Nằm dưới chân của ngọn núi Slam Cao thuộc địa bàn 2 xã Tam Kim và Hoa Thám thuộc huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng là Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo - nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử đặc biệt của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn đầu từ 1940 - 1945. Đây chính là nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam và cũng là một trong những địa điểm gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Nguyên Giáp, một thiên tài quân sự - vị tướng huyền thoại của Việt Nam.
Khách tham quan tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo |
Di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo cách TP Cao Bằng chừng 50 km về phía Tây Nam thuộc 2 xã Tam Kim và Hoa Thám. Đây là một di tích thuộc loại lưu niệm sự kiện nằm trong hệ thống các di tích lịch sử quân sự Việt Nam. Nơi đây 79 năm về trước trong khu rừng già, dưới lá cờ đỏ sao vàng ngày 22/12/1944 đã diễn ra sự kiện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam, là tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam trước sự chứng kiến của lãnh đạo đại diện cho liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng và đông đảo đại biểu Nhân dân các dân tộc ở 2 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn tham dự. Tại buổi lễ trọng thể trang nghiêm này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã thay mặt đoàn thể đọc diễn từ tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, nêu rõ nhiệm vụ của Đội và cùng các chiến sỹ hô vang 10 lời thề danh dự đối với Tổ quốc. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy gồm 34 chiến sỹ. Họ là những du kích gan dạ, dũng cảm được tuyển chọn từ các đội du kích vùng Cao - Bắc - Lạng, phần lớn là con em các dân tộc Cao Bằng và đến từ nhiều miền quê khác nhau nhưng đều có chung một ý chí, không quản ngại khó khăn, gian khổ tham gia đội quân cách mạng lên đường đi chiến đấu và sẵn sàng hy sinh để giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Dương Mạc Thạch (tức Xích Thắng) làm chính trị viên và đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch - tình báo. Tuy mới được thành lập, trang bị vũ khí chỉ có vẻn vẹn 2 khẩu súng thập, 1 khẩu súng trường giáp năm, giáp ba của Pháp cùng một số súng hỏa mai, súng kíp, giáo, mác... nhưng ra quân trận đầu, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã giành chiến thắng với trận đánh tại đồn Phai Khắt và tiếp đến là đồn Nà Ngần gây thanh thế và tạo được niềm tin của Nhân dân đối với đội quân cách mạng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng.
Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân |
Các điểm di tích ghi dấu sự kiện lịch sử:
• Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo gồm có các điểm di tích quan trọng chính đó là: Cụm di tích rừng Trần Hưng Đạo; hang Thẳm Khẩu; đồn Phai Khắt; đồn Nà Ngần và Di tích Vạ Phá.
• Cụm di tích rừng Trần Hưng Đạo có 4 điểm di tích (Địa điểm thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; dãy lán nghỉ và bếp ăn; mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt; đỉnh Slam Cao nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp và Ban Chỉ huy Đội đặt trạm quan sát). Đây cũng chính là khu vực trung tâm của Di tích rừng Trần Hưng Đạo. Nơi đây, để ghi nhớ lưu niệm sự kiện lịch sử trọng đại này, Đảng, Nhà nước ta và Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã rất quan tâm trong việc đầu tư tôn tạo khu di tích với nhiều công trình lớn như bức phù điêu bằng đá xanh nguyên khối thể hiện 34 chiến sỹ trong buổi lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được xây dựng vào năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; nhà lưu niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 34 chiến sỹ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; nhà bia khắc ghi sự kiện nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ thành lập Đội. Trên đỉnh Slam Cao - đỉnh cao nhất của núi Dền Sinh còn có đặt đài quan sát. Đài được xây dựng nhân dịp 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam bên cạnh tấm bia đá ghi dấu sự kiện. Tất cả được bố trí trong một khuôn viên rộng 500 m2 trên đỉnh Slam Cao. Đây cũng là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách để tận hưởng không khí trong lành, ngoạn cảnh núi rừng Việt Bắc.
