Tháng Tư về, mang theo những xúc cảm thiêng liêng về một thời hoa lửa, gợi nhắc những trang sử hào hùng của dân tộc trong cuộc trường chinh giành độc lập, thống nhất đất nước. Trong dòng chảy tri ân, từng đoàn người từ khắp mọi miền đất nước lại tìm về “địa chỉ đỏ” giữa đại ngàn Tây Ninh - Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Nơi đây, giữa rừng già xanh thẳm, từng là “bộ não” của cách mạng miền Nam - nơi trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào đấu tranh, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
![]() |
Đoàn tham quan chụp ảnh lưu niệm tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Linh - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, tại Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam |
Cách trung tâm TP Tây Ninh khoảng 60 km, Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam - Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ẩn mình giữa cánh rừng nguyên sinh Chàng Riệc - Rùm Đuôn thuộc xã Tân Lập, huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh). Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được biết đến với nhiều tên gọi: “R” - viết tắt từ tiếng Pháp Région (vùng, miền); Căn cứ Chàng Riệc gắn liền với khu rừng nơi đặt cơ quan đầu não; hay Căn cứ Phạm Hùng - gợi nhớ đến đồng chí Phạm Hùng, người từng giữ chức Bí thư Trung ương Cục trong thời gian dài. Đây cũng là một phần của Căn cứ địa Bắc Tây Ninh - vùng đất kiên cường từng làm kẻ thù điên cuồng tìm kiếm nhưng bất lực trước sự bảo vệ nghiêm ngặt của ta.
Chúng tôi đến thăm khu di tích trong một ngày đầu tháng Tư đầy nắng. Sau khi tham quan Nhà trưng bày, nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật sống động về một thời lửa đạn, anh Lê Trung Hiếu - Phó Trưởng Phòng Quản lý khai thác Khu di tích, đưa chúng tôi len lỏi theo con đường mòn xuyên rừng dẫn đến Nhà hội trường lớn. Nơi đây từng là điểm họp, làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao Trung ương Cục. “Thời chiến, để vào được khu vực này phải qua nhiều vòng kiểm tra nghiêm ngặt. Trong suốt thời gian hoạt động, căn cứ giữ được an toàn tuyệt đối, không một gián điệp hay lính địch nào lọt được vào. Chính bởi sự ‘bất khả xâm phạm’ ấy mà người Mỹ từng gọi nơi đây là ‘Nhà Trắng’ và ‘Lầu Năm Góc của Việt Cộng’ trong rừng rậm”, anh Hiếu kể.
Trung ương Cục miền Nam được thành lập vào ngày 23/1/1961, tại Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III). Đây là cơ quan cao nhất, chỉ đạo và lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Từ ngày thành lập đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng năm 1975, Trung ương Cục trải qua 3 thời kỳ Bí thư là các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh và Phạm Hùng - những người góp phần vạch đường, chỉ lối cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.Anh Hiếu cho biết, lễ ra mắt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ban đầu diễn ra vào tháng 10/1961 tại xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), đến tháng 2/1962 thì được chuyển về Tây Ninh. Nơi đây được chọn bởi có rừng rậm ba tầng cây rậm rạp, ánh nắng hiếm khi xuyên lọt, có thể che chắn cho hoạt động của Trung ương Cục miền Nam; khu vực này lại gần biên giới Campuchia, có thể di chuyển qua căn cứ nước bạn khi có tình huống khẩn cấp; ngoài ra, tại đây, nguồn hậu cần tại chỗ cũng được đảm bảo lâu dài.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Căn cứ Trung ương Cục bị địch chà đi xát lại bằng bom pháo, càn quét liên miên, nhất là giai đoạn 1962 - 1972. Các cơ quan của Trung ương Cục phải di chuyển nhiều lần trong cánh rừng Tây Ninh, đóng thành từng cụm tại các điểm như: Lò Gò, Tà Nốt, Đồng Pan, Xa Mát, Cà Tum, Bổ Túc, Rùm Đuôn, Chàng Riệc... Từ tháng 2/1962, toàn bộ cơ quan Trung ương Cục quy tụ về khu căn cứ Bắc Tây Ninh. Với khẩu hiệu “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, căn cứ luôn giữ được tính bí mật tuyệt đối. Không tiếng gà gáy, không tiếng khóc trẻ em, không lọt ánh sáng đèn ban đêm... là những hiệu lệnh nghiêm ngặt của căn cứ.
Cuối năm 1972, đầu năm 1973, Trung ương Cục miền Nam quay trở lại vị trí tại Chàng Riệc, Rùm Đuôn, nơi trở thành căn cứ cuối cùng cho đến ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Trong 15 năm (1961 - 1975), Trung ương Cục miền Nam đã tiến hành 15 lần đại hội toàn thể và ban hành hàng trăm chỉ thị, nghị quyết. Căn cứ Trung ương Cục trở thành trung tâm đầu não chỉ đạo chiến tranh Nhân dân cách mạng miền Nam. Nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Bác Hồ đã được triển khai cụ thể hóa từ trung tâm này, lan rộng ra toàn chiến trường miền Nam...
Tại khu rừng thiêng liêng ấy, những người con ưu tú của dân tộc như các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng, Phan Văn Đáng, Võ Chí Công... đã sống, chiến đấu và đưa ra những quyết sách mang tính sống còn cho vận mệnh dân tộc.
Anh Hiếu cho biết, sau ngày đất nước thống nhất, thực hiện ý nguyện của các đồng chí từng sống và chiến đấu tại đây, khu vực rừng Chàng Riệc, Rùm Đuôn, xã Tân Lập, đã được phục dựng như một dấu ấn thiêng liêng gắn với mốc son lịch sử 1975.
Khu di tích Căn cứ Trung ương Cục miền Nam có tổng diện tích khoảng 70 ha, được đầu tư và phục dựng lại nguyên bản gồm 3 phân khu chức năng: Khu di tích lịch sử, Khu tưởng niệm và Khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên phục vụ du lịch. Trong Khu căn cứ là hệ thống liên hoàn các hầm, giao thông hào, nhà ở và làm việc của các cơ quan và các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục. Những ngôi nhà ở đây được dựng bằng tre và hoành tử - một loại cây nhỏ mọc nhiều ở Đông Nam Bộ. Mái được lợp bằng lá trung quân ít bắt lửa nhằm hạn chế thiệt hại do bom đạn gây ra. Cạnh nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo có hầm chữ A, được kè chống khá kiên cố. Các hầm này được nối với nhau bởi hệ thống hầm trú ẩn, giao thông hào liên hoàn dài hàng chục cây số, đan xen như mạng nhện giữa rừng già.
Dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử của mình, lãnh đạo thành công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Năm 1990, Di tích lịch sử văn hóa Căn cứ Trung ương Cục miền Nam được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin