Đơn Dương - huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng, là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng; không chỉ bởi điều kiện thuận lợi về hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối các tuyến giao thông nội tỉnh, liên tỉnh, khí hậu ôn hòa quanh năm; đây còn là vùng chuyên canh rau lớn nhất tỉnh. Đơn Dương cũng là vùng đất giàu bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên như K’Ho, Churu, Cil, Rắc Lây... Đặc biệt, Đơn Dương là địa phương duy nhất của tỉnh Lâm Đồng còn lưu giữ các nghề thủ công truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Churu...
|
Đồng bào Churu ở Đơn Dương còn lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống tiêu biểu |
Đơn Dương có diện tích đất tự nhiên trên 60.000 ha, với gần 17.000 ha là đất sản xuất nông nghiệp, 38.000 ha là đất lâm nghiệp. Dân số toàn huyện khoảng 100.000 người với trên 30% là đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên gồm có các dân tộc K’Ho, Churu, Cil, Rắc Lây... phân bổ đều khắp ở các xã, thị trấn, nhưng chủ yếu là các xã phía Nam sông Đa Nhim - nơi chứa đựng nhiều bí ẩn của vương quốc Champa. Huyện Đơn Dương có 4 tôn giáo chính: Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài; tỷ lệ tín đồ theo các tôn giáo chiếm trên 80% dân số toàn huyện... Sự đông đảo tộc người và đa sắc tôn giáo này đã tạo cho Đơn Dương trở thành một vùng dân cư mang nhiều sắc thái vùng miền trên cao nguyên hùng vĩ; mà tiêu biểu là văn hóa truyền thống của dân tộc Churu.
Đơn Dương còn hội tụ khá nhiều yếu tố thuận lợi: là cửa ngõ của tỉnh Lâm Đồng với vùng Duyên hải miền Trung, có Quốc lộ 27 đi qua, tiếp giáp với trung tâm kinh tế Đức Trọng..., nên có lợi thế về giao thông, thuận lợi trong giao thương phát triển kinh tế - xã hội. Đất đai thổ nhưỡng ở Đơn Dương phù hợp với nhiều loại cây trồng, đặc biệt các loại rau, cây ăn trái, hoa... Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện hiện có 7 sản phẩm nông nghiệp của địa phương tham gia chương trình sản phẩm OCOP và đã được UBND tỉnh công nhận hạng 4 sao và 3 sao...
Xét về tiềm năng du lịch, Đơn Dương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, nhất là du lịch canh nông,... là điểm dừng chân thú vị cho du khách trước và sau khi đến Đà Lạt và cơ hội thưởng thức không khí, thắng cảnh rừng núi, như: đèo Ngoạn Mục, hồ Đa Nhim, hồ Pró, đồi La Ba - Ka Đơn...
Ông Trương Văn Tùng - Bí thư Huyện ủy Đơn Dương, cho biết: Với những đặc điểm, điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đơn Dương luôn chú trọng thực hiện “mục tiêu kép” trong phát triển du lịch bền vững là vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. “Phát triển ngành Du lịch đa dạng nhiều loại hình, gắn với phát triển ngành Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh, hữu cơ và các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương”; trong đó, phát triển loại hình du lịch dựa vào cộng đồng sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Đà Lạt và vùng phụ cận, định hướng khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên du lịch, bảo tồn giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Churu, bảo vệ môi trường tự nhiên và gia tăng lợi ích kinh tế cho chính cộng đồng dân cư, thu hút được sự tham gia của người dân vào cung cấp các dịch vụ du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai...
Cụ thể, Đơn Dương đang khuyến khích phát triển các tuyến du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng kết hợp với nhiều loại hình du lịch khác như: Khu Du lịch hồ Pró, Khu Du lịch canh nông Nông trại Đa Nhim, Điểm tham quan Bảo tồn làng truyền thống dân tộc Chu Ru - Pró, du lịch tôn giáo tín ngưỡng kết hợp với nghiên cứu, giáo dục đào tạo...; tìm hiểu bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc tại chỗ Churu, K’Ho, gắn du lịch với văn hóa, thể thao và bảo vệ phát triển rừng...; du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần đối với khách du lịch từ thị trường Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đến tham quan, nghỉ dưỡng, tìm hiểu, trải nghiệm các công đoạn sản xuất tại các làng nghề...
Đơn Dương đang có trên 10 mô hình du lịch hộ cá thể và doanh nghiệp hoạt động du lịch theo hướng canh nông và phát huy giá trị văn hóa của người bản địa, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, đặc biệt là đối tượng du khách trẻ tuổi ưa tìm tòi và khám phá những điều mới lạ. Trung bình mỗi năm, Đơn Dương đón khoảng 60.000 - 80.000 lượt khách đến tham quan (đa số là khách tự phát đến tham quan, check in - nhất là vào mùa hoa dã quỳ).
TIỂU VÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin