Hoàng đế Minh Mệnh với những hoạt động trong cung dịp Tết Đoan ngọ qua Mộc bản Triều Nguyễn

NGUYỄN HUY KHUYẾN 06:27, 22/06/2023

Tết Đoan ngọ còn có tên là Tết Đoan dương, Tết tháng Năm, Tết Trùng ngũ... Người dân Việt chúng ta hay gọi Tết này là “tết giết sâu bọ”. Về nguồn gốc của ngày Tết này hay về ý nghĩa, quan niệm ăn tết đã có nhiều bài viết rồi, vì vậy chúng tôi không viết lại. Mục đích của bài viết là nhằm lý giải vì sao hoàng đế Minh Mệnh lại quan tâm nhiều đến Tết này và có thơ Ngự chế để lại cho đời sau. Những tư liệu này được khắc trên mộc bản, hiện được Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV bảo quản. 

Theo ghi chép của chính sử Triều Nguyễn thì Tết Đoan dương, vua đến cung Từ Thọ làm lễ mừng. Lễ xong, ngự ở điện Thái Hòa nhận mừng. Ngày hôm ấy, các nha và công sở đều nghỉ việc, hằng năm lấy làm lệ thường. Đình thần dâng sớ rằng: “Từ trước đến giờ các tiết Thánh thọ, Chính đán, Đoan dương ở cung Từ Thọ, Hoàng thượng đem quần thần đến làm lễ, đều vâng chỉ Từ cung miễn cho các quan không phải chầu mừng. Ngửa thấy đức khiêm cung của Thánh từ sáng rỡ xưa nay, đủ rạng điều hay trước mà làm bảo cho đời sau, bọn thần trộm nghĩ: Đức hóa rộng rãi, bốn bể cùng trông; kính đội lòng thành, tính trời sẵn có. Nay, Hoàng thái hậu nối đức tốt Kinh thất được phụng dưỡng vinh quang, thần liêu lớn nhỏ chưa được theo ban mà chúc thọ, lòng thành nhỏ mọn không thể thôi được. Cúi trông lượng thánh soi xét, chuyển đạt lên Từ cung, xuống lệnh từ nay về sau cho các quan theo ban chúc mừng, để yên lòng tôi con kính mến”. Tờ tâu dâng lên, vua thân đến cung Từ Thọ bầy tâu. Trước còn chưa cho. Vua nói việc này là quần thần thành khẩn lắm, xin mãi hai ba lần, Hoàng thái hậu mới cho.

Như vậy, Tết Đoan dương hàng năm nhà vua thường cùng các bề tôi đến làm lễ với mẹ hiền ở cung Từ Thọ, đó là cách con đối với mẹ bằng lễ. Theo nhà vua thì “Bản triều ta từ khi lập pháp đến giờ ngoài ngày thường ra hoặc vài ngày tiểu tử ta thường đến cung Từ Thọ đến trước mặt Hoàng Thái hậu mà thỉnh an, ngoài ra Tết Nguyên đán, Đoan dương và các tết khác đều cung kính dẫn theo quần thần triều trước đến chúc mừng ở cung Từ Thọ, sau khi làm lễ xong mới về cung lên điện nhận sự chúc mừng, năm nào cũng như vậy. 

Ngoài ra, trong dịp tết này nhà vua cũng không quên ban thưởng cho các quan, vua nói “Đoan ngọ là một tiết tốt giữa năm, nay tuy đình việc triều hạ, cũng nên ban thưởng để đón tiếp phúc lành. Vậy thưởng cho hoàng tử, hoàng thân, văn từ chánh ngũ, võ từ chánh tứ phẩm trở lên các thứ quạt, khăn tay, chè, quả, theo như lệ”. Tết Đoan ngọ, vua nghĩ đến các quân tướng võ lớn, nhỏ ba đạo Ninh Bình, Hưng Hóa và Thanh Hoa phải dãi nắng vác giáo, vì nước khó nhọc mà ngày tết không được dự yến, liền sai thị vệ mang quạt, khăn tay, hào bao gấm, trà, quả, chia đi thưởng cấp cho quân thứ ở các đạo.

Về những lần nhận chúc mừng và dẫn quần thần đến cung Từ Thọ, vua đều có làm thơ để ghi lại. Chúng tôi xin giới thiệu hai bài thơ ngự chế của nhà vua đối với ngày Tết này.

端午日親率群臣朝慈壽宮敬紀
令 節 率 臣 子 
躬 親 謁 聖 慈 
日 麗 正 陽 日 
時 臨 中 夏 時 
北 堂 添 綵 縷 
南 牖 頌 薰 詩 
坤 貞 慶 長 養 
拜 祝 賀 丹 墀 

Phiên âm:
Đoan ngọ nhật thân suất quần thần triều Từ Thọ cung kính kỉ
Kim tiết suất thần tử,
Cung thân yết thánh từ.
Nhật lệ chính dương nhật,
Thời lâm trung hạ thời.
Bắc đường thiêm thái lũ,
Nam dũ tụng huân thi.
Khôn trinh khánh trường dưỡng,
Bái chúc hạ đan trì.

Dịch nghĩa:
Làm thơ ghi lại vào ngày Tết Đoan ngọ dẫn theo quần thần đến chầu ở cung Từ Thọ
Tết mùng 5 tháng 5 dẫn theo quần thần,
Cung kính đến thăm Thánh từ ở cung Từ Thọ.
Ngày đẹp chính là lúc mặt trời lên,
Lúc này đang là giữa mùa hè.
Nhà phía Bắc tô thêm phần rực rỡ,
Cửa phía Nam ngồi ngâm vịnh thơ Huân phong.
Vui mừng mẹ hiền mãi mãi được an dưỡng,
Ta bái lạy chúc mừng mẹ hiền nơi cung điện vàng son.

Như vậy, qua bài thơ trên khi đến thăm mẹ hiền, nhà vua đã làm bài thơ này để tỏ lòng hiếu kính với đấng phụ mẫu sinh thành. Đúng như chính sử đã ghi chép vua Minh Mệnh là người con rất hiếu kính. Vì lẽ đó, đọc thơ ngự chế của nhà vua mới thấy hết được mối tình thắm cha con thực lòng hiếu kính.

端 午
甫 完 慶 節 日 梭 催 
重 五 於 茲 接 踵 來 
弗 尚 虛 言 裝 綵 縷 
惟 宜 實 惠 醉 金 罍 
苑 中 不 用 穿 楊 矣 
江 上 何 須 競 渡 哉 
且 喜 分 陰 寬 晷 影 
紅 輪 永 晝 遲 昭 回

Phiên âm:
Đoan ngọ
Phủ hoàn khánh tiết nhật thoi suy,
Trùng ngũ ư tư tiếp chủng lai.
Phất thượng hư ngôn trang thái lũ,
Duy nghi thực huệ túy kim lôi.
Uyển trung bất dụng xuyên dương hĩ,
Giang thượng hà tu cạnh độ tai.
Nghi hỉ phân âm khoan quỹ ảnh.
Hồng luân vĩnh trú trì chiêu hồi 

Dịch nghĩa:
Tết Đoan ngọ
Vừa xong tết mừng ngày tháng thoi đưa,
Tết mùng 5 tháng 5 lại theo gót mà đến.
Chẳng phải lời nói rỗng trang trí cho rực rỡ
Chỉ nên ban ơn huệ say chén vàng
Trong vườn ngự không dùng tên bắn xuyên lá liễu
Trên sông sao cần thi thố vượt sông
Vừa vui vì chốc lát bóng mặt trời tỏa rộng 
Cả ngày mặt trời trậm chạp chuyển về đêm.

Như vậy, qua ghi chép của chính sử và những vần thơ của vua Minh Mệnh, người đọc có thể hình dung ra được những hoạt động trong cung đình Triều Nguyễn trong ngày Tết Đoan ngọ. Đó là sáng sớm nhà vua sẽ dẫn theo các quan đến cung Từ Thọ chúc mừng Hoàng thái hậu. Sau đó về điện Thái Hòa nhận sự chúc mừng của bách quan. Rồi nhà vua và các quan thường đi dạo ở Ngự hoa viên và cùng nhau xướng họa thơ, văn. Trong ngày lễ đó thì trong cung cũng ban thưởng cho các quan dự yến. Những việc làm này được triều đình quy định hàng năm đều diễn ra như vậy.