Búp bê len Hiền Thục

02:10, 14/10/2010

Những con búp bê len xinh xắn mặc trang phục dân tộc Việt Nam mang tên Hiền Thục mang một vẻ đẹp rất riêng của Đà Lạt..

Với niềm đam mê búp bê từ nhỏ, sau gần 10 năm mày mò nghiên cứu, những búp bê len xinh xắn mang tên Hiền Thục ra đời tại cơ sở Búp bê Hiền Thục (số 3, Nguyễn Thượng Hiền, thành phố Đà Lạt) mang một vẻ đẹp rất riêng của Đà Lạt, những con búp bê dịu dàng quyện trong những sợi len ấm áp.

Ngày còn nhỏ, say sưa quên hết mọi thứ khi ngắm những con búp bê xinh xắn, chị Nguyễn Thị Thục – chủ cơ sở Búp bê Hiền Thục ao ước sẽ tự tay làm một con búp bê của riêng mình. Giờ đây, khi đã ngồi trong căn phòng tràn ngập búp bê do mình làm ra, chị bồi hồi nhớ lại nhân duyên đến với chúng.

Nhân duyên đến với búp bê

Tốt nghiệp Đại học Văn khoa, chị Thục về làm việc tại Đài Phát thanh truyền hình Lâm Đồng. Do hoàn cảnh riêng, chị xin nghỉ việc. Với sự say mê và một số kinh nghiệm thêu đan do ngày còn trẻ có học qua một lớp nữ công gia chánh, chị Thục bắt tay vào làm búp bê để cải thiện
Búp bê được làm hoàn toàn từ len.
Búp bê được làm hoàn toàn từ len.
cuộc sống gia đình. Sẽ mãi là những con búp bê đơn giản được làm để có thu nhập thêm nếu như chị không ấn tượng sau một cuộc gặp gỡ tình cờ. Lần đó, trong chuyến đi về một vùng dân tộc thiểu số, chị thấy một cô bé ngồi dệt tấm thổ cẩm rất đẹp, hoa văn trên đó làm chị chú ý. Chị nghĩ: “Đây là một vốn liếng quý báu của dân tộc mà cha ông ta đã chọc lọc và gìn giữ lâu đời, nếu không giữ sẽ mai một dần.”

Từ đó, chị trăn trở mãi và quyết định sẽ làm những búp bê len mặc trang phục dân tộc Việt Nam để giữ lại nét văn hóa của dân tộc. Chị sưu tầm và tham khảo những cuốn sách viết về hoa văn dân tộc và không bỏ qua bất cứ một chương trình truyền hình dân tộc nào. Với tâm niệm tập hợp đủ trang phục của 54 dân tộc Việt Nam thông qua những búp bê len, qua đó giới thiệu đến cả cộng đồng thế giới một nền văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc của Việt Nam. Và từ đó, các cô gái Thái, chàng trai K’ho, cô gái Êđê, cô gái Mường, cô gái Ba Na… bằng búp bê len lần lượt ra đời. Hiện nay, chị tự hào khi đã hoàn thành và sở hữu trọn bộ sưu tập búp bê len mặc trang phục của 54 dân tộc. Chị quả quyết: “ Nếu chỗ khác mất đi thì tại nơi đây, tôi sẽ giữ lại một nét văn hóa vật thể thu nhỏ của dân tộc.”

Những ai đã đến cơ sở Búp bê Hiền Thục đều thấy như đang được đi dọc đất nước, được gặp cô gái Tày miền núi phía Bắc đứng ôm đàn đến cô gái K’ho vùng Tây Nguyên nắng gió lưng đeo gùi lên nương. Mỗi búp bê len mang một phong cách riêng, tất cả các sản phẩm đều do chị Thục lên ý tưởng đến thiết kế mẫu và tự tay đan móc để cho ra đời những búp bê len độc đáo. Búp bê Hiền Thục được một số nhà thiết kế như  Sỹ Hoàng đánh giá cao và đạt giải trong nhiều hội thi. Tiêu biểu tại Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức, chị có 20 mẫu búp bê lọt vào vòng chung kết và đạt liền 3 giải. Trong đó, mẫu sản phẩm “ Búp bê đồng hành cùng dân tộc” đạt giải khuyến khích. Năm 2008, chị Thục tổ chức thành công triển lãm búp bê len nghệ thuật Hiền Thục tại thành phố Hồ Chí Minh, được công chúng đón nhận nhiệt tình và được đánh giá là triển lãm độc đáo nhất Việt Nam.

Tấm lòng người nghệ nhân

Ngoài những chàng trai, cô gái trong các trang phục dân tộc, chị Thục còn làm những con thú xinh xắn bằng len dành cho thiếu nhi. Chị tạo ra trên 20 mẫu nhỏ theo những hình thù ngộ nghĩnh, nào là chú mèo Đôrêmon, chú hề có cái mũi đỏ, những chú thỏ, chú hổ con tinh nghịch… Mới đây, chị lại cho ra đời các sản phẩm làm bằng hạt cườm và sự kết hợp giữa cườm và len độc đáo như chú mèo đang tìm xương cá trong thùng rác, chú ngựa con háu đá, chú gà trống đang rướn cổ gáy, đôi thiên nga đang vui đùa dưới nước… sau khi vừa trải qua một tai nạn tưởng mất đi đôi tay. Nhưng bằng nghị lực phi thường, chị đã cố gắng vượt qua để không phải từ bỏ niềm đam mê của mình. Qua các con vật, chị muốn gửi thông điệp hãy bảo vệ môi trường tốt hơn vì loài vật sống tốt thì con người cũng sẽ sống tốt hơn và giúp con người gần gũi với thiên nhiên hơn.

Chị Thục bên những tác phẩm từ cườm và len
Chị Thục bên những tác phẩm từ cườm và len
Ngoài niềm đam mê công việc, hằng năm, chị Thục còn tự nguyện đến làng SOS dạy nghề cho các em. Tiếp xúc với các em, chị yêu chúng như con của mình. Mỗi dịp hè, chị còn lặn lội  xuống tận Đồng Nai dạy miễn phí cho các cháu ở Trung tâm khuyết tật. Làm việc gì cũng hết lòng và với chị Thục “Các em thành người là niềm an ủi lớn nhất củatôi”. Trong dịp hè 2010, chị Thục đã hướng dẫn cho các em làng SOS Đà Lạt dự thi trại hè SOS toàn quốc với sản phẩm cặp nến cháy sáng được làm từ hạt cườm kết hợp len đã đạt giải nhất. Luôn muốn làm được điều gì đó cho trẻ em nghèo, hiện tại, chị Thục mong chính quyền địa phương tạo điều kiện về cơ sở vật chất để chị mở lớp dạy nghề cho các em, đặc biệt là những em khiếm thính, mồ côi có công ăn việc làm ổn định bằng nghề làm búp bê len.

Sản phẩm kết cườm.
Sản phẩm kết cườm.
Búp bê Hiền Thục đúng như tên gọi của mình, mang một vẻ đẹp nữ tính, vẻ đẹp vĩnh hằng. Với thư viện búp bê Hiền Thục, chị Thục hy vọng bất cứ ai vào đây sẽ tìm được những giây phút thư giãn, thấy được cái đẹp trong tâm hồn. Đang trong thời gian dưỡng bệnh nhưng chị vẫn tìm tòi, sáng tạo ra nhiều mẫu mới và dự định đến năm 2010 sẽ công bố toàn bộ sản phẩm do tự tay chị làm ra. Mong ước của chị Thục thật giản dị, đó là qua những con búp bê len sẽ giữ lại nét văn hóa của dân tộc. Búp bê Hiền Thục là sản phẩm văn hóa tinh tế, mang đậm bản sắc dân tộc dành cho du khách khi đến với thành phố ngàn hoa.

Tuấn Hương