Hơn nửa ngày đàng... từ Côn Đảo đến Trần Đề

06:12, 12/12/2019

Hơn nửa ngày đàng... từ Côn Đảo đến Trần Đề

1. Hẹn 7 giờ xuống sảnh lễ tân, ăn sáng nhưng chừng 6 giờ 30 phút, anh em đã lục đục xách đồ, làm thủ tục trả phòng. Nhìn gương mặt mọi người phờ phạc vì thiếu ngủ nhưng ánh mắt, nụ cười tuy vương vấn ưu tư song vẫn ẩn chứa sự mãn nguyện. Tinh thần đoàn sảng khoái cũng phải bởi văn nghệ sĩ Hội VHNT Lâm Đồng đôi tháng nay nao nức với lần “hạ sơn” thực tế sáng tác đề tài biển đảo. Chỉ trừ hai cô Thanh Xuân, Ma Nhung đang độ U 40, còn 13 nam nhân từ 60 đến ngoài 70 tuổi thì 12 hội viên đều lần đầu cưỡi sóng ra Côn Đảo, địa danh văn hóa - lịch sử - du lịch tâm linh thiêng liêng của đất nước nơi ngàn khơi. Côn Đảo hay Côn Sơn - địa danh cả thế giới đều rùng mình bởi sự tàn bạo phi nhân tính do thực dân, đế quốc “làm mưa làm gió”, có mốc lịch sử gần nhất: ngày 1/11/1974, thời Nguyễn Văn Thiệu, cơ sở hành chính Côn Sơn đổi tên thành thị xã Phú Hải thuộc tỉnh Gia Định. Sau giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, tháng 5/1975, gọi tỉnh Côn Đảo; tháng 9/1976, giải thể và chuyển thành huyện Côn Đảo thuộc Thành phố Hồ Chí Minh; tháng 1/1977, chuyển về tỉnh Hậu Giang cũ; tháng 5/1979, huyện Côn Đảo trở thành quận thuộc Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo; từ tháng 8/1991, là huyện thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện nay, ở Côn Đảo thực hiện mô hình chính quyền một cấp, thông qua các cơ quan chức năng huyện, trực tiếp đến địa bàn khu dân cư, có các cấp phụ thuộc như xã, phường hay thị trấn. Côn Sơn xưa bao gồm 14 hòn đảo lớn nhỏ, tổng diện tích 72,18 km 2. Từ năm 1995, huyện Côn Đảo quản lý thêm 2 hòn đảo mang tên Hòn Anh và Hòn Em (Hòn Trứng Lớn và Hòn Trứng Nhỏ) cách trung tâm thị trấn Côn Đảo 27 hải lý về phía Tây, như vậy với 16 hòn đảo, Côn Đảo rộng 76,71 km 2. Từ Côn Đảo về Vũng Tàu dài 179 km đường biển, đến Thành phố Hồ Chí Minh 230 km... Trở lại Côn Đảo là nhà điêu khắc Đinh Thanh, gần 20 năm trước đã ra dựng tượng đoạt giải quốc gia về hình ảnh thiếu nữ bằng đá trắng quỳ trên thảm cỏ xanh ở vườn hoa, hai tay nâng chim bồ câu ngang mặt thể hiện khát vọng và sự trân quý tự do, hòa bình trên mảnh đất từng trải trăm năm đau thương... 
 
Nhộn nhịp Bến Đầm - Côn Đảo. Ảnh: T.Đạm
Nhộn nhịp Bến Đầm - Côn Đảo. Ảnh: T.Đạm
 
Sau 4 giờ hải trình, tàu cao tốc rời thành phố Vũng Tàu cập Bến Đầm lúc 12 giờ trưa ngày 26/11/2019, lên xe chạy hơn 10 km về khách sạn ở trung tâm thị trấn Côn Đảo. Cậu tài xế kiêm “hướng dẫn viên” hay chuyện cho biết “thị trấn chỉ 10 ngàn người nhưng về đêm cư dân tăng lên 30 ngàn”... Chiều thăm bảo tàng, di tích nhà tù Côn Đảo, cầu tầu 914 được khởi công từ năm 1873, kéo dài hàng chục năm mới hoàn thành. Trong quá trình lao động khổ sai nặng nhọc đã có 914 lao tù mất mạng nơi đây. Đẫm nước mắt và máu, chất chồng xương cốt nhưng cầu tàu cũng là nơi chứng kiến những giây phút vinh quang, hạnh phúc dâng trào khi đảo được giải phóng vào mùa Xuân lịch sử 1975. Tối qua nơi nghĩa địa Hàng Dương, trong âm hưởng biển khơi, rừng cây thì thầm vọng động, đoàn lại nhẹ nhàng từng bước như e sợ không chừng biết đâu vô tình chạm phải các linh hồn nằm dưới lớp cát kia, kính cẩn nghiêng mình bên cây lê-ki-ma dâng hương thơm ngát nói thay tấm lòng thơm thảo, sự ngưỡng mộ trước tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang, Liệt sĩ Võ Thị Sáu... Một đêm mất ngủ là tất yếu bởi bao cảm xúc dâng trào. Mọi người thao thức với những trang ghi chép, những tứ thơ, những suy tư và trằn trọc bởi sự ám ảnh của dãy “chuồng cọp”, hình cụ tra tấn tù nhân cực kỳ dã man, tàn bạo của những “bạo chúa” chốn “địa ngục trần gian”... Một đêm bức xúc bởi chợt nhớ chuyện một vài kẻ “trở cờ” rắp tâm “giải thiêng” xuyên tạc lịch sử, phản bội Nhân dân lúc ngồi phòng lạnh, nốc rượu Tây ở khách sạn lắm sao nơi đô hội đã tán xàm, dám báng bổ tấm gương thục nữ oanh liệt. Chúng quả bị tâm thần nặng khi “bình loạn” rằng hình ảnh người con gái Đất Đỏ ra pháp trường thản nhiên “ngắt một đóa hoa tươi, chị cài lên mái tóc/ Đầu ngẩng cao bất khuất, ngay từ phút hy sinh” thì chỉ có mà... điên! Và biết đâu ai đó, mấy canh giờ thổn thức với câu chuyện thứ phi Phi Yến do phản đối Nguyễn Ánh trong tháng 12/1784 giao ấn tín và hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc - Khâm sai tòa Thánh ở Gia Định sang Pháp cầu viện, gây thảm họa “cõng rắn cắn gà nhà” mà bị vị chúa nhẫn tâm đày bà lên hòn Côn Lôn Nhỏ, vò võ cùng khổ ải cho đến chết. 
 
Cầu tàu 914, nơi 914 tù khổ sai vĩnh viễn ngã xuống trong quá trình lao công. Ảnh: T.Đạm
Cầu tàu 914, nơi 914 tù khổ sai vĩnh viễn ngã xuống trong quá trình lao công. Ảnh: T.Đạm
 
Cách đây 10 năm, tôi theo đoàn công tác của Lâm Đồng do Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến làm trưởng đoàn ra thăm quần đảo Trường Sa nhưng vào đúng dịp “tháng ba, bà già đi biển” nên dường như chẳng mấy lăn tăn về thời tiết trên biển. Có nhiều cơ hội ra Côn Đảo trong 40 năm làm báo nhưng chuyến này với tôi là lần đầu. Năm trước, Hội tính tổ chức đi song ai đó ái ngại “mùa biển động”. Năm nay, bạn ở Báo Bà Rịa - Vũng Tàu khích lệ: Trước tàu chạy hơn 10 tiếng qua đêm mới đáng lo, chứ giờ có tàu cao tốc thì nhằm nhò chi”, vì vậy, đoàn mới đồng thuận ra Côn Đảo vào cuối năm. Trước chuyến đi, tôi tìm sách vở nghiên cứu và được biết: Côn Đảo xưa gọi Côn Lôn (nguồn gốc tiếng Mã Lai gọi “Pulau Kunlur” - hòn Bí), là một trong những quần đảo tiền tiêu của nước ta. Đại Nam nhất thống chí - bộ sách dư địa chí (địa lý - lịch sử), do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn thời vua Tự Đức ca ngợi: Côn Lôn “nguy nga giữa Biển Đông”. Những di tích khảo cổ học phát hiện giai đoạn hậu kỳ thời đá mới, cách đây khoảng 4-5 ngàn năm lớp cư dân đầu tiên đã có mặt tại Côn Đảo. Họ biết làm nông nghiệp bằng cuốc kết hợp với thu lượm hải sản, săn bắt. Sau đó, biết nghề luyện đồng và sắt. Ghi chép rồi tôi liên tưởng về truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Nàng Âu Cơ đẻ 100 trứng nở ra 100 người con, sau đó 50 người con theo mẹ lên non. Trong những người con theo mẹ Âu Cơ, người con cả ở lại đất Phong Châu và được tôn lên làm vua nước Văn Lang lấy hiệu là Hùng Vương. Còn lại 50 người con theo cha Lạc Long Quân xuống biển, biết đâu cũng có người đã theo bè, mảng đến nơi này... Cuộc đời vốn có lắm cái có thể xảy ra ngoài dự kiến, cũng biết đâu quả dưa hấu của hoàng tử An Tiêm bị đày ra đảo hoang tương truyền ở xứ Thanh Hóa cũng từng trôi dạt, nảy mầm xanh tốt trên Côn Sơn. 
 
