Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên trải dài trên địa phận 3 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước có tổng diện tích khoảng 82.000 ha, trong đó diện tích thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng là hơn 28.000 ha. Đây là 1 trong 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam có tiềm năng đa dạng sinh học với hàng ngàn loài động, thực vật bậc cao, quý hiếm. Hiện tại, VQG Cát Tiên đã được cơ quan chức năng hoàn tất hồ sơ trình Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đánh giá công nhận Danh lục Xanh.
Bàu Sấu VQG Cát Tiên là nơi lưu giữ nhiều quần thể động vật hoang dã quý hiếm như cá sấu, bò tót... |
• KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN THẾ GIỚI
Đến hiện tại, Việt Nam có 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO công nhận. Trong đó, VQG Cát Tiên được công nhận vào năm 2001. Chính sự đa dạng sinh học, nơi đây được mệnh danh là “ngôi nhà của muôn thú”. Theo thống kê, nơi đây đang có gần 100 loài thú, 94 loài bò sát, 903 loài côn trùng và hàng trăm loài gỗ quý. Đặc biệt, VQG Cát Tiên đang lưu giữ nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm trong Sách đỏ như voi, bò tót, voọc, vượn đen má vàng, tê tê, culi, gấu, linh miêu, hươu, nai… Nơi đây, còn là ngôi nhà chung của hơn 340 loài chim rừng, chiếm hơn 40% tổng loài chim của Việt Nam. Trong đó, có nhiều loài chim quý hiếm thuộc nhóm nguy cấp như chim hồng hoàng, chim trĩ, hạc cổ trắng và công xanh.
Tại đây, còn đang có hơn 600 cá thể cá sấu nước ngọt được bảo vệ trong môi trường hoang dã tại Bàu Sấu, một trong những điểm đến mà các du khách, nhà nghiên cứu không thể bỏ quả khi đến với VQG Cát Tiên.
Ngoài động vật, VQG Cát Tiên còn có hệ thực vật rất phong phú với hơn 1.650 loài thân gỗ. Các loài gỗ quý hiếm phải kể đến như cẩm lai, gõ đỏ, căm xe, giáng hương… Trong đó, có nhiều cây gỗ quý hiếm hàng trăm năm tuổi cao chót vót, tán rộng che chở cho muôn loài chim, thú. Đặc biệt, tại VQG Cát Tiên đang có những cây tùng cổ thụ với đường kính gốc và bộ rễ khổng lồ lên tới hàng chục mét. Đây là những địa chỉ mà tất cả những ai khi đến VQG Cát Tiên cũng không thể bỏ qua.
Tại đây, tất cả các loài động, thực vật, chim đều được bảo vệ nghiêm ngặt. Các lực lượng kiểm lâm, nhân viên quản lý bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra bảo vệ đa dạng sinh học. Nhờ vậy, VQG Cát Tiên là một trong những điểm đến hấp dẫn của du khách, nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.
Ông Phạm Xuân Thịnh - Giám đốc VQG Cát Tiên, cho biết: “Với vai trò là 1 trong 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam và đang tiến tới Danh lục Xanh, VQG Cát Tiên được giám sát đa dạng sinh học từ đầu những năm 2.000, với dữ liệu về các quần thể loài quan trọng như thú, linh trưởng, chim và cá sấu. Đây chính là tấm gương phản chiếu về những công việc mà VQG đang làm vì ngôi nhà chung của những loài “không biết nói” trong tự nhiên”.
Chim hồng hoàng quý hiếm thuộc nhóm nguy cấp được ghi nhận và bảo vệ nghiêm ngặt tại VQG Cát Tiên |
• TIẾN TỚI DANH LỤC XANH
Danh lục Xanh của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) là một bộ tiêu chuẩn toàn cầu cho các khu bảo tồn thiên nhiên trên thế giới, với 4 hợp phần, gồm: Quản trị tốt, thiết kế và lập kế hoạch tốt, quản lý hiệu quả và kết quả bảo tồn thành công. Để đánh giá Danh lục Xanh, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học dựa vào 17 tiêu chí, với 50 chỉ số bao trùm cả bốn hợp phần để cung cấp thước đo thành công trong bảo vệ đa dạng sinh học.
Kể từ khi tiêu chuẩn Danh lục xanh IUCN được khởi động tại Hội nghị Bảo tồn Thế giới IUCN 2016 đến cuối năm 2023, hơn 60 quốc gia tham gia vào cộng đồng Danh lục Xanh IUCN; 77 khu bảo vệ và bảo tồn ở 18 quốc gia trên thế giới đã được chứng nhận Danh lục Xanh, trong đó có Việt Nam với Khu bảo tồn ngập nước Vân Long (tỉnh Ninh Bình) được công nhận vào năm 2019.
Ông Jake Brunner - Giám đốc Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế khu vực hạ lưu sông Mê Kông, cho biết: Việc đo lường, đánh giá chất lượng và hiệu quả quản lý tại một khu bảo tồn thiên nhiên, VQG rất khó, không phải tổ chức nào cũng có thể thực hiện. Danh lục Xanh đang làm rất tốt điều này để giúp các khu bảo tồn, VQG giải quyết các vấn đề về khía cạnh sinh học, văn hóa, giới tính các quần thể loài và tài chính để thực hiện bền vững, lâu dài. Đó chính là mục đích bảo tồn thiên nhiên mà Danh lục Xanh hướng tới.
Tại Việt Nam, hiện đang có 10 khu bảo tồn và Vườn quốc gia đang tham gia chương trình. Danh lục Xanh gồm VQG Cát Tiên, VQG Cúc Phương, VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, VQG Vũ Quang, VQG Bạch Mã, Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu - Khe Nước Trong, VQG Sông Thanh, VQG Bidoup - Núi Bà, VQG Pù Mát và VQG Côn Đảo. Riêng VQG Cát Tiên là khu bảo tồn thiên nhiên nổi bật đã thực hiện giám sát đa dạng sinh học từ đầu những năm 2000, với dữ liệu về các quần thể loài động vật quan trọng như bò tót, chim, linh trưởng, hươu và cá sấu.
Bà Annie Wallace - Giám đốc Văn phòng Biến đổi khí hậu, năng lượng và Môi trường (USAID) Việt Nam, khẳng định: “Để đánh giá đa dạng sinh học tại VQG Cát Tiên, chúng tôi đã tiến hành đặt bẫy ảnh ghi nhận các loài động vật hoang dã. Kết quả cho thấy, những đầu tư dài hạn vào cải thiện khả năng phục hồi rừng và các hệ sinh thái rừng tại VQG Cát Tiên là rất tốt. Đây chính là lý do chúng tôi đang hợp tác với VQG Cát Tiên để đánh giá công nhận Danh lục Xanh”.
Ông Phạm Xuân Thịnh - Giám đốc VQG Cát Tiên, cho hay: “Sau thời gian bằng cả quá trình dài tiến hành giám sát đa dạng sinh học, chúng tôi cùng các tổ chức, các nhà khoa học trong và ngoài nước đã hoàn tất hồ sơ, thủ tục để được công nhận Danh lục Xanh. Trong lúc chờ kết quả cuối cùng từ Ủy ban IUCN Quốc tế, chúng tôi cam kết luôn thực hiện các biện pháp bảo tồn toàn diện và luôn nỗ lực đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt được đặt ra bởi Danh lục Xanh. Qua đó, đưa VQG Cát Tiên trở thành một trong những điển hình các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý và bảo vệ đa dạng sinh học bền vững”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin