Hoa phượng thường được biết đến bởi màu hoa "đỏ như lửa cháy" và gắn liền với tháng năm học trò háo hức vui mừng, xen lẫn bùi ngùi lưu luyến vào mỗi kỳ nghỉ hè...
Hoa phượng thường được biết đến bởi màu hoa “đỏ như lửa cháy” và gắn liền với tháng năm học trò háo hức vui mừng, xen lẫn bùi ngùi lưu luyến vào mỗi kỳ nghỉ hè. Nhưng, có một mùa hoa phượng chỉ nở ở Đà Lạt với màu hoa tím đằm thắm và dịu dàng, như góp phần tôn vinh vẻ đẹp tâm hồn của người phụ nữ mỗi dịp tháng 3 về.
Phượng tím (Jacaranda mimosifolia) là một loài thực vật thuộc họ Chùm ớt (Bignoniaceae), thân gỗ lớn (cao 10 - 15 m), có thể phát triển đến chiều cao lên tới 20 m, tán lá tỏa rộng (7 - 10 m) nhưng cành lá thưa, lá kép 2 lần, vào mùa nở hoa thì lá rụng dần. Hoa hình ống dài 4 - 5 cm, từng chùm hình chuông, cánh hoa mềm mại.
Phượng tím có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được du nhập vào Việt Nam năm 1962, được kỹ sư canh nông Lương Văn Sáu mang về trồng ở Đà Lạt. Đến những năm đầu thập niên 1990, ông Sáu nhân giống phượng tím thành công và cây phượng tím được trồng rất nhiều trên đường phố, công sở, trường học, nhà dân..., phát triển tốt do phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng Đà Lạt...
Sau 60 năm du nhập vào Việt Nam, cây phượng tím tạo nên hiện tượng thu hút du khách mỗi mùa hoa nở, bởi màu tím bâng khuâng của tiết trời tháng 3 trời trong và gió nhẹ, góp thêm phần lãng mạn cho mùa xuân trên thành phố mộng mơ vốn đang rực rỡ muôn sắc hoa. Ngay cả những cánh hoa tàn cũng làm ngơ ngẩn khách lãng du, tạo thêm vẻ duyên dáng cho miền đất lạnh.
Cây phượng tím đầu tiên được trồng ở Đà Lạt và là cây duy nhất còn sót lại từ đợt di thực của ông Lương Văn Sáu ở đường Nguyễn Thị Minh Khai - đoạn dẫn vào Chợ Đà Lạt, có hai nhánh cực lớn, tán xòe rộng, khỏe, thân có vảy xù xì, cành sum suê và hơi ngoằn ngoèo, chứ không thẳng như các cây được nhân giống, tạo nên vẻ đẹp “di sản” khác biệt và quý giá.
Đà Lạt đang vào mùa hoa phượng tím, thêm chút nắng lạnh chưa dứt của mùa xuân và những khung trời hoa mộng khác, vẫn là điểm đến du lịch hấp dẫn và an toàn nhất!
TIỂU VÂN