Côn Đảo nằm ở vị trí thuận lợi giữa Biển Đông, trên đường giao lưu Đông - Tây nên được phương Tây sớm biết đến. Năm 1294, đoàn thuyền 14 chiếc của nhà du hành người Ý, Marco Polo, dạt vào trú sau khi bị bão đánh chìm 8 thuyền. Năm 1516, nhà hàng hải Bồ Đào Nha, Andrade cập bến vào trung tuần tháng 9. Ông ghi chép nơi này các nhà đi biển rất hay ghé để kiếm nước ngọt, thấy cư dân có bán gà, rùa biển và có cả nho nữa. Khoảng giữa những năm 60 thế kỷ XVI, thi hào Bồ Đào Nha Camôidơ - tác giả làm rạng danh nền văn học Bồ Đào Nha thời Phục Hưng đến Vũng Tàu và Côn Đảo đem theo tập bản thảo cuốn sử thi bất hủ Os Lusiadas sau nạn đắm tàu ở cửa Sông Tiền. Đây là tập thơ đầu tiên của nền văn học phương Tây viết về Việt Nam, trong đó có những dòng về miền Nam. Trong quá trình lập nghiệp ở Đàng Trong, các chúa Nguyễn rất quan tâm đến việc thực hiện chủ quyền đất nước đối với các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, Côn Lôn... Đời chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725), việc tuần tiễu và khai thác hải sản ở các quần đảo được tiến hành chu đáo, cẩn mật, thường xuyên. Côn Đảo thời đó do đội Hoàng Sa quản lý. Đội thành lập ngay từ giữa thế kỷ XVI thời chúa Nguyễn vào lập nghiệp ở phương Nam và hoạt động mạnh mẽ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII, tư bản Anh, Pháp bắt đầu nhòm ngó các nước phương Đông. Các công ty Đông - Ấn của Anh, Pháp nhiều lần cho người tới Côn Đảo điều tra, dò xét với âm mưu xâm lược. Tháng 11/1686, Công ty Đông - Ấn của Pháp phái Véret tới điều tra lập cơ sở ở Côn Đảo... Năm 1702, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, năm thứ 12, Công ty Đông - Ấn của Anh ngang nhiên đổ quân lên. Họ đưa lính người Macátxa (thuộc quần đảo Inđônêxia) tới xây dựng một pháo đài lớn, ký hợp đồng làm việc trong ba năm. Chính những người lính hung hãn, da ngăm màu đồng hun đã vùng lên tiêu diệt các chủ người Anh” (Poulo Condore: T.F.E.O. Sài Gòn 1947, trang 7)... Theo các tác giả Đại Nam nhất thống chí: Cuộc nổi dậy là do chính quyền nhà Nguyễn chủ trương, tổ chức và chỉ huy nhằm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ xứ Đàng Trong. Chúa Nguyễn khôn khéo cài người vào nội bộ địch, lợi dụng bọn lính Macátxca đánh thuê đang bất mãn với bọn chủ người Anh để gây nên cuộc binh biến, kết hợp với sự hỗ trợ bên ngoài. Sự việc được giải quyết gọn lẹ, không gây rắc rối trong quan hệ bang giao vì đã có tù binh trong tay, địch khó lòng chối cãi, trong một thời gian dài lâu về sau tránh được sự nhòm ngó của một cường quốc hải quân hùng mạnh vào bậc nhất thời đó. 
 
Sử cũ cũng ghi: Năm 1771, cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn nổi lên như bão. Từ 1776 trở đi Tây Sơn nhiều lần tấn công căn cứ chúa Nguyễn ở Gia Định. Tháng 3/1782, thủy quân Nguyễn Ánh bị đại bại ở cửa Cần Giờ. Tháng 6/1783, Tây Sơn đánh Phú Quốc, Nguyễn Ánh trốn chạy ra đảo Côn Lôn, đem theo hơn 100 gia đình thuộc hạ để sau này lập nên ba làng An Hải, An Hội và Cỏ Ống, xây dựng căn cứ, tính kế phục thù. Chiến thuyền Tây Sơn đuổi theo gặp bão, Nguyễn Ánh chạy thoát... Thất bại khiến Nguyễn Ánh theo lời khuyên của giám mục Bá Đa Lộc, đã chọn con đường cầu viện nước Pháp chống Tây Sơn để giành lại ngôi vị. Từ sai lầm này dẫn tới hành động “cõng rắn cắn gà nhà” đưa dân tộc Việt phải trải qua hơn thế kỷ đen tối dưới ách cai trị của thực dân Pháp. Ngày 28/11/1787, thay mặt Nguyễn Ánh, Bá Đa Lộc ký hiệp ước Versailles với đại diện vua Pháp là De Montmorin. Theo đó, Pháp hứa giúp Nguyễn Ánh 4 tàu chiến, 1.200 lính, 200 pháo thủ, 250 lính người Phi. Đổi lại, Nguyễn Ánh nhượng cho Pháp chủ quyền ở cửa Hàn (Đà Nẵng), được độc quyền thương mại ở Nam Kỳ. Quần đảo Côn Lôn cũng bị nhượng cho Pháp (điều 3 và 5, Hiệp ước Versailles)...
 
Phục dựng cảnh tra tấn dã man tù nhân. Ảnh: T.Đạm
Phục dựng cảnh tra tấn dã man tù nhân. Ảnh: T.Đạm
 
2. Gần 1 giờ sáng ngày 27/11, tôi với nhà văn Thanh Hương, nhà thơ Túy Tâm sau hồi hóng gió, say sưa tán chuyện với mấy thanh niên “ăn sóng nuốt gió”, cởi mở và mến khách của đảo, mới rời bàn nhậu nơi vỉa hè về khách sạn... Giấc ngủ chập chờn nghe vọng giọng nói ấm, bổng trầm xúc động của hướng dẫn viên Bảo tàng di tích Nhà tù Côn Đảo ban chiều thuyết minh: Ngày 28/11/1861, Pháp đánh chiếm Côn Đảo và xây dựng cơ sở tạm thời giam giữ chừng 200 tù nhân. Ngày 1/2/1862 ký quyết định thành lập Nhà tù Côn Đảo. Dưới mắt thực dân, Côn Đảo là nơi lý tưởng, có khả năng đáp ứng tốt nhất những yêu cầu đối với một nhà tù. Chúng đe dọa: “Ra Côn Đảo mà hò la cho sóng biển nghe”, “Ra Côn Đảo mà đấu tranh với cá mập”... Trải qua chế độ nhà tù hà khắc thời Pháp và Mỹ - ngụy Sài Gòn, 20 vạn người đã bị vùi xương trên đảo. Tháng 4/1975, Nhà tù Côn Đảo giam cầm 7.448 tù nhân, trong đó 4.234 tù chính trị (494 phụ nữ), 3.214 tù thường phạm và quân phạm. Trong số tù chính trị có 2.488 người đang chịu chế độ cấm cố vì đã chống chào cờ ngụy, chống học tố Cộng, chống nội quy nhà tù từ nhiều năm trước; 1.746 người bị bắt làm khổ sai với tù thường phạm. Thăm di tích nhà tù, đoàn hiểu thêm nơi đây từng đày đọa các nhà yêu nước: Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế cùng hàng chục thân sĩ Bắc, Trung, Nam bị kết án tù chính trị... Đặc biệt năm 1908, sau vụ chống sưu thuế nổ ra ở Trung Kỳ, chí sĩ Phan Châu Trinh bị chính quyền thực dân bắt giam và đày ra Côn Đảo với án khổ sai chung thân. Gần thế kỷ qua, bao thế hệ người Việt đều thuộc bài thơ “Đập đá ở Côn Lôn” của nhà hoạt động chính trị Tây Hồ thể hiện khí phách hiên ngang, bất khuất không lụy tù đày:
 
“Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,
Lừng lẫy làm cho lở núi non.
Xách búa đánh tan năm bảy đống,
Ra tay đập bể mấy trăm hòn.
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con”.
 
Côn Đảo cũng là nơi: “Thân thể ở trong ngục,/ Tinh thần ở ngoài ngục./ Muốn nên sự nghiệp lớn,/ Tinh thần càng phải cao” (Nhật ký trong tù - Hồ Chí Minh), là hoàn cảnh “lửa thử vàng” đối với các bậc lãnh tụ như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Văn Linh và nhiều cán bộ cao cấp khác của Đảng... Viết về những người cộng sản kinh qua “trường đại học sau chấn song sắt”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng bày tỏ: “Cuộc chiến đấu bất khuất đầy dũng cảm và thông minh của các chiến sĩ Côn Đảo là những trang chói lọi của lịch sử cách mạng, được nối tiếp và nhân lên trong chủ nghĩa anh hùng cách mạng rực rỡ của nhân dân ta qua kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Sự hy sinh cao cả của biết bao liệt sĩ trong cuộc chiến đấu ấy đã và đang tiếp tục khai hoa kết quả trong những thắng lợi và thành tựu của dân tộc Việt Nam”...
 
3. Viếng Vân Sơn Tự (chùa Núi Một), rồi đến thắp hương ở An Sơn Miếu thờ thứ phi Phi Yến, tại đây, chúng tôi và nhiều du khách không tránh khỏi bùi ngùi, kính cảm trước tiết hạnh của thứ phi Lê Thị Răm. Chuyện rằng, khi dạt ra Côn Đảo, biết Nguyễn Ánh định cầu cứu Tây phương, bà hết sức can ngăn nhưng bị Nguyễn Ánh nghi ngờ có ẩn ý thông đồng với Tây Sơn nên nổi trận lôi đình, biệt giam Phi Yến trong động đá trên hòn đảo hoang vắng. Nghe tin quân Tây Sơn sắp tràn ra đảo, Nguyễn Ánh xuống thuyền toan chạy ra Phú Quốc. Thuyền sắp nhổ neo, hoàng tử Cải (con bà Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh) vừa 5 tuổi, biết tin mẹ bị giam cầm, kêu gào phải để cho bà cùng đi hoặc xin được ở lại với mẹ. Trong cơn nóng giận, Nguyễn Ánh đã chém và xách đầu con ném xuống biển. Bà Phi Yến, được dân làng giải cứu và biết tin con trai đã mất, thứ phi vô cùng đau xót, đứng khóc hoài trước mộ con. Thấy tình cảnh thương tâm, dân đảo cám cảnh, hát ví: “Gió đưa cây Cải về trời/ Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”... Sau đó, chúng tôi lên tàu bịn rịn, lưu luyến tạm biệt Bến Đầm, chia tay Côn Đảo để về Vũng Tàu. Lẽ ra lịch trình vào đất liền lúc 13 giờ 30 phút ngày 27/11 nhưng hôm trước nhà tàu thông báo do thời tiết xấu trong mùa gió chướng nên khởi hành lúc 10 giờ sáng. Thật may sao, đây là chuyến cuối vào đất liền vì đang mùa biển động, hơn 10 ngày sau (tức 9/12) tàu mới vận hành trở lại. 
 
