Khoa Du lịch, Trường Đại học Đà Lạt tiền thân là Ban Du Lịch được thành lập và tổ chức đào tạo từ năm 2002, trở thành một trong 3 cơ sở đào tạo nghề du lịch chính qui đầu tiên trong hệ thống cơ sở đào tạo công lập ở Việt Nam. Sau 20 năm hình thành và phát triển, Khoa Du lịch, Trường Đại học Đà Lạt đã đào tạo và cung ứng hơn 6.000 lao động chất lượng cao cho địa phương và cả nước với nhiều hệ đào tạo và hình thức đào tạo khác nhau.
Sinh viên Khoa Du lịch được thực hành kỹ năng tại chính các cơ sở dịch vụ chuyên ngành (nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch...). |
Khoa Du lịch hình thành có sự đóng góp từ quá trình hợp tác và liên kết đào tạo của Đại học Quebec (Canada), Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng như TP Hồ Chí Minh. Từ năm 2014 đến nay, Khoa Du lịch là một trong những khoa lớn và quan trọng bậc nhất của Trường Đại học (ĐH) Đà Lạt, là đơn vị đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao lớn nhất Lâm Đồng cũng như khu vực Tây Nguyên, luôn có điểm tuyển sinh cao nhất Trường ĐH Đà Lạt và đứng top 3 về chỉ tiêu tuyển sinh.
Khoa Du lịch đang có đội ngũ cán bộ giảng dạy, nghiên cứu trẻ, năng động, sáng tạo và không ngừng nâng cao trình độ, với 20 giảng viên chính thức và chuyên viên (6 tiến sĩ, 12 thạc sĩ và nghiên cứu sinh) và 11 giảng viên mời giảng có trình độ sau đại học từ các cơ sở đào tạo du lịch uy tín trong và ngoài nước, như: Canada, Pháp, Nga, Đức, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Úc; ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, ĐH Khoa học - Xã hội và Nhân văn Hà Nội, Trường Du lịch Huế, ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh, ĐH Ngoại thương TP Hồ Chí Minh...
Cán bộ giảng dạy của Khoa Du lịch tham gia và là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có ứng dụng thực tiễn cao cho sự phát triển du lịch địa phương và vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Khoa đã có các công trình khoa học cấp bộ, cấp tỉnh, cấp trường trọng điểm và công trình nghiên cứu theo dạng đặt hàng của doanh nghiệp đều các năm, có nhiều bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước.
Hiện tại, Khoa Du lịch có các hình thức đào tạo: Chính quy tập trung (4 năm), Vừa học vừa làm (4 năm), Văn bằng 2 (2 năm), Liên thông ĐH (2,5 năm). Trong đó, Chính quy tập trung là hình thức đào tạo chính, hằng năm tuyển sinh trên 250 sinh viên chuyên ngành Quản trị dịch vụ Du lịch và Lữ hành; 2 chuyên ngành hẹp là Quản trị Khách sạn - Nhà hàng và Quản trị Lữ hành.
Thầy Cao Thế Anh - Phó Trưởng Khoa Du lịch cho biết: Chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra CDIO (Chương trình đào tạo tích hợp rèn luyện kỹ năng), hệ cử nhân Chính quy tập trung cần tích lũy 131 tín chỉ, trong đó 39 tín chỉ tự chọn với khung lựa chọn khá rộng, hướng đến nhu cầu đa dạng của thị trường lao động cũng như chọn nghề. Với chương trình đào tạo mở, nhiều nội dung thực hành, linh hoạt hướng đến ứng dụng thực tiễn nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và thích nghi với môi trường làm việc đa dạng của xã hội. Hầu hết sinh viên tốt nghiệp có công việc ổn định, đúng chuyên ngành.
Sinh viên được đào tạo nắm vững lý thuyết và kỹ năng nghiệp vụ, có khả năng hành nghề, tác nghiệp, thiết lập, vận hành, quản lý các cơ sở kinh doanh du lịch; có khả năng nghiên cứu, dự báo và phân tích được các vấn đề trong ngành kinh tế dịch vụ du lịch với các chuyên môn sâu của quản trị khách sạn nhà hàng, quản trị lữ hành, tổ chức sự kiện; có kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, giao tiếp, làm việc nhóm, nghiên cứu khoa học, thích ứng với các biến động xã hội về kinh tế dịch vụ...
Từ đó, sinh viên Khoa Du lịch có nhiều cơ hội lựa chọn nghề nghiệp, việc làm có mức đãi ngộ và môi trường làm việc tốt trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, như làm việc ở các doanh nghiệp kinh doanh du lịch (Lữ hành, Khách sạn, Nhà hàng, Vận tải, Khu nghỉ mát, Khu/điểm du lịch, Đại lý du lịch...); trong các tổ chức nghiên cứu và phát triển du lịch, văn hóa du lịch, quản lý du lịch trong và ngoài nước; cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, văn hóa (từ Trung ương đến địa phương); viện nghiên cứu và cơ sở đào tạo du lịch, quản lý du lịch; cũng như tất cả những ngành nghề, công việc nào có tính chất dịch vụ trong xã hội...
NHẬT QUÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin