Biểu tượng sức mạnh dân tộc và khát vọng về một đất nước thái bình, hưng thịnh của vua Đinh Tiên Hoàng

09:03, 29/03/2018

Sau chiến thắng đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào cuối năm 938, Ngô Quyền xưng Vương, đặt trăm quan, định ra triều nghi phẩm phục, đóng đô ở Cổ Loa với ý nghĩa phục hồi lại quốc thống.

Sau chiến thắng đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng vào cuối năm 938, Ngô Quyền xưng Vương, đặt trăm quan, định ra triều nghi phẩm phục, đóng đô ở Cổ Loa với ý nghĩa phục hồi lại quốc thống. Đây là một sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt, chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ của chính quyền phương Bắc kéo dài hơn mười thế kỷ, đồng thời mở ra một chương mới tươi sáng trong tiến trình lịch sử dân tộc - thời kỳ độc lập tự chủ. Dưới thời Vương triều Ngô, về đại thể, mô hình nhà nước vẫn còn trong tình trạng sơ khai, chưa hoàn thiện và chưa đủ khả năng quản lý đất nước một cách chặt chẽ. Tình trạng phân tán ở các địa phương vẫn được duy trì với sự hiện diện của tầng lớp thổ hào. Đây là những thế lực vùng, sẵn sàng cát cứ, ly khai với triều đình Cổ Loa khi có điều kiện.
 
Đền thờ Đinh Tiên Hoàng. Ảnh tư liệu
Đền thờ Đinh Tiên Hoàng. Ảnh tư liệu
 
Đinh Tiên Hoàng - vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời bắc thuộc
 
Năm 944, Ngô Quyền mất, triều đình rối ren. Các thổ hào, tù trưởng nổi lên khắp nơi, cát cứ chống lại chính quyền trung ương. Sau khi các con của Ngô Quyền (Ngô Xương Lập, Ngô Xương Văn) chết (năm 954 và 965), đất nước rơi vào tình trạng chia cắt, hỗn loạn. Nổi lên 12 vùng đất biệt lập do 12 thủ lĩnh đứng đầu, lịch sử gọi là “Loạn 12 sứ quân”. Đinh Bộ Lĩnh xuất hiện, dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Đinh Bộ Lĩnh, người làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình), là con thứ của Thứ sử Đinh Công Trứ (Thứ sử Châu Hoan, kiêm Ngự phiên Đô đốc dưới thời Dương Đình Nghệ và Ngô Quyền); mẹ là Đàm Thị. Sau khi cha mất, Đinh Bộ Lĩnh cùng mẹ và đám gia nhân về quê Đại Hoàng sinh sống. Uy thế chính trị của cha đã tạo cho cậu thiếu niên Đinh Bộ Lĩnh một vị thế của “con nhà nòi”, dòng họ vọng tộc ở châu Đại Hoàng mà không đứa trẻ nào ở vùng núi rừng này có được. Thuở nhỏ sống với mẹ ở Đàm Gia, thường cùng lũ trẻ chăn trâu chơi trò đánh nhau, lấy bông lau làm cờ. Nhờ có tài chỉ huy, lại có chí lớn nên được bạn bè kính phục. Với tài trí hơn người, Đinh Bộ Lĩnh được tôn làm Tù trưởng sách Đào Áo (nay thuộc các xã Gia Hương, Gia Phú, Liên Sơn, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình). Sau khi Ngô Quyền mất (năm 944), triều đình rối ren, không có khả năng kiểm soát các địa phương xa xôi, Đinh Bộ Lĩnh đã cùng những người bạn thân thiết như Đinh Điền, Nguyễn Bặc tổ chức lực lượng, rèn vũ khí và chiếm giữ vùng đất Hoa Lư. Ông được nhân dân địa phương suy tôn và ủng hộ nhiệt liệt. Trong khoảng thời gian từ 945 đến 950, Đinh Bộ Lĩnh đã toàn quyền làm chủ vùng đất Hoa Lư và khu vực xung quanh. Sử cũ nói “Từ đây ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre”. Năm 951, lực lượng, thanh thế của Đinh Bộ Lĩnh đã khá mạnh, khiến Ngô Xương Ngập, Ngô Xương Văn lo sợ, đem quân đến đánh nhưng không thắng phải rút về... Cùng thời gian xuất hiện “12 sứ quân”, năm 960, ở Trung Quốc, nhà Tống thành lập, chấm dứt thời kỳ “ngũ đại thập quốc” và bắt đầu mở thế lực xuống phía Nam. Nguy cơ ngoại xâm lại xuất hiện và đe dọa. Đất nước đứng trước một thử thách lớn. Bằng các biện pháp chính trị mềm dẻo - liên kết, hàng phục kết hợp với biện pháp quân sự cứng rắn - chinh phạt, từ đất Hoa Lư (Ninh Bình), người anh hùng Đinh Bộ Lĩnh đã phất cờ, tập hợp dân chúng, giải quyết vấn đề lịch sử đặt ra: “dẹp loạn 12 sứ quân”, chấm dứt cuộc “nội loạn” ở giữa thế kỷ X, thống nhất đất nước vào cuối năm 967. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, đặt tên nước ta là Đại Cồ Việt (tức nước Việt to lớn), định đô ở Hoa Lư, xây dựng triều chính và quản lý đất nước. Đinh Bộ Lĩnh trở thành vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam sau thời kỳ Bắc thuộc kéo dài. Kinh đô Hoa Lư do Vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) tổ chức xây dựng là một công trình kiến trúc to lớn nhất của đất nước sau hơn 1000 năm Bắc thuộc. Mùa xuân năm 970, Đinh Tiên Hoàng bỏ không dùng niên hiệu của nhà Tống, tự đặt niên hiệu Thái Bình. Với việc xưng đế, đặt quốc hiệu, dựng kinh đô, định niên hiệu, Đinh Tiên Hoàng đã khẳng định nền độc lập, tự chủ của quốc gia Đại Cồ Việt và bắt tay vào xây dựng một mô hình nhà nước với thiết chế mới: Quân chủ Trung ương tập quyền. 
 
NHÀ NƯỚC MỞ ĐẦU CHO THỜI KỲ ĐỘC LẬP, TỰ CHỦ LÂU DÀI CỦA DÂN TỘC
 
Quốc hiệu “Đại Cồ Việt” tồn tại trong lịch sử dân tộc từ năm 968 đến năm 1054, trải qua 3 triều đại: Đinh (968-980), Tiền Lê (980-1009) và thời kỳ đầu của nhà Lý (1009-1054). 
 
Lễ hội Cố đô Hoa Lư. Ảnh tư liệu
Lễ hội Cố đô Hoa Lư. Ảnh tư liệu
Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời, tồn tại và phát triển đã khẳng định sức mạnh của ý chí độc lập dân tộc, hòa bình, thống nhất đất nước của nhân dân ta sau nghìn năm Bắc thuộc. Đây là nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhà nước Đại Cồ Việt đã mở ra những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đầu xây dựng và bảo vệ đất nước - kỷ nguyên độc lập, tự chủ lâu dài xuyên suốt các triều đại Đinh, Lê, Lý và Trần, Hậu Lê sau này. Biểu hiện: Nhà nước Đại Cồ Việt đã có công lao trong việc giữ gìn, củng cố nền độc lập dân tộc trong gần một thế kỷ. Thời kỳ này, các vương triều phương Bắc mang quân sang xâm lược nhưng đều bị chống trả quyết liệt. Các chủ trương, chính sách và những thành tựu, kết quả của Nhà nước Đại Cồ Việt đã đặt nền móng cho sự ra đời, tồn tại và phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, tài chính, đối ngoại, giao thông... của nhà nước phong kiến Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc. 
 
 Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời là dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của quốc gia dân tộc; giáng một đòn quyết định, chặn đứng mọi âm mưu chia rẽ đất nước của các thế lực cát cứ, phân tán tồn tại dai dẳng từ trước, hướng tới thống nhất, tập quyền, phù hợp với yêu cầu lịch sử. Nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời Đinh, tuy chỉ tồn tại trong 12 năm (968-980), trải qua hai đời vua, nhưng trong quá trình tồn tại, bằng tổ chức quản lý và hoạt động cụ thể, Nhà nước đã có vị trí, vai trò hết sức quan trọng. Đây là Nhà nước đại diện cho lợi ích và sức mạnh của cộng đồng các giáp, xã... tượng trưng cho sự đoàn kết, tập hợp các lực lượng vì mục đích độc lập, tự chủ và thống nhất. Với tổ chức bộ máy, chính sách đối nội, đối ngoại tuy sơ khai nhưng Nhà nước Đại Cồ Việt đã xác lập một thời kỳ mới về tổ chức quản lý đất nước trong lịch sử dân tộc - thời kỳ độc lập, tự chủ, xây dựng chế độ quân chủ tập quyền ở Việt Nam. Sự phát triển kinh tế, từ nông nghiệp cho đến công thương nghiệp dưới thời nhà Đinh khá đều đặn và ngày càng đa dạng, đã tạo điều kiện nâng cao đời sống nhân dân, vừa củng cố nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền, vừa nâng cao sức chiến đấu của đất nước. Nhà nước tạo cơ sở ban đầu để các vương triều sau này bổ sung, củng cố và điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của đất nước trong quá trình hình thành và xác lập chế độ phong kiến loại hình phương Đông ở nước ta. Đặc biệt, bằng những hoạt động đối nội, đối ngoại phù hợp, Nhà  nước Đại Cồ Việt đã đưa lịch sử nước ta vào một thời kỳ phát triển mới chưa từng có (so với trước đó), khôi phục lại thế đứng hiên ngang cho đất nước, cho dân tộc. Từ đây, đất nước của cộng đồng các dân tộc Việt, bằng sức sống bền bỉ và năng động của mình, đã vươn lên mạnh mẽ, đủ sức chống chọi với mọi âm mưu và hành động xâm lược của giặc ngoại xâm, giữ một vị trí quan trọng trong khu vực trước những biến động lớn đã từng xảy ra và còn tiếp diễn ở nhiều thế kỷ sau này. 
 
 Nhà nước Đại Cồ Việt dưới thời nhà Đinh ra đời, tồn tại, phát triển cùng với việc thiết lập triều đình riêng do một hoàng đế đứng đầu, có niên hiệu riêng, quản lý một lãnh thổ riêng biệt, là sự khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ của đất nước vừa mới được khôi phục sau hơn một thiên niên kỷ lệ thuộc vào phong kiến phương Bắc. Đây là Nhà nước mở đầu cho thời kỷ độc lập, tự chủ lâu dài của dân tộc. Công lao, đóng góp to lớn của Đinh Tiên Hoàng trong tiến trình lịch sử dân tộc còn mãi muôn đời. 
 
ĐAN THANH
(Theo tài liệu của  Ban Tuyên giáo Trung ương, tỉnh Ninh Bình)