Kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích cố đô Huế (1993-2023) và 20 năm Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam (2003-2023) được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY - TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ 05:44, 06/07/2023
 

30 NĂM QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ ĐƯỢC UNESCO VINH DANH LÀ DI SẢN THẾ GIỚI (1993-2023)

 

Trong hơn 300 năm (1636-1945), Huế đã từng là thủ phủ của 9 đời chúa Nguyễn ở Đàng Trong (1636-1775), là kinh đô của triều đại Tây Sơn (1788-1801), rồi đến kinh đô của quốc gia thống nhất dưới thời 13 triều vua Nguyễn (1802-1945). Với tư cách là kinh đô, Phú Xuân - Huế là nơi hội tụ tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cũng là nơi gặp gỡ, giao lưu các luồng văn minh nhân loại. Trong các cố đô của Việt Nam, Huế là cố đô duy nhất còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, đền đài, lăng tẩm, với những di sản văn hóa phi vật thể, chứa đựng nhiều giá trị biểu trưng cho trí tuệ và tâm hồn của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trải qua các cuộc chiến tranh, sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên nhiên và những biến động của lịch sử, kho tàng di sản ấy đã bị tàn phá rất nặng nề. Gần 2/3 số công trình nằm trong Quần thể Di tích cố đô Huế đã trở thành phế tích; số còn tồn tại cũng ở trong tình trạng bị hư hại nghiêm trọng. Các di sản phi vật thể cũng bị mai một, thất tán. Hệ thống lễ hội cung đình đã không còn tồn tại sau khi Triều Nguyễn chấm dứt; các hình thức diễn xướng cung đình tản mát và dần đi vào đời sống dân gian.

Biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế tại lễ bế mạc Festival Huế 2018. Ảnh: TTXVN
Biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế tại lễ bế mạc Festival Huế 2018. Ảnh: TTXVN

• CÔNG TÁC PHỤC HỒI, BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ TRƯỚC KHI ĐƯỢC UNESCO VINH DANH

Xác định rõ tầm quan trọng và tính cấp bách của việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa, mặc dù còn nhiều khó khăn chồng chất do phải khắc phục hậu quả của chiến tranh, thiên tai, Đảng và Nhà nước đã tập trung cho công tác bảo vệ, gìn giữ các di sản văn hóa, trong đó có Quần thể di tích cố đô Huế và các di sản văn hóa phi vật thể. Tháng 5/1976, UBND Cách mạng Bình Trị Thiên đã ban hành quyết định xác nhận tạm thời các cơ sở văn hóa công cộng, ghi tên 35 di tích danh thắng trên địa bàn. Năm 1979, 4 di tích Hoàng Thành - Đại Nội, lăng Minh Mạng, lăng Tự Đức và lăng Khải Định đã được đặc cách công nhận là di tích cấp quốc gia. Năm 1981, Tổng Giám đốc UNESCO đã phát lời kêu gọi cứu vãn di sản văn hóa Huế; tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện những chiến lược và quyết sách mới trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với những định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1982, thành lập Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế (10 năm sau đổi tên thành Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, là một đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh), nhằm quản lý một cách toàn diện Quần thể di tích cố đô. Cho đến năm 1991, hầu hết các di tích quan trọng đã được lập hồ sơ khoanh vùng bảo vệ (căn cứ theo Pháp lệnh Bảo vệ di tích năm 1984).

30 NĂM QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ ĐƯỢC UNESCO VINH DANH LÀ DI SẢN THẾ GIỚI

Năm 1992, bộ hồ sơ khoa học mang tính tổng thể về di tích cố đô Huế đã được thiết lập và trình lên Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO.

Ngày 11/12/1993, Quần thể Di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Đây là sự kiện có ý nghĩa trọng đại, không những nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới mà còn tôn vinh giá trị của di sản văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới; góp phần mở ra những triển vọng cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị của các tài nguyên đặc biệt này.

Ngày 12/02/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 105/TTg phê duyệt Đề án Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích cố đô Huế giai đoạn 1996 - 2010. Ngày 25/8/2008, Chính phủ đã phê duyệt Đề án Xây dựng Huế trở thành Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng Huế thành một trong những trung tâm văn hóa du lịch lớn của cả nước. Ngày 25/5/2009, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 48-KL/TW về Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020. Ngày 17/6/2009, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 818/TTg Phê duyệt dự án điều chỉnh Quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị Di tích cố đô Huế giai đoạn 2010-2020. Đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để Thừa Thiên Huế triển khai bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế sau khi Quần thể Di tích cố đô Huế được công nhận là Di sản thế giới.

Việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đã luôn luôn gắn chặt với quá trình khai thác, phát huy và tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực miền Trung. Tinh hoa của Huế tưởng chừng bị mai một đã dần dần sống lại trong sinh hoạt cộng đồng, trong nếp nghĩ và việc làm hàng ngày của người dân Huế. Từ đó, khôi phục lại diện mạo ban đầu và nâng lên tầm cao mới những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của một kinh đô lịch sử, tạo niềm tin to lớn cho sự nghiệp phát triển văn hóa - du lịch, góp phần mở rộng giao lưu và hội nhập vào đời sống của văn hóa cộng đồng Việt Nam. Trong đó, việc định hướng giá trị di sản văn hóa Huế và tác động của nó đối với sự phát triển của Thừa Thiên Huế ngày một rõ ràng và hiệu quả hơn. Hình ảnh di sản văn hóa Huế trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững ngày càng rõ nét, góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, phục vụ phát triển du lịch, không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân và đặc biệt là chiếm được cảm tình của du khách trong nước cũng như bạn bè trên khắp thế giới. Đến nay, đã có hơn 200 công trình được tu bổ, phục dựng. Các di tích được bảo quản, tu bổ, phục hồi, tôn tạo đều bảo đảm nguyên tắc khoa học về bảo tồn của quốc gia và quốc tế. Nhiều đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao, phục vụ cho công tác quản lý và bảo tồn di sản, một số công trình nghiên cứu đã đạt các giải thưởng trong các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật và công nghệ. Trong 30 năm qua, có hơn 100 đầu sách nghiên cứu về Huế được xuất bản; hơn 80 hồ sơ khoa học về di tích được xây dựng phục vụ cho công tác nghiên cứu và bảo tồn di tích. Nhiều hồ sơ di tích được đệ trình lên các cấp để công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Bên cạnh đó, thông qua hợp tác quốc tế, hàng chục dự án nghiên cứu khoa học, bảo tồn trùng tu và đào tạo nhân lực, phục vụ cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản đã được thực hiện. Việc bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản được chuyên môn hóa. Cơ sở hạ tầng các khu di tích, như: Hệ thống đường, điện chiếu sáng đã dần được nâng cấp. Hệ thống sân vườn, cảnh quan di tích, hệ thống phòng, chống hỏa, chống sét... cơ bản được tu bổ hoàn nguyên hoặc xây dựng hoàn thiện. Phần lớn các di tích chính đã được đầu tư tu bổ, tôn tạo hệ thống sân vườn, cảnh quan và trồng cây bổ sung ở các khu vực đệm, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các trục đường TP Huế, các trục đường trong Kinh Thành, đường đến một số điểm di tích. Bên cạnh đó, việc chỉnh trang, tôn tạo hai bên bờ sông Hương, nạo vét sông Ngự Hà và tu bổ kè Hộ Thành Hào... đã từng bước trả lại giá trị cảnh quan vốn có của cố đô Huế. Việc sưu tầm cổ vật Triều Nguyễn cũng được quan tâm. Từ năm 2002 đến nay, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đã tiếp nhận gần 350 hiện vật từ các cá nhân trong và ngoài nước, làm phong phú thêm cho bộ sưu tập của Bảo tàng và phục vụ công tác trưng bày, tăng sự hấp dẫn tại Bảo tàng.

Trong những năm qua, Thừa Thiên Huế đã quan tâm đẩy mạnh khai thác, phát huy các thế mạnh của di sản văn hóa để phát triển du lịch. Nhờ có chính sách quảng bá tốt, lượng khách du lịch đến Huế tăng nhanh qua các năm (không tính năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng dịch COVID-19) và nguồn thu cũng tăng lên. Chính nguồn doanh thu từ vé tham quan đã góp phần rất lớn cho việc tái đầu tư của công cuộc trùng tu di tích cũng như phục vụ đắc lực cho nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công tác bảo tồn, trùng tu các di sản văn hóa của Cố  đô Huế. Việc phát triển du lịch đã làm thay đổi diện mạo và mang lại cho Huế nhiều cơ hội về phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, cơ sở vật chất kĩ thuật được củng cố và tăng cường, đời sống  người dân ngày được cải thiện.

Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế cũng đã được tỉnh quan tâm đưa vào giáo dục trong trường học, để tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng, niềm tự hào của mỗi người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt  Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ năm 2010 đến nay, các trường học trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hơn 300 buổi tham quan di tích lịch sử, di sản văn hóa thuộc Quần thể Di tích cố đô Huế. Từ đó, vun đắp, củng cố nền tảng, bản sắc văn hóa, sức mạnh dân tộc; khơi dậy lòng tự hào đất nước cho học sinh, sinh viên; khơi dậy khát vọng cống hiến vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Ngày 10/12/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW về Xây dựng  và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó xác định Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế. Thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 11/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 42/QĐ-TTg Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Tiếp đó, ngày 20/10/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2022/NĐ-CP về việc thành lập và Quy chế hoạt động của Quỹ Bảo tồn di sản Huế. Đó là những cơ sở pháp lý quan trọng để Thừa Thiên Huế bảo tồn và phát huy di sản Huế trong thời kỳ mới.

Có thể nói, việc UNESCO công nhận Quần thể di tích cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới, đã đem lại một cơ hội lớn để Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng mở rộng giao lưu văn hóa với các nước, chọn lọc bổ sung những yếu tố thích hợp làm phong phú bản sắc văn hóa dân tộc trên con đường hội nhập và phát triển. Di sản Huế đã trở thành một ví dụ tiêu biểu, xuất sắc cho chiến lược ngoại giao văn   hóa của Việt Nam.

(CÒN NỮA)