1.050 năm nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam ra đời

02:04, 18/04/2018

(LĐ online) - Ra đời trong đấu tranh dẹp loạn, nhà nước Đại Cồ Việt do Đinh Bộ Lĩnh sáng lập năm 968, đã giương cao ngọn cờ thống nhất đất nước, tồn tại 86 năm qua các đời vua Đinh - Tiền Lê - Lý (1054). 

(LĐ online) - Ra đời trong đấu tranh dẹp loạn, nhà nước Đại Cồ Việt do Đinh Bộ Lĩnh sáng lập năm 968, đã giương cao ngọn cờ thống nhất đất nước, tồn tại 86 năm qua các đời vua Đinh - Tiền Lê - Lý (1054). Tuy chỉ kéo dài 12 năm (968 - 980), trải qua 2 đời vua, nhưng trong quá trình tồn tại, bằng tổ chức quản lý và hoạt động cụ thể, nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh đã có những đóng góp lớn lao về mọi mặt đối với tiến trình lịch sử Việt Nam.
 
Sau khi đánh thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, Ngô Quyền lên ngôi tại Cổ Loa (kinh đô của Âu Lạc xưa), nhưng do qua đời quá sớm (năm 944) nên các tướng lĩnh khắp nơi trong nước nổi dậy và giao chiến với nhau dẫn đến việc thành lập 12 sứ quân; đất nước bị xâu xé, dân chúng khát khao hòa bình và thống nhất. Trong bối cảnh đó, Đinh Bộ Lĩnh xuất hiện đáp ứng được ý chí của quần chúng nhân dân.
 
Đinh Bộ Lĩnh là con của một thứ sử ở Hoan Châu, người Hoa Lư (Ninh Bình). Hồi nhỏ, ông đã khiến các trẻ chăn trâu phải kiêng nể và tôn làm thủ lĩnh. Lớn lên, ông tới phục vụ cho sứ quân ở Bố Hải Khẩu (Thái Bình). Thấy ông là người thông minh và dũng cảm, vị sứ quân này giao cho ông nắm giữ binh quyền. Sau khi sứ quân mất, Đinh Bộ Lĩnh đưa quân về Hoa Lư, chiêu mộ binh lính và lần lượt bắt các sứ quân khác phải hàng phục. Năm 968, sau khi tái thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lấy tước hiệu là Đinh Tiên Hoàng đế, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình), tồn tại được 12 năm (968 - 980). Vào năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng bị một viên thư lại trong cung điện ám sát, truyền ngôi lại cho con trai là Vệ Vương (Đinh Toàn) lúc mới có 6 tuổi, nhưng mọi quyền hành đều nằm trong tay Thập Đạo tướng quân Lê Hoàn. Nhà Tống tính lợi dụng lúc vua còn nhỏ để lập nên ách đô hộ, được sự tín nhiệm của đình thần, Lê Hoàn lên ngôi năm 980 lấy tước hiệu là vua Lê Đại Hành và tồn tại đến năm 1009. Giai đoạn nhà Lý là hai triều vua đầu Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông (1009-1054). Tuy tồn tại 86 năm nhưng Nhà nước Đại Cồ Việt giữ một vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử dân tộc.
 
Đại Cồ Việt là quốc hiệu Việt Nam dưới thời nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Quốc hiệu Đại Cồ Việt tồn tại 86 năm (968 - 1054) kể từ khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lên ngôi hoàng đế năm 968 cho đến đời vua Lý Thánh Tông năm 1054. Trong giai đoạn thời Lý, Lý Công Uẩn cho dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Đại Cồ Việt là nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam sau một thời gian dài bị Bắc thuộc.
 
Ý nghĩa quốc hiệu Đại Cồ Việt:
 
Quốc hiệu Đại Cồ Việt do vua Đinh Tiên Hoàng đặt ra, được dùng trong 8 đời vua của 3 triều: Đinh, Tiền Lê, Lý. Đến năm Giáp Ngọ, niên hiệu Sùng Hưng Đại Bảo thứ 6 (1054), vua Lý Thánh Tông mới đặt lại quốc hiệu là Đại Việt. Như vậy là khi dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, nước vẫn mang quốc hiệu là Đại Cồ Việt.
 
"Đại" theo nghĩa chữ Hán là lớn, "Cồ" trong tiếng Việt cổ cũng là lớn. Đinh Tiên Hoàng muốn ghép 2 chữ cả Hán và Việt để khẳng định nước Việt là nước lớn, dù đọc theo ngôn ngữ nào. Ý nghĩa này còn được thể hiện câu đối (vẫn còn trong đền vua Đinh Tiên Hoàng ở Hoa Lư): “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo Hoa Lư đô thị Hán Trường An”. Nghĩa là: Nước Cồ Việt ngang hàng với nhà Tống đời Khai Bảo; Kinh đô Hoa Lư như Tràng An của nhà Hán. 
 
Lịch sử Đại Cồ Việt
 
Về quân sự, lịch sử Đại Cồ Việt là trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đầu xây dựng và bảo vệ đất nước; khởi đầu để mở ra một kỷ nguyên độc lập lâu dài xuyên suốt các triều đại Đinh, Lê, Lý và Trần, Hậu Lê sau này. Trong 86 năm quốc hiệu Đại Cồ Việt, các vương triều đã oanh liệt chống lại sự xâm lược, quấy phá của ngoại bang, tiêu biểu như Lê Hoàn đánh thắng vang dội quân xâm lược nhà Tống (981); mang quân đánh Chiêm Thành vì đã bắt giữ sứ giả của Đại Cồ Việt (982); Lý Thái Tông cũng khởi binh đánh Chiêm Thành năm 1044 vì vua Chiêm lấn cướp ven biển và không chịu thông sứ… Nhờ đó, đã góp phần khôi phục thế đứng hiên ngang cho đất nước, cho dân tộc. 
 
Về kinh tế, các vua rất chú ý khuyến khích nông nghiệp và đóng vai trò chủ yếu trong sinh hoạt kinh tế. Nông dân được làng xã chia ruộng để cày cấy, nộp thuế và đi lính cho nhà vua. Lê Đại Hành là vua Việt Nam đầu tiên cử hành lễ cày tịch điền vào mùa xuân hàng năm, từ đó các vua thời sau đều giữ lệ ấy. Vấn đề thủy lợi cũng được các vua chú ý, kênh ngòi được đào vét nhiều nơi vừa để tưới ruộng vừa để tiện lợi giao thông bằng thuyền bè. Hệ thống giao thông đường bộ được mở mang. Các nghề thủ công như nghề gốm, nghề dệt, khai mỏ, luyện sắt, đúc đồng... đều được phát triển. Nhờ ngành thủ công nghệ phát triển cao nên Lê Đại Hành xây được một cung điện làm nơi coi chầu, cột nhà được thếp vàng, ngói bằng bạc. Các hoạt động sản xuất, thương mại hầu như chưa phát triển mặc dù vào thời nhà Lý đã có buôn bán với các vương quốc trong vùng tại cảng Vân Đồn (Quảng Ninh). 
 
Về văn hoá, nghệ thuật sân khấu chèo bắt nguồn từ thời Đinh, thế kỷ X, trong kinh thành Hoa Lư. Khi đất nước Ðại Cồ Việt bước vào kỷ nguyên độc lập tự chủ lâu dài, cũng là lúc nảy sinh những mầm mống của một nền văn học dân tộc dưới hình thức chữ Hán và chịu ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo. Đinh Tiên Hoàng là người đầu tiên lập chức tăng thống đưa phật giáo trở thành quốc đạo; cho đúc tiền đồng (năm Canh Ngọ 970), là tiền tệ xưa nhất ở Việt Nam, gọi là tiền đồng Thái Bình, đặt nền móng cho nền tài chính - tiền tệ của Nhà nước phong kiến Việt Nam.
 
Trong lịch sử Việt Nam, Lê Hoàn không chỉ là một vị hoàng đế có những đóng góp lớn trong việc giữ gìn và củng cố nền độc lập dân tộc mà còn có nhiều công lao trong sự nghiệp ngoại giao, xây dựng và kiến tạo đất nước Đại Cồ Việt; cũng là người tạo tiền đề, điều kiện để sau đó Lý Công Uẩn có đủ khả năng dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010, mở ra một kỷ nguyên phát triển lâu dài của văn hóa Thăng Long - Hà Nội. 
 
Ý nghĩa sự ra đời, vị trí và vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt (thời Đinh) trong lịch sử dân tộc
 
Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời đã mở ra những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đầu xây dựng và bảo vệ đất nước. Quốc hiệu “Đại Cồ Việt” tồn tại từ năm 968 đến năm 1054, trải qua 3 triều đại: Đinh (968 - 980), Tiền Lê (980 - 1009) và thời kỳ đầu của nhà Lý (1009 - 1054); trong đó đặc biệt là thời Đinh có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam. 
 
Trước hết, việc Đinh Bộ Lĩnh với vai trò dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt với cương vực lãnh thổ riêng là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của quốc gia dân tộc. Nhà nước Đại Cồ Việt ra đời đã giáng một đòn quyết định, chặn đứng mọi âm mưu chia rẽ đất nước của các thế lực phân tán tồn tại dai dẳng từ trước, hướng tới thống nhất, tập quyền, phù hợp với yêu cầu của lịch sử. Đồng thời, Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh đại diện cho lợi ích và sức mạnh của cộng đồng các giáp, xã… tượng trưng cho sự đoàn kết, tập hợp các lực lượng vì mục đích độc lập, tự chủ và thống nhất; mở nền chính thống cho thời đại phong kiến độc lập, tự chủ của dân tộc ta. 
 
Thứ hai, Nhà nước Đại Cồ Việt được thiết lập do một hoàng đế đứng đầu, có niên hiệu riêng, quản lý một lãnh thổ riêng biệt, tồn tại kéo dài và phát triển không ngừng là sự khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, tự chủ của đất nước vừa mới được khôi phục sau một nghìn năm Bắc thuộc. Với một nước nhỏ bé như Việt Nam ở bên cạnh một đế chế hùng mạnh, rộng lớn như Trung Hoa, thì việc Đinh Bộ Lĩnh đặt tên nước “Đại Cồ Việt”, xưng đế hiệu, định niên hiệu mới là Thái Bình đã mang một ý nghĩa lớn về ý thức tự tôn, tự cường dân tộc; thể hiện một cách rõ ràng ý đồ muốn so sánh, đặt mình ngang với các Hoàng đế Trung Hoa; phủ nhận những tên gọi nước ta do triều đình phong kiến phương Bắc đặt cho, như: An Nam, Giao Châu...Điều đó, một lần nữa khẳng định sự tự tin vào sức mạnh dân tộc, khát vọng về một đất nước thái bình, hưng thịnh của vua Đinh Tiên Hoàng. 
 
Thứ ba, Nhà nước Đại Cồ Việt (thời Đinh) với tổ chức bộ máy, chính sách đối nội, đối ngoại tuy sơ khai nhưng đã mở ra một thời kỳ mới về tổ chức quản lý đất nước trong lịch sử dân tộc - thời kỳ phong kiến độc lập, tự chủ lâu dài với sự nối tiếp nhau của các nhà nước quân chủ trung ương tập quyền. Trước Nhà nước Đại Cồ Việt, lịch sử nước ta đã ghi nhận sự xuất hiện của nhà nước sơ khai thời Văn Lang - Âu Lạc; lại có các nhà nước tồn tại ngắn ngủi trong thời kỳ đấu tranh chống Bắc thuộc như của Trưng Nữ Vương, Lý Nam Đế, của họ Khúc, họ Dương, họ Ngô, nhưng phải đến khi Nhà nước Đại Cồ Việt được ra đời, một thời kỳ mới về tổ chức quản lý đất nước mới được khai mở. Hơn nữa, sự phát triển kinh tế, từ nông nghiệp cho đến công thương nghiệp dưới thời Đinh ngày càng đa dạng, đời sống nhân dân được nâng cao, nhà nước quân chủ Trung ương tập quyền vừa củng cố, vừa nâng cao sức chiến đấu của đất nước...đã tạo cơ sở ban đầu để các vương triều sau này bổ sung, củng cố và điều chỉnh cho phù hợp với sự phát triển của đất nước trong quá trình hình thành và xác lập chế độ phong kiến loại hình phương Đông ở nước ta. 
 
Như vậy, trên hành trình lịch sử của dân tộc ta, Nhà nước Đại Cồ Việt thời Đinh nói riêng, tiền Lê và thời đầu nhà Lý nói chung mãi mãi xứng đáng với vị trí mở đầu cho thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài của dân tộc. Từ đây, đất nước của cộng đồng các dân tộc Việt, bằng sức sống bền bỉ và năng động của mình, đã vươn lên mạnh mẽ, đủ sức chống chọi với mọi âm mưu và hành động xâm lược của giặc ngoại xâm, giữ một vị trí quan trọng trong khu vực trước những biến động lớn đã từng xảy ra và còn tiếp diễn ở nhiều thế kỷ sau này. 
 
LINH NHÂN