Lắng lại với Đền Cuông

05:08, 27/08/2020

Đền Cuông cổ kính, linh thiêng, chất chứa đậm chất sử thi. Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia này nằm cạnh Quốc lộ 1A, tại núi Mộ Dạ, xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 30 km về phía Bắc. 

Đền Cuông cổ kính, linh thiêng, chất chứa đậm chất sử thi. Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia này nằm cạnh Quốc lộ 1A, tại núi Mộ Dạ, xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh 30 km về phía Bắc. 
 
Tam quan trước Đền Cuông
Tam quan trước Đền Cuông
 
Sau 38 năm, kể từ khi cùng đoàn sinh viên Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Vinh tổ chức tham quan theo chương trình ngoại khóa Văn học dân gian, bây giờ tôi mới trở lại Đền Cuông. Không đông người cùng đi như trước, không hoang phế như hồi đó, giờ được gặp người phụ trách - anh Cao Văn Lương và nhiều hạng mục được tu bổ, khoác trong mình đậm sắc xanh của cây cối và cả những huyền thoại bí ẩn. Phát âm theo phương ngữ Đền Cuông còn gọi là Đền Công. Anh Lương dẫn chúng tôi đi một vòng giới thiệu các công trình kiến trúc đượm màu cổ kính. Anh tự hào kể say sưa những ngày chính lễ (diễn ra ngày 14-16/2 âm lịch hàng năm) có rất đông khách thập phương trong nước hội về cầu quốc thái dân an, bày tỏ lòng tiếc thương và tri ân ân đức Vua Thục Phán. Chỉ chiếc tủ kính đang trưng bày con chim Hạc trắng anh Lương giới thiệu về sự kiện chim Hạc bay về dịp lễ hội năm 1995 và ở lại với đền đầy huyền bí. Người dân cho rằng đó là hóa thân của Mỵ Châu. Còn tên Công bởi xa xưa núi Mộ Dạ này loài chim Công về trú ngụ rất nhiều. Anh cũng kể sự kiện cá Voi 10 tấn sóng biển đưa vào cửa Hiền (xã Diễn Trung), năm 1996, cách đền 3 cây số, như ứng nghiệm truyền thuyết xưa, sau khi giết chết Mỵ Châu, An Dương Vương đã gieo mình xuống biển…
 
Theo bản giới thiệu tại đền, Ngài là họ Thục, tên Phán, thủ lĩnh của bộ lạc Âu Việt. Đứng trước họa quân Tần xâm lược, Thục Phán được Hùng Vương thứ 18 truyền ngôi. Ngài đã tập hợp lực lượng đánh đuổi ngoại xâm và lập nên nhà nước Âu Lạc, xưng vương, hiệu An Dương Vương. Kinh đô từ Phong Châu (huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang bây giờ) được Vua Thục dời về Đông Anh (Hà Nội) và xây Loa Thành giữ nước. An Dương Vương có tài bình lược, đã cùng toàn dân mưu trí đánh thắng nhiều trận xâm lược của giặc Triệu Đà, giang sơn bờ cõi Âu Lạc được bảo vệ vững chắc. Nhưng sau trúng kế “cầu thân” của Triệu Đà, nước Âu Lạc rơi vào giặc ngoại xâm. Vua Thục buộc rời kinh đô Cổ Loa, chạy về phương Nam, đến cửa Hiền, thế cùng, lực tận, vua phải chém đầu công chúa Mỵ Châu và trầm mình xuống biển. Nhân dân thương tiếc lập đền thờ. Đến thời Hậu Lê, Nhân dân dời đền lên núi Mộ Dạ. Năm Giáp Tý, hiệu Tự Đức - 1864, đền được trùng tu, tôn tạo với quy mô lớn và được liệt vào “Đông Thành bát cảnh” (một trong tám cảnh đẹp nhất của Đông Thành nhị huyện xưa). Năm 1956, Nhân dân dựng thêm Tả vu, Hữu vu và từ đó được tu sửa nhiều lần. Đền Cuông được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia tháng 2/1975. Do chiến tranh, Đền bị hư hỏng nhiều và lễ hội cũng không thể tổ chức. Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đền Cuông mới được trùng tu một cách quy mô, và hoạt động bài bản trở lại. 
 
Chúng tôi tiếp tục được thả mình trong kiến trúc đặc sắc của Đền Cuông với những câu chuyện phủ những lớp tín ngưỡng thiêng liêng và huyền bí, lưu truyền nhiều đời trong cõi dân gian xứ Nghệ... Đây là ngôi đền thờ An Dương Vương, nhà Vua nước Âu Lạc. Công trình lưu lại vết tích đậm chất truyền thuyết. Từ rất xưa, vào buổi sáng, ngư dân phát hiện sóng biển xô một vật lớn vào cửa Hiền. Nhưng chỉ người của làng Cao Ái khiêng lên được và nhận ra chiếc kiệu. Họ mặc định đó là chiếc kiệu của Vua Thục và đưa về lập đền thờ. Ðền Cuông tại núi Mộ Dạ hiện nay được trùng tu nhiều lần với những kiến trúc đặc sắc, được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia. Đền kiến trúc theo lối chữ “Tam”. Từ Quốc lộ 1A, bước lên nhiều bậc đá là tam quan, rất đồ sộ và rêu phong. Cổng giữa ba lầu, các tường đúc câu đối, mặt trước đắp nổi đôi chim Hạc và những hoa văn mây trời non nước biến ảo… Bước qua tam quan là 5 tòa gồm thượng điện, trung điện, hạ điện, Tả vu, Hữu vu và các công trình phụ trợ. Nếu như trung điện kiến trúc chồng diêm 8 mái, nơi thờ Cao Lỗ (vị tướng giúp vua chế tác nỏ thần), thì các tòa khác có 4 mái, đầu đao cao vút. Cuối cùng là Điện thờ Thục Phán An Dương Vương. Tại Đền Cuông, ngoài con chim Hạc trắng rất to, còn nguyên hình bằng kỹ thuật ướp công phu, còn có nhiều hiện vật quý như đồ tế khí, chuông, trống, tượng voi đá phủ phục, tượng tướng quân đắp nổi, hoành phi, câu đối, án thư, cột lim, trụ biểu nhắc nhở hậu sinh nhớ ân đức An Dương Vương… Các công trình đều đồ sộ, vững chắc và thanh thoát nhờ kỹ thuật điêu khắc các chi tiết, hoa văn được đắp, chạm tinh tế. 
 
Đền Cuông gắn với lịch sử của buổi đầu dựng nước Việt Nam. Trong đó, là sự tích về An Dương Vương với câu chuyện nỏ thần của thần Kim Quy, với chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy. Qua nhiều thế kỷ, đền được kết dệt bằng tín ngưỡng dân gian với rất nhiều truyền thuyết thi vị và kỳ bí. Câu chuyện lịch sử về An Dương Vương và Mỵ Châu vẫn còn nguyên giá trị. Lễ hội Đền Cuông giờ đã được nâng lên một tầm mới, với những nghi thức và sự trang trọng không thua kém bất cứ lễ hội nào ở Việt Nam. Lễ hội Đền Cuông là sự kiện văn hóa đặc sắc của vùng đất rất giàu chất văn hóa dân gian. Vì vậy, di tích là nơi hội tụ của ý thức đoàn kết và tự hào về văn hóa người Việt.
 
MINH ĐẠO