(LĐ online) - Bao đời nay, đình làng luôn gắn liền với người dân Việt Nam. Đình làng là nơi thờ thần, cũng như các bậc tiền hiền có công dựng nước, khai khẩn đất đai, lập làng, lập ấp, gây dựng nên những làng quê bình yên, ấm áp, trù phú cho thế hệ sau. Ghi nhớ công lao to lớn của các bậc tiền nhân, hàng năm, cứ vào dịp mùa xuân, nhất là trong ngày tết cổ truyền của dân tộc, người dân thường đến đình làng để tưởng nhớ về nguồn cội, về công lao của bao thế hệ đi trước cho hôm nay được sống yên bình.
|
Không gian của Đình Phú Hội khá rộng nhưng vẫn giữ được nét độc đáo mang đậm phong cách cổ xưa |
Nằm ở khu vực trung tâm xã Phú Hội (huyện Đức Trọng), không cao to, uy nghiêm như nhiều chùa chiềng, không gian vừa đủ, với căn nhà ba gian được xây dựng theo lối kiến trúc miền Trung, thế nhưng trãi qua bao thăng trầm của lịch sử, được sự bảo vệ, chăm sóc, tu sửa của người dân, với lòng thành kính và biết ơn các vị thần linh, các bậc tiền hiền, hậu hiền đã có công khai phá, xây dựng Phú Hội trù phú như ngày hôm nay, Đình Phú Hội vẫn sừng sững đứng trước nắng mưa, trước thử thách của thiên nhiên để trở thành điểm sinh hoạt văn hóa, tâm linh của người dân nơi đây trong những ngày lễ, tết.
Trong không gian thanh tịnh ở Đình Phú Hội, các bậc cao niên thay thế các bậc tiền bối đi trước kể lại rằng: Vào năm 1928, có khoảng 10 hộ người Kinh từ miền xuôi đặt chân lên mảnh đất này để khai thác lâm sản. Nhưng giữa rừng thiêng, nước độc, lam sơn chướng khí, bệnh tật luôn rình rập, lần lượt nhiều gia đình bỏ đi, chỉ còn lại một hộ với một nhóm thợ khai thác rừng ở lại, đứng ra quy dân, lập ấp, xin chính quyền nhà Nguyễn thời bấy giờ cho thành lập làng. Từ đó, không khí bớt âm u, cư dân ngày một đông đúc, hầu hết họ đến từ các tỉnh duyên hải miền Trung. Nỗi nhớ quê cha, đất tổ với mái đình nghiêng nghiêng, uy nghiêm hằng sâu trong tâm thức của mỗi người dân lập nghiệp trên vùng đất mới. Đình Phú Hội được dựng lên vào khoảng năm 1930 từ nỗi niềm xa quê đó, với mong ước một cuộc sống mới, ấm no, an bình.
|
Khu Chánh điện tại Đình Phú Hội |
Với tấm lòng thành kính và biết ơn tổ tiên, nguồn cội, những tiền nhân khai sơn lập ấp, từ đó đến nay, hàng năm, đình Phú Hội vẫn luôn duy trì một năm 2 lần tế lễ (mùa Xuân và mùa Thu). Được biết, trong 2 ngày tế lễ lớn nhất trong năm, có rất đông người con của Phú Hội ở mọi miền của Tổ quốc lại tề tựu về đây dâng lễ, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, ôn lại những kỷ niệm buồn vui, cùng nhau động viên, hỗ trợ, giúp đỡ vật chất, tinh thần để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống; đóng góp tu sửa đình ngày một khang trang, vững chắc trước nắng gió của thời gian, để đình Phú Hội được trường tồn vĩnh cửu. Sinh hoạt tại đình trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.
Qua nhiều lần sửa chữa, trùng tu, nhất là đợt trùng tu để đón nhận danh hiệu Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đến nay, Đình Phú Hội có một không gian khá rộng nhưng vẫn giữ được nét độc đáo mang đậm phong cách cổ xưa. Với bờ nóc thẳng, các đầu mái uốn cong, trang trí nhiều họa tiết hoa văn đẹp, mềm mại nhưng uy nghiêm của mái đình.
|
Vẻ đẹp mộc mạc, giản dị, gần gũi của Đình Phú Hội |
Không gian bên trong đình gọi là chánh điện, có 3 gian thông với nhau, gian giữa có tiền án và hậu án, 2 bên là tả ban và hữa ban. Cũng như bao ngôi đình khác lập lên là để thờ Thần Hoàng Bổn Xứ, Đình Phú Hội còn thờ các vị thần khác mà vua Bảo Đại niên hiệu thứ 8 ngày 10 tháng 6 năm Quý Dậu (tức ngày 02/7/1933) sắc phong cho đình Phú Hội, gồm: Thành Hoàng, Ngũ Hành Thánh Phi, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải và Quán Thánh Đế Quân. Ngoài ra, tại đây, người dân còn thờ các vị tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ đã có công quy dân lập làng, lập đình và những người có công với đất nước. Việc thờ cúng tại đình đã nói lên truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và tính bản thiện của cộng đồng cư dân trên quê hương mới. Nét đẹp truyền thống, văn hóa ấy được lưu truyền mãi mãi về sau.
Là nơi thờ tự tâm linh của làng, từ bao đời nay, đình làng như một bảo tàng dân gian tổng hợp, gắn bó với bao giai thoại truyền kỳ đầy tự hào về sự hình thành, phát triển của làng, xã quê hương. Chính vì vậy, từ đời này sang đời khác, đình làng quê hương đã trở thành máu thịt của người dân Việt Nam nói chung và người dân Phú Hội nói riêng.
Chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa lịch sử của Đảng và Nhà nước cộng hưởng với ý thức tôn trọng di sản của cha ông để lại, từ yếu tố nhân văn đó, con cháu đời sau nối tiếp nhau gìn giữ và tôn tạo, để ngôi đình luôn là di tích lịch sử - văn hóa. Mỗi người dân Phú Hội hôm nay, có quyền tự hào về làng quê thân yêu, nơi có ngôi đình làng mang đậm dấu ấn lịch sử đã trở thành di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, nơi khói hương vẫn nghi ngút trong các ngày lễ tết, làm ấm lòng người khi nhớ về tổ tiên, nguồn cội.
BÌNH AN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin