Kho tàng quý trong Không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên

07:11, 17/11/2022
Ngày 11/11, Không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên chính thức khai mạc, là chương trình chính đầu tiên được thực hiện và cũng là chương trình có thời gian diễn ra dài nhất (đến 31/1/2023). Không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên gồm 5 căn nhà đại diện cho các dân tộc thiểu số của 5 tỉnh Tây Nguyên, cùng hơn 5 ngàn hiện vật và sân khấu nổi thơ mộng ở hồ Xuân Hương với sự kiện mở màn là Chương trình Trình diễn thời trang lụa thổ cẩm độc đáo và ấn tượng.
 
Hàng ngàn người dân và du khách đã dành thời gian thưởng lãm không gian văn hóa bản địa đặc sắc và tiêu biểu của vùng đất Tây Nguyên với những ngôi nhà truyền thống được phục dựng nguyên mẫu, những hiện vật phản ánh đời sống sinh hoạt, lao động, nghệ thuật... của các dân tộc Tây Nguyên và những màn quảng diễn dệt thổ cẩm, đan lát, đẽo tượng gỗ của chính người đồng bào Tây Nguyên.
 
 
Nơi du khách thích thú chụp ảnh nhiều nhất trong Không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên là ngôi nhà sàn của người Ê Đê (Đắk Lắk), được trang trí bằng các hiện vật sử dụng trong đời sống - sinh hoạt, công cụ sản xuất - săn bắt, nhạc cụ, trang sức, tín ngưỡng, nghi thức, lễ hội... của các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên.
 
 
Điểm thu hút khác là dàn cúng Yàng (trong Lễ Pơ Thi) của người Bana ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai), thực chất là mô hình nhà mồ của chức sắc người Bana với biểu tượng nhà rông có mái bằng gỗ, xung quanh là các tượng gỗ miêu tả vòng đời của con người (yêu đương, sinh sản, chăm sóc con cái, lao động sản xuất, bảo vệ buôn làng, vui chơi...).
 
 
Những nét văn hoá độc đáo đặc trưng khác của đồng bào gốc Tây Nguyên là tượng gỗ và cây nêu mang những đường nét, hoa văn, biểu tượng khác biệt đối với mỗi dân tộc cũng được trưng bày tạo nên một sự thích thú không tưởng đối với người dân và du khách và cũng là điểm nhấn rất hấp dẫn.
 
 
Ngoài những hiện vật tiêu biểu, Không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên còn trưng bày gần 100 bức ảnh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Hải Đông được in trên vải lụa. Đây là những hình ảnh khắc họa sinh động đời sống văn hóa tinh thần của các tộc K’Ho, Xê Đăng với khèn bầu, cồng chiêng... và những sinh hoạt đời thường như dệt vải, săn bắt, làm nông; hay những ảnh đẹp về chóe cổ, nông cụ, trang sức in dấu ấn thời gian; đặc biệt, là nụ cười trên những gương mặt rạng rỡ của người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, từ các em bé mầm non đến những cụ già... góp phần thúc đẩy nguồn năng lượng sống tích cực...
 
 
Chủ nhân của bộ sưu tập - ông Đặng Minh Tâm cũng thường xuyên có mặt, sẵn sàng giải thích, thuyết minh, hướng dẫn Nhân dân và du khách tham quan triển lãm có thêm kiến thức, hiểu biết và yêu thương với các món cổ vật và những nghề truyền thống đang có nguy cơ biến mất vì đang ngày càng hiếm người sử dụng và sản xuất...
 
 
Bên cạnh tâm sức lớn lao của nhà thiết kế Đặng Thị Minh Hạnh, nhà sưu tầm dân tộc học Đặng Minh Tâm, Công ty TNHH Viet Mode, Công ty TNHH Vietnam Silk House...; một điều quý giá không kém kho báu dân tộc học là nhiệt huyết và tình cảm của những người góp phần làm nên thành công và sự cuốn hút của Không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên. Đó là những người dân Đà Lạt tự nguyện thay mới các loại nông sản trưng bày (rau, củ, quả) vì ngưỡng mộ; là chính quyền và người dân đến từ Măng Đen - điểm đầu Tây Nguyên vất vả vận chuyển nhà sàn và hàng trăm bức tượng gỗ vào Không gian trưng bày, mà vẫn xúc động đến rơi nước mắt vì được tin tưởng.
 
 
Không gian triển lãm Thiên đường Tây Nguyên đang là sự kiện có một không hai, tái hiện đời sống của người dân Tây Nguyên, tạo nên sự thích thú và trân trọng của Nhân dân và du khách; nhưng vẫn còn có các sự kiện khác diễn ra trên sân khấu nổi và các triển lãm chuyên đề, chương trình nghệ thuật...; mà độc đáo nhất là chương trình trình “Trình diễn thời trang tơ lụa - Con đường di sản”... sẽ thực sự là miền mơ tưởng của du khách về vùng đất huyền ảo - Thiên đường Tây Nguyên...
 
NHẬT QUÂN