Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng "Về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng" (sau đây gọi là Nghị quyết 07), đã khẳng định du lịch Lâm Đồng là ngành kinh tế động lực của tỉnh...
Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 16/11/2016 của Tỉnh ủy Lâm Đồng “Về phát triển du lịch chất lượng cao giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng” (sau đây gọi là Nghị quyết 07), đã khẳng định du lịch Lâm Đồng là ngành kinh tế động lực của tỉnh. Lượng khách, doanh thu xã hội từ hoạt động du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật và số lượng lao động trong ngành du lịch luôn có sự tăng trưởng… khẳng định vai trò, vị thế của ngành du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội. Du lịch cũng góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và giữ vững an ninh, quốc phòng…
|
Lợi thế về tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn giúp Lâm Đồng - Đà Lạt là điểm đến yêu thích của du khách. |
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch dịch vụ và thị trường du khách
Qua 4 năm thực hiện Nghị quyết 07, ngành Du lịch Lâm Đồng đạt được rất nhiều thành tựu, nổi bật là sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch dịch vụ. Bên cạnh việc khai thác các loại hình du lịch truyền thống của địa phương là du lịch sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch (Festival Hoa Đà Lạt, Tuần Văn hóa trà và tơ lụa Bảo Lộc, Mùa hội cỏ hồng Lạc Dương, Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc thiểu số, các chương trình nghệ thuật, hội chợ thương mại - du lịch,…); Lâm Đồng đã tập trung phát triển các loại hình du lịch mới là du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch canh nông…
Thông qua các đường bay quốc tế mới mở, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã xây dựng những chương trình tour - tuyến mới từ Đà Lạt đi Bangkok (Thái Lan), Jeju (Hàn Quốc), Kuala Lumpur (Malaysia); giai đoạn 2017 - 2019, Cảng Hàng không Liên Khương đón nhiều chuyến bay du lịch thuê chuyến (charter) đưa khách quốc tế đến Đà Lạt từ Singapore và một số địa phương của Trung Quốc, Hàn Quốc… Từ năm 2016 - 2020, các đơn vị kinh doanh lữ hành trên địa bàn tỉnh đã khảo sát và xây dựng hơn 200 chương trình du lịch nội tỉnh, nội địa và quốc tế đưa vào khai thác kinh doanh.
Việc đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch thể hiện vai trò quan trọng của doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực du lịch. Nhiều cơ sở kinh doanh khu - điểm du lịch, di tích - địa chỉ lịch sử - văn hóa được trùng tu, nâng cấp cơ sở vật chất, hoặc đầu tư mới với tổng số vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng. Nhiều dự án du lịch được đầu tư hoàn thiện, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch hiện đại và sang trọng, sản phẩm du lịch độc đáo, cơ bản đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách. Đến nay, toàn tỉnh có 143 dự án du lịch, dịch vụ với tổng vốn đăng ký khoảng 53.516,9 tỷ đồng, quy mô diện tích 12.770,8 ha.
Thời gian qua, ngành Du lịch cũng đã tổ chức các chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng với nhiều tỉnh, thành trong cả nước (Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; Hà Nội, Đắk Lắk, Gia Lai, Khánh Hòa; TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận; Kiên Giang; Đồng Nai; Quảng Bình, Nghệ An…), góp phần thúc đẩy hợp tác kinh doanh, đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, trao đổi khách, kết nối tour tuyến; chia sẻ kinh nghiệm quản lý du lịch, đào tạo nguồn nhân lực du lịch và phối hợp quảng bá du lịch chung… Các chương trình liên kết cũng góp phần thúc đẩy hình thành và phát triển các đường bay quốc tế và nội địa đến Sân bay Liên Khương từ một số thị trường quốc tế và nội địa tiềm năng.
Sau 4 năm thực hiện các chỉ tiêu của Nghị quyết 07, tỷ trọng ngành du lịch - dịch vụ trong GRDP toàn tỉnh đến cuối năm 2020 đạt 37,9%. Giai đoạn 2016 - 2019, lượt khách du lịch đến Đà Lạt - Lâm Đồng có mức tăng trưởng bình quân 8,9%; lượt khách qua lưu trú tăng trưởng bình quân 11,9%; khách quốc tế chiếm 10,1% trong tổng số khách qua lưu trú. Cũng trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu từ khách du lịch là 52.164 tỷ đồng, chiếm 2% doanh thu từ hoạt động du lịch của cả nước, số phòng lưu trú đạt chuẩn xếp hạng từ 3 - 5 sao chiếm 15,6% tổng số phòng; thời gian lưu trú bình quân là 2,1 ngày. Số lượng lao động trực tiếp phục vụ ngành du lịch khoảng 13.000 lao động; trong đó có 80% số lao động trực tiếp đã được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn và ngoại ngữ. |
Xây dựng môi trường du lịch bền vững
Từ năm 2018, Lâm Đồng triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh và tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư địa phương cũng xác định rõ hơn vai trò, vị trí của ngành du lịch; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong tổ chức, kinh doanh du lịch; tham gia quản lý, bảo vệ môi trường tự nhiên - xã hội trong hoạt động du lịch; sự gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực với du lịch ngày càng rõ nét.
Thành phố Đà Lạt và nhiều doanh nghiệp du lịch Lâm Đồng được cộng đồng quốc tế ghi nhận về công tác bảo vệ môi trường và phát triển du lịch của địa phương. Cụ thể, thành phố Đà Lạt được trao tặng giải thưởng “Thành phố bền vững về môi trường ASEAN lần thứ 4”, tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 14 tổ chức tại Vương quốc Brunei Darussalam, ngày 14/9/2017 và thành phố Đà Lạt là đại diện duy nhất của Việt Nam; giải thưởng “Thành phố du lịch sạch ASEAN 2018” được trao tặng ngày 26/1/2018, tại Diễn đàn Du lịch Đông Nam Á - ATF 2018 tổ chức tại Thái Lan.
Một số doanh nghiệp được nhận giải thưởng quốc tế quan trọng trong ngành du lịch: Khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Đà Lạt đạt giải thưởng Khách sạn Xanh ASEAN 2012, giải thưởng Tòa nhà năng lượng nhiệt đới ASEAN năm 2010; Khu nghỉ dưỡng Hoàng Anh Đất Xanh đạt danh hiệu Khách sạn xanh ASEAN giai đoạn 2016 - 2018. Trong năm 2019, tỉnh Lâm Đồng có 2 doanh nghiệp du lịch được trao tặng giải thưởng Du lịch Việt Nam năm 2019 là Khách sạn Dalat Palace vào TOP 10 khách sạn 5 sao tốt nhất và Khách sạn La Sapinette Đà Lạt vào TOP 10 khách sạn 4 sao tốt nhất; Khách sạn - Khu nghỉ dưỡng Terracotta Dalat đạt giải Khách sạn Xanh ASEAN lần thứ 7, giai đoạn 2020-2022.
Định kỳ hàng năm, UBND tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện các chính sách, pháp luật về du lịch, các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch về phát triển du lịch của Trung ương và địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cải thiện môi trường du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách, hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh du lịch phát triển đúng định hướng, đưa du lịch Lâm Đồng trở thành điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng”.
|
Nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đang thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và là ngành kinh tế động lực. |
Phát triển đồng bộ hạ tầng phục vụ du lịch, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Hạ tầng giao thông phát triển, tăng cường tính kết nối, rút ngắn thời gian lưu thông, tạo thuận lợi cho người dân và du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng. Năm 2019, hoạt động xe điện được tổ chức thí điểm tại thành phố Đà Lạt, góp phần đa dạng hóa các phương tiện lưu thông phục vụ du lịch. Giao thông hàng không đã kết nối với 9 địa phương trong nước (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vinh, Hải Phòng, Huế, Cần Thơ, Thanh Hóa, Phú Quốc) và nhiều tuyến bay quốc tế (2 tuyến bay quốc tế thường lệ Bangkok - Thái Lan, Kuala Lumpur - Malaysia và một số chuyến bay charter từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Campuchia...).
Toàn tỉnh hiện có 2.532 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó 457 khách sạn từ 1-5 sao (39 khách sạn cao cấp từ 3-5 sao); 49 đơn vị kinh doanh lữ hành - vận chuyển du lịch (34 doanh nghiệp lữ hành quốc tế); 36 khu, điểm tham quan du lịch, 33 điểm du lịch canh nông và 3 sân golf 18 lỗ được đầu tư, khai thác kinh doanh cùng với hơn 60 điểm tham quan khác. |
Nguồn nhân lực du lịch Lâm Đồng có sự phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, với 60% tổng số lao động trực tiếp phục vụ tại các cơ sở kinh doanh du lịch có độ tuổi từ 18 - 35. Toàn tỉnh có 2 trường đại học, 4 trường cao đẳng có chuyên ngành đào tạo du lịch, với chương trình giảng dạy đáp ứng được yêu cầu thực tiễn theo hướng chuẩn hóa và hiện đại, đã đào tạo, bồi dưỡng cho trên 4.000 sinh viên, học viên; hỗ trợ công tác tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực du lịch tại địa phương phù hợp với mục tiêu phát triển...
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, đánh giá những thành tựu của du lịch Lâm Đồng từ khi thực hiện Nghị quyết 07: Qua 4 năm triển khai Nghị quyết 07, ngành Du lịch Lâm Đồng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết; công tác quản lý nhà nước được chú trọng toàn diện, từ công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, hoàn thiện cơ chế, chính sách…; đến ưu đãi trong đầu tư và khuyến khích kinh doanh dịch vụ du lịch, đơn giản hóa thủ tục hành chính và tích cực tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, nâng cấp cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng khoa học - công nghệ…
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch và người dân địa phương ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí của ngành du lịch; chủ động xây dựng và hình thành các sản phẩm du lịch mới; tích cực bảo vệ môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong hoạt động du lịch. Hiệp hội Du lịch tỉnh chủ động phối hợp trong việc thực hiện các chương trình quảng bá, xúc tiến, tuyên truyền du lịch một cách thiết thực, hiệu quả…
Những nỗ lực của chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương đã góp phần đưa du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách và khẳng định du lịch là ngành kinh tế động lực của tỉnh Lâm Đồng.
LÊ HOA