Tàu tu...tu... tu rời bến, tôi ngả lưng tính chợp mắt bù lại một đêm không ngủ. Lơ mơ chút rồi lại tỉnh như sáo, đành lôi cuốn “Lịch sử Nhà tù Côn Đảo 1862-1975” do NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản quý III-2018 mà đêm qua mua được khi rời Nghĩa trang Hàng Dương, chân như ai dắt tới quày sách, mở ra... Tình cờ, lật đúng trang 145 phần viết về những cuộc vượt ngục. Bất chợt nhớ tới tác phẩm “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán và thầm khâm phục nhà văn tài ba - người lính trẻ tuổi đôi mươi, chưa lần đến Côn Đảo nhưng tác phẩm đầu tay đã mang lại cho ông giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007. Tác phẩm “Vượt Côn Đảo” xuất bản lần đầu năm 1954, nhận giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam giai đoạn 1954-1955. Phùng Quán kể: Sau Hiệp định Gieneve 1954, ông có mặt trong cuộc trao đổi tù binh ở Sầm Sơn (Thanh Hóa), gặp gỡ những người tù cách mạng trở về từ Côn Đảo. Câu chuyện của các tù chính trị về những người con bất khuất và ý chí quật cường với hai lần vượt ngục không thành là nguồn cảm hứng để nhà văn viết nên bản anh hùng ca... “Vượt Côn Đảo” tái hiện sinh động cuộc sống tù nhân tuy bị đọa đày dã man dưới ách cai trị của thực dân Pháp nhưng luôn khát khao vượt ngục về với cuộc sống tự do. Họ là những người quả cảm như Phùng Quán viết: “Những chiến sĩ khi đã quyết định dấn thân thì phải dấn thân đến cùng, không quay đầu lại, không rẽ ngang rẽ tắt, không được thối lui, không được bỏ cuộc. Không có sự hèn hạ nào đáng ghê tởm hơn sự hèn hạ bỏ cuộc”.
 
Tuổi thơ mê say “Vượt Côn Đảo”, thời trung học phổ thông lại trắng đêm với tập hồi ký “Bất khuất” của Nguyễn Đức Thuận - nguyên Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, UVBCHTW Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ông bị đày đi Côn Đảo lần 1 năm 1943 và lần thứ hai năm 1956. Tự truyện gây tiếng vang lớn ở miền Bắc về sức chịu đựng kỳ diệu của một người chiến sĩ suốt 8 năm bị tra tấn dã man song vẫn không chịu khuất phục, từ bỏ lý tưởng cách mạng. Tại miền Bắc, tác phẩm xuất bản lần đầu (4/1967) với 210.000 bản. Sau đó, được dịch 5 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Hoa và quốc tế ngữ) phát hành ở nước ngoài. Tác phẩm dẫn người đọc đi trên con đường đầy đau thương, khổ ải trong ba ngàn ngày trải qua những lò giết người cực kỳ man rợ, man rợ hơn cả bọn đao phủ thời trung cổ, hơn cả bọn phát xít Hitle. Côn Đảo với những chuồng cọp và hình thức lao động khổ sai, địa ngục trần gian này đầy rẫy ác ôn quỷ dữ là thực dân, đế quốc và bè lũ tay sai mổ bụng, ăn gan, uống máu người không biết tanh, thậm chí nơi đây đã sản sinh ra một thằng đại úy cai ngục mất nhân tính tới mức độ đã dùng trâu cái để giải quyết sinh lý như loài vật... Trong lao tù của quỷ dữ, Nguyễn Đức Thuận cùng bao chiến sĩ cộng sản đối mặt với quân thù, kiên quyết chống chào cờ ba que, chống học tập “tố cộng”, chống “ly khai”. Hồi ký Bất khuất trên 400 trang; từng trang thấm đẫm máu và nước mắt nhưng cũng tràn đầy sức sống mãnh liệt, vang lên tiếng hát yêu đời, yêu cuộc sống, yêu con người, vang lên bài ca chiến thắng không bao giờ tắt. 
 
Lan man từ “Vượt Côn Đảo”, “Bất khuất” lại sực liên tưởng tới truyện “Papillon - Người tù khổ sai” của Henri Charrière (1906 - 1973). Ông bị kết án trọng tội và được biết tới với tư cách tác giả cuốn hồi ký về thời gian bị đày đọa ở nhà tù trên đảo Guiana thuộc Pháp. Sách xuất bản, ở Pháp phát hành hơn 1 triệu bản vào năm 1969, vài năm sau dịch, phát hành ở 25 nước và được chuyển thể sang phim do Michael Noer đạo diễn. Sau này phim “Người tù khổ sai” do đạo diễn F.J. Schaffner sản xuất tại Trung tâm điện ảnh Hollywood, cũng đã gây chấn động. Bộ phim dựng lại chuyện Charriere bị xử án đày tù khổ sai chung thân vì tội giết người căn cứ vào lời khai của một nhân chứng được cảnh sát “mớm”. Quyết vượt ngục ngay từ đầu, quyết sống và thoát khỏi trại khổ sai để trả thù, Charriere đã 9 lần vượt ngục trước khi thành công...
 
