(LĐ online) - Nằm cách Hà Nội 60 km về phía Tây Bắc, dãy núi Ba Vì được ví là “Đà Lạt thu nhỏ” bởi không khí mát mẻ, không gian xanh thơ mộng ẩn chứa những điều kỳ bí với đèo dốc quanh co, rừng thông lãng đãng sương chiều và đặc biệt là khu nghỉ dưỡng đậm chất Pháp ẩn hiện dưới tán cây rừng ở độ cao 600 m.
|
Khu nghỉ dưỡng Ba Vì đã dành nhiều giải quốc tế |
KHU NGHỈ DƯỠNG BA VÌ ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
Việc xây dựng các khu nghỉ dưỡng trên cao tại Đông Dương được đặt ra vào năm 1897. Đây là ý tưởng của ông Paul Doumer, Toàn quyền Đông Dương (1897 -1902). Đến Việt Nam ngày 13/2/1897 sau hơn 20 ngày lênh đênh trên biển, Paul Doumer ngán ngẩm khi phải đối mặt với thời tiết mùa hè oi nóng của xứ sở nhiệt đới. Chỉ sau vài tháng ở Việt Nam, trong đầu vị Toàn quyền Đông Dương luôn tồn tại câu hỏi làm sao để người châu Âu có thể sống được ở đất nước nhiệt đới này khi mà điều kiện khí hậu ở Pháp và Việt Nam rất khác biệt. Theo đó, các địa điểm xây dựng khu nghỉ dưỡng cần một độ cao đáng kể để có được không khí trong lành, nhiệt độ mát mẻ. Tiêu chuẩn đặt ra cho các khu nghỉ dưỡng là có độ cao tối thiểu 1.200 m, có nguồn nước dồi dào, có đất canh tác, có khả năng xây dựng đường giao thông dễ dàng. Căn cứ tiêu chuẩn này, Ba Vì lúc đó chưa lọt vào tầm ngắm.
Cho đến năm 1920, người Pháp mới bắt dầu chú ý đến dãy núi Ba Vì. Với tính cách lãng mạn nhưng cũng không kém phần thực dụng của người Pháp, lý do khiến Ba Vì lọt vào tầm ngắm để xây dựng khu nghỉ mát không gì khác chính là vị trí đắc địa của dãy núi này. Cách trung tâm Hà Nội khoảng 60 km về phía Tây, Ba Vì là dãy núi đá vôi trải trên phạm vi rộng chừng 5.000 ha ở hai huyện Ba Vì và Thạch Thất (Hà Nội) và TP Hòa Bình (Hòa Bình). Vị trí của dãy núi Ba Vì có ý nghĩa quan trọng trong tâm linh của người Việt. Trên Ba Vì có nhiều ngọn núi nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên cao 1.281 m. Bao quanh dãy núi Ba Vì có nhiều hồ, đầm, suối và những cánh rừng nguyên sinh với thảm động vật phong phú.
Không ẩm ướt như Tam Đảo nhưng từ độ cao 300 m trở lên, núi Ba Vì thường xuyên được bao bọc bởi lớp sương mỏng như khói.
Ngôi biệt thự nghỉ dưỡng đầu tiên được xây dựng trên núi Ba Vì, ở độ cao 400 m là của điền chủ Marius Borel. Marius Borel sở hữu 13 đồn điền trồng trọt và chăn nuôi ở khu vực Sơn Tây, trong số này đồn điền nằm sát chân núi Ba Vì được xếp vào hạng “kiểu mẫu” hay còn có một cái tên khác là “đồn điền cà phê lộng lẫy”, thuộc diện đẹp nhất ở Bắc Kỳ.
Ngày 26/10/1922, Toàn quyền Đông Dương Francois Marius Baudou đã đến thăm đồn điền cà phê lộng lẫy của Marius Boriel. Sau chuyến viếng thăm của vị đứng đầu Đông Dương, đồn điền cà phê đón nhiều vị khách đặc biệt đến thăm quan như Hoàng tử Nhật Bản Yamagata và các thành viên phái bộ.
