Tác phẩm "Ðường Kách mệnh" mở đường, dẫn lối cho cách mạng Việt Nam (kỳ 2)

09:03, 08/03/2018

Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn, phân tích và nêu lên 3 cuộc cách mạng tiêu biểu trên thế giới: Lịch sử cách mệnh Mỹ, cách mệnh Pháp, Lịch sử cách mệnh Nga. Người đã phân tích, tìm hiểu cội nguồn của những cuộc cách mạng đó bắt nguồn từ những mâu thuẫn kinh tế, xã hội, nêu bật sự đối kháng giai cấp và mục tiêu cách mạng phải giải quyết. 

Tổng kết các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, rút ra bài học cho cách mạng Việt Nam
 
[links(right)] Tổng kết thực tiễn các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới
 
Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn, phân tích và nêu lên 3 cuộc cách mạng tiêu biểu trên thế giới: Lịch sử cách mệnh Mỹ, cách mệnh Pháp, Lịch sử cách mệnh Nga. Người đã phân tích, tìm hiểu cội nguồn của những cuộc cách mạng đó bắt nguồn từ những mâu thuẫn kinh tế, xã hội, nêu bật sự đối kháng giai cấp và mục tiêu cách mạng phải giải quyết. 
 
Bằng ngòi bút sắc sảo, ngôn từ giản dị, dễ hiểu, Nguyễn Ái Quốc đã phân tích lịch sử các nước Mỹ, Pháp, đối chiếu thực tiễn cuộc sống của các giai cấp, dân tộc thuộc các màu da khác nhau ở các nước này để đi đến khẳng định: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hòa và dân chủ kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa”. Từ đó, Người xác định: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc”. Đó cũng chính là mô hình nhà nước mà Nguyễn Ái Quốc chủ trương xây dựng sau khi nước nhà giành được độc lập. Rõ ràng điều mà Nguyễn Ái Quốc quan tâm là bản chất của cuộc cách mạng phải thực sự đem lại sự giải phóng cho quần chúng khỏi bị áp bức, bóc lột; không chấp nhận một cuộc cách mạng nửa vời, chỉ là sự thay thế một phương thức bóc lột này bằng một phương thức bóc lột khác, tiếp tục đẩy con người vào tình cảnh áp bức, tha hóa, đau khổ…
 
Khi Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và giành thắng lợi, Nguyễn Ái Quốc đang ở Pari, Người đã tìm thấy ở cuộc cách mạng này khả năng giải phóng dân tộc mình. Bởi Cách mạng Tháng Mười vượt xa và khác hẳn với các cuộc cách mạng xã hội trước đó. Người viết: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”. Từ đó, Người đi đến kết luận: “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin” (Mác - Lênin).
 
Từ sự tổng kết kinh nghiệm các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới, phân tích, đối chiếu thực tiễn Việt Nam giữa thế kỷ XIX, là xã hội thuộc địa nửa phong kiến và có nhiều mâu thuẫn đan xen nhau, Nguyễn Ái Quốc đã chỉ ra tính chất và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, tiến tới giải phóng xã hội và giải phóng con người: “Như An Nam đuổi Pháp... để giành lấy quyền tự do, bình đẳng của dân nước mình, ấy là dân tộc cách mệnh”. Cũng chính từ việc đối chiếu với hoàn cảnh, nhu cầu khách quan của cách mạng Việt Nam là quyết giành được độc lập cho dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, mà Nguyễn Ái Quốc đã rút ra bài học lớn: Dân tộc ta phải đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười Nga, tức là theo con đường cách mạng vô sản, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đây là kết luận được rút ra từ phương pháp phân tích thực tiễn các sự kiện lịch sử rất khoa học, sự vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tế và những bài học thực tiễn của phong trào yêu nước Việt Nam, phong trào cách mạng thế giới. 
 
Xác định rõ mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới
 
Trước hết, Nguyễn Ái Quốc không nhìn nhận cách mạng Việt Nam một cách biệt lập mà đặt nó trong thể thống nhất biện chứng với cách mạng thế giới. Người đã chỉ rõ: “là người trong thế giới, bất kỳ nước nào, dân tộc nào, có một mục đích như nhau, hợp sức nhau để làm cho đến mục đích ấy”. Chẳng hạn như các nước đế quốc cấu kết nhau để “đè nén các dân hèn yếu”, các tư bản cấu kết nhau để bóc lột công nhân; vì vậy, để chống lại chủ nghĩa tư bản, giai cấp công nhân (thợ thuyền) các nước cũng phải đoàn kết với nhau. Nhờ việc phân tích sâu sắc thực tiễn của các dân tộc thuộc địa, nhận thấy vai trò, vị trí chiến lược của các thuộc địa đối với các nước chính quốc, Người cho rằng: “An Nam dân tộc cách mệnh thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mệnh cũng dễ. Và nếu công nông Pháp cách mệnh thành công, thì dân tộc An Nam sẽ được tự do”. Nhận định trên của Nguyễn Ái Quốc không phải một cách võ đoán mà có căn cứ khoa học và sự hiểu biết sâu sắc đất nước, con người, lịch sử của nhân dân các nước thuộc địa.
 
Thứ hai, tác phẩm “Đường cách mệnh” giới thiệu Quốc tế I, Quốc tế II, Quốc tế III. Người đánh giá cao Quốc tế I: “Đệ nhất quốc tế tuy chỉ đứng được 10 năm, nhưng khẩu hiệu “Toàn thế giới vô sản giai cấp liên hợp lại!” và vẫn truyền đến bây giờ. Tuy không làm được nhiều việc, nhưng cái công dạy cho thợ thuyền trong thế giới cách mệnh thì rất to”. Người phê phán đường lối phi mác-xít của những người cơ hội trong Quốc tế II, như: chủ trương đề huề với tư bản, giúp đế quốc chủ nghĩa đè nén dân thuộc địa, xui dân nước này chống dân nước kia, nghề nghiệp này chống nghề nghiệp khác…Người cho rằng: “Đệ nhị quốc tế trước vẫn là cách mệnh, nhưng vì kỷ luật không nghiêm, tổ chức không khéo, để tụi hoạt đầu xen vào nhiều quá; sau hoá ra phản cách mệnh”.  Đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đánh giá cao và ủng hộ Quốc tế III do Lênin sáng lập, bởi Quốc tế III được tổ chức chặt chẽ, có sự thống nhất và tính kỷ luật cao; khẩu hiệu tập hợp, đoàn kết rộng rãi hơn khẩu hiệu Quốc tế I: “Đệ nhất quốc tế chỉ nói: “Thế giới vô sản giai cấp liên hợp”, còn Đệ tam quốc tế nói thêm: “Vô sản giai cấp và dân tộc bị áp bức trong thế giới liên hợp lại” và nhờ thắng lợi của cách mạng tháng 10 Nga - 1917 nên đã thực hiện cuộc cách mạng triệt để hơn …
 
Thứ ba, thông qua việc trình bày lịch sử, phân tích sự giống nhau và khác nhau giữa Đệ nhất quốc tế, Đệ nhị quốc tế với Đệ tam quốc tế, “Đường Kách mệnh” chỉ rõ mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới, vấn đề đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế trong cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Từ đó đi đến vạch rõ cách mạng Việt Nam là một bộ phận khăng khít của phong trào cách mạng thế giới và để đảm bảo sự thắng lợi, cách mạng nước ta phải dựa vào Quốc tế III, tức Quốc tế Cộng sản “An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế”. Như vậy, Nguyễn Ái Quốc đã nâng tầm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc bằng quan điểm chủ nghĩa yêu nước chân chính không thể tách rời chủ nghĩa quốc tế vô sản và khẳng định: “Chúng ta cách mệnh thì cũng phải liên lạc tất cả những đảng cách mệnh trong thế giới để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa”. Tuy nhiên, Nguyễn Ái Quốc cũng xác định, muốn người ta giúp cho thì trước hết mình phải tự thân vận động, dựa vào sức mạnh bên trong của dân tộc chứ không trông chờ vào bên ngoài, “nếu thợ thuyền An Nam biết tổ chức thì chắc Quốc tế đỏ sẽ hết lòng giúp cho mà làm cách mệnh. Nhưng muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”. 
 
KỲ CUỐI: Xác định lực lượng, phương pháp cách mạng và giá trị lâu bền của tác phẩm. 
 
VĂN NHÂN