NHÀ SỬ HỌC NGƯỜI MỸ JASON PICARD:
“Kiếp trước, tôi là người Việt Nam” (Kỳ II)

UÔNG THÁI BIỂU thực hiện 06:24, 16/05/2024

Kỳ II: Muốn nhìn thấy Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn

Có một người con gái Việt Nam đã nở nụ cười rất tươi chào tất cả cử tọa trong một cuộc hội thảo, nhưng chàng trai đến từ nước Mỹ lại “rạo rực trong lòng” bởi tưởng nụ cười ấy chỉ dành riêng cho mình. Xuất phát từ sự “ngộ nhận” đáng yêu đó mà nhà sử học Jason Picard đã có một tình yêu, một cuộc hôn nhân, một gia đình hạnh phúc viên mãn...

Tác giả trò chuyện cùng nhà sử học Jason Picard
Tác giả trò chuyện cùng nhà sử học Jason Picard

- Nhà báo Uông Thái Biểu: Hai quốc gia chúng ta đã từng có mối quan hệ từ trong quá khứ được thiết lập bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh và các lực lượng tiến bộ Mỹ (từ sự ủng hộ của phái đoàn Mỹ ở chiến khu Việt Bắc; Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Mỹ từ rất sớm trong hành trình tìm đường cứu nước; trong Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã dẫn lại Tuyên ngôn Dân quyền 1776 của nước Mỹ; nhiều nhân vật nổi tiếng ở Mỹ đã ủng hộ Việt Nam ngay từ lúc cuộc chiến đang diễn ra và sau khi cuộc chiến kết thúc đã nỗ lực hàn gắn, bình thường hóa quan hệ hai nước…). Ngày nay, “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” là tư tưởng chủ đạo mà chính phủ và Nhân dân hai nước cùng hướng tới. Anh nói thêm quan điểm của mình về tinh thần này?

- Nhà sử học Jason Picard: Lịch sử quan hệ Việt - Mỹ cũng khá thú vị. Thực tế là trong Chiến tranh thế giới thứ 2, hai nước chúng ta đã có thể có cơ hội hợp tác, nhưng sau thế chiến, Mỹ có quá nhiều mối quan tâm khác và phải tập trung vào các nước châu Âu nên không thực sự quan tâm lắm đến Việt Nam. Sau năm 1949, khi cách mạng Trung Quốc thắng lợi, lúc đó Mỹ mới bắt đầu quan tâm đến Việt Nam và các nước lân cận. Sau này, Mỹ tham chiến ở Việt Nam, gây ra bao nhiêu hậu quả đau thương, rồi một thời gian dài cấm vận Việt Nam sau chiến tranh để trừng phạt kinh tế, những tưởng như chúng ta không thể trở thành bạn được. Nhưng thật kì diệu, giờ đây, tôi - một nhà sử học người Mỹ có thể ngồi trả lời phỏng vấn bạn - một nhà báo Việt Nam thoải mái như thế này. Hơn 20 năm trước, ai mà tưởng tượng được viễn cảnh hoà bình, thân ái tuyệt đẹp thế này? Bóng ma quá khứ dường như đã biến mất trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt - Mỹ. Cá nhân tôi giờ đã là con rể Việt Nam và coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình, tôi mong muốn được chứng kiến sự phát triển rực rỡ của mối quan hệ Việt - Mỹ trong tương lai gần. Việt Nam giờ đây là một đối tác quan trọng của Mỹ cả về địa chính trị và kinh tế. Tôi hi vọng, các thế hệ tiếp theo của Việt Nam và Mỹ sẽ được hưởng nhiều hoa trái từ sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước…

- Lịch sử Việt Nam đang được viết tiếp ở thời đương đại. Với con mắt quan sát của một người ngoại quốc đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam và tư duy của một nhà nghiên cứu lịch sử, chắc chắn là anh đang quan tâm đến nhiều vấn đề đang diễn ra trên hành trình phát triển của một đất nước mà anh đang sống, làm việc, chia sẻ và chứng kiến hàng ngày. Hãy nói điều gì đó từ cảm nhận của anh? 

- Lần đầu đến Việt Nam từ 30 năm trước và bây giờ đang sống và làm việc ở Việt Nam, tôi đã được chứng kiến một sự lột xác ngoạn mục của kinh tế Việt Nam. Có thể gọi đó là phép màu. Thời tôi mới sang Việt Nam, đa số người dân không đủ ăn, đủ mặc. Tôi nhớ có những bạn bè của tôi thời đó tiền lương chỉ là 90 ngàn đồng mỗi tháng. Họ không thể sống được. Người dân Việt Nam giờ đây cuộc sống về mặt kinh tế thực sự thoải mái dễ chịu và sung túc hơn xưa rất nhiều, tôi thấy mừng vì điều đó. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại của Việt Nam bây giờ là sự phát triển của kinh tế lại kéo theo nhiều hệ luỵ về môi trường văn hoá-xã hội. Điều tôi thấy rõ nhất là dường như người Việt Nam đang mất đi tinh thần tập thể và bị cá nhân hoá, thực dụng hoá, đặc biệt là ở các đô thị lớn. Quá trình đô thị hoá đã kéo theo rất nhiều hệ lụy, làm xói mòn nhiều giá trị bản sắc, tinh thần. Các giá trị văn hoá truyền thống bị coi nhẹ đi trong xã hội mà người ta đua chen nhau kiếm tiền. Tôi lấy một ví dụ nhỏ thôi, trong 30 năm mà tôi biết đến Việt Nam, những năm đầu tiên, tôi được thấy một thế hệ cư xử rất nhã nhặn, cứ ra đường gặp nhau là họ chào hỏi thân tình dù họ chỉ là người thôn quê và rất nghèo. Nhưng ngày nay, ra đường mấy ai chào nhau đâu. Cũng không nhiều người đọc thơ, ngâm Truyện Kiều nữa, thời tôi mới sang Việt Nam ai cũng biết ngâm ngợi Truyện Kiều, còn bây giờ, sinh viên của tôi không có mấy em đọc hết Truyện Kiều, nói gì là ngâm. Chuyện đó thật đáng buồn, vì với góc nhìn của tôi - một người ngoại quốc, những giá trị truyền thống đó mới làm nên vẻ đẹp của người Việt và dân tộc Việt.

Vấn đề ô nhiễm môi trường cũng rất nặng nề ở Việt Nam hiện nay. Ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước. Giáo dục cũng còn rất nhiều vấn đề cần phải lo. Và tất nhiên, vấn nạn tham nhũng gây nhiều bức xúc trong xã hội Việt Nam từ quá lâu rồi, nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để. 

Tôi nói những chuyện này như một người trong cuộc, vì tôi thực lòng muốn nhìn thấy Việt Nam trở nên tốt đẹp hơn và là quê hương bình yên lí tưởng cho con cái tôi trong tương lai. 

- Jason có thể kể về “duyên lành” dẫn đến cuộc hôn nhân tuyệt vời của anh và TS văn học - nhà thơ - họa sĩ Nguyễn Thị Thanh Lưu (chị từng công tác tại Viện Văn học - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam). Anh có thể mô tả cảm xúc của tình yêu mà hai người đã, đang và sẽ dành cho nhau cũng như dành cho các con của mình?

- Trên hết thì tôi phải cảm ơn nhà văn Tô Hoài vì chính ở buổi toạ đàm về cuốn tiểu thuyết “Ba người khác” của cụ đã cho tôi cơ may gặp được Thanh Lưu - người bạn đời của tôi bây giờ. Nhiều người nhầm lẫn là tôi nói tiếng Việt giỏi vì yêu Lưu và được Lưu dạy tiếng Việt. Làm gì có chuyện đó, nếu Lưu dạy tôi tiếng Việt thì giờ tôi đang nói tiếng Nghệ rồi (cười) vì sau bao nhiêu năm sống xa quê, Lưu vẫn chỉ giữ giọng Nghệ thôi. Đó có lẽ là một điểm đáng yêu của cô ấy khiến tôi bị thu hút ngay từ lần gặp đầu tiên. 

Từ lúc gặp nhau, cảm mến rồi yêu nhau cho đến khi đi đến được hôn nhân, chúng tôi cũng phải trải qua một khoảng thời gian không dễ dàng gì vì những trở ngại từ phía gia đình Lưu - một gia đình cực kì truyền thống. Tôi hoàn toàn hiểu và thông cảm cho những “kì thị” ban đầu của người nhà Lưu dành cho tôi - một người Mỹ, khi mẹ Lưu đã từng đi kháng chiến chống Mỹ trên đường Trường Sơn. Sau tất cả, bằng tình yêu và sự chân thành, tôi đã chinh phục được những người thân của Lưu và giờ tôi là một thành viên không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của đại gia đình. 

- Một nhà thơ Việt Nam từng viết “Tình yêu Tổ quốc là đỉnh núi, dòng sông/ Những lúc tột cùng là dòng huyết chảy...”. Từ Lưu, từ các con anh, rồi từ họ hàng bên ngoại và những trải nghiệm cuộc sống của anh ở Việt Nam, anh đã thực sự yêu và lựa chọn sự gắn bó với đất nước này rồi chứ? 

- Tôi yêu Việt Nam trước hết là ở tình yêu với người bạn đời, với hai đứa con và với cha, mẹ, cậu, dì, các anh chị em họ bà con bên ngoại. Những trắc trở ban đầu trong chuyện tình yêu của tôi khiến tôi càng thêm trân quý và thương gia đình bên ngoại. Tôi biết, để chấp nhận tôi, họ phải vượt qua những định kiến và nỗi đau trong quá khứ do cuộc chiến gây ra. Và giờ đây, khi được gia đình Lưu yêu thương, tôi xúc động lắm. Tôi cũng rất tự hào về dòng dõi bên ngoại của vợ tôi. Thời ở Tây Ninh, mấy người bạn đặt cho tôi một cái tên Việt Nam cho dễ gọi: Sơn. Sau này lấy vợ, tự hào về dòng họ Nguyễn Tài nhà vợ (TS Nguyễn Thị Thanh Lưu là cháu của nhà ngôn ngữ học nổi tiếng Nguyễn Tài Cẩn), tôi tự xin luôn họ ngoại lấy tên Việt Nam đầy đủ là Nguyễn Tài Sơn Tây. Vì trong nhà có cậu em họ tên Sơn rồi nên cả nhà đặt cho tôi là Sơn Tây để phân biệt với “Sơn Ta”, (cười). Biết đâu đấy, cái tên này về sau sẽ trở thành tên của tôi trong tấm hộ chiếu Việt Nam, nếu tôi xin được quốc tịch Việt Nam… 

- Trong cuộc trò chuyện của chúng ta, anh nhắc lại nhiều lần “kiếp trước tôi là người Việt Nam”. Chứng kiến những việc anh làm, cách hành xử và những chuyện anh kể, tôi tin đó là cảm xúc chân thành của anh. Anh thích và quý đất nước và con người Việt Nam ở những đặc điểm, những giá trị tốt đẹp nào?

- Người Việt Nam có nhiều phẩm chất đáng quý nhưng điều mà tôi cảm phục và yêu quý nhất ở họ là lòng hiếu khách, tinh thần lạc quan và sự cố gắng trong mọi hoàn cảnh. Đây là những điều tôi đúc rút ra sau nhiều năm sống và kết giao với người Việt. Do sự khác biệt về văn hoá, thói quen, không ít khi xảy ra hiểu lầm giữa tôi với những người Việt xung quanh tôi. Ví dụ hồi mới sống ở Tây Ninh, tôi rất mệt mỏi vì không bao giờ được ngồi yên một mình đọc sách hoặc đi dạo vì cứ hễ thấy tôi một mình là mọi người cho rằng tôi đang buồn. Bởi vậy mà bạn bè bèn xúm lại kéo tôi đi uống rượu hoặc đi chơi mà không hề biết là tôi chỉ muốn được một mình tận hưởng tự do cá nhân. Sau này tôi hiểu vì người Việt nghĩ “càng đông càng vui” nên họ sợ tôi một mình thì sẽ bị buồn. Đấy chỉ là một trong nhiều hiểu nhầm dẫn đến cách hành xử trái với mong muốn của tôi từ người Việt. Nhưng tôi vẫn thấy họ rất đáng yêu. 

- Nhưng cũng cần phải nói những điều chưa thực sự “hay ho”- theo anh, đâu là điều mà người Việt cần nhìn nhận những khiếm khuyết và cách cải thiện?

- Tôi không dám nói gì về khiếm khuyết của người Việt vì ở đâu cũng có người này người kia. Nhưng một điều tôi nghĩ, người Việt có thể cải thiện để giúp cho đời sống tốt đẹp hơn lên là việc nhìn xa hơn về tương lai và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Một lần nữa, tôi nhắc lại, tôi đang nói những điều này như một người trong cuộc vì tôi cũng sắp thành người Việt rồi. Tôi chỉ mong chúng ta cùng chung tay xây dựng một Việt Nam tươi đẹp bền vững cả về tự nhiên lẫn văn hoá...