Kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích cố đô Huế (1993-2023) và 20 năm nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam (2003-2023) được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới (kỳ cuối)

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY - TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ 05:30, 20/07/2023

TIẾP TỤC BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY DI SẢN THẾ GIỚI NHẰM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THỪA THIÊN HUẾ TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG THEO HƯỚNG DI SẢN, VĂN HÓA, SINH THÁI, CẢNH QUAN, THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

Nhã nhạc cung đình Huế. Ảnh: TTXVN
Nhã nhạc cung đình Huế. Ảnh: TTXVN

Di sản văn hóa là bộ phận quan trọng cấu thành nên văn hóa của mỗi quốc gia dân tộc. Những giá trị văn hóa đọng lại trên các di sản văn hóa là những bằng chứng về sự trường tồn của cái đẹp, của quá khứ đối với hôm nay và ngày mai. Việc quản lý, giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa không những phải đảm bảo sự vẹn toàn các giá trị của thế hệ đi trước để lại mà quan trọng hơn là phải xây dựng niềm tự hào dân tộc, khơi dậy nguồn sức mạnh nội sinh cho quá trình phát triển bền vững của đất nước. Trong khuynh hướng chung đó, các di sản văn hóa Huế có vai trò quan trọng, là điểm hội tụ tinh hoa văn hóa dân tộc, là nơi gặp gỡ giao lưu các luồng văn minh nhân loại.

Có thể nói, để tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của một trong những đô thị di sản đặc thù, đặc biệt trong mối tương quan hợp lý với các thành phố lớn (Hà Nội - Huế - Thành phố Hồ Chí Minh), để xứng tầm là trung tâm du lịch, Thừa Thiên Huế tiếp tục xây dựng và phát triển trên cơ sở khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế, nhất là sự kết hợp hài hòa giữa di sản văn hóa, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên và con người Huế. Bên cạnh đó, cần phải giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế và phát triển giá trị di sản văn hóa; giữa bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản để phát triển du lịch theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường; tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp thiết thực sau đây:

Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên tuyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa Huế nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Tích cực vận động Nhân dân tham gia công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích, xử lý nghiêm minh các hành vi lấn chiếm đất đai, xâm phạm di tích... Tăng cường đưa chương trình giáo dục di sản vào giảng dạy trong nhà trường với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

Thứ hai, đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế trong quản lý di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tranh thủ UNESCO tham vấn phát triển du lịch bền vững tại địa phương, đầu tư hỗ trợ phát triển cộng đồng và phát triển văn hóa địa phương trong quá trình xây dựng các chiến lược phát triển di sản bền vững hướng người dân, cộng đồng xã hội tham gia trực tiếp vào công tác bảo tồn di sản văn hóa, dịch vụ du lịch tại Khu di sản Huế, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi và cuộc sống của người dân.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích và phát triển du lịch. Tạo dựng hệ thống thông tin, các công cụ tiện ích phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp du lịch - dịch vụ; đẩy mạnh số hóa dữ liệu di sản, tạo thêm các sản phẩm, dịch vụ du lịch thông minh và nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến thị trường và đáp ứng yêu cầu về đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước; góp phần thúc đẩy ngành Du lịch Thừa Thiên Huế tăng trưởng và phát triển bền vững.

Thứ tư, tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, nhất là các sản phẩm chủ lực, mang tính đại diện và thương hiệu cao. Phát triển du lịch thông minh gắn với hệ sinh thái đô thị thông minh. Tăng tiện ích cho khách du lịch, tập trung dịch vụ thuyết minh tự động (Audio guide/ minh họa qua quét QR) phục vụ khách du lịch tham quan Quần thể di tích cố đô Huế và các điểm đến khác; hệ thống xe đạp thông minh; giải trí thực tế ảo VR, VR 360, thực tế ảo tăng cường; trang bị hạ tầng du lịch thông minh; các ki-ốt cung cấp thông tin và xây dựng các ứng dụng du lịch thông minh; đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt, triển khai vé điện tử... để tạo tiện ích và trải nghiệm cho khách du lịch khi đến Huế. Đẩy mạnh chuyển đổi số đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích và quản lý dịch vụ du lịch với phương châm: quản lý thông minh, trải nghiệm thông minh và quảng bá thông minh.

Thứ năm, tranh thủ các bộ, ngành, cơ quan Trung ương trong việc đề xuất các cơ chế đặc thù cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Huế; cập nhật thông tin của di sản Huế thông qua bản đồ trực tuyến để truyền thông tạo thương hiệu điểm đến “An toàn - Xanh - Sạch” đối với di tích Huế nhằm duy trì và tăng cường giới thiệu quảng bá hình ảnh về khu di sản Huế và các biện pháp bảo vệ di sản, thúc đẩy phát triển du lịch bền vững; phối hợp đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá, chia sẻ thông tin và hình ảnh di sản và du lịch Huế ở nước ngoài.

Thứ sáu, phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến về thí điểm mở cửa du lịch quốc tế ở các khu di sản; tổ chức các cuộc triển lãm trực tuyến; các cuộc thi trực tuyến về di sản thế giới tại Việt Nam hoặc cuộc thi ảnh về các di sản UNESCO trong đó có kết hợp giới thiệu về di sản thế giới Huế.

Với bề dày lịch sử hơn 700 năm hình thành và phát triển, Thừa Thiên Huế là địa phương hội đủ nhiều tiềm năng, thế mạnh cho sự phát triển nhanh và bền vững. Thừa Thiên Huế tự hào là nơi gìn giữ một “gia tài” văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và nhân loại với 7 di sản được UNESCO công nhận, gần 1.000 di tích lịch sử văn hóa của cả nước, với hơn 500 lễ hội, hàng vạn hiện vật, cổ vật quý hiếm; có hệ thống nhà vườn, nhà rường phong phú, đa dạng; có cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ, như: Sông Hương, Núi Ngự, đầm phá Tam Giang, Vườn Quốc gia Bạch Mã, Lăng Cô vịnh đẹp thế giới... cùng với hệ thống đền đài, thành quách, chùa chiền, cung điện... đã tạo nên nét đặc trưng riêng và là yếu tố nổi bật của đô thị Huế. Ngoài ra, nếp sống, văn hóa ứng xử, đạo đức và cốt cách con người Huế là nét đặc trưng tạo nên bản sắc riêng của vùng đất cố đô.

Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, trong đó có các di sản văn hóa thế giới Quần thể di tích Cố đô Huế và nhã nhạc - âm nhạc cung đình cùng với phát huy giá trị văn hóa Huế, con người Huế đang thực sự trở thành nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển bền vững của Thừa Thiên Huế. Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để phát huy vị thế Huế là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam. Qua đó, góp phần cùng cả nước xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất và đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại mới.