Phát huy di sản văn hóa Phật giáo để phát triển du lịch tâm linh (Kỳ I)

TS TẠ THỊ LÊ (Học viện Chính trị khu vực II)  06:44, 23/05/2024

Tôn giáo trong cộng đồng cư dân ở Lâm Đồng hết sức đa dạng. Hầu như các tôn giáo lớn của đất nước đều tìm được chỗ đứng của mình tại đây, trong đó Phật giáo có số lượng tín đồ đông đảo nhất. Hiện nay, loại hình du lịch tâm linh Phật giáo đã được địa phương đẩy mạnh triển khai và đang từng bước tạo ra những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị vốn có của nó vẫn còn những hạn chế và tồn tại chưa thể giải quyết được. Vấn đề đặt ra là cần có những giải pháp cụ thể mang tính thực tiễn nhằm phát huy di sản văn hoá của Phật giáo cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch của Lâm Đồng.

Kỳ I: Tiềm năng phong phú

Hiện nay, du lịch Lâm Đồng đang có lợi thế không nhỏ trong chiến lược phát triển du lịch tâm linh, du lịch hành hương khi mà số lượng Phật tử ngày càng đông đảo. Du lịch tâm linh, trong đó có Phật giáo, là điểm nổi trội của hoạt động du lịch ở Lâm Đồng bởi sự phong phú và đa dạng của các nguồn tài nguyên tâm linh vật thể và phi vật thể đã, đang khai thác và những nguồn tài nguyên tiềm năng chưa được khai thác...

Mỗi cơ sở thờ tự Phật giáo ở Lâm Đồng có một vẻ đẹp riêng. Ảnh: Thành Nam
Mỗi cơ sở thờ tự Phật giáo ở Lâm Đồng có một vẻ đẹp riêng. Ảnh: Thành Nam

Lâm Đồng hiện có 263 cơ sở tự viện, có những cơ sở thờ tự với kiến trúc độc đáo như: Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, thiền viện Vạn Hạnh, chùa Linh Phước, chùa Thiên Vương Cổ Sát, chùa Linh Sơn, chùa Linh Ẩn, chùa Linh Quang, chùa Linh Phong, chùa Linh Quy Ấn Pháp, tịnh thất Quan Âm... Chính vì vậy, các tour du lịch tham quan, vãn cảnh tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo đang phát triển mạnh mẽ ở Lâm Đồng. Tại các ngôi chùa, du khách trực tiếp chiêm ngưỡng, tìm hiểu kiến trúc, mỹ thuật, cảnh quan, hệ thống tượng thờ, phù điêu, các di vật... Qua đó, du khách có thêm những kiến thức về các giá trị về kiến trúc, điêu khắc của cha ông, biết thêm về hệ thống thờ tự, giáo lý, lễ nghi của Phật giáo và hơn nhất đối với họ là ý niệm linh thiêng về các đối tượng tâm linh được phần nào thỏa mãn vì ngoài hoạt động quan sát, chiêm ngưỡng họ còn kết hợp với việc ngưỡng vọng, cầu khấn các biểu tượng thiêng liêng tại các ngôi chùa.

Các cơ sở thờ tự Phật giáo tại Lâm Đồng được xây dựng dàn trải theo mặt bằng với nhiều đơn nguyên kiến trúc. Các hạng mục kiến trúc của các cơ sở thờ tự Phật giáo ở Lâm Đồng không có khác biệt lớn về phong cách so với kiến trúc cùng loại ở các vùng dân cư khác, nhưng vẫn có thể nhận ra những nét rất riêng. Trước hết, các kiến trúc này đều chiếm lĩnh những khoảng không gian rộng rãi, cảnh quan khoáng đãng và thường tọa lạc trên những ngọn đồi cao, chứ không chen chúc nhau trong những khoảng không gian chật hẹp như ở các vùng đô thị lớn. Các cơ sở thờ tự Phật giáo tại Lâm Đồng vô cùng phong phú đa dạng, mỗi chùa một dáng vẻ, một kiểu kiến trúc khác nhau, nhưng điểm chung là làm vui, làm đẹp cho con người mang triết lý nhân sinh, ý nghĩa giáo dục con người rất tốt, ấn tượng thiêng liêng về Phật đã được các nghệ nhân thể hiện trong kỹ thuật, nghệ thuật, điêu khắc, chạm trổ. 

Chùa ở Lâm Đồng thường được xây dựng ở những nơi có phong cảnh, địa thế đẹp, hài hòa với thiên nhiên. Các cơ sở thờ tự Phật giáo tại Lâm Đồng không cao to, đồ sộ, không lộng lẫy như một số chùa ở các nước xung quanh, mà vẻ đẹp của các chùa trước hết được thiết kế theo phong cách cổ truyền, kết hợp hài hòa với thiên nhiên và cảnh quan môi trường xung quanh. Đó là những rừng thông xanh bạt ngàn, những đồi núi nhấp nhô, thấp thoáng trong sương mờ, là những vườn cây cảnh với nhiều loại hoa quý đẹp nổi tiếng. Ai có một lần ghé thăm thiền viện Trúc Lâm, chùa Linh Sơn, chùa Vạn Hạnh ở Đà Lạt - Lâm Đồng hẳn không quên những vườn cây cảnh với nhiều loại hoa đẹp nổi tiếng như hoa phong lan, hoa hồng, cẩm tú cầu... Bên cạnh vườn cây cảnh là những bể cạn, những hòn non bộ mô tả cảnh núi, sông thu hẹp, sơn thủy hữu tình, khí hậu trong lành mát mẻ, vì thế, đã để lại nhiều ấn tượng tốt cho du khách khi đến tham quan. Mỗi cơ sở thờ tự Phật giáo ở Lâm Đồng có một vẻ đẹp riêng, một kiểu kiến trúc nghệ thuật riêng. Nét độc đáo trong các kiến trúc Phật giáo ở Lâm Đồng thể hiện rõ nét trong việc lựa chọn không gian kiến trúc, sự phối trí hài hòa giữa thiên nhiên với phần nhân tạo. Cảm giác cô tịch của chốn thiền môn dường như bị lấn át bởi cảnh sắc sơn thuỷ hữu tình, trăm hoa đua màu, khoe sắc.

Bên trong chùa, cách bài trí từng pho tượng thờ không thống nhất, tùy theo mỗi chùa mà có cách bài trí khác nhau, nhưng lại thống nhất ở một điểm là các chùa đều thờ Phật Thích ca, Phật Di Lặc, Địa Tạng Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngoài ra ở đó còn có nhiều đồ thờ tự, bia ký, chuông khánh, hương án, hoành phi, câu đối chạm trổ tinh vi với những lời hay ý đẹp về cảnh sắc núi, sông, về cảnh Phật, về triết lý sự đời. Một số cơ sở thờ tự có kiến trúc đặc sắc như: Thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, thiền viện Vạn Hạnh, chùa Linh Phước, chùa Thiên Vương Cổ Sát, chùa Linh Sơn, chùa Linh Ẩn, chùa Linh Quang, chùa Linh Phong, chùa Linh Quy Pháp Ấn, tịnh thất Quan Âm...

Có thể thấy, toàn bộ kiến trúc của các ngôi chùa ở Lâm Đồng từ ngoài vào trong, mỗi chi tiết đều mang ý nghĩa tôn giáo sâu xa, thiêng liêng, nhưng mặt khác, nó có giá trị văn hóa - nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần và tâm linh của cộng đồng, góp phần phong phú nền văn hóa truyền thống dân tộc. Mỗi chùa đều để lại tiếng nói văn hóa, gây ấn tượng tốt đẹp đối với du khách.

Du lịch tham quan, vãn cảnh chùa không phụ thuộc vào thời vụ mà có thể tổ chức quanh năm. Du khách có thể tham gia vào chuyến đi vào bất cứ thời điểm nào họ mong muốn. Tuy nhiên, đông nhất là vào các dịp lễ, tết lớn như Tết Nguyên đán, Lễ Phật đản, Lễ Vu lan... Du khách dù là cá nhân hay tập thể đều có thể liên hệ với các công ty du lịch đặt tour, ấn định ngày sau đó họ được đến tham quan chùa, uống trà đàm đạo với sư trụ trì, chính quá trình nói chuyện về Phật pháp ở trong một không gian tĩnh lặng của ngôi chùa cổ kính sẽ mang lại cho du khách sự an lành cùng nhiều gợi ý thú vị cho nhân sinh quan và cả thế giới quan của bản thân họ.

Bên cạnh đó là xu hướng ẩm thực chay đang được phát triển mạnh mẽ tại Lâm Đồng. Đây không chỉ là ẩm thực dành riêng cho Phật tử nữa mà đang dần trở thành xu thế không chỉ để thực hành hạnh từ bi với mong muốn tu tâm dưỡng tính để thực hiện “cứu khổ độ sinh”, mà còn nhằm hạn chế bớt việc sát hại các sinh vật vô tội, tránh làm đau những sinh vật hữu tình. Hiện nay, xu thế ăn chay đang thịnh hành nhiều nơi trên thế giới với nhiều mục đích khác nhau: ăn vì sức khỏe, vì bảo vệ môi sinh, môi trường... Chính vì vậy, ở Lâm Đồng, ngoài những nhà hàng chay nổi tiếng như: One More Café, Moto Lauire Café, Trang's Cookery Restaurant, Chefs Dalat, Anna's Coffee House, nhà hàng Ý Primavera, nhà hàng Le Chalet Đà Lạt, Émai Dalat... du khách còn có cơ hội thưởng ngoạn những tinh túy nghệ thuật ẩm thực chay trong một không gian thiền viện ở trong chùa. Đồng thời, qua việc thưởng thức ẩm thực, du khách còn có thể thực hành thiện nguyện qua việc đóng góp công đức giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn thông qua các trung tâm từ thiện Phật giáo.

Nếu kết hợp được những nét đẹp của phong trào du lịch thiện nguyện với những đặc trưng độc đáo khác trong kho tàng di sản văn hóa Phật giáo nói riêng, của văn hóa Lâm Đồng nói chung, ngành Du lịch Lâm Đồng có thể tạo thành một loại hình du lịch phù hợp với xu thế phát triển của thị trường du lịch thế giới hiện nay. Đó là những tiềm năng mà ngành Du lịch có thể khai thác để phát triển các mô hình du lịch gắn liền với Phật giáo.

Khi đến với Lâm Đồng, du khách không chỉ đáp ứng tâm nguyện cúng dường từ thiện mà còn có thể tìm cho mình nhiều hình thức du lịch tâm linh, giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống hiện hữu, cũng như tìm được trong Phật giáo sự bình an trong tương lai. Sau những ngày làm việc căng thẳng, bận rộn với những lo toan của cuộc sống đời thường, tất yếu mỗi người cũng cần có những giây phút thư giãn để thoải mái tinh thần và hướng đến tâm linh. Nhu cầu đó không chỉ dành riêng cho những Phật tử mà nó còn trở thành nhu cầu của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Chính vì vậy, mô hình du lịch thiện nguyện kết hợp với pháp giảng có những điều kiện thuận lợi để thực hiện ở những ngôi chùa trên địa bàn.

Hiện nay, các công ty lữ hành đã tổ chức những tour du lịch tâm linh đến các ngôi chùa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và đã thu hút được lượng khách lớn đến tham quan, trải nghiệm, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Đến với tour du lịch này, du khách sẽ được đắm chìm trong không gian linh thiêng, chiêm ngưỡng những nét độc đáo của kiến trúc Phật giáo truyền thống, được thưởng thức những món chay đặc sắc do các ni sư chế biến...

Một trong những sản phẩm khác của hoạt động du lịch tâm linh đó chính là du lịch tham gia vào các nghi lễ tâm linh của Phật giáo tại các ngôi chùa ở Lâm Đồng. Đó là các hoạt động trong nghi lễ khai lễ, các hoạt động sau khi khai lễ và các hoạt động bên lề khác. Các hoạt động từ thiện xã hội, thuyết giảng Phật pháp, các khóa tu học Phật thường được thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt, thiền viện Vạn Hạnh, chùa Linh Phước, chùa Linh Quang, chùa Linh Quy Pháp Ấn... tổ chức định kì hằng năm cũng thu hút một lượng khách du lịch lớn đến tham gia. Ngoài ra, nhiều sự kiện Phật giáo lớn như: Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2008 với 30.000 người tham dự; Đại lễ cầu siêu, tưởng niệm các anh linh, anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Đà Lạt nhân Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội với trên 10.000 tăng, ni, Phật tử tham dự... Đây cũng là những lợi thế lớn để du lịch tâm linh phát triển trên cơ sở phát huy các giá trị văn hoá của Phật giáo...

Với thực tế khai thác du lịch tâm linh Phật giáo tại Lâm Đồng như đã phân tích ở trên, có thể thấy, du lịch tâm linh Phật giáo Lâm Đồng đã và đang thu hút được sự quan tâm của nhiều du khách, trở thành những điểm du lịch không thể thiếu được trong chuyến hành trình của khách du lịch khi đến với Lâm Đồng. Các điểm đến tâm linh Phật giáo ở Lâm Đồng đã thực sự trở thành những nơi ngoạn cảnh của du khách bốn phương, giúp du khách đạt được sự thư giãn thực sự, có được những trải nghiệm thú vị chứ không chỉ thuần túy là lễ Phật. Những năm gần gây, các cơ sở thờ tự của Phật giáo nổi tiếng tại Lâm Đồng ngày càng thu hút du khách trong và ngoài nước tới viếng thăm, vãn cảnh và cầu nguyện. Đà Lạt đã hình thành những tour du lịch tâm linh mở khá độc đáo, mỗi ngày thu hút hàng nghìn người tới viếng thăm. Ví dụ, vào cao điểm mùa du lịch, mỗi ngày thiền viện Trúc Lâm Đà Lạt đón trên 10.000 du khách tới vãn cảnh, viếng thăm và cầu nguyện tại thiền viện. Hay như tại chùa Linh Phước, vào cao điểm mùa du lịch, nhà chùa mỗi ngày đón hàng nghìn du khách tới viếng thăm, vãn cảnh. Tới thăm chùa, du khách còn được thưởng thức cơm chay, quà lưu niệm của nhà chùa. Chùa Linh Phước còn có phòng trưng bày hàng nghìn hiện vật quý hiếm được sưu tầm ở nhiều nơi, cả trong và ngoài nước...

(CÒN TIẾP)