Khi tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, ngành dịch vụ, du lịch bắt đầu khôi phục lại hoạt động...
Khi tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, ngành dịch vụ, du lịch bắt đầu khôi phục lại hoạt động. Tuy nhiên, trải qua một thời gian khá dài không có du khách hoặc tạm ngưng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, du lịch đang lo lắng đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực khi du lịch được mở cửa.
|
Các đơn vị du lịch sẵn sàng khi du lịch tỉnh mở cửa. (Ảnh do KDL Langbiang cung cấp) |
•
CHUẨN BỊ SẴN SÀNG KHI DU LỊCH MỞ CỬA
Tỉnh Lâm Đồng bắt đầu mở cửa hoạt động trở lại ngành du lịch. Theo đó, các cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, khu du lịch và các hoạt động lữ hành, vận chuyển du lịch được hoạt động trở lại. Đây được xem là những tín hiệu vui khi ngành dịch vụ, du lịch gần như “đóng băng” hơn 4 tháng qua để tuân thủ các quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Tuy nhiên, do dịch bệnh kéo dài, các cơ sở dịch vụ, du lịch phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động; nhiều doanh nghiệp lữ hành phải cắt giảm lao động. Nhiều lao động thất nghiệp trong ngành đã tìm việc khác khiến doanh nghiệp lữ hành, khu du lịch, cơ sở dịch vụ, du lịch đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động khi hoạt động trở lại.
Ông Ngô Quang Vũ - Giám đốc Victory Dalat Hotel và là chủ của chuỗi nhà hàng, cà phê, bar... tại Đà Lạt cho biết, toàn bộ hệ thống dịch vụ ăn uống, giải trí, nghỉ dưỡng của công ty có khoảng 150 nhân viên, bao gồm lao động làm việc bán thời gian. Nhưng do dịch bệnh kéo dài, các hoạt động dịch vụ này gần như bị “tê liệt”, các khách sạn, nhà hàng, đều đóng cửa để phòng dịch, nhiều nhân viên mất việc và chuyển hướng nghề nghiệp, chỉ một số nhân viên được giữ lại để trông coi các cửa hàng. “Thời gian đầu, công ty cố gắng hỗ trợ nhân viên, nhưng do dịch bệnh kéo dài nên chỉ giúp đỡ được một phần” - ông Vũ cho hay.
Gần đây, khi du lịch Lâm Đồng mở cửa, công ty đã triển khai các kế hoạch kích cầu, quảng bá và ưu đãi khách hàng. Ngoài ra, các biện pháp phòng, chống dịch cũng được triển khai tại các nhà hàng, khách sạn. Song, theo ông Vũ, mặc dù đã chủ động thích ứng khởi động lại hoạt động dịch vụ, du lịch, nhưng công ty vẫn lo ngại về vấn đề người lao động. Khi mở cửa trở lại, thiếu hụt lao động là điều không thể tránh khỏi. Để đảm bảo hoạt động, công ty đang tăng cường tuyển dụng.
Ông Cil Khiốt - Phó Giám đốc Khu Du lịch (KDL) Langbiang cho biết, vì tình hình dịch COVID-19 phức tạp, từ ngày 1/6, KDL đã tạm ngưng hoạt động. KDL Langbiang có hơn 60 nhân viên làm việc, thời điểm đó, 19 nhân viên được KDL giữ lại để duy trì chăm sóc hoa, tiểu cảnh và giữ an ninh; các nhân viên còn lại tạm thời nghỉ việc hoặc tìm việc mới để duy trì cuộc sống.
Ông Cil Khiốt cho hay, KDL hiện tại không quá lo lắng cho vấn đề nhân lực khi nhân viên chủ yếu đều là người địa phương và đa phần đều đã được tiêm vắc xin phòng dịch mũi 1, một số còn lại đã đủ 2 mũi vắc xin. Điều lo ngại của KDL là khi mở cửa trở lại làm sao để thu hút được lượng khách lớn, do nhiều người vẫn còn e ngại đi du lịch trong tình hình này.
Theo ông Cil Khiốt, để giải quyết những vấn đề này, trước mắt, KDL sẽ sửa chữa, chỉnh trang lại diện mạo KDL, trồng thêm các tiểu cảnh và có thêm nhiều chương trình, hoạt động thu hút khách. Đặc biệt, để du khách có thể yên tâm, KDL sẽ đề ra các biện pháp phòng, chống dịch an toàn. “Ngành du lịch cần thời gian để từng bước phục hồi. Khi dịch bệnh được khống chế, toàn dân đều đã được tiêm vắc xin thì việc tổ chức hoạt động dịch vụ, du lịch sẽ yên tâm hơn”, ông Cil Khiốt chia sẻ.
Ngoài các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ - du lịch, các công ty du lịch lữ hành cũng bị ảnh hưởng lớn. Trong thời gian dịch bệnh, các công ty này đã phải cắt giảm và mất một lượng lớn lao động, việc thu hút lao động quay trở lại sẽ rất khó khăn. Để khôi phục hoạt động khi du lịch mở cửa, nhiều doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã tinh giản bộ máy, sắp xếp lại vị trí việc làm, cố gắng giữ lại những nhân sự cốt cán để giảm thời gian tìm kiếm, đào tạo lại.
• KHỞI ĐỘNG DU LỊCH XANH, AN TOÀN
Theo thống kê, tổng số lao động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh khoảng 13.000 người. Khi các hoạt động du lịch, dịch vụ “đóng băng”, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19; hơn 240 viên chức hoạt động nghệ thuật và người lao động là hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do dịch bệnh đã được hỗ trợ với tổng kinh phí hơn 900 triệu đồng.
Ngoài ra, Sở cũng đã điều chỉnh mức thu phí thẩm định trong lĩnh vực du lịch nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; phối hợp với Điện lực Lâm Đồng và các huyện, thành phố hướng dẫn, triển khai giảm giá điện, tiền điện cho các đơn vị kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch.
Từ đầu năm đến hết tháng 7/2021, Lâm Đồng đón khoảng 2 triệu lượt khách; từ tháng 8 do dịch diễn biến phức tạp, du khách đến tỉnh gần như không có. Để khôi phục lại du lịch với các điểm đến an toàn, các doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ, du lịch đảm bảo các tiêu chí an toàn, tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cũng chủ động phối hợp với ngành Y tế kiểm tra việc chấp hành các quy định trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các đơn vị kinh doanh du lịch. Sở cũng đã ưu tiên tiêm vắc xin cho các lao động hoạt động trong ngành dịch vụ, du lịch nhằm đảm bảo an toàn cho đội ngũ lao động cũng như khách du lịch.
Để kích cầu du lịch nội địa, ngoài hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm giúp các đơn vị kinh doanh du lịch trên địa bàn phục hồi và duy trì hoạt động kinh doanh trong tình hình mới, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cũng đã hướng dẫn doanh nghiệp điều chỉnh lại các hoạt động, nghiên cứu nhu cầu thị trường để có những sản phẩm du lịch phù hợp có chất lượng; tập trung xây dựng chiến lược thương hiệu và quảng bá, đảm bảo doanh nghiệp dịch vụ có đủ năng lực cung cấp dịch vụ trong môi trường phát triển mới; đồng thời đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong ngành Du lịch.
NHẬT QUỲNH