Đến Tương Sơn - nhớ thi nhân viết ''Giọt lệ thu''

ĐOÀN BÍCH NGỌ 00:04, 29/06/2023

Đến với xứ sở mộng mơ, “thành phố buồn”, du khách đừng quên ghé thăm một địa chỉ khá ấn tượng đó là Núi Tương (Tương Sơn) nơi có nhà lưu niệm và là nơi an nghỉ cuối cùng của nữ sĩ Tương Phố - một thi nhân vang bóng một thời trên diễn đàn văn học Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX. Bạn sẽ bị cuốn hút bởi cảnh sắc đẹp, tĩnh lặng và đượm vẻ u buồn tới lạ kỳ, nơi đây gợi cho người ta liên tưởng tới cuộc đời và duyên tình đẫm nước mắt của nữ sĩ tài hoa.

Nhà lưu niệm nữ sĩ Tương Phố
Nhà lưu niệm nữ sĩ Tương Phố

Tôi đến Tương Sơn vào một sáng đầu tháng 5 âm lịch, Đà Lạt đang trong mùa mưa nên sáng sớm nơi đây sương mù vẫn còn vương nhẹ trên đỉnh núi Tương và những đồi thông quanh đèo Mimosa. Ở đây lúc này lác đác đã có một số bà con Phật tử đi lễ Quan Thế Âm Bồ Tát trên đỉnh Tương Sơn. Sau khi dừng lại ở tấm bia nhỏ chỉ dẫn đề: “Đây: TƯƠNG SƠN - Nơi an nghỉ cuối cùng của nữ sĩ Tương Phố”, tôi qua cổng tiếp tục theo con đường nhựa lên dốc chừng 500 m là đã tới khu mộ của nữ sĩ. Khu mộ nữ sĩ Tương Phố được đặt ở triền đồi cao tựa lưng vững chãi vào ngọn Tương Sơn quay mặt về hướng Bắc quê hương của nữ sĩ (mà sinh thời bà đã có tâm nguyện và chọn nơi an nghỉ cuối cùng cho mình). Toàn bộ khuôn viên nơi có mộ phần và nhà bia nơi đặt di ảnh và bia mộ được xây cất bình dị không quá cầu kỳ nhưng vẫn đủ toát lên vẻ nghiêm trang, tao nhã. Bên trong, phía dưới di ảnh nữ sĩ có khắc 4 câu thơ mở đầu trong bài thơ “Giọt lệ thu” nổi tiếng của bà:

“Trời thu ảm đạm một màu
Gió thu hiu hắt thêm sầu lòng em
Trăng thu ngả bóng bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng”.

Hai bên bàn thờ là đôi câu đối: “Tương giang ước mộng tình dang dở”, “Phố núi nguyện cầu duyên tái lai” do chính cháu nội đích tôn của bà là ông Thái Dương Minh lập, những mong cho người đã khuất nối lại duyên tình ở kiếp sau. Xung quanh khuôn viên không có tường bao nên rất thoáng đãng giữa ngàn thông rì rào trong gió. Cảnh sắc ở đây đẹp, tĩnh lặng và đượm vẻ u buồn tới lạ kỳ khiến gợi cho người ta liên tưởng tới cuộc đời và tình duyên đẫm nước mắt của nữ sĩ tài hoa. 

Sau khi đặt bó hoa lên bàn thờ và thắp nén nhang thơm kính cẩn tưởng nhớ Người xưa, tôi dời bước qua thăm nhà lưu niệm nằm ngay phía bên trái cạnh khu mộ của nữ sĩ. Đó là một ngôi nhà nhỏ nhưng khá xinh xắn, trước cửa có giàn hoa và khoảng sân có kê bàn ghế cho khách dừng chân. Nơi đây có trưng bày nhiều hình ảnh, tài liệu, kỷ vật của nữ sĩ mà gia đình vẫn còn lưu giữ được. 

TƯƠNG PHỐ - THÂN THẾ VÀ SỰ NGHIỆP VĂN CHƯƠNG

Nữ sĩ Tương Phố tên thật là Nguyễn Thị Đàm, sinh ngày 14/7/1900 và mất ngày 8/11/1973 tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Quê bà vốn ở xã Bối Khê, tổng Cẩm Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên nhưng lại được sinh ra ở Đồn Đầm, Bắc Giang nên được thân phụ bà là ông Đỗ Duy Phiên, một nhà nho thời bấy giờ đặt tên là Đàm (Đàm chữ Hán có nghĩa là Đầm) để ghi dấu kỷ niệm nơi ông nhậm chức quan làm việc dưới thời vua Bảo Đại, Triều Nguyễn. Nhà chỉ có hai chị em là bà và cô em gái tên Đỗ Thị Quế - sau này là nữ sĩ Song Khuê, nên từ nhỏ Tương Phố và Song Khuê đã được cha dạy học chữ nho và cho theo học các trường công lập dạy tiếng Pháp. Lớn lên, bà được gửi lên đất kinh kỳ học Trường nữ Sư phạm Hà Nội và gặp gỡ bén duyên với chàng sinh viên y khoa Thái Văn Du, em ruột của quan thượng thư bộ lại Thái Văn Toàn làm quan Triều Nguyễn. Ông Du cũng là người rất yêu thích văn, thơ, cũng xuất thân con nhà dòng dõi nho gia và từng được học ở các trường quốc học ở kinh thành Huế, được giáo dục bồi bổ kiến thức văn hóa Đông - Tây nên hai người rất tâm đầu ý hợp. Sau khi kết hôn sống hạnh phúc chưa đầy năm, chồng bà phải sang Pháp học tiếp để lấy bằng y khoa thuộc địa. Là y sĩ Đông Dương nên chính quyền Pháp điều ông đi tham chiến trong chiến tranh Pháp - Đức. Do không quen khí hậu lạnh lẽo của mùa đông châu Âu nên ông bị viêm phổi nặng phải đưa về Huế chữa trị chưa lâu thì mất. Do đường sá xa xôi cách trở, Tương Phố mới sinh con nhỏ không vào chăm sóc chồng và kịp gặp mặt trước khi mất để đưa tang vào mùa thu năm 1920. Quá đau đớn bà đã làm thơ khóc chồng, bày tỏ nỗi niềm qua những áng thơ, văn bất hủ mà bà đã cảm nhận và thụ hưởng từ các thi phẩm văn chương phương Đông của người cha và văn hóa phương Tây. Tất cả đã được hun đúc ảnh hưởng sâu đậm trong các tác phẩm thơ văn của bà với chất trữ tình sâu lắng, man mác buồn tự tâm hồn của người thiếu phụ tuổi đời còn quá trẻ đã chinh phục hàng triệu con tim. Là một thi nhân thuộc thế hệ văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỷ XX, trong Phong trào “Nữ lưu và văn học” lúc bấy giờ, Tương Phố đã có nhiều tác phẩm được đánh giá cao, tiêu biểu như: “Giọt lệ thu”, “Tái tiểu sầu ngâm”, “Khúc thu hận”, “Khóc chồng”,... Đặc biệt, tác phẩm “Giọt lệ thu” của bà được viết từ mùa thu 1923 và lần đầu tiên đăng trên Tạp chí Nam Phong vào năm 1928, nó được viết theo thể loại vừa văn xuôi và thơ lục bát lẫn song thất lục bát, thể hiện nỗi đau tột cùng từ chuyện tình duyên ngắn ngủi của chính mình gây xúc động và ngưỡng mộ của giới độc giả trong nước về tài văn chương của bà. Tác phẩm này còn “vang xa” tận nước ngoài và đã được một nữ thi sĩ người Pháp là Jeanne Duclos-Salesses dịch ra tiếng Pháp đăng trên Báo Le Moniteur d’lndochina. Nhà danh cầm người Pháp DeGironcourt đọc được và đã viết bản nhạc “Khúc ca trên mộ”. Năm 1940, khi sang Việt Nam, ông đã đến Phúc Yên (Vĩnh Phúc) thăm bà Tương Phố và tặng bà bản nhạc này.

Được biết, về sau bà tái giá với ông Phạm Khắc Khánh, một vị quan tuần phủ thời bấy giờ. Vốn có tài văn chương nho học lại thông thạo tiếng Pháp nên bà thường giúp chồng trong việc soạn thảo văn bản và phiên dịch mỗi khi làm việc với người Pháp. Tuy vậy, trong lòng nữ sĩ vẫn mang nặng nỗi niềm, không quên được mối duyên tình với người chồng quá cố, sau đó bà còn chủ động cưới thiếp cho chồng sau là quan tuần phủ Phạm Khắc Khánh để cùng chăm lo vẹn nghĩa trọn tình sau trước.

TƯƠNG SƠN - CHỐN DỪNG CHÂN AN NGHỈ CUỐI CÙNG CỦA NGƯỜI NỮ SĨ 

Thời gian cuối đời (từ năm1954) bà vào sống cùng con trai là Thái Bá Châu (người con trai đầu lòng của bà với ông Thái Văn Du) tại Đà Lạt cho tới khi mất vào năm 1973, hưởng thọ 73 tuổi. Theo tâm nguyện của bà, sau khi mất, gia đình đã chọn đồi thông thuộc khu vực Prenn của cao nguyên Lang Biang hùng vĩ làm nơi an nghỉ cuối cùng cho nữ sĩ và cũng từ đó đồi thông này có tên gọi là Tương Sơn. Ở đây, ngoài khu mộ, nhà trưng bày lưu niệm về nữ sĩ, phía trên gần đỉnh đồi có điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát nên hàng năm dân trong vùng và các Phật tử vẫn thường vào đây lễ Phật. Qua trò chuyện với anh Thái Trường Trinh, cháu nội của nữ sĩ Tương Phố và ông Nguyễn Văn Nghĩa là người đang phụ trách bảo vệ, phục vụ khách tại nhà lưu niệm, thì ở đây vào các ngày rằm, và ngày Ba mươi, mồng Một âm lịch hàng tháng, bà con Phật tử ở Đà Lạt và các vùng lân cận cùng một số khách thập phương ái mộ bà vẫn về đây dâng hương bái Phật và viếng mộ nữ sĩ. 

Du khách khi tới viếng mộ nữ sĩ Tương Phố, tham quan nhà lưu niệm tận mắt chiêm ngưỡng về những hình ảnh, kỷ vật của bà, còn được hòa mình khám phá một không gian thiên nhiên đẹp tĩnh lặng khi men theo con đường mòn len lỏi giữa ngàn thông để lên chiêm bái tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ở trên đỉnh Tương Sơn.