Chiêm ngưỡng Bảo tàng đá lớn nhất Việt Nam tại Bảo Lộc

06:02, 28/02/2022
Được thành lập từ năm 2011, với niềm đam mê bảo tồn các loại đá quý, đá bán quý trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Hoa Tài Ngọc Châu trở thành nơi lưu giữ những nét văn hóa độc đáo về đá của vùng Nam Tây Nguyên Lâm Đồng. Với những gì đang lưu giữ về đá, Hoa Tài Ngọc Châu được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận là Bảo tàng đá lớn nhất Việt Nam, xác lập kỷ lục Guiness Việt Nam.
 
Bên trong khu trưng bày, nơi lưu giữ, bảo tồn hàng ngàn hiện vật, tác phẩm đá nghệ thuật độc đáo của vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng tại Bảo tàng đá Hoa Tài Ngọc Châu
Bên trong khu trưng bày, nơi lưu giữ, bảo tồn hàng ngàn hiện vật, tác phẩm đá nghệ thuật độc đáo của vùng đất Nam Tây Nguyên Lâm Đồng tại Bảo tàng đá Hoa Tài Ngọc Châu
 
Tọa lạc bên cầu Đại Nga (xã Lộc Nga, TP Bảo Lộc) với khuôn viên thơ mộng hơn 8 ha, Hoa Tài Ngọc Châu đang lưu giữ hàng ngàn tác phẩm đá nghệ thuật, đá quý, đá bán quý độc đáo mang đậm những giá trị tinh thần của vùng đất Lâm Đồng được tìm kiếm, gom nhặt, sưu tầm trong suốt hàng chục năm qua.
 
Bảo tàng đá này do ông Đinh Công Phương (76 tuổi, ngụ tại TP Hồ Chí Minh) đầu tư xây dựng để lưu giữ, bao tồn các hiện vật, tác phẩm đá quý, đá bán quý, đá nghệ thuật. Hiện tại, Hoa Tài Ngọc Châu đã được ông Phương bàn giao lại cho ông Đinh Công Hiếu (38 tuổi, con trai ông Phương) tiếp quản để lưu giữ, bảo tồn.
 
Một tác phẩm đá bán quý độc đáo được bảo tồn tại Bảo tàng đá Hoa Tài Ngọc Châu
Một tác phẩm đá bán quý độc đáo được bảo tồn tại Bảo tàng đá Hoa Tài Ngọc Châu
 
Bảo tàng có 3 phòng trưng bày hàng ngàn mét vuông, với hơn 3.500 hiện vật, tác phẩm đá các loại. Mỗi viên đá đều mang hình dáng, màu sắc và ý nghĩa khác nhau khiến người xem cảm thấy thích thú về sự tạo tác của tự nhiên. Những viên đá này có nguồn gốc từ các loại đá thiên nhiên như: Mã não, Opal, Thạch anh, gỗ hóa thạch, thiên thạch... Hầu hết đều được giữ hình dạng nguyên thủy, chưa có sự tác động, chỉnh sửa của con người.
 
Theo ông Đinh Công Hiếu - chủ nhân của Bảo tàng đá Hoa Tài Ngọc Châu: Cái quý giá nhất của các tác phẩm đá đối với những người có niềm đam mê và am hiểu về chúng đó chính là “chất tĩnh” của mỗi tác phẩm đá. Thông qua sắc thái, hình thù của từng hiện vật, tác phẩm thì người chơi, nghệ nhân sẽ hòa mình ngắm nhìn, cảm nhận để đặt tên cho từng tác phẩm riêng. Chính chất tĩnh trong mỗi tác phẩm đá khiến niềm đam mê đá luôn nhẹ nhàng, lành mạnh và luôn trường tồn theo thời gian.
 
Tượng Phật bằng gỗ dâu nặng hàng chục tấn quý hiếm được lưu giữ tại tháp chuông của Bảo tàng
Tượng Phật bằng gỗ dâu nặng hàng chục tấn quý hiếm được lưu giữ tại tháp chuông của Bảo tàng
 
“Mỗi viên đá, tác phẩm đá đối với tôi là một người thầy và dạy cho tôi nhiều điều đáng quý. Tất cả đá trong Bảo tàng đều được cha và tôi tìm kiếm, gom nhặt từ khắp các dòng sông, con suối, núi rừng ở Lâm Đồng. Đá giúp mình sống thấm thía với đời, yêu thương mọi người để thấu hiểu và chia sẻ. Đặc biệt là sự thấu hiểu, chia sẻ với những người khó khăn để làm được điều gì đó giúp họ vươn lên vượt qua nghịch cảnh của số phận làm mình cảm thấy hạnh phúc”.
 
Ngoài đá, Bảo tàng còn lưu giữ, bảo tồn nhiều hiện vật cổ có giá trị văn hóa, lịch sử của các vùng miền cả nước, trong đó những giá trị văn hóa độc đáo của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại Lâm Đồng. Đặc biệt, đến với Bảo tàng, du khách cũng có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc gỗ hoành tráng, tinh tế như rồng, tượng Phật...
 
“Tất cả công sức chúng tôi dồn hết về đây đã mấy chục năm nay. Giờ được giao tiếp quản Bảo tàng từ cha, bản thân tôi muốn tự tay mình xây dựng nên Bảo tàng đá hoàn thiện hơn, từ việc thi công, xây dựng đến thiết kế tôi đều tự mày mò làm. Nó là mồ hôi, nước mắt và cả máu nữa, nhưng tất cả là đam mê. Hiện tại dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nên chúng tôi chưa thể mở cửa đón du khách tham quan. Dự tính khi dịch được đẩy lùi, chúng tôi sẽ mở cửa để du khách, người yêu đá được tham quan, thưởng lãm” - ông Đinh Công Hiếu cho hay.
 
KHÁNH PHÚC