Đó là nhận định nhận được nhiều đồng tình tại Hội thảo về Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025...
Đó là nhận định nhận được nhiều đồng tình tại Hội thảo về Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, do Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức ngày 14/7/2021. Hội thảo do ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng chủ trì; với sự tham dự của 10 tỉnh, thành trong cả nước, cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đơn vị kinh doanh về du lịch nông thôn.
Du lịch nông thôn đóng góp đáng kể vào kinh tế nông thôn |
Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, du khách tham gia vào loại hình du lịch nông thôn, sinh thái chiếm khoảng 10% tổng lượng khách du lịch và cho doanh thu khoảng 30 tỉ USD/năm. Tỷ lệ này tăng hằng năm từ 10-30%, trong khi du lịch truyền thống chỉ tăng trung bình 4%/năm. Du lịch nông thôn khá đa dạng, nhưng tại Việt Nam, du lịch nông thôn được nhận định gồm 3 loại hình cơ bản là du lịch nông nghiệp/du lịch canh nông, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng, trong đó, trọng tâm là du lịch cộng đồng.
Tính đến nay, cả nước có trên 1.300 khu, điểm du lịch thuộc các địa phương quản lý, trong đó có khoảng 70% các điểm du lịch thuộc khu vực nông thôn. Theo thống kê sơ bộ từ báo cáo của 37 tỉnh, thành phố, nước ta đã có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn và có 365 điểm du lịch nông thôn. Tuy nhiên, các điểm du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp và mang tính tự phát.
Cho đến thời điểm này, Việt Nam chưa có chính sách tổng thể về phát triển du lịch nông thôn cấp quốc gia. Mỗi địa phương có những chính sách phát triển và hỗ trợ riêng, hầu hết các chính sách đang triển khai là lồng ghép vào các chương trình phát triển và chính sách đặc thù khác của địa phương. Một số tỉnh đã chủ động, sáng tạo xây dựng và thực hiện các đề án, kế hoạch, quy chế… phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp/du lịch canh nông, trong đó có tỉnh Lâm Đồng; một số địa phương có mô hình quản lý du lịch cộng đồng như: Quảng Trị, Đồng Tháp, Bến Tre...
Du lịch nông thôn còn là sự thả hồn nhẹ nhàng trong những không gian thanh bình ở miền quê |
Tổng nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch nông thôn cũng rất hạn chế, chủ yếu từ ngân sách nhà nước thông qua các dự án đầu tư công trình hạ tầng nông thôn như điện, đường, nước sạch..., phần lớn từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới. Sản phẩm du lịch nông thôn nhìn chung chưa đặc sắc. Đặc biệt, thị trường khách du lịch nông thôn còn nhiều hạn chế, chủ yếu vẫn là khách trong nước (nội địa) và khách tại chỗ (trong tỉnh). Một số trung tâm du lịch bước đầu có thêm du khách nước ngoài, nhưng số lượng còn ít như: Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Lào Cai, Quảng Ninh…
Nhiều ý kiến trong Hội thảo về Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 cho rằng, để phát triển du lịch nông thôn cần có chủ trương, cơ chế và chính sách đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Đó là, các chính sách về quản lý đất đai, hạ tầng, về quản lý du lịch nông thôn, hỗ trợ du lịch nông thôn, quản lý lưu trú, liên kết chuỗi giá trị du lịch nông thôn...
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng có đề xuất Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án phát triển du lịch nông thôn với các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn trong thời gian tới; góp phần đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu và chất lượng; nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; đồng thời, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại dịch vụ, tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn...
Kích thích trải nghiệm của du khách khi được tiếp cận các làng nghề |
Để quản lý du lịch nông thôn, cần hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về điểm du lịch cộng đồng, trang trại du lịch, du lịch nông nghiệp và tiêu chuẩn dịch vụ du lịch nông thôn; vận hành hệ thống công cụ đánh giá, kiểm soát chất lượng dịch vụ du lịch nông thôn. Theo ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Du lịch nông thôn là xu thế của thời đại. Việt Nam có điều kiện tự nhiên, bản sắc văn hóa để phát triển loại hình du lịch này. Vì vậy, Đề án cần làm rõ các khái niệm, bổ sung tiêu chuẩn du lịch nông thôn đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Sản phẩm du lịch nông thôn được xây dựng cũng cần đảm bảo 3 yếu tố: đa dạng, đặc sắc và gia tăng giá trị. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển, hình thành các sản phẩm du lịch đặc thù của mỗi địa phương; đổi mới sáng tạo cho điểm đến và kết hợp nông nghiệp trong du lịch nhằm quảng bá, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, phát triển du lịch nông thôn cần gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), quảng bá sản phẩm OCOP...
Mục tiêu cụ thể của Đề án Phát triển du lịch nông thôn là, đến năm 2025 hoàn thành quy hoạch mạng lưới điểm du lịch nông thôn, có ít nhất 200 dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên; trong đó, có ít nhất 10% sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn 5 sao và có ít nhất 50% làng nghề truyền thống tham gia vào chuỗi giá trị du lịch nông thôn…
Ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, dẫn câu chuyện thực tế tại Lâm Đồng khi xây dựng mô hình du lịch canh nông đã có rất nhiều vấn đề đặt ra; trong đó, có việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang các loại hình đất khác liên quan đến quy hoạch đất đai và các quy hoạch ngành của huyện, của tỉnh, của vùng...; đồng thời, phát triển du lịch nông thôn hiện còn thiếu cơ sở thực tế, trong khi mỗi địa phương, vùng, miền, khu vực lại có lợi thế, đặc điểm riêng...
Vì vậy, theo ông Đoàn Văn Việt, để phát triển du lịch nông thôn bền vững cần có những bước đi thận trọng, đánh giá cụ thể cho từng vùng miền; quy hoạch du lịch nông thôn cần được các địa phương xác định rõ và tích hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước; Đề án Phát triển du lịch nông thôn, cần có những khảo nghiệm chắc chắn, đi từng bước một, trước khi đưa ra những chính sách phù hợp...
NHẬT QUÂN