Khởi nghiệp với dâu Bạch Tuyết

12:05, 07/05/2022
(LĐ online) - Dâu tây Bạch Tuyết có xuất xứ từ Nhật Bản được đánh giá là loại dâu thơm ngon, hiếm và đắt nhất thế giới. Với giá thành cao, nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn tìm mua về thưởng thức.
 
Từ 40 gốc dâu bạn tặng, anh Thịnh nhân giống được 7.000 gốc trong vườn
Từ 40 gốc dâu bạn tặng, anh Thịnh nhân giống được 7.000 gốc trong vườn
 
•  SINH VIÊN LUẬT KHỞI NGHIỆP BẰNG NGHỀ TRỒNG DÂU
 
Vốn là sinh viên Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, anh Đỗ Minh Thịnh (nhà tại đường An Sơn, Phường 4, TP Đà Lạt) từ lâu đã ấp ủ niềm đam mê trồng trọt. Năm 2019, sau khi tốt nghiệp đại học, Minh Thịnh đã quyết định về quê để trồng rau hữu cơ với số vốn 20 triệu đồng. Chỉ với 40 gốc dâu Bạch Tuyết ban đầu, đến nay, anh Thịnh đã nhân rộng lên 7.000 gốc dâu, với giá bán trái từ 700.000 - 900.000 đồng/ký tùy kích thước.
 
Từ trước đến nay, Đà Lạt vốn là thành phố được thiên nhiên ưu đãi như thời tiết mát mẻ, mùa mưa, mùa khô phân biệt rõ ràng, thổ nhưỡng cũng rất thuận lợi để trồng dâu tây. Ngoài ra, dâu tây cũng được trồng ở Đà Lạt từ rất lâu nên thị trường đã tương đối ổn định. Từ những ưu thế đó, anh Thịnh đã triển khai trồng giống dâu này. 
 
Tình cờ trong một lần ghé thăm vườn của một người bạn, anh Thịnh có cơ hội ăn thử dâu Bạch Tuyết, cảm thấy vị dâu rất ngon và có nét độc đáo hơn các loại dâu khác trên thị trường, nên Thịnh quyết định tìm hiểu và bắt đầu thử nghiệm với 40 cây giống dâu Bạch Tuyết được bạn tặng, thấy có hiệu quả và nắm rõ được kiến thức chăm sóc cây nên anh quyết định nhân giống với số lượng lớn. 
 
Giống dâu Bạch Tuyết được đánh giá là ngon, hiếm và đắt nhất thế giới
Giống dâu Bạch Tuyết được đánh giá là ngon, hiếm và đắt nhất thế giới
 
Anh Đỗ Minh Thịnh cho biết: Thời gian đầu khó khăn nhiều vô kể, vì tôi bắt đầu một thứ rất mới, lại còn đi ngược với mọi người nên gần như không có thuận lợi nào. Từ vốn, giống cây, kỹ thuật chăm sóc, thời tiết, đóng gói, bảo quản đến đầu ra cho sản phẩm... mọi thứ thực sự rất khó khăn.
 
Tuy nhiên, với niềm đam mê trồng trọt, Minh Thịnh đã có cách trồng khác biệt. Thay vì trồng trong nhà kính như những người khác, Minh Thịnh muốn là người tiên phong đưa loại dâu này ra trồng ở ngoài trời. Mục đích là để giúp dâu dễ hấp thụ ánh sáng tự nhiên, giảm đi tác động của hiệu ứng nhà kính.
 
Chưa từng được đào tạo qua bất kỳ trường lớp nào về trồng trọt, Minh Thịnh đã tự mày mò, tham khảo khắp các diễn đàn để tự học cách bón phân, cải tạo đất, đắp luống cao cho cây. Được biết, dâu Bạch tuyết là loại cực kỳ khó trồng, khó chăm sóc, chi phí đầu tư cao nhưng năng suất lại thấp. Tuy nhiên, bù lại vị dâu khi đủ nắng thì chất lượng cao, màu dâu khi chín ửng hồng rất đặc biệt.
 
Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, dù chưa dám nhận bản thân đã thành công, nhưng Minh Thịnh vẫn cảm thấy phấn khích và hài lòng. “Nhớ nhất là lúc ăn trái dâu Bạch Tuyết đầu tiên mà chính bản thân trồng, vì ăn thử ở những nơi khác nó đã rất ngon, nhưng khi được cầm trên tay những trái dâu đầu tiên và do bản thân trồng được thì cảm giác rất khác. Cảm giác như mình đã chinh phục được một mục tiêu trong cuộc sống vậy” - Minh Thịnh chia sẻ.
 
Buổi ngoại khóa của các bé được trải nghiệm, quan sát “Thế giới màu xanh” tại Nông trại Vitamin của anh Đỗ Minh Thịnh
Buổi ngoại khóa của các bé được trải nghiệm, quan sát “Thế giới màu xanh” tại Nông trại Vitamin của anh Đỗ Minh Thịnh
 
KẾT HỢP NÔNG NGHIỆP VÀ DU LỊCH TRẢI NGHIỆM
 
Khi Nông trại Vitamin của anh Đỗ Minh Thịnh dần hoàn thiện và bắt đầu cho doanh thu thì Minh Thịnh lại vấp phải khó khăn về xây dựng, quảng bá thương hiệu. Anh đã nảy ra ý tưởng kết hợp trồng rau xanh, dâu tây Bạch Tuyết với phát triển du lịch trải nghiệm.
 
Ngoài thu hoạch dâu tây, rau củ bán cho khách có nhu cầu thì Minh Thịnh đã mở cửa nông trại, đón du khách thập phương tới tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm hái, thưởng thức dâu tây ngay tại vườn và cũng có thể mang về làm quà cho người thân. Việc kết hợp hái dâu tây với du lịch đã hạn chế được các chi phí về công và thị trường đầu ra cho sản phẩm, giúp đầu ra ổn định hơn.
 
“Hữu xạ tự nhiên hương, chất lượng sản phẩm tốt thì sẽ được thị trường đón nhận. Điều đó là động lực cho anh tiếp tục đầu tư và phát triển theo con đường đã lựa chọn. Mô hình này đã góp phần thu hút khách du lịch đến với TP Đà Lạt, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương” - anh Minh Thịnh cho biết.
 
Hiện nay, dâu tây bạch Tuyết cho thu hoạch sau 2,5 - 3 tháng trồng. Dâu phải được thu hoạch khi dâu vừa chuyển từ màu xanh sang trắng và hồng phớt, nếu thu sớm dâu sẽ cứng, nếu thu trễ hơn dâu sẽ rất dễ bị dập. Được theo dõi sát sao, chăm sóc kỹ lưỡng, dâu Bạch Tuyết có thể cho thu hoạch liên tục trong khoảng 2 tháng, cứ hai ngày, anh Thịnh sẽ thu hoạch 1,5 - 2 kg quả đẹp, có quả nặng đến 20g. Với hơn 7.000 cây dâu, vườn dâu của anh Thịnh thu được khoảng 40 kg trái mỗi đợt.
 
Thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng khách du lịch giảm đáng kể, nhưng nhờ sự linh hoạt trong tìm đầu ra và sản phẩm chất lượng nên vườn dâu của anh vẫn đứng vững, cho doanh thu ổn định. Thời điểm hiện tại, khi ngành du lịch đang dần phục hồi, nông trại Vitamin của gia đình anh tiếp tục là điểm đến check-in không thể bỏ qua của du khách, nhất là các bạn trẻ khi đến với TP Đà Lạt. 
 
Hiện tại, sản phẩm dâu Bạch Tuyết của Minh Thịnh hầu như “cháy hàng” vì không đủ cung cấp ra thị trường. Trong thời gian sắp tới, anh dự tính sẽ mở rộng mô hình trồng dâu, cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu nhằm nâng cao vị thế sản phẩm nội địa.  
 
BÌNH AN