Khe Sanh, chiến địa nở hoa

TỨ ĐỨC 05:37, 12/10/2023

Cách đây 55 năm, đêm 20/1/1968, quân ta đồng loạt nổ súng đánh vào các cứ điểm quan trọng của Mỹ ở Khe Sanh, Làng Vây, Đường 9, Tà Cơn. Sau 170 ngày đêm chiến đấu gian khổ, ác liệt, ngày 9/7/1968, cờ Tổ quốc tung bay trên tập đoàn cứ điểm Khe Sanh; huyện Hướng Hóa trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Trị và miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Sân bay Tà Cơn, nơi xác máy bay Mỹ nằm lại
Sân bay Tà Cơn, nơi xác máy bay Mỹ nằm lại

NGHI BINH Ở KHE SANH 

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước tạm thời chia cắt thành hai miền Nam - Bắc. Tại tỉnh Quảng Trị, cùng với việc xây dựng tuyến hàng rào điện tử McNamara ở bờ Nam sông Bến Hải, Mỹ đã thiết lập tuyến phòng thủ dọc Đường 9 và tập trung xây dựng tập đoàn cứ điểm Khe Sanh, với các cứ điểm: Tà Cơn, Làng Vây, Khe Sanh. Từ một thung lũng hoang vắng, Khe Sanh trở thành một căn cứ quân sự lớn của Mỹ.

Với vị trí cực kỳ quan trọng của Khe Sanh, Tổng thống Mỹ đã chỉ thị lập “Phòng tình hình đặc biệt”, làm sa bàn Khe Sanh đặt tại Nhà Trắng để theo dõi sát sao chiến sự Khe Sanh; yêu cầu tướng Westmoreland - Tư lệnh Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ miền Nam Việt Nam, phải ký giấy cam đoan không được để mất Khe Sanh bằng mọi giá, vì đó là danh dự của nước Mỹ.

Chính vì vậy, Mỹ - Ngụy tập trung xây dựng cụm cứ điểm mà chúng xem là bất khả chiến bại với quân số lên tới hơn 45.000 (trong đó có 28.000 quân Mỹ) và đây là một trong những “mắt thần” của phòng tuyến McNamara - phòng tuyến mà địch giăng ra rất kiên cố từ Cửa Việt đến Lao Bảo hòng chặn, cắt sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam.

Nhận rõ sự lúng túng, bế tắc về chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, dùng đòn tiến công của bộ đội chủ lực đánh vào hệ thống phòng thủ của Mỹ Ngụy ở Đường 9 - Khe Sanh kết hợp với đòn tiến công chiến lược đánh vào thị xã, thành phố; đồng thời, phát động quần chúng ở nông thôn và đô thị nổi dậy trên toàn miền Nam.

Từ đêm 20/1/1968, quân và dân ta tổ chức tiến công tập đoàn phòng ngự Đường 9 - Khe Sanh, buộc quân đội Mỹ phải tăng cường lực lượng cơ động tinh nhuệ để đối phó. Sau 170 ngày đêm liên tục tiến công, vây hãm, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 17.000 tên địch, bắn rơi và phá hủy 480 máy bay, 120 xe quân sự, 65 đại bác và súng cối cỡ lớn, 55 kho xăng và đạn, thu hàng ngàn súng các loại, kết thúc thắng lợi Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh lịch sử, huyện Hướng Hóa được giải phóng hoàn toàn với hơn 10.000 dân. Hãng tin Reuters, ngày 2/7/1968 cho rằng: “Khe Sanh được ghi vào lịch sử cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam như một nơi phải trả giá đắt nhất bằng máu”.

Không chỉ là một đòn nghi binh chiến lược, Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh còn thu hút, giam chân, tiêu diệt một lực lượng lớn quân Mỹ và tạo ra sự chú ý đặc biệt cho giới cầm quyền chóp bu Sài Gòn cũng như Washington, góp phần tạo nên yếu tố bất ngờ và điều kiện thuận lợi cho quân dân toàn miền Nam thực hiện cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

• CHIẾN ĐỊA NỞ HOA

Chiến thắng Đường 9 - Khe Sanh đã đưa Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) trở thành huyện đầu tiên của chiến trường miền Nam hoàn toàn được giải phóng.

Vượt lên từ những đau thương, mất mát do hậu quả của chiến tranh, Hướng Hóa đang đổi thay từng ngày, với nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững. Đường 9 một thời “hoa lửa” giờ đây đã nâng cấp và trở thành con đường của hội nhập, phát triển trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây.

Những chiến địa ác liệt năm xưa, như Khe Sanh, Tà Cơn, Làng Vây... giờ trở thành những địa chỉ đầu tư phát triển hấp dẫn. Hướng Hóa - Khe Sanh ngày nay được mọi người nhắc đến là phố núi trên vùng giáp biên giới Việt-Lào, là “tiểu Đà Lạt” với khí hậu cảnh quan tuyệt đẹp. Hệ thống di tích chiến thắng Khe Sanh đã trở thành nơi thu hút hàng chục nghìn du khách mỗi năm.

Khe Sanh, một vùng đất nổi tiếng với cà phê chè Arabica. Một thời gian, thị trường, giá cả đã buộc nông dân phá bỏ để canh tác các loại cây trồng khác. Đến nay, thương hiệu cà phê Khe Sanh được gầy dựng, vươn tầm. Những triền đồi lại nở hoa trắng xóa, báo hiệu một mùa sung túc. Huyện Hướng Hóa có khoảng 4.050 ha cà phê, trong đó có 3.885 ha cho sản phẩm, sản lượng đạt 3.964 tấn, trong đó có gần 20 ha canh tác theo hướng hữu cơ sinh thái. Đây là nguồn thu nhập chính của hơn 8.000 hộ gia đình, trong đó có 50% là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Lan hồ điệp trồng nhà kính cũng được vùng Khe Sanh trồng thử nghiệm từ năm 2018. Ở độ cao 1.500 m so với mực nước biển, đỉnh Sa Mù là nơi thích hợp cho 7 loại lan hồ điệp được sinh trưởng và phát triển tốt, cho ra hoa tuyệt đẹp... Hoa ly, hoa đồng tiền, hồng môn, tuylip cũng được trồng tại ngọn đèo này. Cũng tại thung lũng Khe Sanh, đường Hồ Chí Minh huyền thoại cũng được phủ kính một màu vàng óng ả mỗi mùa hoa dã quỳ. 

Du khách đến với Quảng Trị trong hành trình sẽ được tham quan, dâng hương tại các địa chỉ đỏ như: Thành cổ Quảng Trị; Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9; Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn; cầu Hiền Lương; sông Bến Hải; Đài tưởng niệm, bến thả hoa sông Thạch Hãn; địa đạo Vĩnh Mốc; cột cờ giới tuyến, thành Tân Sở...

Và, trong hành trình nếu tiến về phía Tây chừng 70 km, du khách sẽ gặp thung lũng Khe Sanh - nơi chiến địa nở hoa.