Kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích cố đô Huế (1993-2023) và 20 năm nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam (2003-2023) được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới (tiếp theo)

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY - TRUNG TÂM BẢO TỒN DI TÍCH CỐ ÐÔ HUẾ 09:16, 13/07/2023

20 NĂM NHÃ NHẠC - ÂM NHẠC CUNG ÐÌNH VIỆT NAM ÐƯỢC UNESCO CÔNG NHẬN LÀ KIỆT TÁC PHI VẬT THỂ VÀ TRUYỀN KHẨU CỦA NHÂN LOẠI (2003-2023)

NHÃ NHẠC - ÂM NHẠC CUNG ĐÌNH VIỆT NAM

Nhã nhạc - âm nhạc cung đình Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa nói chung và âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng, là hạt nhân của bộ phận âm nhạc bác học cổ điển, tiêu biểu cho tài năng sáng tạo, cũng như thể hiện bản sắc của văn hóa Việt Nam.

Múa Lục cung hoa đăng. Ảnh: TTXVN
Múa "Lục cung hoa đăng". Ảnh: TTXVN

Nhã nhạc (Âm nhạc cung đình) là một loại hình âm nhạc mang tính bác học, là loại hình âm nhạc chính thống, được xem là quốc nhạc, sử dụng trong các cuộc tế, lễ của triều đình. Các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng, phát triển nhã nhạc và loại hình âm nhạc này đã trở thành một biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản... của nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.

Theo sách sử, nhã nhạc ra đời vào Triều Lý (1010-1225) và hoạt động một cách quy củ vào thời Lê (1427-1788), là loại hình nhạc mang tính chính thống, với quy mô tổ chức chặt chẽ. Tuy nhiên, vào giai đoạn cuối của Triều Lê, âm nhạc cung đình dần dần đi vào thời kỳ suy thoái. Đến thời Nguyễn (1802-1945), vào nửa đầu thế kỷ XIX, điều kiện xã hội đã cho phép âm nhạc cung đình phát triển trở lại. Các thể loại âm nhạc cung đình Huế bao gồm: nhạc lễ nghi thờ cúng và nhạc lễ nghi triều chính, múa cung đình, ca nhạc thính phòng và kịch hát (tuồng cung đình). Triều đình Nguyễn quy định 7 thể loại âm nhạc, gần giống với các thể loại của Triều Lê. Vào cuối thế kỷ XIX, khi đất nước lâm vào nạn ngoại xâm, vai trò của triều đình mờ dần, thì âm nhạc cung đình cùng các lễ nghi cũng giảm và mờ dần. Ngoài ra, triều đình cho du nhập dàn quân nhạc của phương Tây, làm cho vai trò của nhã nhạc càng mờ nhạt thêm.

Sau năm 1945, nhã nhạc đã mất không gian vốn có của nó và có nguy cơ mai một dần. Tuy đã được duy trì và phát triển qua cả nghìn năm, nhưng các tài liệu lịch sử về nhã nhạc không còn nhiều, lại phân bố ở nhiều nơi, không có một cơ sở lưu trữ bài bản và hệ thống, các nghệ nhân, người hiểu biết về kỹ thuật diễn xướng cũng như kiến thức về nhã nhạc còn quá ít ỏi...

CÔNG TÁC PHỤC HỒI, BẢO TỒN NHÃ NHẠC TRƯỚC KHI ĐƯỢC UNESCO VINH DANH

Từ sau năm 1975, Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thông tin và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều chủ trương, quyết định để bảo tồn loại hình văn hóa độc đáo này. Ngày 12/02/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 105/TTg phê duyệt Dự án quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế 1996-2010, trong đó xác định một trong những mục tiêu bảo tồn là bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cung đình Huế (nhạc cung đình, múa cung đình, tuồng cung đình và lễ hội cung đình).

Năm 1992, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế ra đời. Để đảm bảo có không gian diễn xướng tương ứng theo lịch sử, các công trình như: Duyệt Thị Đường, Lương Khiêm Đường, Nam Giao, Thế Miếu được tu bổ. Bên cạnh đó, nhiều chương trình, đề tài nghiên cứu liên quan đến âm nhạc cung đình cũng được triển khai thực hiện.

Tháng 3/1994, tổ chức UNESCO đã phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin và tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Hội nghị quốc tế về bảo vệ và giữ gìn phục hồi văn hóa phi vật thể vùng Huế. Tiếp đó, nhiều dự án đào tạo đã được Bộ Văn hóa - Thông tin, các quỹ của UNESCO, Chính phủ Nhật Bản... tài trợ. Những năm 1997 - 2000, JFAC đã tài trợ để tổ chức các hội nghị, tọa đàm về nhã nhạc với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều nhà quản lý và đào tạo đến từ nhiều nước. Cuối tháng 8/2002, phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Viện Âm nhạc Việt Nam, Hội thảo quốc tế về âm nhạc cung đình Huế - nhã nhạc, với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đã được tổ chức nhằm góp phần thúc đẩy công cuộc bảo tồn di sản nhã nhạc. Bên cạnh đó, Nhà hát Truyền thống Cung đình Huế đã bảo tồn được một số bản nhạc, đồng thời, tiến hành biểu diễn phục vụ khách đến Huế tham quan, nghiên cứu và tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, biểu diễn ở các nước châu Á, châu Âu; tham gia tích cực các chương trình nghệ thu ật trong khuôn khổ của Festival Huế 2000, 2002.

CÁC HOẠT ĐỘNG KỶ NIỆM
1. Lễ kỷ niệm 30 năm (1993-2023) Quần thể Di tích cố đô Huế và 20 năm (2003-2023) nhã nhạc - âm nhạc Cung đình Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản thế giới và Chương trình nghệ thuật tôn vinh các di sản.
2. Một số hoạt động bên lề Lễ kỷ niệm
- Triển lãm “Giang sơn Việt Nam trên Cửu Đỉnh”, tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
- Triển lãm Mỹ thuật và Di sản chủ đề “Di sản diễn xướng cung đình và cảm hứng hội họa”, tại Vườn Thiệu Phương, Đại Nội.
- Triển lãm “Thần Kinh nhị thập cảnh, thơ vua Thiệu Trị” qua thư pháp truyền thừa của Đài Loan, tại Thái Bình Lâu, Đại Nội.

20 NĂM NHÃ NHẠC - ÂM NHẠC CUNG ĐÌNH VIỆT NAM ĐƯỢC UNESCO VINH DANH LÀ DI SẢN THẾ GIỚI

Trung tuần tháng 8/2002, bộ hồ sơ nhã nhạc đã được thực hiện và gửi đến UNESCO, đăng ký ứng cử vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu nhân loại.

Ngày 07/11/2003, nhã nhạc Việt Nam đã được UNESCO ghi tên vào Danh mục Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cùng với 27 kiệt tác khác.

Năm 2004, Nhà hát Nghệ thuật Cung đình Huế đã đi biểu diễn nhã nhạc cung đình tại các thành phố thuộc Cộng hòa Pháp và thủ đô Bruxelles (Bỉ). Trong đợt lưu diễn này, tại Văn phòng UNESCO (Pháp), bằng chứng nhận Di sản nhã nhạc Việt Nam là Kiệt tác Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại đã được UNESCO trao cho Huế.

Sau khi nhã nhạc được UNESCO vinh danh, hoạt động sưu tầm, nghiên cứu và lưu trữ các tài liệu liên quan đến nhã nhạc đã được thực hiện và triển khai một cách bài bản; đã tham dự các khóa tập huấn đào tạo phương pháp luận về nghiên cứu, lưu trữ; trực tiếp tham quan, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm tại các viện nghiên cứu, trung tâm lưu trữ quan trọng của Việt Nam; tham quan các làng nghề truyền thống ở miền Bắc và phỏng vấn các nghệ nhân nổi tiếng tại đây... Công tác sưu tầm, lưu trữ các hồ sơ khoa học, các tài liệu liên quan đến nhã nhạc được thực hiện nghiêm túc, xây dựng thành những hồ sơ khoa học. Công tác đào tạo nhạc công nhã nhạc trẻ và tập huấn nâng cao kỹ năng biểu diễn nhã nhạc đã được chú trọng. Các nghệ nhân có tên tuổi đã được mời để truyền dạy về các kỹ năng trình diễn và trao truyền các bí kíp nghề nghiệp.

Với mục đích nâng cao nhận thức trong công chúng về các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, công tác biểu diễn và quảng bá nhằm phát huy giá trị di sản nhã nhạc cung đình Huế cũng được chú trọng. Nhã nhạc đã được tổ chức biểu diễn hàng ngày tại Nhà hát Duyệt Thị Đường (Đại Nội - Huế) để giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước về những giá trị di sản đặc sắc của nhã nhạc. Bên cạnh đó, đã tổ chức nhiều đợt biểu diễn nhã nhạc tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước nhân dịp các sự kiện lớn; tham gia các festival và chương trình giao lưu nghệ thuật tại một số quốc gia châu Âu và châu Á, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế. Đặc biệt, các tiết mục nhã nhạc cũng góp phần làm nên thành công của các kỳ Festival Huế. Các hoạt động nâng cao nhận thức của học sinh tại nhà trường cũng được quan tâm, thông qua các buổi nói chuyện có minh hoạ hình ảnh và tiết mục biểu diễn; tạo điều kiện cho học sinh các trường học trên địa bàn tỉnh trực tiếp tham gia vào các buổi tập huấn về nhã nhạc và các loại hình diễn xướng cung đình khác. Phối hợp tổ chức tọa đàm, tập huấn dành cho giáo viên một số trường tiểu học nhằm cung cấp kiến thức về nhã nhạc và phương pháp giảng dạy âm nhạc truyền thống cho các giáo viên dạy nhạc, hướng dẫn giáo viên phương pháp để học sinh có thể lĩnh hội và cảm nhận được giá trị âm nhạc truyền thống, đặc biệt đối với nhã nhạc. Các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị nhã nhạc đã được tích cực tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước. Đã phối hợp với các cơ quan truyền thông báo chí xây dựng các phim tài liệu, phim phóng sự ngắn để phát trên sóng truyền hình. Năm 2008, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem nhã nhạc cung đình Huế, gồm 3 mẫu và một tem khối giới thiệu tổng quan về nhã nhạc cung đình.

Có thể thấy, sau 20 năm, việc bảo tồn, phát huy nhã nhạc - kiệt tác Di sản phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại tại Thừa Thiên Huế đã thu được những thành quả rất đáng tự hào. Không chỉ là vốn quý, tài sản của dân tộc, nhã nhạc còn là một trong những minh chứng điển hình, đại diện cho khu vực Đông Nam Á về loại hình âm nhạc cổ xưa còn sót lại.

(CÒN NỮA)