Ka ngum: Món ăn dân dã thành đặc sản

11:12, 17/12/2021

Ka ngum hay còn gọi cá đùm là một trong những món ăn dân dã của người Bahnar có hương vị đặc trưng nhờ vị hăng của ớt, ngon ngọt của cá, tôm tép, cua làm vị giác người ta ngỡ ngàng không thể quên khi đã một lần thưởng thức. Từ món ăn thường nhật, giờ đây, ka ngum đã trở thành đặc sản phục vụ du khách ở nhiều nhà hàng nổi tiếng. 

Ka ngum hay còn gọi cá đùm là một trong những món ăn dân dã của người Bahnar có hương vị đặc trưng nhờ vị hăng của ớt, ngon ngọt của cá, tôm tép, cua làm vị giác người ta ngỡ ngàng không thể quên khi đã một lần thưởng thức. Từ món ăn thường nhật, giờ đây, ka ngum đã trở thành đặc sản phục vụ du khách ở nhiều nhà hàng nổi tiếng.  
 
Chị Y Hara (làng Klot, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) kể rằng: Thường ngày, mẹ và bà của chị làm món ka ngum để ăn, nhất là vào những ngày mưa. Để làm món ka ngum, người nội trợ chuẩn bị các nguyên liệu gồm: ớt, lá yao (một loại lá giống như trầu dùng thay cho bột ngọt), cỏ tranh đốt thành tro (một cách thức làm gia vị thay cho muối), cá, tôm, tép, cua các loại nhỏ được bắt từ suối và chuẩn bị lá chuối, dây chuối khô, củi bếp lửa. Trước tiên, các chị giã hỗn hợp nguyên liệu (trừ cá suối nhỏ như đầu ngón tay út rửa sạch, để nguyên con); chuẩn bị lá chuối bản to và hơ lửa cho mềm khi gói cá. Sau đó, người ta xếp lá chuối bản to nhiều lớp, lấy nguyên liệu hỗn hợp chà lên lá chuối (vùng đặt cá), sau đó, đặt một lớp cá lên, lại thêm một lớp nguyên liệu hỗn hợp tùy thuộc số lượng cá nhiều hay ít, rồi đùm lớp lá chuối lại, lấy dây chuối khô buộc chắc tay để không bị bung ra. Khi đã sơ chế xong, người ta thường dùng củi to đốt một đống lửa để tạo than cũng như tăng nhiệt độ cao, bếp nóng... Sau đó, bới tro nóng, đặt đùm cá xuống và vùi lại, ủ khoảng 30-40 phút. Trong thời gian đó, họ thường xoay, đảo đùm cá cho đều, tránh bị cháy.
 
Món ka ngum. Ảnh: Y Phương
Món ka ngum. Ảnh: Y Phương
 
Theo chị Y Hara, dùng tro chứ không phải than để nướng đùm cá vì nếu dùng than đang cháy đỏ để nướng thì cá sẽ chín quá, khô và không ngọt nước nữa. Chị Y Hara chia sẻ thêm: “Mình thích ăn ka ngum, nhất là vào lúc trời gió lạnh, khi mọi người đi làm về đầy đủ ở nhà và ngồi quanh bếp lửa cùng nhau làm, chờ đợi món ăn chín, cùng nhau ăn và trò chuyện vui vẻ. Những lúc mình đi làm xa quê, ngoài nhớ nhà ra thì món này làm mình nhớ nhất, bởi mùi lá chuối xém lửa, mùi khói bếp quen thuộc và sự ấm áp, yêu thương, giản dị bên người thân”.  
 
Nếu như chúng ta đã được ăn tôm lụi, cá nướng, cua rang muối... thì khi có dịp thưởng thức món ka ngum, tất cả các nguyên liệu đã tạo nên hương vị đặc trưng, nhưng cái vị hăng của ớt hiểm, ngon ngọt từng miếng, từng miếng của cá, tôm tép, cua làm vị giác người ta ngỡ ngàng như lạc hướng đến không thể quên. Ông Wik (làng Klot) chia sẻ: “Ka ngum là món ăn Yàng (trời) cho để dân mình no cái bụng, có sức khỏe đi làm, mình hay bắt cá dưới suối mỗi khi đi làm rẫy về. Dùng cái rá, sàng lỗ to đón cá ngược dòng hoặc đơm cá dưới ruộng nước rồi đem về cho bà vợ đốt lửa làm, nhà mình ai cũng thích ăn ka ngum. Ăn miết miết không biết chán”.
 
Từ món ăn dân dã, ka ngum đã trở thành đặc sản trong nhiều nhà hàng để phục vụ du khách. Mới đây, trong bữa cơm thân tình đãi bạn phương xa ở nhà hàng Ba Zan (phường Đoàn Kết, thị xã Ayun Pa), bạn tôi đã rất ngỡ ngàng khi lần giở gói lá chuối và vỡ òa trước hương vị đặc sắc của món ka ngum. Anh Bi-nhân viên phục vụ nhà hàng-chia sẻ: “Nhiều thực khách khi đến đây được chứng kiến cách chế biến và thưởng thức hương vị độc đáo của món ka ngum đã rất trầm trồ, khen ngợi. Có người khi trở lại đã yêu cầu ăn bằng được món lạ này”.
 
(Theo dulichvn.org.vn)