Xuân Trường với những địa danh lịch sử cách mạng một thời hào hùng

ĐOÀN BÍCH NGỌ 00:04, 27/07/2023

Nằm cách trung tâm TP Đà Lạt hơn 20 km về phía Đông Nam, Xuân Trường là một trong những “địa chỉ đỏ” sáng ngời ý chí đấu tranh cách mạng anh dũng kiên cường của quân và dân Đà Lạt trong những năm tháng chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Nơi đây vẫn còn những dấu tích, địa danh gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ trong chiến khu đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng. 

Các cựu chiến sĩ quân bưu về thăm và thắp hương tưởng niệm đồng đội tại Bia tưởng niệm ở Khu Tam Giác (thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường)
Các cựu chiến sĩ quân bưu về thăm và thắp hương tưởng niệm đồng đội tại Bia tưởng niệm ở Khu Tam Giác (thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường)

NƠI GHI DẤU SỰ KIỆN LỊCH SỬ

Ngược dòng lịch sử, về lại thời gian những năm từ 1966 trên địa bàn tỉnh Tuyên Đức địch ráo riết thực hiện âm mưu “Tìm diệt và bình định”, tiến hành bao vây kinh tế, đánh phá hành lang nhằm đẩy lực lượng cách mạng ra khỏi và xa dần các khu vực thị xã, thị trấn. Để đối phó với âm mưu thủ đoạn của địch, ta cũng tăng cường diệt ác trừ gian ở nội đô, đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở các vùng nông thôn, ven thị, chặn đánh địch trên các tuyến đường giao thông. Thời gian này, Khu ủy Khu 6 quyết định chuyển căn cứ xuống vùng giáp ranh của 2 tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng, đây là khu vực giữa Tánh Linh, Đức Linh, phía Đông đường 20. Đồng thời, quân ta “tập kích đồn Tà In, giải phóng 3 xã, 25 buôn, ấp với gần 4.000 đồng bào dân tộc, mở rộng vùng giải phóng (và đặt tên K67). Lúc này trạm giao bưu K67 cũng được thành lập do đồng chí Vĩnh làm trưởng trạm. Do vùng giải phóng được mở rộng nên việc liên lạc giữa Tuyên Đức và Khu 6 có phần thuận lợi hơn. Để tăng cường cho công tác thông tin liên lạc, Ban giao bưu vẫn tổ chức thêm các trạm: Thị ủy Đà Lạt, vùng Tam Giác, Đơn Dương, Đức Trọng và nâng tổng số lên 6 trạm” (Theo cuốn sơ thảo “Lịch sử Bưu điện tỉnh Lâm Đồng 1930-2000” - NXB Chính trị quốc gia - 2001), gồm có các trạm: Trạm T370 (sau đổi thành T378) là trạm đầu mối do đồng chí Dương Văn Chặt phụ trách; Trạm T371 trực thuộc Thị ủy Đà Lạt do đồng chí Nguyễn Đức Ba phụ trách; Trạm T372 ở vùng Tam Giác cạnh bờ suối (anh em hay gọi là suối Ca Nhạc, thuộc thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường, Đà Lạt ngày nay) do đồng chí Ngự phụ trách; Trạm T373 ở Hồ Tiên; Trạm T374 ở gần buôn Con Ó; Trạm T376 (Đơn Dương) đóng ở khu vực núi “Ông Già Râu” do đồng chí Xảo làm trưởng trạm. Đồng thời, để tiện trao đổi thông tin liên lạc ta cũng hình thành được 3 hộp thư mật tại Cầu Đất, xã Xuân Trường, huyện Đơn Dương phía Nam thị xã Đà Lạt. Công tác giao liên rất khó khăn, vất vả, anh em giao bưu phải thường xuyên vượt núi băng rừng, trèo đèo, lội suối, qua nhiều sông sâu để đi giao trực với các trạm trong tỉnh, gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Đó là chưa kể đến phải dũng cảm, mưu trí để vượt qua nhiều đồn bốt và trạm gác, địch thường xuyên tuần tiễu suốt ngày đêm hòng chặn đường hành lang liên lạc của ta. Đặc biệt là Trạm T372 trước đóng ở khu vực Tam Giác (giữa ba đường 20, 11 và 21) nơi địch nghi có đường hành lang qua lại nên hay đi lùng sục, phục kích và phát quang cây cối hai bên quốc lộ, cho gài mìn, lập thêm bốt gác, nên trạm phải di chuyển vào sâu, xa đường 20 hơn (cách nơi ở cũ khoảng 1 km) thuộc thôn Xuân Sơn, xã Xuân Trường. Anh em giao bưu Trạm T372 đi làm nhiệm vụ đều phải vượt qua đường 20, 11 và 21, vì vậy không thể đi ban ngày mà phải chuyển sang ban đêm, nhưng cũng không tránh khỏi hy sinh. Các đồng chí trưởng trạm ở đây như: Vĩnh, Am và Trương Thành đều lần lượt hi sinh. Nhưng nhờ tổ chức được nhiều hình thức liên lạc nhiều tuyến, đảm bảo bí mật ngăn cách, nên địch đánh phá rất ác liệt cũng không thể cắt đứt được đường dây liên lạc các tuyến hành lang, sự lãnh đạo chỉ đạo của Tỉnh ủy, thị ủy đối với phong trào cách mạng trong thị xã và toàn tỉnh, các tuyến giao liên hành lang vẫn hoạt động liên tục và phát huy hiệu quả.Trong đó có sự đóng góp của Nhân dân, cơ sở cách mạng xã Xuân Trường không quản ngại hy sinh, gian khổ tiếp tế, cưu mang che chở cán bộ chiến sĩ vào trung tâm thị xã, thị trấn làm nhiệm vụ và trở về chiến khu an toàn. Được biết, trong thời kỳ trước giải phóng, toàn xã chỉ có 4.000 người mà đã có một nửa thoát ly đi kháng chiến, những người ở lại bám đất, bám làng nuôi dấu cán bộ, tiếp tế lương thực, thuốc men cho bộ đội trong chiến khu. Đứng chân ở đây, ngoài Trạm giao liên T372 tỉnh Tuyên Đức còn có một tổ công tác thuộc Thị ủy Đà Lạt và các đội công tác như: Đội K3; Đội K4; Đội Trại Hầm; đơn vị bộ đội 830 - công binh; đơn vị 815 - bộ đội địa phương; đơn vị bộ đội 870. 

