phí đường bộ... là giải pháp cấp thiết và ý nghĩa cần chính phủ hỗ trợ để các doanh nghiệp du lịch giải quyết khó khăn trước mắt và có khoản kinh phí trả lương cho người lao động trong ngành du lịch.
 
Các hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJetAir, Bamboo Airways... cũng khẳng định sẽ thực hiện chính sách hoãn, hủy, hoàn vé đối với hành khách và các công ty lữ hành. Bên cạnh đó, còn có các chính sách khác để khuyến khích hành khách giữ vé, như: Vietnam Airlines sẽ bảo lưu tiền đặt cọc cho các đoàn đến 31/12/2020; VietJetAir đồng ý cho khách được quyền giữ vé đến 31/12/2021.
 
Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng: Cần giải quyết các vấn đề cấp bách trước mắt, như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, người lao động trong ngành du lịch tiếp cận nguồn hỗ trợ của Chính phủ. COVID-19 trở lại cũng là dịp để các đơn vị rút kinh nghiệm để điều chỉnh nội dung trong các hợp đồng cho các đợt kích cầu tiếp theo. Bởi lẽ, đợt kích cầu du lịch vừa qua, khách tham gia rất đông vì bị dồn nén du lịch khá lâu và chưa bao giờ có giá tốt như thế. 
 
Hầu hết các doanh nghiệp tham gia chỉ hưởng lợi được ở việc tái khởi động hoạt động và duy trì bộ máy, chưa có lợi nhuận. Các doanh nghiệp lữ hành, cung cấp dịch vụ cần phối hợp với cơ quan quản lý công khai mức tiền khách đặt cọc như một khoản nợ một cách minh bạch để khách yên tâm. Đồng thời, nên khuyến khích khách du lịch chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong thời điểm này, bằng việc thuyết phục khách giữ dịch vụ cho đến thời điểm thích hợp hơn với giá ưu đãi...
 
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch: Năm 2020, ngành du lịch có 2 lần kích cầu và 2 lần dịch bùng phát, dẫn đến khó khăn trước mắt là khách hủy, hoãn tour thì doanh nghiệp lữ hành bị kẹt ở giữa. Các doanh nghiệp, nhất là các hãng hàng không, nhà hàng, khách sạn đã sẵn sàng hợp tác và có những chính sách phù hợp cùng chia sẻ khó khăn là một trong những yếu tố quan trọng để giữ gìn hình ảnh của du lịch Việt Nam.
 
Đà Lạt - những ngày vắng khách
Đà Lạt - những ngày vắng khách
 
Ông Khánh cũng khẳng định: Tổng cục Du lịch ghi nhận các ý kiến đề xuất, sẽ kiến nghị lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chính phủ để có chính sách hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị, người lao động trong ngành du lịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch được vay vốn với lãi suất ưu đãi để hoàn, hủy tour cho khách và trả lương cho người lao động. Các cơ quan quản lý du lịch địa phương, nhất là ở nơi chưa có dịch cần theo dõi, triển khai các kế hoạch kích cầu du lịch linh động, an toàn; giải quyết ngay những vấn đề liên quan trước mắt về tiền đặt cọc của doanh nghiệp; hỗ trợ giải quyết các vướng mắc về tiền hoãn, hủy, hoàn vé và đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch. 
 
Cũng theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, ông hy vọng, thông qua những khó khăn do dịch, chúng ta tạo niềm tin và xây dựng niềm tin trong chuỗi dịch vụ phục vụ du khách; tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, nghiên cứu triển khai các chương trình kích cầu và khai thác thế mạnh của du lịch ở những địa phương chưa có dịch với cam kết bảo đảm an toàn, hiệu quả thị trường du lịch nội địa và chuẩn bị kịch bản đón khách du lịch quốc tế.
 
NHẬT QUÂN