Phát huy nguồn lực tôn giáo và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch (kỳ 2)

TS TẠ THỊ LÊ và ThS LÊ THỊ HIẾU (Khoa Dân tộc và Tôn giáo, Học viện Chính trị Khu vực II) 06:33, 23/11/2023

Kỳ 2: Nhận diện các luận điệu sai trái, thù địch về vấn đề tôn giáo

Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để xuyên tạc tình hình tôn giáo, quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo để phá vỡ sức mạnh của khối đại đoàn kết này. Hoạt động lợi dụng tôn giáo để làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc, gây phương hại cho lợi ích chung của đất nước được các thế lực thù địch tập trung đặc biệt vấn đề tôn giáo đang bị triệt để lợi dụng và trở thành công cụ mũi nhọn trong các chiến dịch dân chủ, nhân quyền nhằm chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã luôn nhấn mạnh vị trí, vai trò của công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, coi đó là một bộ phận quan trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. 

Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh chúc mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566 năm 2022. Ảnh: N.Ngà
Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh chúc mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2566 năm 2022. Ảnh: N.Ngà

Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đến nay đã làm thay đổi sâu sắc, toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp và khó lường của tình hình thế giới và khu vực như hiện nay, đất nước ta cũng đang đối mặt với những thách thức to lớn, các thế lực thù địch vẫn không từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam trên nhiều phương diện, đặc biệt vấn đề tôn giáo đang bị triệt để lợi dụng và trở thành công cụ mũi nhọn trong các chiến dịch dân chủ, nhân quyền nhằm chống phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của nước ta. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII đã nêu rõ: “Tình hình tôn giáo ổn định; đa số chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo”.

Thực tiễn đã chứng minh, hoạt động tôn giáo phần lớn là thuần túy, xuất phát từ như cầu tâm linh tinh thần của tuyệt đại đa số tín đồ các tôn giáo như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá”. Song cũng có những hoạt động lợi dụng tôn giáo vì mục tiêu, mưu đồ đen tối, gây phương hại đến lợi ích của dân tộc và cộng đồng. Ở Việt Nam, qua các thời kỳ cách mạng đã cho thấy rõ, tôn giáo luôn bị các thế lực phản động lợi dụng để chống phá, gây cho cách mạng những tổn thất lớn. 

Nhìn một cách tổng thể, hoạt động lợi dụng tôn giáo để làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc, gây phương hại cho lợi ích chung của đất nước được các thế lực thù địch tập trung vào những mặt chủ yếu sau đây:

Một là, gắn vấn đề tôn giáo với vấn đề dân chủ, nhân quyền để “quốc tế hóa” vấn đề tôn giáo ở Việt Nam.

Quyền tự do tôn giáo đã được quy định trong nhiều hiệp định, hiệp ước quốc tế như Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 và trong Công ước quốc tế năm 1966. Thông qua những văn bản pháp lý quốc tế cơ bản như trên có thể thấy rằng tự do tôn giáo được công nhận là một trong những quyền cơ bản của con người cần phải được tôn trọng. Đảng, Nhà nước ta cũng thật sự coi trọng và thực hiện nghiêm túc quyền tự do tôn giáo đã được công nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế; coi đó là nhân tố quan trọng để tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc. Tôn trọng quyền tự do tôn giáo của Nhân dân được thể hiện cả về mặt pháp lý và thực tiễn trong suốt tiến trình Đảng lãnh đạo đất nước, coi đó là một quyền cơ bản của công dân. Thế nhưng, các thế lực thù địch vẫn tìm mọi cách đưa ra những luận điệu cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo, vu cáo ta vi phạm dân chủ nhân quyền nhằm chia rẽ chính quyền với đồng bào các tôn giáo, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, kích động quần chúng tín đồ chống đối, gây mất ổn định chính trị, xã hội, tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của ta.

Để vu cáo Đảng và Nhà nước ta vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, các thế lực thù địch thường sử dụng các chiêu thức sau:

Lợi dụng chính sách tôn giáo thông thoáng của Nhà nước để tạo ra những sự việc đã rồi, để đến khi bị chính quyền xử lý thì vu cáo ta vi phạm tư do tôn giáo. Những sự việc đã rồi mà các tôn giáo hay thực hiện như: xây dựng, sửa chữa cơ sở thờ tự trái phép; in ấn, tán phát các tài liệu tôn giáo trái phép; truyền đạo trái phép; hiến, tặng đất đai cho tôn giáo; thành lập các hội đoàn tôn giáo trái phép; đào tạo nhân sự trái phép...