Bất cứa ai đến thăm quan vườn cà phê của Marius Boriel đều bày tỏ sự khâm phục đối với khả năng làm vườn và tầm nhìn kinh tế của vị điền chủ này. Ông đã tận dụng sức mạnh của du lịch để nâng cao vị thế của chính mình và ngôi biệt thự nghỉ dưỡng đầu tiên thuộc sở hữu của ông trên núi Ba Vì cũng thu hút sự tò mò của chính quyền thực dân ở Bắc Kỳ thời điểm đó.
|
Những con dốc và đồi thông trên đường lên khu nghỉ dưỡng điểm cao 400, 600 ở Ba Vì gợi nhớ không gian Đà Lạt |
Ngôi biệt thư được xây dựng trên khu đất rộng 15 ha thuộc vị trí đắc địa của điểm cao 400 m. Đến năm 1935, có thêm biệt thự của bác sĩ Joyeux. Đến năm 1939, tại điểm cao 400 đã hình thành một trạm nghỉ mát nhỏ gồm 1 khách sạn 12 phòng và 12 biệt thự. Các khách sạn này được bố trí trên những chòm núi thông thoáng gió, nơi luôn có sương mù, về đêm nhiệt độ xuống thấp, dễ chịu, tạo cho con người luôn thư thái và chìm sâu vào giấc ngủ.
Để tránh việc xây dựng tràn lan phá vỡ cảnh quan, môi trường trên núi, một dự án phân giới trạm nghỉ dưỡng núi Ba Vì được thiết lập. Tổng diện tích đất quy hoạch khu nghỉ dưỡng cốt 400 rộng 196 ha (theo Nghị định số 6139-A ngày 28/11/1939 của Thống sứ Bắc Kỳ).
Từ cuối năm 1941, chính quyền thực dân đã cử các đoàn công tác đến Ba Vì khảo sát, đánh giá lại hiện trạng các khu nghỉ dưỡng nhỏ đang khai thác, vẽ bản đồ, xây dựng quy hoạch chi tiết điểm cao này. Năm 1942, con đường từ chân núi lên điểm cao 400 được đầu tư kinh phí mở rộng. Điểm cao 400 cũng được cung cấp điện chiếu sáng, thiết lập đường dây điện thoại nối Ba Vì với trung tâm hành chính Sơn Tây. Ngoài các biệt thự nghỉ dưỡng, một số khách sạn quy mô nhỏ và công trình dân sinh được đầu tư xây dựng như: Nhà trẻ, trạm y tế, sân quần vợt, cửa hàng bán nhu yếu phẩm…
Nếu như khu nghỉ dưỡng điểm cao 400 là khu nghỉ dưỡng có sự tham gia của các đối tượng dân sự thì khu nghỉ điểm cao 600 là “đặc quyền” của quân đội. Việc xây dựng khu nghỉ dưỡng ở điểm cao 600 đã được người Pháp đề cập đến từ năm 1923 khi cử đến đây một nhân viên trắc địa người Pháp thực hiện bản đồ phân giới khu nghỉ dưỡng nhưng do khó khăn về tìm nguồn nước và một số nguyên nhân khách quan khác nên ý tưởng này bị gác lại. Năm 1936, kế hoạch này được xới lại.
Bác sĩ Gravelat, Giám đốc Cơ quan Y tế Quân đội thuộc Tập đoàn Quân sự Đông Dương được cử đến núi Ba Vì để khảo sát các điều kiện về khí hậu, môi trường đáp ứng việc xây dựng khu nghỉ mát. Người dẫn đường là bác sĩ Yoyeux.
Trong báo cáo sau chuyến đi, ông Gravelat viết với sự hào hứng: “Núi Ba Vì có khí hậu mát mẻ, mùa hè luôn có gió lưu thông, tối và đêm nhiệt độ giảm 4 - 5 độ. Không khí ở đây khiến con người cảm thấy khỏe khoắn… Có thể khẳng định điểm cao 600 trên núi Ba Vì có những lợi thế về khí hậu và các điều kiện cần thiết để xây dựng khu nghỉ mát cho quân đội”.
Căn cứ vào báo cáo của Gravelat, Thiếu tướng Buhrer, Chỉ huy cao cấp quân đội thuộc Tập đoàn quân sự Đông Dương đã quyết định chọn điểm cao 600 để xây dựng khu nghỉ mát quân sự. Ông thông báo với Thống sứ quyết định vào tháng 2/1937.
Một đại đội lính lê dương đã được điều đến điểm cao 400 để triển khai việc làm đường. Song song với việc làm đường, phía quân đội cũng triển khai các kế hoạch xúc tiến xây dựng Trung tâm quân sự và Khu nghỉ mát tại điểm cao 600. Tháng 10/1942, quân đội Pháp khởi công xây dựng các công trình tại điểm cao 600 trên vị trí mỏm núi phía Bắc.
Do kinh phí thấp, việc cung cấp và vận chuyển nguyên vật liệu từ nơi khác đến cũng không thuận lợi nên người Pháp phải điều chỉnh quy mô khu nghỉ dưỡng. Từ thiết kế xa hoa ban đầu, các bản thiết kế biệt thự và khách sạn nghỉ dưỡng tại điểm cao 600 sau này đã được điều chỉnh quy mô đầu tư bằng việc thay thế nguồn vật liệu và tận dụng nguyên vật liệu tại chỗ.
Trung uý Jacques de Monpezat, con trai của Hầu tước nổi tiếng Henri de Monpezat (1968 - 1929) được giao giám sát xây dựng khu biệt thự của Quân đoàn. Trong lúc làm việc, Jacques de Monpezat đã sảy chân, rơi xuống khe núi. Jacques de Monpezat được đưa đến bệnh viện Lannessan điều trị với cái chân bị gẫy. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng sau hơn một năm xây dựng, phần lớn các công trình trong quy hoạch tại điểm cao 600 đã hoàn thiện.
Các biệt thự được bố trí trên các chỏm đồi thoáng đãng, hoặc nằm nép vào sườn đồi, ẩn mình dưới những tán cây. Dù ở vị trí nào, các biệt thư cũng thuận tiện đón gió trời và có tầm nhìn hướng đến các thung lũng phía dưới, hoặc các đỉnh núi bí ẩn phía trên.
Được đánh giá cao hơn điểm cao 400 và 600 vì độ cao lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng, điểm cao 1.000 m là khu nghỉ dưỡng cao cấp trong mơ của người Pháp giai đoạn đó. Khu nghỉ mát này được quy hoạch năm 1943 theo Nghị định số 2815 ngày 5/4/1943 của Toàn quyền Đông Dương. Tuy nhiên, cho đến giữa năm 1943, việc xây dựng khu nghỉ mát tại điểm cao 1.000 vẫn trong tình trạng “án binh bất động”.
Một trong những lý do khiến dự án này khởi công chậm trễ là do không thu xếp được vốn. Đặt nhiều kỳ vọng vào quy hoạch khu nghỉ mát điểm cao 1.000 và đã rất nỗ lực để biến “giấc mơ” thành hiện thực nhưng cho đến cuối năm 1944, phần lớn các công trình trong quy hoạch tại độ cao này vẫn nằm trên giấy. Một số công trình mới khởi công đã dừng lại vô thời hạn. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp tại Việt Nam. Dự án xây dựng khu nghỉ mát mới tại điểm cao 1.000 chính thức khép lại.
|
Phế tích các toà nhà ở điểm cao 600 |
ĐẾN BA VÌ ĐỂ GỢI NHỚ VỀ ĐÀ LẠT
Không phải vô cớ khi nói đến Ba Vì để gợi nhớ về Đà Lạt. So với 90 năm trước, dãy núi Ba Vì bây giờ đẹp hơn nhưng vẫn giữ được sự hoang sơ và bí ẩn. Năm 1936, khi người Pháp lập quy hoạch khu nghỉ mát tại điểm cao 600, khu vực này và các dãy núi ngang còn rất ít rừng, cỏ tranh mọc lút đầu. Ở cao độ 400, rừng bị chặt phá gần hết. Cỏ tranh, lau lách chen nhau mọc.
Giờ đây rừng đã phủ kín các dãy núi. Các quy định bảo tồn rừng tại núi Ba Vì được người Pháp đưa ra năm 1932 đã cứu những cánh rừng trên cao. Tại các dãy núi ngang, số cây rừng chưa bị chặt phá hơn 80 năm trước cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Rừng được trồng lại ở nhiều khu vực. Sức sống đại ngàn quay trở lại dãy núi này mang theo những bí ẩn của ký ức.
Khu nghỉ mát điểm cao 400 ngày xưa giờ nhộn nhịp hơn với khu nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí… Các phế tích thời Pháp gần như biến mất tại điểm cao này. Ở khu vực trung tâm, sát đường giao thông chỉ còn dấu tích móng một số công trình sót lại. Các công trình này có diện tích nhỏ, tương ứng với các cửa hàng kinh doanh phục vụ khu nghỉ mát thời đó.
Điểm cao 600 vốn được coi là “đặc khu quân sự” của Pháp giờ đẹp như thơ với sự xuất hiện của Le Mont BaVi Resort & Spa. Khu nghỉ dưỡng này nằm trọn trong khu nghỉ mát quân sự của Pháp hơn 80 năm trước. Tại đây, phế tích các công trình do Pháp xây dựng còn lại khá nhiều. Mở cửa thấy phế tích, ra đường chạm phế tích, trải nghiệm cuộc sống nghỉ dưỡng quý tộc trên nền phế tích…
Quá khứ và hiện tại như đan hòa, quyện lẫn với nhau tại điểm cao này. Những công trình mới của khu nghĩ dưỡng được đặt lại trên chính nền một số biệt thự nghỉ dưỡng của Pháp trước đây. Tận dụng móng công trình, tận dụng những bức tường đá dày 50 cm, cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn cố tình khoe ra quy hoạch bài bản mang dấu ấn Pháp, hầu hết các công trình trong khu nghỉ dưỡng này nép mình một cách khiêm nhường vào thiên nhiên.
Khu khách sạn với 2 hotel gồm 35 phòng ngủ cao cấp nằm gần khu trung tâm, thiết kế thân thiện môi trường, gợi cảm giác về những ngôi nhà sàn trên núi. Mở cửa là đón sương, là chạm mắt vào màu xanh của cây lá, là chim ríu ran ùa vào phòng. Về đêm, đứng ngoài ban công khách sạn, sương theo gió xô vào người ma mị, mời gọi khám phá những bí ẩn của rừng núi.
Khu Bungalow được thiết kế theo phong cách biệt thự với 12 phòng ngủ và khu vila 8 phòng ngủ đều “trốn” vào thiên nhiên một cách ngọt ngào. Mở cửa thấy thung lũng, xòe tay chạm lá rừng, rồi sương, rồi nắng quyện hòa trong màu của xưa cũ được các nhà thiết kế tận dụng và tạo dựng để đem đến cho du khách cảm giác sống giữa thiên nhiên và đọc lại quá khứ qua từng dấu tích đang hiện hữu.
Nhiều phế tích là những tòa nhà lớn được giữ lại và bảo vệ bằng các biện pháp chống sụt, đổ. Những phế tích còn lại tại điểm cao này cho thấy sự bài bản đầy tính toán của của người Pháp khi quy hoạch khu nghỉ mát điểm cao 600. Đẹp, không phô trương, tận dụng tối đa thiên nhiên sẵn có để tạo nên môi trường nghỉ dưỡng là những ưu điểm “nét căng” của người Pháp đang được những người làm du lịch “vẽ lại”, tái hiện một phần giấc mơ xưa.
CHU THU HẰNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin