(LĐ online) - Khi đất nước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”, tôi chọn Pù Luông là điểm đến đầu tiên trong năm 2022 của mình, để tận mắt chứng kiến, những bản làng “thức giấc” giữa đại ngàn.
|
Những bản làng nép mình dưới chân núi ở Pù Luông |
Những người bạn xứ Thanh tư vấn rằng: “Pù Luông đẹp nhất vào tầm cuối tháng 5 đầu tháng 6, hoặc tháng 9, khi lúa đang độ chín vàng. Đến Pù Luông tầm ấy sẽ thấy các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi khoác lên màu vàng óng, tạo cho Pù Luông một vẻ đẹp trù phú và thơ mộng”, nhưng tôi chọn đến nơi này vào những ngày cuối tháng 4 để đắm chìm trong màu xanh, tìm những phút giây yên lành, sống chậm giữa hương rừng và khí núi.
Từ Đà Lạt đã có đường bay ra Thanh Hoá nên chặng đường của tôi vì thế mà gần hơn.
Nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa chưa đầy 130 km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 190 km, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa. Qua những đoạn đường uốn lượn quanh triền núi nhấp nhô, Pù Luông hiện ra với những thung lũng, bản làng, những mái nhà sàn, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn như sóng.
Pù Luông được thành lập năm 1999, với diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái. Nơi đây có hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất ở miền Bắc nước ta, với những cánh rừng nguyên sinh hàng nghìn năm tuổi.
|
Những khu nghĩ dưỡng tôn trọng nét đặc trưng của cảnh quan ở Pù Luông |
Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng. Pù Luông được đánh giá là khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái. Rừng ở khu vực Pù Luông đóng vai trò quan trọng trong việc phòng hộ đầu nguồn sông Mã ở tỉnh Thanh Hóa.
Pù Luông nghe tên thật xa, nhưng từ nơi đây có thể dễ dàng đến với các điểm du lịch nổi tiếng như Làng Lác (Mai Châu), suối Cá Thần (Cẩm Lương, Cẩm Thủy, Thanh Hóa), rừng Cúc Phương (Ninh Bình), Di sản văn hóa Thành nhà Hồ (Thanh Hóa)… một vòng du lịch khép kín để thoả sức chọn lựa.
Tôi thức giấc ở Pù Luông trong tiếng suối róc rách, trong cái lạnh se se của núi rừng buổi sớm mai, trong làn sương mỏng còn luẩn quẩn dưới những tán cọ, trong tĩnh lặng của núi rừng đại ngàn và những áng mây bồng bềnh đầy mê hoặc. Tất cả vẻ bình yên đến nhẹ lòng.
Bữa sáng ngọt lành với cơm chiên từ gạo được gieo trồng trên những cánh ruộng bậc của người Thái đã cho tôi đủ sức đi tới những bản làng, thung lũng của Pù Luông.
Có người nói rằng “muốn biết đời sống ở một vùng quê nào đó ra sao thì hãy ra ngắm chợ. Chợ là hồn của quê” và tôi ghé chợ phiên Phố Đoàn. Phiên chợ nhỏ của xã Lũng Niêm họp vào sáng thứ 5 và chủ nhật. Chợ nhỏ thôi, là nơi mua bán, trao đổi những sản vật của bà con ở các làng, bản trong vùng Pù Luông từ rau củ, quả, bánh trái, các giống vật nuôi cho đến vải vóc thổ cẩm.
Người Pù Luông chân chất hiền lành nên việc mua bán cũng vì vậy mà vui thật nhiều. Đây cũng là nơi người Thái, Mường, Kinh gặp gỡ và giao lưu văn hoá. Từ chợ Phố Đoàn, tôi mang về cho mình hạt mắc khén, để lúc trở về ướp món thịt nướng, để mang hương vị của những bản làng phía Bắc vào nhà.
Rời chợ phiên, tôi lần lượt đến với thác Hiêu, xã Cổ Lũng. Hiêu trong tiếng Thái có nghĩa là mỏm đất chênh vênh, nhô ra. Thác bắt nguồn từ một hang đá thuộc dãy núi đá vôi Pù Luông với chiều dài hơn 800 m, dòng thác quanh năm tuôn nước trắng xóa.
Hơn 100 nóc nhà sàn của bà con người Thái sống dọc quanh thác và hình thành bản Hiêu. Người bản Hiêu bảo rằng đến thác Hiêu mùa nào cũng đẹp. Dòng nước trong vắt, mát rượi vào mùa Hè và ấm áp vào mùa Đông. Những ngày không bão tố, dòng suối hiền hòa, mặt nước trong xanh. Nơi thấp tiếng nước chảy nhẹ nhàng róc rách. Nơi cao tiếng nước trút ầm ào. Người già ở Bản Hiêu nói với du khách rằng “mình không xa bản được vì nhớ tiếng nước chảy. Không nghe tiếng thác Hiêu, người bản Hiêu không thể nào ngủ được”.
|
Du khách đắm mình trong dòng nước mát lạnh của thác Hiêu |
Ghé bản Chiềng Lau thăm những cọn nước (guồng nước) – nét đặc trưng của người dân tộc Thái và chèo bè tre trên dòng sông Chăm Địa. Tới thung lũng Kho Mường xem bản làng với hơn 60 nóc nhà của người Thái. Những ngôi nhà sàn lợp mái cọ nằm sát chân núi bên những ruộng lúa, nương ngô, nương sắn. Bao quanh Kho Mường là một màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng già nguyên sinh hoang sơ. Tất cả hiện lên như một bức tranh của chốn “bồng lai tiên cảnh”. Rồi ghé thung lũng bản Ươi ngắm ruộng bậc thang, đến thung lũng bản Lặn xem nghề dệt thổ cẩm và đi lên ba bản Son - Bá - Mười để thấy những nét văn hoá đặc trưng của người Thái ở xứ Thanh.
Pù Luông đang dần thức giấc giữa đại ngàn. Pù Luông không chỉ có vẻ đẹp huyền ảo của thiên nhiên, những nét văn hoá đặc trưng của bà con người Thái, nơi đây còn có các homestay, những nhà nghỉ sinh thái và các cơ sở nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 3 sao. Pù Luông hiện có 48 cơ sở lưu trú; trong đó, có 45 nhà nghỉ sinh thái cộng đồng và 2 cơ sở nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đặc biệt, Pù Luông có những cơ sở lưu trú cao cấp như Jungle Loge Puluong, Puluong Retreat, Eco Garden và đang triển khai nhiều dự án du lịch nghỉ dưỡng quy mô lớn.
|
Bà con người Thái ở Pù Luông làm du lịch cộng đồng |
Việt Anh – Chàng trai thủ đô 33 tuổi, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành du lịch từ Singapore trở về đã chọn Pù Luông làm nơi xây dựng những ước mơ của mình với ngành du lịch từ hơn hai năm qua. Cái tên Jungle Loge Puluong với ý nghĩa ngôi nhà nhỏ giữa rừng Pù Luông đã khái quát gần như đầy đủ hướng đi của Việt Anh. Bao quanh khu du lịch là rừng cọ và ruộng bậc thang. Không tác động vào bất cứ những gì của địa hình, tự nhiên, những khu nhà nghỉ nhỏ bằng gỗ với đầy đủ tiện nghi được dựng lên men theo các triền núi thấp. Đường nội bộ kết nối giữa các khu nhà được rải đá cuội, hệ thống đèn đường được đặt trong những trụ gỗ nhỏ để giữ lại vẻ nguyên sơ nhất những gì của tự nhiên. Ngay bên dòng suối nhỏ, ông chủ trẻ đã đầu tư xây dựng bể bơi vô cực với dòng nước trong lành và khung cảnh mênh mang giữa bốn bề rừng núi.
Việt Anh chia sẻ, “đẹp nhất của Pù Luông là cảnh quan, khí hậu và bản sắc văn hoá của người Thái. Đó là lý do mà Jungle Loge Puluong được dựng lên với phương châm giữ lại tất cả những gì của tự nhiên và đội ngũ nhân viên đều là bà con người bản địa”.
Ngoài làm việc trong các khu du lịch, người Thái ở Pù Luông còn tham gia làm du lịch cộng đồng.
Thiên nhiên ưu đãi là điều kiện cần và sự chung tay của người dân là điều kiện đủ, là cơ sở quan trọng, là “đường băng” để tin rằng du lịch Pù Luông sẽ “cất cánh”.
NGỌC NGÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin