Jason Picard là một nhà sử học người Mỹ yêu Việt Nam và dành nhiều tâm huyết trong việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Trong quá trình tìm kiếm tư liệu để viết tham luận trình bày trong một cuộc hội thảo tại Hoa Kỳ, Jason đã tham khảo loạt bài “Fulro-hồ sơ đen của một tổ chức tội ác” và một số bài viết liên quan đến vùng đất và con người Tây Nguyên của tôi đã đăng tải trên các báo. Đó là cơ duyên để chúng tôi kết nối, gặp gỡ và chia sẻ những câu chuyện thú vị. Cuộc trò chuyện này đã được diễn ra trong một quán cà phê bên đền thờ vua Lê Thái Tổ, đối diện với không gian Hồ Gươm (Hà Nội) - nơi hội tụ khí thiêng nước Việt...
Kỳ I: Việt Nam vừa là sự lựa chọn,vừa là duyên trời định
Picard Jason là nhà sử học người Mỹ, sinh năm 1971 ở New York. Anh lớn lên trong một gia đình Do Thái mà bên nội gốc Đức - Pháp còn bên ngoại gốc Ba Lan và Nga. Ông bà nội của anh vượt biên sang Mỹ năm 1938 để chạy nạn diệt chủng của phát-xít Đức và cha anh là thế hệ đầu tiên của gia đình sinh ra tại Mỹ. Cha anh là một luật sư còn mẹ là một nhà tâm lí. Jason lớn lên và đi học ở Washington DC và chủ yếu là New York. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, anh chọn học ngành Lịch sử thế giới tại Đại học Emory ở miền Nam Mỹ.
Nhà sử học Picard Jason trong một buổi trò chuyện khoa học với cán bộ và sinh viên VinUni |
Thời đại học, do kết thân với một cậu bạn người Nhật tên là Toshi, Jason được tiếp thu nhiều điều về lịch sử và văn hoá Nhật. Từ đó, anh dấy lên sự tò mò về nước Nhật và châu Á dù ngành học của anh tập trung chủ yếu vào lịch sử châu Âu, châu Phi và châu Mỹ. Anh tìm đọc thêm nhiều sách vở về Nhật và các nước châu Á. Rồi vào năm thứ ba đại học, nhân một dịp có cơ duyên gặp gỡ với mấy nhân viên của Đại sứ quán Nhật tại DC và qua họ biết tới chương trình mời những thanh niên Mỹ sang Nhật dạy tiếng Anh cho học sinh phổ thông, Jason chớp ngay cơ hội nộp đơn xin làm công việc này để bắt đầu hành trình khám phá châu Á mà anh không ngờ sẽ trở thành sự nghiệp cả đời anh. Tốt nghiệp đại học năm 1994, anh sang Nhật hai năm theo chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh trung học Nhật Bản.
Trong hai năm đó, ngoài công việc dạy học, Jason đã học tiếng Nhật, tự tìm hiểu về văn học, lịch sử Nhật Bản và có cơ hội mở rộng nhãn quan về nước Nhật và châu Á nói chung. Mùa hè năm 1995, anh được chính quyền địa phương nơi anh dạy học ở Nhật cấp tiền và mua vé máy bay để đi du lịch vòng quanh châu Á suốt bốn tháng. Anh đã dành 14 - 15 tuần lang thang qua năm quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Lào, Malaysia và Campuchia. Chuyến đi này là một cơ hội quá sức tưởng tượng dành cho một người Mỹ vào thời điểm đó - khi Mỹ vừa mới bỏ cấm vận Việt Nam. Nỗi lo sợ sẽ bị ghét bỏ khi đến Việt Nam và Campuchia - vì là một người Mỹ- đã hoàn toàn tiêu tan sau mấy ngày đặt chân đến những quốc gia này khi anh cảm thấy người dân những nơi anh đến rất hiếu khách và chào đón anh hết sức nhiệt tình. Anh được người dân ở các địa phương đến thăm và mời đến nhà chơi, ăn cơm cùng gia đình họ một cách rất thân tình. Sau chuyến đi này, Jason nung nấu ý định tìm cách quay trở lại Việt Nam hoặc Campuchia để làm việc và có thêm cơ hội tìm hiểu về những quốc gia này. Khi hết hợp đồng làm việc ở Nhật năm 1996, anh về Mỹ và tìm kiếm các công việc phù hợp ở Việt Nam và Campuchia. Năm 1997, anh đã được một tổ chức phi chính phủ mời làm việc ở một trong hai nước, và anh đã chọn Việt Nam. Anh là người Mỹ đầu tiên được phép sống và làm việc tại Tây Ninh sau chiến tranh. Trong gần hai năm sống và dạy học ở Tây Ninh, Jason đã tự học tiếng Việt, làm quen với nếp sinh hoạt và khí hậu nhiệt đới đặc trưng ở vùng đất có biên giới với Campuchia này. Từ đó, Việt Nam vừa là lựa chọn, vừa là một thứ duyên trời định đối với Jason.
Sau khi kết thúc hợp đồng hai năm giảng dạy ở Tây Ninh, năm 1999, Jason ra Hà Nội học thêm tiếng Việt và làm nhiều công việc khác nhau, trong đó có việc dạy tiếng Anh cho các cán bộ của Ban Đối ngoại Trung ương. Cũng ở Hà Nội, anh tiếp xúc nhiều với giới chính khách, các nhà kinh tế và ngoại giao khiến anh nghĩ mình muốn theo đuổi con đường làm ngoại giao. Anh quay về Mỹ, vào trường Đại học Columbia (New York) học thạc sĩ ngành ngoại giao. Nhưng lúc vào học một thời gian, anh nhận ra là mình muốn làm công việc nghiên cứu hơn là làm công chức. Anh lập tức bỏ ngang chương trình thạc sĩ ở Columbia để theo học thạc sĩ ngành Lịch sử châu Á tại Đại học Cornell. Jason tốt nghiệp thạc sĩ năm 2002 với bản luận văn về Tài chính của Việt Minh thời kháng chiến chống Pháp. Anh tiếp tục theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu bằng việc học tiến sĩ tại Đại học UC Berkeley và tốt nghiệp tiến sĩ với luận án về vấn đề người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954.
Hiện tại, nhà sử học Jason Picard đang tập trung nghiên cứu Lịch sử Việt Nam cận, hiện đại. Anh đã tham gia nhiều hội thảo quốc tế và xuất bản nhiều bài nghiên cứu về văn học và lịch sử Việt Nam cũng như dịch một số tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Anh. Anh dự định sẽ chỉnh lý và xuất bản luận văn thạc sĩ và luận án tiến sĩ trong những năm tới đây. Anh đang quan tâm đến các vấn đề như: Gia tài của quan hệ Việt Nam - Liên Xô; vấn đề đường Trường Sơn; nhà lãnh đạo Lê Đức Thọ...
- Nhà báo Uông Thái Biểu: Ở Mỹ, có nhiều nhà sử học quan tâm đến lịch sử Việt Nam?
- Nhà sử học Jason Picard: Phải nói rõ là có rất nhiều người quan tâm đến lịch sử chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam chứ lịch sử Việt Nam thì không hẳn. Và đó là một vấn đề khá lớn trong sự hiểu biết về Việt Nam của Mỹ và phương Tây. Thực tế là người ta biết về Việt Nam và các nước lân cận qua chiến tranh, cho nên cách hiểu về Việt Nam và lịch sử Việt Nam hãy còn phiến diện.
- Với nhận thức khách quan của một nhà nghiên cứu lịch sử, anh có thể khái quát góc nhìn và cảm quan cá nhân về hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam?
- Từ góc nhìn riêng của cá nhân tôi, tôi cho rằng lịch sử Việt Nam rất phức tạp, hàm chứa sự đa dạng, đa góc nhìn. Sự hiểu biết và nhận thức của chúng ta về nó còn nhiều lỗ thủng. Tôi chưa dám khái quát điều gì khi bản thân chưa thể trả lời nhiều câu hỏi hóc búa trong quá trình nghiên cứu.
- Với lịch sử Việt Nam, Jason Picard quan tâm và nghiên cứu sâu giai đoạn lịch sử nào? Và anh có thể lý giải vì sao lại quan tâm đến giai đoạn lịch sử đó nhất…
- Thực tế là khi còn làm tiến sĩ ở Mỹ, tôi quan tâm đến lịch sử hiện đại Việt Nam, đặc biệt thời kì chống Pháp và chống Mỹ. Lý do là bởi người Mỹ hầu như chỉ quan tâm đến những giai đoạn này trong lịch sử Việt Nam, như tôi đã giải thích ở trên, vì họ quan tâm đến lịch sử chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam hơn là chính bản thân lịch sử Việt Nam. Trong những năm giảng dạy cho sinh viên Việt Nam gần đây, do yêu cầu của công việc, tôi mở rộng phạm vi nghiên cứu sang mảng lịch sử trung đại và cảm thấy hết sức thích thú. Tôi thích nghiên cứu thêm về lịch sử Việt Nam thời Hồ Quý Ly, thời Hậu Trần ở thế kỉ XIV-XV và thời Trịnh - Nguyễn phân tranh thế kỉ XVII-XVIII. Theo tôi, đây là những thời kì quan trọng trong việc xác định bản sắc văn hoá Việt Nam. Tôi cho là nhiều người Việt Nam cũng chưa có hiểu biết đầy đủ về những giai đoạn này nói riêng và lịch sử trung đại Việt Nam nói chung bởi sự khó khăn trong việc tiếp cận với tài liệu chữ Hán và chữ Nôm. Hiện tại ở Việt Nam chỉ có một nhóm quá nhỏ những người có khả năng tiếp cận tài liệu gốc.
- Trong hành trình lịch sử của mình, Việt Nam đã phải trải qua nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Trong thời hiện đại, cuộc kháng chiến kéo dài gần 30 năm của Nhân dân Việt Nam có sự liên quan sâu sắc đến nước Mỹ. Là một công dân Mỹ thuộc thế hệ 7X, đồng thời là một nhà sử học, anh có thể phát biểu những ý kiến cá nhân về cuộc chiến này?
- Về cuộc chiến tranh tại Việt Nam có sự tham chiến sâu sắc của Mỹ, đã có quá nhiều ý kiến khác nhau. Tôi, trước hết với tư cách là một người sinh ra khi cuộc chiến đã vào hồi kết nhưng lớn lên trong những hệ luỵ mà cuộc chiến đó mang đến cho nước Mỹ, tôi phải nói là bản thân rất buồn. Buồn hơn nữa khi biết đến con số thương vong trong chiến tranh ở cả phía Việt Nam và Mỹ, chưa kể ở những nước láng giềng của Việt Nam như Lào và Campuchia. Từ góc nhìn của một người Mỹ, tôi không muốn chấp nhận sự thật đau thương của cuộc chiến ấy vì nó quá tệ. Tuy nhiên, ở tư cách là một nhà sử học, khi nhìn cuộc chiến từ góc nhìn địa chính trị và đặt trong bối cảnh “chiến tranh lạnh”, tôi hiểu vì sao Mỹ đã tham chiến. Hiểu không có nghĩa là đồng ý nhé. Tôi chỉ đang nói một cách khách quan trong tư cách là một người nghiên cứu lịch sử thôi.
Nhân đây, tôi cũng muốn chia sẻ thêm một chút về cách dạy và học lịch sử trong nhà trường ở Việt Nam, vì qua quá trình dạy học, tôi thấy sinh viên Việt Nam hầu như chỉ nhìn lịch sử Việt Nam trong phạm vi chữ S mà hoàn toàn quên mất bối cảnh quốc tế. Có lẽ chúng ta cần phải dạy các em kĩ hơn về lịch sử thế giới và lối tư duy toàn diện khi xem xét bất kì vấn đề nào.
- Còn quan điểm của người Mỹ (nói chung) về sự tham gia của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam?
- Tôi không dám khái quát về quan điểm của người Mỹ nói chung về sự tham gia của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam vì có quá nhiều ý kiến, đếm không xuể. Nhưng nhìn chung là có hai luồng dư luận: phản chiến, ủng hộ Việt Nam; còn một bộ phận khác thì có quan điểm ngược lại...
(CÒN TIẾP)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin