Những mưu đồ độc ác và luận điệu dối trá (Kỳ cuối)

UÔNG THÁI BIỂU 00:10, 17/08/2023
 

Kỳ cuối: Những đổi thay kỳ diệu trên xứ sở đại ngàn 

 

Như một vài dẫn chứng nêu trên, bọn phản động và các thế lực thù địch luôn rêu rao rằng, đồng bào Tây Nguyên bị kỳ thị, bị phân biệt đối xử, bị đàn áp và bị xóa nhòa bản sắc văn hóa! Thực tế có như chúng nói không? Hiện thực Tây Nguyên hôm nay với những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, về sự tiến bộ trong vấn đề bảo đảm nhân quyền, sự khởi sắc vượt bậc trong đời sống vật chất và tinh thần của hàng triệu đồng bào là minh chứng về những đổi thay kỳ diệu trên xứ sở đại ngàn.

Thành phố Buôn Ma Thuột hôm nay
Thành phố Buôn Ma Thuột hôm nay

Theo dòng lịch sử, thuở chưa xa, dù sống giữa vùng đất Tây Nguyên với kho tàng tiềm năng giàu có nhưng đồng bào các dân tộc anh em suốt tháng năm dài đắm chìm trong đói nghèo, lạc hậu. Hai cuộc xâm lăng, giày xéo của kẻ thù lên đất nước ta, người Tây Nguyên cũng cùng chung thân phận nô lệ như các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước. Máu và nước mắt của những người đồng bào trên miền cao nguyên đã đổ xuống đất đai cho những đồn điền cao su, cà phê, hồ tiêu tươi tốt, những hầm mỏ khoáng sản quý giá mang lại sự giàu có cho bọn thực dân, đế quốc. Biết bao người đã tan xương, nát thịt dưới vực sâu, trong rừng thẳm bởi những cuộc bắt phu, bắt xâu xây dựng những tuyến đường ngang dọc Tây Nguyên nhằm phục vụ cho mục đích khai thác, vơ vét tài nguyên của quân xâm lược. Trong đêm trường nô lệ, núi rừng Tây Nguyên bị bọn ngoại bang dày xéo, đồng bào các dân tộc thiểu số chịu cảnh đối xử kỳ thị, rẻ mạt, bất công. Kẻ thù còn sử dụng chính sách “ngu dân”, “chia để trị”, gây mâu thuẫn và chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc anh em. 

Đánh Pháp, đuổi Mỹ thành công, nước nhà thống nhất, đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên thực sự được giải phóng bởi đêm trường đói nghèo, lạc hậu; được làm công dân của một nước độc lập; được phát triển bình đẳng giữa cộng đồng các dân tộc anh em. Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều nghị quyết, tổ chức nhiều chương trình và đầu tư những nguồn lực lớn để phát triển Tây Nguyên. Nhất là từ khi có Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa IX và Quyết định 168 của Thủ tướng Chính phủ về “Phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên”, nguồn lực tập trung đầu tư ngày càng cao, từng bước khơi dậy tiềm năng, lợi thế vùng đất chiến lược này. Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10, Tây Nguyên đã đổi thay mạnh mẽ. Quy mô kinh tế của vùng tăng nhanh, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỷ đồng, gấp 14 lần năm 2002 và 3,1 lần năm 2010. GRDP bình quân giai đoạn 2002-2020 gần 8%, tốc độ tăng trưởng của các khu vực kinh tế đều cao nhất so với các vùng; GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 48 triệu đồng, gấp 10,6 lần năm 2002. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực quy mô lớn, chiếm tỉ trọng cao, với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt khoảng 2,82 tỷ USD, chiếm 5,6% xuất khẩu nông sản cả nước; đang trở thành vùng du lịch sinh thái - văn hóa có sức hấp dẫn; giá trị văn hóa các dân tộc được bảo tồn, kế thừa và phát huy; hệ thống giáo dục, đào tạo được quan tâm đầu tư, mạng lưới y tế được củng cố; bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước được chú trọng; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Các địa phương trong vùng đã phát huy tốt vai trò của già làng, người có uy tín; niềm tin của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đối với Đảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường. Để đẩy nhanh tốc độ phát triển Tây Nguyên, gần đây, ngày 6/10/2022, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Nghị quyết về “Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, Tây Nguyên sẽ trở thành vùng phát triển bền vững, có nền kinh tế xanh, tuần hoàn... 

Ngày nay, trên vùng đất năm tỉnh phía tây Tổ quốc với kho tàng tài nguyên thiên nhiên giàu có, ngôi nhà chung của gần 6 triệu người của 47 dân tộc anh em, khắp các buôn làng, phố thị cuộc sống ngày càng khởi sắc. Những công trình hạ tầng, phúc lợi ngày càng được xây dựng nhiều hơn. Ngày xưa, tập quán du canh du cư và phương thức mưu sinh tự cung tự cấp làm cho cuộc sống người dân cơ cực; ngày nay, đồng bào thực hiện định canh định cư ổn định cuộc sống, vươn lên lập vườn, lập trang trại, kinh doanh làm giàu. Tây Nguyên trở thành vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước với gần 600 ngàn héc-ta cà phê, sản lượng bình quân đạt 1,3 triệu tấn hằng năm; 72 ngàn héc-ta hồ tiêu sản lượng mỗi năm đạt từ 121 ngàn tấn; cao su, điều, rau, hoa cũng phát triển mạnh. Đã có nhiều tỉ phú người dân tộc thiểu số. Phong trào xây dựng nông thôn mới cũng đã mang lại những thay đổi to lớn cho về một Tây Nguyên ngày càng thêm văn minh, hiện đại. Những ưu đãi đầu tư về giáo dục, y tế và các chính sách an sinh xã hội khác đã giúp cho làng buôn, cho mỗi gia đình đồng bào mang hình ảnh mới, tươi sáng, ấm no và hạnh phúc hơn...

Những kẻ thù địch vẫn luôn kích động rằng, đồng bào Tây Nguyên bị kì thị, bị mất quyền tự quyết, nền văn hóa truyền thống bị xóa nhòa! Sự thật ra sao? Bảo đảm quyền tộc người, quyền bảo vệ văn hóa tộc người là một nội dung quan trọng trong đường lối nhất quán của Đảng. Hiến pháp và pháp luật quy định, các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Tây Nguyên, có quyền tự do quyết định vị thế xuất thân, quyền sử dụng ngôn ngữ, khẳng định sự bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thực tế cho thấy, thành tựu về bảo tồn, phát huy hệ thống di sản văn hóa các dân tộc trong nhiều năm qua là một khía cạnh rất đáng ghi nhận. Đảng và nhà nước ta luôn nhận thức, sự khác biệt trong văn hóa giữa các dân tộc đã tạo nên giá trị bản sắc, là sự khẳng định lịch sử sinh tồn, phát triển và định danh mỗi tộc người trên bản đồ văn hóa quốc gia.

Ở Tây Nguyên không có sự kỳ thị sắc tộc mà chỉ có sự tôn trọng các giá trị đặc thù. Đặc biệt, từ khi thực hiện đề án “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011, các cấp, các ngành đã tập trung xây dựng bộ chỉ số phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; tổng kiểm kê di sản văn hóa tiêu biểu; hỗ trợ khẩn cấp, nâng cao năng lực tự bảo vệ nền văn hóa của các tộc người. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số làm công tác văn hóa; hỗ trợ truyền dạy và phát huy các giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa cơ sở, nâng mức thụ hưởng văn hóa cho đồng bào; đưa giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số vào trường học. Nhiều nghi lễ, lễ hội, dân ca, dân vũ, trang phục, trò chơi dân gian được khôi phục. Những ngày hội văn hóa được tổ chức. Đặc biệt, việc UNECO công nhận Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại” là một sự vinh danh mang tầm quốc tế đối với di sản vô giá của đồng bào các dân tộc thiểu số trên miền cao nguyên phía tây Việt Nam. Để có được sự công nhận cao quý này là nhờ một quá trình Đảng và Nhà nước thực thi những chương trình đầu tư nhằm nâng cao nhận thức, tôn trọng bảo tồn, phát huy và khơi nguồn cảm hứng lưu giữ báu vật văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng các dân tộc anh em Tây Nguyên. Cùng đó, các dự án sưu tầm, phổ biến sử thi, âm nhạc dân gian, luật tục, khôi phục các thiết chế văn hóa cổ truyền đã và đang triển khai là những minh chứng cho sự tôn trọng tuyệt đối hệ thống di sản truyền thống. Đồng thời, ngôn ngữ các dân tộc thiểu số được tổ chức dạy, học và khuyến khích sử dụng trong toàn cộng đồng. Hàng trăm nghệ nhân dân gian của các dân tộc đã được nhà nước và buôn làng tôn vinh. Đặc biệt, từ sau Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 2 (năm 2021) thì sự nghiệp bảo tồn và phát huy hệ thống các giá trị văn hóa Tây Nguyên càng được quan tâm. 

Ở Tây Nguyên không có sự kì thị sắc tộc mà chỉ có sự tôn trọng các giá trị đặc thù. Bản sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên được bảo tồn, phát huy. Ngày nay, văn hóa nơi miền đất đại ngàn hùng vĩ như một tấm hoa văn đa sắc bởi quá trình cộng cư, cộng cảm. Trên cái nền cốt cách đầy nội lực của văn hóa bản địa của các tộc người nói hai ngữ hệ Mon-Khmer và Malayo-Polynesia, sự góp mặt những sắc màu văn hóa của các tộc người anh em từ mọi miền Tổ quốc đến đây đã tạo những cung bậc cảm xúc mới, hòa điệu và hấp dẫn. Cái đẹp của văn hóa đã tạo nên sự xích lại gần nhau của các cộng đồng. Phát huy bản sắc các tộc người, các vùng miền đã tạo nên những sinh khí, những cố kết, những nền tảng nhân văn vững bền. Trong quá trình giao lưu văn hóa, cộng đồng cùng tham gia, chia sẻ, hòa cảm. Những nét văn hóa độc đáo của mỗi tộc người, mỗi vùng miền như những dòng suối nhỏ mát lành hòa vào dòng chảy văn hóa đại trường giang Tây Nguyên...

Sự bảo đảm một phần cơ bản quyền tự quyết của đồng bào Tây Nguyên còn được thể hiện khi Đảng và Nhà nước ghi nhận sự đóng góp to lớn của các già làng, nhân sĩ, trí thức. Hình ảnh già làng trong các buôn làng Tây Nguyên vẫn hiện hữu như những trụ cột tinh thần, những biểu tượng văn hóa và những bộ luật tục truyền thống là công cụ của hội đồng già làng vẫn được phát huy mặt tích cực, phối hợp với luật pháp nhà nước trong quá trình quản lý, điều hành đời sống cộng đồng các dân tộc thiểu số. Theo thống kê của Mặt trận Tổ quốc các tỉnh Tây Nguyên, hiện toàn vùng có 3.702 già làng; họ vừa là chỗ dựa vững chắc, vừa trực tiếp tham gia cùng cấp ủy, chính quyền cơ sở trong sự nghiệp phát triển quê hương, buôn làng. Đảng và Nhà nước cũng tạo cơ hội bình đẳng trong việc không ngừng đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số. Các dân tộc thiểu số chiếm gần 34% dân số Tây Nguyên, trong nhiệm kỳ này, cán bộ người người dân tộc thiểu số ở cấp xã toàn khu vực chiếm tỉ lệ 26%, cấp huyện 17%; cấp tỉnh là 10,9%; lãnh đạo các sở, ban, ngành là 12,4%. Tỉ lệ đại biểu là người dân tộc thiểu số trong HĐND cấp tỉnh trung bình toàn vùng chiếm 28,96%. Trong cơ quan Đảng, nhiệm kỳ này, số cán bộ tham gia cấp ủy tỉnh chiếm tỉ lệ 18,52%; cấp ủy huyện chiếm 17,11% và cơ sở là 18,52%. Số lượng đại biểu người dân tộc thiểu số Tây Nguyên trong Quốc hội ngày càng cao; họ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng thể chế, pháp luật, thực hiện chức năng giám sát và thúc đẩy tiến trình phát triển quê hương và cuộc sống đồng bào... 

* * *

Tây Nguyên là địa bàn chiến lược quốc gia. Không ai muốn nhớ lại những câu chuyện buồn từng xảy ra và vừa mới xảy ra trên vùng đất tươi đẹp này. Nhưng vì sự phát triển thịnh vượng vùng đại ngàn phía tây Tổ quốc, chúng ta cần phải lưu tâm sâu sắc các sự kiện này như một phần ký ức đáng phải suy nghĩ, những bài học thấm thía và đau lòng. Muốn giữ gìn sự bình yên, Tây Nguyên phải xây dựng cho mình sức mạnh nội sinh, tạo nên nguồn kháng thể mạnh mẽ trước mọi khó khăn, biến động. Bên cạnh tập trung nguồn lực đầu tư, cấp ủy và chính quyền các tỉnh trong khu vực cần phát huy trí tuệ trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo; có những điều chỉnh phù hợp, khắc phục những những tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các chính sách, nhất là chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số. 

Cùng với phấn đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp phát triển quê hương và nâng cao đời sống Nhân dân, chúng ta cần đề cao cảnh giác trước mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Chưa bao giờ ngừng dã tâm đen tối, chúng vẫn ngày đêm hiện hữu cả bên trong và bên ngoài Tổ quốc như những bóng ma ám ảnh. Chúng điên cuồng phá hoại tiến trình dựng xây, kiến thiết của chúng ta và xúc phạm sâu sắc những giá trị tốt đẹp và khát vọng bình yên của đồng bào các dân tộc anh em trên xứ sở đại ngàn hùng vĩ.