• Hang Thẳm Khẩu là một hang đá có vị trí tương đối bí mật nằm ở xóm Phai Khắt, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình. Đây là một hang khô, thoáng có thể chứa được 40 người, hang có nhiều mô đá gồ ghề, tiện cho việc ẩn nấp và bên trong có một tảng đá lớn, bằng phẳng được các đồng chí trong Đội sử dụng làm bàn vẽ sơ đồ chuẩn bị cho đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần. Trong thời gian từ năm 1941 - 1944, hang Thẳm Khẩu từng được chọn làm trạm liên lạc, đưa cơm phục vụ cho các chiến sỹ cách mạng, đồng thời là nơi tập trung quân của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân chuẩn bị cho việc đánh đồn Phai Khắt, Nà Ngần.
• Đồn Phai Khắt nằm ở vị trí giữa làng Phai Khắt, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, từ đây có ba đường đi về các ngả: Ngân Sơn thuộc tỉnh Bắc Kạn, đi Nà Ngần và một con đường độc đạo ra châu lỵ Nguyên Bình. Đồn nguyên là nhà của đồng chí Nông Văn Lạc bị thực dân Pháp chiếm đóng, đây là ngôi nhà gạch to nhất làng lúc bấy giờ với diện tích 210 m2. Sau khi chiếm đóng, địch cho rào bằng cây vầu cao 2 m, xung quanh chỉ có 2 cửa trước, sau để ra vào. Phía trước đặt vọng gác. Vòng ngoài chúng bắt dân trong vùng thay phiên nhau canh gác, vòng trong là lính dõng trực tiếp canh gác khá nghiêm ngặt. Đây là nơi chứng kiến trận đánh đầu tiên và giành chiến thắng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đơn vị tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy.
• Đồn Nà Ngần nằm trên một ngọn đồi cao thuộc xã Hoa Thám, huyện Nguyên Bình là nơi có địa thế hiểm trở được bao bọc bởi các thung lũng. Địch đã chọn nhà của ông Phó lý Nông Văn Pảo, một ngôi nhà sàn 3 gian kiên cố nhất trong làng để biến thành đồn lính với mấy lớp hàng rào vây kín xung quanh. Đồn có 22 lính khố đỏ do 2 tên sỹ quan Pháp chỉ huy. Nhờ điều tra nắm rõ tình hình địch nên trong trận đánh đồn ngày 26/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã cải trang làm đội lính dõng đi bắt cộng sản để tiến vào đồn. Trận đánh bất ngờ chớp nhoáng chỉ diễn ra trong vòng 15 phút, ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch trong đồn và thu nhiều súng ống, đạn dược, tài liệu mang về chiến khu. Đồng thời, phát truyền đơn tuyên truyền cho Nhân dân và thả toàn bộ số lính khố đỏ bắt được trở về địa phương sau khi đã tuyên truyền giác ngộ. Hiện nay, tại địa điểm này trên nền ngôi nhà cũ đã được xây nhà bia để ghi dấu sự kiện và chiến công oanh liệt của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
• Di tích Vạ Phá là nơi lán trại của lớp huấn luyện bồi dưỡng cán bộ quân sự cho toàn tỉnh do Tổng bộ Việt Minh mở với sự phụ trách trực tiếp của đồng chí Võ Nguyên Giáp và đồng chí Lê Thiết Hùng vào tháng 2/1944 để chuẩn bị về lực lượng và góp phần quan trọng cho việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân sau này. Di tích có diện tích chừng 150 m2 nằm trong địa phận huyện Nguyên Bình, thuộc xóm Bản Um, xã Tam Kim. Di tích được đặt ở một vị trí trong một thung lũng rộng, bằng phẳng ngay chân đồi Slam Khấu. Nơi đây hiện nay chỉ còn là dấu tích lán trại của lớp học quân sự.
Với những giá trị lịch sử đặc biệt như đã nêu trên, Khu di tích lịch sử rừng Trần Hưng Đạo đã được xếp hạng cấp quốc gia vào ngày 29/1/1993 và được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2383 QĐ-TTg ngày 9/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, di tích nằm trong hệ thống các di tích lịch sử cách mạng, lịch sử quân sự Việt Nam là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc; tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sỹ đã không tiếc máu xương tô thắm lá cờ đào viết nên trang sử vẻ vang hào hùng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Thông qua những hoạt động tổ chức sự kiện và du lịch về nguồn, di tích đã và đang trở thành điểm đến du lịch văn hóa thu hút đông đảo khách trong và ngoài nước tới tham quan.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin