Du lịch gần gũi với thiên nhiên

07:04, 22/04/2022
(LĐ online) - Cứ vào mỗi dịp lễ, TP Đà Lạt đón hàng trăm ngàn lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, khiến một số khu vực trung tâm có thời điểm bị quá tải. Việc phát triển các loại hình du lịch trải nghiệm ở vùng ven sẽ giúp du khách được trở về với thiên nhiên, góp phần kéo giãn lượng khách ra xa các khu trung tâm.
 
Du khách hòa mình vào thiên nhiên khi trải nghiệm các sản phẩm du lịch sinh thái tại Thôn Lũng, TP Đà Lạt
Du khách hòa mình vào thiên nhiên khi trải nghiệm các sản phẩm du lịch sinh thái tại Thôn Lũng, TP Đà Lạt
 
•  TRẢI NGHIỆM Ở NGOẠI Ô
 
Khi đến với TP Đà Lạt, anh Nguyễn Anh Tuấn (du khách ở Đồng Nai) và nhóm bạn tình cờ biết đến khu cắm trại ngoài trời tại khu vực Sở Lăng (Phường 10, TP Đà Lạt). Anh Tuấn cho biết: “Trong khi mọi người phải chờ đợi sử dụng các dịch vụ trong thành phố thì gia đình tôi lựa chọn khu dã ngoại cách trung tâm gần 10 km. Trẻ con có thể nô đùa thoải mái với không gian cây cỏ, hoa lá; còn người lớn thì được thư giãn sau những ngày lao động vất vả”. 
 
Giống như gia đình anh Tuấn, dịp lễ này, nhiều du khách khác cũng lựa chọn trải nghiệm du lịch ở vùng ven, ngoại ô thay vì chen chân vào khu vực trung tâm bởi sự mới lạ trong trải nghiệm từng sản phẩm tại đây. 
 
Theo chân một nhóm bạn trẻ làm du lịch trải nghiệm tại Đà Lạt, chúng tôi gặp chị Trần Thị Thảo Uyên, quản lý Khu trải nghiệm Thôn Lũng (Phường 10, TP Đà Lạt). Chị Uyên cho biết: “Đến với khu vườn, du khách sẽ tạm gác lại công việc tất bật thường nhật để tập làm nông dân, lội suối, trồng rau, chăm gà... Tại đây, mọi người có thể ngủ ngon trong căn lều, nghe tiếng suối róc rách và tiếng rừng già xào xạc”. Thử trải nghiệm một ngày tại đây, chúng tôi cảm nhận được tình yêu thiên nhiên trong cách những bạn trẻ làm du lịch.
 
Khu vườn nằm cạnh bìa rừng rộng hơn 2 ha có điểm nhấn là căn nhà gỗ được dựng lại từ ngôi nhà cũ, vườn rau kết hợp thả gà khép kín, những khu đất trống thì trồng cỏ xanh tạo cảm giác gần gũi. Trên sườn đồi, những gốc cà phê, hồng ăn trái cũng được giữ lại, giới thiệu cho khách. 
 
“Chúng tôi kết nối với các hộ dân trồng rau, hoa, dâu tây quanh đây để khi khách có nhu cầu tìm hiểu chỉ bước chân qua suối là có thể tới tham quan. Vừa giúp mọi người trải nghiệm thêm vừa tạo ra sản phẩm níu chân du khách”, chị Thảo Uyên cho biết thêm.
 
•  CẦN ĐIỂM NHẤN ĐỂ HÚT KHÁCH
 
Tại Lâm Đồng, du lịch trải nghiệm gắn với thiên nhiên không phải loại hình mới. Từ nhiều năm trước, loại hình này đã có nhiều mô hình xây dựng tại Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đức Trọng… nhưng phần lớn du khách vẫn ưa thích và lựa chọn Đà Lạt và vùng ven bởi khí hậu mát lạnh quanh năm, ít nơi có được. 
 
Dù vậy, để tạo được sản phẩm thu hút và níu chân du khách thì cần nhiều yếu tố. Có mặt tại dãy nhà gỗ đơn sơ nằm lọt thỏm trong khu dân cư ở xã Đạ Nhim, huyện Lạc Dương, chúng tôi gặp hai bạn trẻ Huỳnh Như, Hoàng Đạo (du khách TP Hồ Chí Minh). Cả hai cho rằng, trải nghiệm du lịch không ở phố không nhất thiết phải là những khu du lịch xa trung tâm, hay vùng rộng lớn nào đó. Đôi khi đơn giản chỉ cần được hòa vào thiên nhiên, buổi sáng mở cửa bước ra vườn hái rau trải nghiệm là đủ.
 
Từng có nhiều năm đón khách vào ở tại gia đình rồi hướng dẫn đi tour trải nghiệm, anh Nguyễn Thư Bính, chủ cơ sở đón khách tại thôn Đạ Bla, xã Đạ Nhim, cho rằng: “Du khách khi rời xa thành phố, ban ngày có thể lang thang, tìm kiếm thông tin đời sống người dân bản địa hoặc đi quanh thôn, xóm mua thổ cẩm. Đến tối, từng nhóm nhỏ quây quần bên nhau nhâm nhi rượu cần với thịt nướng và có chỗ ngủ đảm bảo sạch sẽ, an toàn”.
 
Theo những người làm du lịch, điều quan trọng của du lịch trải nghiệm không nhất thiết phải thật to, thật rộng, quan trọng là gần gũi với thiên nhiên, người làm phải tâm huyết thì mới có thể gây dựng được những khu vực đón và giữ chân du khách. Nếu muốn đưa khách ra khỏi phố thì cần thiết phải có dịch vụ hỗ trợ như ăn uống, lưu trú. 
 
Có kinh nghiệm trong tổ chức tour trải nghiệm ngoài trời tại Đà Lạt, anh Đinh Trường Sinh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Du lịch DaLa, cho rằng: “Mang thiên nhiên tươi đẹp đến với du khách là cách phát triển du lịch bền vững không chỉ riêng tại Đà Lạt mà cả Việt Nam. Bản thân chúng tôi khi làm việc đều lấy thiên nhiên làm trọng tâm, lấy sự phát triển của người dân bản địa, bản sắc văn hóa địa phương và sự hài lòng của khách hàng làm tiêu chí kinh doanh”.
 
Dưới góc độ khác, ông Phạm Tiến Dũng - Giám đốc Khu du lịch sinh thái Cao nguyên hoa Đà Lạt, cho rằng: “Với lợi thế hiện hữu thì Đà Lạt có thể phát triển du lịch một cách đặc trưng, bền vững nếu tôn trọng không gian tự nhiên sẵn có thay vì ồ ạt đi sao chép những ý tưởng văn hóa, công trình nơi khác về”.
 
BÌNH AN