Lợi dụng việc chính quyền kết án, giam giữ các đối tượng lợi dụng tôn giáo để chống lại Nhà nước, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc để vu cáo ta vi phạm tự do tôn giáo, dân chủ, nhân quyền...

Lợi dụng hoạt động từ thiện, nhân đạo tạo quan hệ, uy tín với người dân. Thông qua đó để kích động tư tưởng chống đối, nhất là khi có những sự kiện nhạy cảm như khiếu kiện đất đai hay gần đây nhất là sự kiện Fomasa ở Hà Tĩnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sinh kế của người dân. Thông qua những luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam, Mỹ - với tư cách là một “nước lớn” trên thế giới đã xếp nước ta vào những nước cần quan tâm đặc biệt về tôn giáo, lấy đó làm một trong những công cụ để chế tài ta trong các mối quan hệ ngoại giao.

Hai là, xây dựng lực lượng trong các tôn giáo làm đối trọng với chính quyền.

Lợi dụng các mối quan hệ quốc tế rộng rãi của các tôn giáo ở nước ta trong điều kiện ngày nay, các thế lực thù địch tăng cường sự hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần để xây dựng lực lượng trong các tôn giáo làm đối trọng với chính quyền.

Ở trong nước, các thế lực thù địch tài trợ, chỉ đạo cho các đối tượng cực đoan trong các tôn giáo hình thành nên những tổ chức ngầm, lôi kéo quần chúng tín đồ tham gia. Thông qua những viện trợ về cơ sở vật chất, kinh phí, đào tạo chức sắc để tạo mối quan hệ, ràng buộc, xây dựng những đối tượng chống đối ngay trong các tổ chức tôn giáo để phân hóa, suy yếu tổ chức tôn giáo; khi có điều kiện sẽ kích động, lôi kéo quần chúng tín đồ gây rối.

Ngoài nước, các thế lực thù địch tài trợ cho các đối tượng cực đoan trong các tôn giáo của người Việt ở nước ngoài, thành lập nên các tổ chức tôn giáo lưu vong; liên kết thành những “hội đồng liên tôn”, “mặt trận thống nhất” phối hợp hành động với các đối tượng cực đoan trong các tôn giáo ở trong nước để hình thành các tổ chức và lực lượng ngầm chống đối. Đồng thời, tăng cường viện trợ kinh phí, phương tiện hoạt động, thường xuyên đưa người về nước để móc nối, chỉ đạo hỗ trợ hoạt động, làm cầu nối giữa các thế lực phản động quốc tế với các đối tượng phản động ở trong nước lợi dụng tôn giáo để lôi kéo quần chúng tín đồ tham gia làm tan rã khối đại đoàn kết dân tộc. 

Ba là, kết hợp vấn đề tôn giáo với vấn đề dân tộc.

Các dân tộc ở Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước đã luôn đoàn kết, sát cánh bên nhau để xây dựng và bảo vệ đất nước. Đại đoàn kết dân tộc được xem là sức mạnh to lớn của Việt Nam. Trong lịch sử, nhận thức được vấn đề này một cách sâu sắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến mối quan hệ đặc biệt này. Người cho rằng: đối với người Công giáo, không có gì vui mừng hơn khi họ vừa là con chiên ngoan đạo, vừa là người yêu nước theo tinh thần “kính Chúa - yêu nước”, “phụng sự Thiên Chúa - phụng sự Tổ quốc”, “nước có vinh thì đạo mới sáng”, “nước có độc lập thì đạo mới được tự do”, “Thượng đế và Tổ quốc muôn năm!” Đối với những thế lực thù địch để phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cùng với lợi dụng vấn đề tôn giáo, chúng còn lợi dụng vấn đề dân tộc, gắn vấn đề tôn giáo với vấn đề dân tộc để kích động tư tưởng ly khai nhằm hình thành các khu tự trị trong các dân tộc. Đây chính là ý đồ “tôn giáo hóa vùng dân tộc” của các thế lực thù địch, tạo cho mỗi dân tộc ở mỗi vùng có một tôn giáo riêng. Ở Tây Bắc, trước đây các thế lực thù địch cho dựng lên “Tin Lành Thìn Hùng” trong người Dao, “Tin Lành Vàng Chứ” trong người Mông; hiện nay, các thế lực thù địch tiếp tục tuyên truyền phát triển tôn giáo vào vùng đồng bào dân tộc, kích động lôi kéo người Mông di cư sang Lào, Trung Quốc, Myanmar âm mưu thành lập “Vương quốc Mông”. Ở Tây Nguyên, sau thất bại của hai cuộc bạo loạn chính trị (tháng 2/2001 và tháng 4/2004), các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng các hoạt động nhằm tập hợp lực lượng, chờ thời cơ kích động gây rối, gây bạo loạn, thúc đẩy việc tuyên truyền phát triển, phục hồi FULRO, đòi thành lập Nhà nước Đềga. Ở Tây Nam Bộ, các thế lực thù địch tiếp tục gia tăng các hoạt động liên kết với các tổ chức phản động lưu vong Khmer Kămpuchia Krôm, tách vùng đồng bào dân tộc Khmer theo Phật giáo Nam tông và thành lập cái gọi là “Nhà nước Khmer Krôm tự trị”.

Những hoạt động của các thế lực thù địch sẽ ngày càng kín đáo, tinh vi và uyển chuyển hơn để tiếp tục tăng cường câu kết với các đối tượng cực đoan trong nước, kích động lôi kéo tín đồ là người dân tộc đòi ly khai, tự trị. Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII nêu rõ: “Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước”.

Bốn là, xuyên tạc chính sách, pháp luật về tôn giáo; ra yêu sách đòi hỏi tôn giáo ở nước ta được tự do hoạt động không chịu sự quản lý của Nhà nước.

Tôn giáo không chỉ là hình thái ý thức xã hội mà còn là một thực thể xã hội, một tồn tại xã hội đặc biệt. Hoạt động tôn giáo không chỉ thuần túy nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh tôn giáo chính đáng của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo mà còn liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội. Hoạt động tôn giáo cũng giống như nhiều hoạt động khác liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội đều phải tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Chính vì thế hoạt động của các tôn giáo không thể đứng ngoài xã hội, ngoài pháp luật mà phải chịu sự quản lý của Nhà nước. Thực tiễn cho thấy, tôn giáo và hoạt động tôn giáo ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới không thể đứng ngoài pháp luật của quốc gia đó. 

Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến tôn giáo và hoạt động tôn giáo. Thực chất của việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo ở nước ta là để đảm bảo hơn nữa quyền tự do tôn giáo của người dân, nhưng đồng thời là để đấu tranh chống lại hoạt động lợi dụng tôn giáo để vi phạm quyền tự do tôn giáo, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội và xâm phạm an ninh quốc gia. Tuy nhiên, các lực lượng chống đối cố tình xuyên tạc chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam khi nói rằng Nhà nước Việt Nam đang phân biệt đối xử với tôn giáo, can thiệp sâu hơn vào công việc nội bộ của tôn giáo, hạn chế các hoạt động tôn giáo, bóp nghẹt tôn giáo, đàn áp tôn giáo, không để cho tôn giáo tự do phát triển…Gần đây nhất, khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ra đời đã lấy ý kiến rộng rãi, công khai trong xã hội, các lực lượng chống đối đã xuyên tạc rằng Việt Nam không cần phải có “luật pháp về tôn giáo” vì đã có Luật Dân sự và Luật Hình sự điều chỉnh. Việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo ở nước ta để đảm bảo ngày càng thực chất hơn quyền tự do tôn giáo của người dân. 

Có thể thấy rằng, mặc dù tự do tôn giáo là một quyền cơ bản của con người, nhưng quyền đó không phải là tuyệt đối, mà là một quyền có thể bị giới hạn bởi pháp luật, nếu việc thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo xâm hại tới an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác. Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị cụ thể hoá và quy định tại Điều 18 rằng: “Mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo...; Không ai bị ép buộc làm những điều tổn hại đến quyền tự do lựa chọn hoặc tin theo tôn giáo hoặc tín ngưỡng của họ... Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác”. Như vậy, hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo ở nước ta là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế... 

(CÒN TIẾP)