Nghiên cứu, phục hồi lễ hội tại các di tích, thắng cảnh để bảo tồn và khai thác dịch vụ du lịch

ĐOÀN BÍCH NGỌ 06:14, 04/07/2024

Có thể nói, lễ hội là “hồn cốt” của di tích. Đến với lễ hội là con người có được cảm xúc thăng hoa với những giá trị văn hóa truyền thống, cội nguồn của dân tộc. Giữ gìn và phát huy tốt lễ hội tại các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh không những giúp cho việc bảo tồn di sản văn hóa dân tộc mà còn giúp cho sự gắn kết cộng đồng và quảng bá văn hóa đất nước. Đồng thời, thông qua các hoạt động khai thác dịch vụ du lịch góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Các chàng trai, cô gái Churu trong trang phục truyền thống tham gia lễ hội
Các chàng trai, cô gái Churu trong trang phục truyền thống tham gia lễ hội

Ở Lâm Đồng, trong thời gian qua, công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị của các di sản văn hóa đã có nhiều khởi sắc. Đặc biệt là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ 3 triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm mục đích chấn hưng văn hóa và gần đây là Nghị quyết số 23-NQ /TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; công tác nghiên cứu, sưu tầm bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng được quan tâm đầu tư nhiều hơn trước. Cụ thể là đã mở được nhiều lớp tập huấn chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý văn hóa; truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng cho con em và bà con vùng đồng bào dân tộc, phục dựng các lễ hội truyền thống,... Cùng với đó là việc đầu tư, tổ chức khá quy mô cho các lễ hội đương đại như: Festival Hoa, Lễ hội trà, Giỗ Tổ Hùng Vương. Trong đó còn huy động được nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham gia với nhiều hoạt động văn hóa phong phú góp phần thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với Đà Lạt, Lâm Đồng. Đặc biệt là Tuần lễ Vàng Du lịch được tổ chức khá thành công gây được ấn tượng đẹp trong lòng du khách.

Nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều điều bất cập cần phải điều chỉnh, đồng thời ưu tiên quan tâm đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa. Đặc biệt là việc nghiên cứu phục dựng, nói đúng hơn là phục hồi việc thực hành các lễ hội trước đây đã có tại một số điểm di tích và danh thắng (đã bị lãng quên sau một thời gian dài), để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời tạo thêm sản phẩm - điểm đến mới cho du lịch văn hóa tâm linh để thu hút khách du lịch tới du ngoạn và chiêm bái tạo điều kiện cho việc khai thác dịch vụ du lịch. Ở Lâm Đồng, qua quá trình khảo sát, kiểm kê phổ thông và lập hồ sơ xếp hạng di tích trên địa bàn toàn tỉnh sau 1975, đặc biệt là giai đoạn từ những năm 1990 đến nay cho thấy có 3 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng có lễ hội. Đây cũng là những di tích và danh thắng hội đủ các điều kiện về giá trị lịch sử văn hóa có khả năng phục hồi lại việc thực hành lễ hội tại di tích đã có trước đây để bảo tồn gắn với khai thác phát huy giá trị trong du lịch. Đó là Lễ hội cúng thác Pongour của người K'Ho ở xã Tân Hội, Ninh Gia, huyện Đức Trọng; Lễ hội thờ thần tộc của người Churu ở đền Maxara ở xã Tà Hine, huyện Đức Trọng và Lễ hội rước Mẫu tại đền Việt Nam Thánh Mẫu -Tổng Hội thuộc Phường 6, TP Đà Lạt.

Khác với các lễ hội truyền thống gắn với nghi lễ nông nghiệp theo chu kỳ phát triển của cây lúa thường được bà con đồng bào dân tộc tổ chức ở các thôn buôn; lễ hội tại các di tích và danh thắng luôn gắn liền với không gian thiêng của văn hóa tâm linh. Mọi nghi thức, nghi lễ cũng chỉ diễn ra theo đúng thời gian cụ thể trong năm. Là lễ hội truyền thống mang tính tâm linh gắn liền với thần tích được thờ phụng nên được duy trì thường xuyên tại di tích. Vì vậy việc khôi phục lại lễ hội tại các di tích và danh thắng nói trên là cần thiết. Bởi ngoài việc bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, uống nước nhớ nguồn, đoàn kết cộng đồng, lòng tự hào dân tộc mà còn giúp tạo ra những sản phẩm du lịch, điểm đến mới lạ về du lịch văn hóa tâm linh thu hút khách đến với Đà Lạt - Lâm Đồng. Tuy nhiên, do thời gian bị gián đoạn quá lâu nên các lễ hội nói trên cần phải điều tra, nghiên cứu kỹ trước khi khôi phục, thực hành lại lễ hội tại di tích và danh thắng để tránh sai lệch do “phát triển”, “sáng tạo” đưa thêm vào những tình tiết mới hoặc không có; sân khấu hóa làm mất đi sự tự nhiên - “phần hồn”, nét văn hóa riêng vốn có của mỗi dân tộc . Bên cạnh đó, cần loại bỏ những yếu tố dị đoan, “buôn thần, bán thánh” làm ảnh hưởng tới giá trị của di tích.