Sau giải phóng, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, Đảng và Nhà nước ta đã ghi nhận công lao và thành tích đóng góp của các anh hùng liệt sĩ quân bưu, các lượng vũ trang quân và dân Lâm Đồng, trong đó riêng xã Xuân Trường đã ghi danh 18 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 191 liệt sĩ. Xã Xuân Trường đã được phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” vào năm 1998.

ĐỂ ĐỊA DANH VÀ DẤU TÍCH LỊCH SỬ TRƯỜNG TỒN MÃI VỚI THỜI GIAN

Hiện nay, ở đây còn lưu giữ được nhiều dấu tích quan trọng của các đội công tác, lực lượng vũ trang đã từng đóng quân ở đây như: hầm trú ẩn, bếp nấu ăn,... cùng cảnh quan rừng nguyên sinh của chiến khu xưa với những địa danh bất hủ như: suối Ca Nhạc, đồi Đánh Mỹ,... ghi dấu một thời đấu tranh cách mạng, đánh dấu một mốc son lịch sử đáng tự hào của quân, dân trên mảnh đất quê hương Lâm Đồng. Đây cũng là một trong những yếu tố cần thiết và quan trọng để chúng ta nghiên cứu phục dựng, bảo tồn di tích lịch sử cách mạng - chiến khu xưa.

Vì vậy, để góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc và khai thác, phát huy giá trị của địa chỉ đỏ đặc biệt này cùng với các di sản văn hóa khác trong phát triển du lịch tại Xuân Trường; chúng ta rất cần sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, thành phố, sự tham vấn của các ngành chức năng để sớm có dự án đầu tư cho việc phục hồi tôn tạo lại khu căn cứ cách mạng nói trên, xây dựng đài tưởng niệm, chỉnh trang lại nhà truyền thống cho xứng tầm để tri ân các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời, tạo thêm được một điểm đến mới, một địa chỉ đỏ ngoài Di tích Quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt để hình thành các tour du lịch về nguồn cho thế hệ trẻ nói riêng và du khách nói chung khi tới TP Đà Lạt, Lâm Đồng.