Những ngày đầu tháng 11, Đoàn công tác của ngành Tuyên giáo Lâm Đồng có chuyến làm việc với Vùng 4 Hải quân và trong chuyến công tác, đoàn đã có dịp đến dâng hương và tham quan Tượng đài chiến sĩ Gạc Ma, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.
Những kỷ vật ở bảo tàng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma |
Dâng hương, đứng trước Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời”, các thành viên trong đoàn đều nghẹn ngào, xúc động, bởi nơi đây đã khắc họa hình ảnh những người con quả cảm của Tổ quốc, trong giây phút cuối cùng, vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu mốc chủ quyền trên đảo đá Gạc Ma.
Trước lúc hy sinh, các anh đứng thành vòng tròn bất tử trước mũi lưỡi lê, làn đạn của kẻ thù, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, giữa xung quanh là sóng nước Trường Sa mênh mông. Sự hy sinh kiên cường của 64 chiến sĩ ấy mãi mãi là bản hùng ca bất tử, truyền ngọn lửa yêu nước, tình yêu biển, đảo thiêng liêng cho các thế hệ hôm nay. Các anh vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi, ở lứa tuổi thanh xuân đẹp nhất của cuộc đời.
Đoàn công tác của ngành Tuyên giáo Lâm Đồng dâng hương tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma |
Để tri ân các chiến sĩ hải quân đã hy sinh trong sự kiện ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma tọa lạc trên đồi cát rộng 2,5 ha bên bờ biển phía Bắc bán đảo Cam Ranh thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm với hướng nhìn ra đảo Gạc Ma trên Biển Đông.
Công trình được khởi công xây dựng năm 2015, khánh thành vào năm 2017. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma có nhiều hạng mục, bao gồm: Phần tượng đài, khu trưng bày ngầm, mộ gió, quảng trường Hòa Bình, khuôn viên cây xanh. Trung tâm của khu tưởng niệm là cụm tượng đài mang tên “Những người nằm lại phía chân trời” với biểu tượng “Vòng tròn bất tử” tái hiện hình ảnh được tạo thành từ 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc tại đảo Gạc Ma trong trận chiến ngày 14/3/1988.
Giáo dục truyền thống cho sinh viên tại Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma |
Là công trình lịch sử tâm linh mang tầm vóc quốc gia, Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma có ý nghĩa hết sức to lớn trong giai đoạn cả nước cùng hướng về biển, đảo thân yêu. Đây là công trình lịch sử kết tinh của lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, được xây dựng để tưởng nhớ sự hy sinh cao cả của các thế hệ cha anh đã ngã xuống trong công cuộc bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; nơi đây được xem là ngôi nhà chung của những người anh hùng giữ đảo.
Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma giờ đây đã xanh ngát màu của cỏ cây, hoa lá, chim hót líu lo trên những cây bàng vuông, cây phong ba được đưa từ ngoài đảo về trồng. Gạc Ma đã trở thành địa chỉ hiện hữu để tưởng nhớ, "địa chỉ đỏ" để khơi dậy niềm tự hào dân tộc, bồi đắp, giáo dục lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo cho các thế hệ. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động trang nghiêm như Lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, là nơi sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử của nhiều trường học và du khách tham quan. Gạc Ma đã trở thành tượng đài bất tử trong hàng triệu trái tim Nhân dân Việt Nam.
Được biết, từ năm 2017 đến nay, khu tưởng niệm đã đón khoảng 4.000 đoàn, với khoảng 600.000 lượt khách đến thăm viếng. Đặc biệt, đã có 20 đơn vị chọn khu tưởng niệm tổ chức Lễ kết nạp đảng viên, 200 đơn vị tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên, 100 trường học tổ chức “Hát Quốc ca tại địa chỉ đỏ” và nhiều đoàn đến sinh hoạt truyền thống, giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin