Khát vọng thủ phủ du lịch của cả nước

08:01, 01/01/2022
Đà Lạt đang đặt ra tham vọng rất lớn, tiến tới xây dựng thành phố trở thành thủ phủ du lịch của cả nước trong tương lai. Chính vì vậy mà cấu trúc phát triển không gian của Đà Lạt đang được quan tâm đầu tư, phát triển theo hướng tiếp tục mở rộng không gian đô thị, phát triển đô thị vệ tinh với hạ tầng đồng bộ, có tính kết nối cao nhằm giảm tải cho khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt. Trong khi đó, vẫn phải bảo tồn, cải tạo, chỉnh trang các biệt thự, công trình di sản.
 
Ngoại ô Đà Lạt
Ngoại ô Đà Lạt
 
•  ĐẦU TƯ MẠNH CHO KẾT CẤU HẠ TẦNG
 
Nghị quyết về phát triển thành phố Đà Lạt giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành vào cuối năm 2021, xác định tập trung đầu tư phát triển thành phố bắt đầu từ việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ; mở rộng không gian đô thị, quản lý tốt quy hoạch gắn với quản lý trật tự xây dựng, tiến tới chỉnh trang Đà Lạt trở thành đô thị hiện đại, thành phố sáng tạo, là trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế đặc sắc theo lộ trình phát triển từng giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 2021 - 2025, sẽ tập trung xây dựng Đà Lạt thành thành phố thông minh, phát triển toàn diện, bền vững hướng đến văn minh, hiện đại. Giai đoạn 2025 - 2030 sẽ là lộ trình xây dựng Đà Lạt thành thành phố tăng trưởng xanh, đô thị di sản; có hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; đặt mục tiêu người dân đạt mức thu nhập tiệm cận ngưỡng thu nhập cao. Và đến năm 2045, sẽ phát triển Đà Lạt thành thành phố du lịch, dịch vụ hiện đại; với hạ tầng hiện đại, thông minh gắn với nền kinh tế số, xã hội số và người dân có mức thu nhập cao. Tuy nhiên, quá trình phát triển, Đà Lạt sẽ không mở rộng ranh giới hành chính mà xác định những vùng đất tương đồng với Đà Lạt về mặt thổ nhưỡng, khí hậu, điều kiện phát triển kinh tế để mở rộng môi trường đầu tư cho Đà Lạt và vùng phụ cận. Đồng thời, tạo nên những đô thị vệ tinh hỗ trợ cho sự phát triển của Đà Lạt.
 
Nhìn lại năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng thành phố cũng đã cơ bản hoàn thành một số dự án hạ tầng giao thông quan trọng, như hoàn thành mở rộng các nút giao thông ở trung tâm thành phố, mở rộng và nâng cấp hệ thống hạ tầng ở khu vực hồ Xuân Hương, tỉnh cũng đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai có tổng vốn đầu tư 800 tỷ đồng, dài gần 7,5 km đi qua các Phường 3, 4, 5, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 6/2023; nhiều tuyến đường hẻm, đường nhánh nối liên kết các khu đô thị trong nội ô cũng đã được chỉnh trang, nâng cấp… Để nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch, xây dựng; thành phố thời gian qua cũng đã đưa vào vận hành dữ liệu của các phường, xã trên cổng thông tin điện tử; xây dựng cơ sở dữ liệu không gian theo mô hình tập trung nhằm nâng cao công tác quản lý quy hoạch và công bố thông tin dữ liệu cho người dân trên các lĩnh vực đất đai, quy hoạch kiến trúc xây dựng, dữ liệu giao thông, quy hoạch các khu đô thị; đã số hóa dữ liệu 97.751 thửa đất tại 12 phường; số hóa dữ liệu quy hoạch 11 phân khu và quy hoạch chi tiết trên địa bàn thành phố Đà Lạt đã được UBND tỉnh phê duyệt; số hóa dữ liệu giao thông các cung đường chính của thành phố và các tuyến hẻm… Hiện nay, thành phố cũng đang chuẩn bị khởi công nhiều công trình, dự án trọng điểm gồm hệ thống hạ tầng quanh hồ Xuân Hương, tuyến giao thông nối Lữ Gia đến thượng lưu hồ Xuân Hương, mở rộng Công viên Yersin, xây dựng hạ tầng thành phố thông minh, xây dựng Công viên Trần Quốc Toản. 
 
•   HƯỚNG ĐẾN “THÀNH PHỐ TRONG RỪNG, RỪNG TRONG THÀNH PHỐ” 
 
Không chỉ riêng lãnh đạo và Nhân dân thành phố Đà Lạt mà với vai trò là trung tâm văn hóa, chính trị của tỉnh, cả tỉnh đều mong muốn thành phố Đà Lạt sẽ phát triển hài hòa giữa yếu tố hiện đại, sáng tạo với bảo tồn, giữa văn hóa, du lịch với cảnh quan thiên nhiên đặc trưng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành nghị quyết để lãnh, chỉ đạo xây dựng Đà Lạt thành đô thị hiện đại, một trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, gắn với quy hoạch phát triển “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố”.
 
Đà Lạt đang đặt ra rất nhiều kế hoạch phát triển, song song với những kế hoạch đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, thành phố tập trung rà soát, điều chỉnh, xử lý các bất cập trong thực hiện quy hoạch tại Quyết định 704/QĐ-TTg, ngày 12/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ để phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tiếp theo. 
 
Theo đó, sẽ mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch được phê duyệt; xây dựng thành phố Đà Lạt thành đô thị hiện đại, thành phố sáng tạo, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa di sản mang tầm quốc tế gắn với quy hoạch phát triển “Thành phố trong rừng, rừng trong thành phố” trên cơ sở chỉnh trang, bảo tồn cảnh quan, kiến trúc và các di tích danh lam thắng cảnh, văn hóa…
 
Năm 2022, Đà Lạt cũng đề ra kế hoạch huy động nguồn lực, tập trung đầu tư hạ tầng đồng bộ, ưu tiên đầu tư đối với các dự án, công trình thiết yếu, quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục xây dựng các danh mục dự án kêu gọi đầu tư để thực hiện các dự án trên địa bàn thành phố. Rà soát, bổ sung quy hoạch ngành, lĩnh vực, không gian đô thị một cách đồng bộ, phù hợp, không để lạc hậu, chồng chéo trong quá trình phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, gắn với bảo đảm bền vững môi trường sinh thái. Trong kế hoạch đầu tư công năm 2022, thành phố Đà Lạt được bố trí 427 tỷ đồng để thực hiện 7 dự án chuyển tiếp, khởi công 9 công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, 1 công trình giáo dục, 5 công trình thủy lợi. Thành phố cũng công bố các quy hoạch, nhấn mạnh việc sử dụng đất hợp lý, phát triển hạ tầng đô thị hiện đại, thông minh, sinh thái; ưu tiên thu hút đầu tư xã hội hóa lĩnh vực y tế, giáo dục chất lượng cao, khu dân cư cao cấp, khu nghỉ dưỡng sinh thái hiện đại. Xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển đô thị Đà Lạt tăng trưởng xanh và bền vững; tổ chức thí điểm “làng đô thị xanh”, “nông nghiệp đô thị” gắn với phát triển du lịch, dịch vụ. Và, đang từng bước sắp xếp, quy định mật độ và các vùng được xây dựng nhà kính, nhà lưới nhằm đảm bảo cảnh quan đô thị. Đồng thời, tăng cường quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp, triển khai các giải pháp trồng rừng để nâng cao độ che phủ của rừng năm 2025 đạt 53%, bằng kế hoạch và hoàn thành vượt mức kế hoạch trồng 3,8 triệu cây xanh đến năm 2025.
 
Người Đà Lạt tự hào về thành phố của mình, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng trọn vẹn nhiệt huyết, cháy bỏng khát vọng xây dựng thành phố phát triển mạnh mẽ và bền vững, góp phần cùng đất nước đi lên, xứng đáng với niềm mến yêu của Nhân dân cả nước và bạn bè bốn phương. Và với những thành công bước đầu trong năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã thổi một luồng gió mới để Đà Lạt nỗ lực cho sự phát triển hơn trong thời gian đến. Từ những thành công bước đầu tạo đà, chúng ta hy vọng Đà Lạt sẽ từng bước trở thành một đô thị hiện đại, sáng tạo, là trung tâm văn hóa - kinh tế - xã hội của tỉnh, là thủ phủ du lịch của cả nước hướng đến trở thành một đô thị sinh thái, thông minh và đáng sống.
 
NGUYỄN NGHĨA