Lại đảo Guiana thuộc Pháp, xứ sở thực dân này quả là đã biết lợi dụng biển khơi, đảo vắng để hòng khuất phục ý chí, hủy diệt con người. Đã lâu, nhân loại từng hãi hùng khi nhắc tới Đảo Quỷ (Saint - Laurent du Maroni) nằm ngoài khơi Guiana. Năm 1852, thời Napoleon, được sử dụng là nơi giam giữ tù nhân. Trong 100 năm giam cầm khoảng 70 ngàn người nhưng 75% chết vì bệnh tật, đói ăn và bị ngược đãi. Với Đảo Quỷ chỉ có hai trường hợp vượt ngục thành công: Năm 1901, Clement Duval vượt ngục, sang trú ẩn ở Mỹ. Sau đó, Henri Charriere cùng Sylvain là trường hợp thứ hai...
 
Chuyện Henri Charriere là vậy còn ở Côn Đảo, lướt mấy trang sách cho thấy: Theo báo cáo của Thanh tra thuộc địa, từ năm 1930 đến năm 1935 có 3.664 lượt tù Côn Đảo vượt ngục. Hơn ba ngàn người bị bắt lại và chịu hình phạt khắc nghiệt nhất, còn 444 người thoát ra biển song nhiều người đã chết chìm, làm mồi cho cá dữ... Nhiều cảnh thương tâm đã xảy ra trên biển nhưng gian khổ, chết chóc và sự tra tấn trừng phạt dã man của bọn cai ngục “mặt người dạ thú” khi bị bắt trở lại vẫn không ngăn nổi ý chí tự do của người tù. Nhà tù Côn Đảo đã là hình phạt tận cùng rồi, chẳng có gì đáng sợ hơn nữa. Chính vì vậy, chi bộ Đảng trong nhà tù lập Quỹ giải phóng quyên góp tiền ủng hộ các cuộc vượt ngục và lựa chọn những đồng chí có năng lực lãnh đạo đưa về tăng cường cán bộ cho Đảng. Năm 1932, các đồng chí Nguyễn Hới, Tống Phúc Chiếu... được chỉ định vượt ngục. Thuyền bí mật đóng trên một sườn núi phía lò vôi. Đồng chí Nguyễn Hới trốn lên núi, phát cây mở đường để khiêng thuyền xuống. Thuyền hạ ở mũi Tàu Bể, vừa ra khơi hơn trăm thước thì bị sóng lớn đánh chìm. Nguyễn Hớn đuối sức, sóng cuốn đi. Không nản chí, từ tháng 4/1934 đến tháng 4/1935, chi bộ tổ chức được hai chuyến vượt đảo thành công, cập vào Bến Tre và vùng biển Tây Nam Bộ... Mùa gió chướng cuối năm thường là mùa thuận lợi cho những chuyến vượt ngục tuy đầy rẫy gian nguy. Bọn cai tù ra sức canh phòng nhưng vẫn xảy ra nhiều cuộc vượt đảo ngoạn mục... 
 
Tượng đài khát vọng hòa bình ở Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: T.Đạm
Tượng đài khát vọng hòa bình ở Nghĩa trang Hàng Dương. Ảnh: T.Đạm
 
4. Vừa ra khỏi vùng vịnh khoảng gần 1 giờ, biển khơi lồng lộn lớp sóng bạc đầu nâng bổng con tàu lên và quật xuống khiến hành khách xôn xao lo lắng. Quanh tôi rộ lên hội chứng đô-mi-nô những tiếng nôn, tiếng kêu la... Tàu vặn mình, vật vã trồi lên trụt xuống. Dán mình trên ghế, tôi thấy nôn nao cứ cố trào vượt khỏi cuống họng, thầm nghĩ ráng chịu cũng chỉ vài cú tàu lắc nữa là mình sẽ được “thưởng thức” món súp như cậu lái xe trên đảo ví von... Nhắm mắt, thầm nhủ quên nghĩ đến cảnh sóng biển nhảy múa, thì thấy tàu thôi lắc lư như gã say rượu, lướt êm. Chừng dăm phút, nhỏm dậy dõi qua cửa kính ngạc nhiên thấy chẳng còn ngàn khơi xanh biếc sóng dậy trùng trùng mà tàu đang xé sóng trên mặt nước sẫm thẫm phù sa... Đang ngơ ngác thì nghe loa thông báo do thời tiết xấu, gió to nên để bảo đảm an toàn cho gần 400 du khách, nhà tàu bắt buộc phải rẽ về hướng bến Trần Đề thuộc tỉnh Sóc Trăng. Cảng Trần Đề cách Côn Đảo hơn 40 hải lý (90 km). Cả tàu ùa dội lên tiếng thở phào, reo mừng khôn xiết... Mọi người ban nãy rời ghế trên tầng xuống khoang dưới hoặc phía cuối tàu để tránh say sóng lần lượt trở về khu vực gần giữa nơi tôi bám trụ. “Thế là mình có cơ may “cỡi ngựa xem hoa” du lịch miễn phí miền Tây Nam Bộ, trong rủi lại có may nhỉ!”, ông nhà văn mặt vẫn tái nhợt ngồi xuống ghế cạnh tôi thốt lên với sự thích thú. Nhà điêu khắc Đinh Thanh lên dãy ghế gần đầu khoang, thi thoảng nhìn thấy mái tóc xoăn dài nghiêng ngả hết quật trái lại phải, dúi tới dúi lui, nhưng vẫn như hình với bóng bên một nữ diễn viên đang tham dự Liên hoan phim ở Vũng Tàu, tranh thủ ra thăm Côn Đảo, trở về hàng ghế trước tôi. Ông quay xuống, mặt mày hớn hở với nhà văn Thanh Hương: “Lúc nãy, bác điện thoại rủ em xuống phía cuối tàu cho bớt say... nhưng người đẹp có vẻ không muốn di chuyển. Trước đó, khi tàu chao lắc trót đùa nếu bị chìm... thì anh em mình xông ra mũi tàu ôm nhau làm quả Titanic nhé. Nàng nhoẻn miệng cười, gật đầu OK, vì vậy, “quân tử nhất ngôn”, may mà chưa “kara... oke” trước nàng...”. Điểm lại đoàn, may mà các bác Phạm Vĩnh, Nguyễn Chí Long quả là “gừng càng già càng cay” vẫn điềm nhiên, chỉ tội, Thanh Xuân và Ma Nhung ngồi rũ như tàu lá héo...
 
“Cảng Trần Đề, chắc tên một nhân vật lịch sử của vùng đất này?”, tôi móc điện thoại và cảm ơn Google cho biết: Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 5 địa điểm nước sâu có thể xây dựng cảng là: Phú Quốc (Kiên Giang), Hòn Khoai (Cà Mau), Gành Hào (Bạc Liêu), Trần Đề và Duyên Hải (Sóc Trăng). Cảng Trần Đề (Sóc Trăng) là cửa sông cuối cùng của dòng Cửu Long Giang hùng vĩ, nằm ở cửa Sông Hậu và tuyến vận tải thủy sông Mekong, cách TP Sóc Trăng 35 km, cách TP HCM 260 km. Năm 1714, vùng đất được chúa Nguyễn ghi trong địa bạ là Trấn Di và cửa biển Trấn Di cũng hình thành từ ấy. Năm 1739, từ Hà Tiên, Mạc Thiên Tứ tiến về phía sông Hậu lập thêm 4 đạo: Long Xuyên, Kiên Giang, Trấn Giang và Trấn Di. Hơn trăm năm trước, trên dòng sông Ba Trắc (Bassac) nay gọi Sông Hậu có ba cửa biển là Định An, Ba Trắc và Trấn Di nhưng sau bị bồi lắng phù sa nên cửa biển Ba Trắc bị lấp dần và nằm sâu trên đất liền. Trấn Di thuộc đất Bassac. Do các sách in thời Nguyễn sắp chữ nhầm nên vừa đọc Trấn Di, vừa đọc Trần Đề. Sau người Pháp ghi âm, đọc trại thành Tranh Đề hay Trần Đề cho đến nay. 
 
Tàu cập bến cảng Trần Đề khoảng 13 giờ 30 phút, sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, hơn 15 giờ chiều nhà tàu điều xe chở du khách trở lại Vũng Tàu. Thêm một hành trình gần 8 tiếng xuyên qua các địa danh Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, TP HCM và khoảng 1 giờ sáng 28/11, chúng tôi mới tới Vũng Tàu. Hơn nửa ngày đàng từ Côn Đảo dạt vào cảng Trần Đề và trở lại Vũng Tàu nhưng đã để lại cho đoàn văn nghệ sĩ Lâm Đồng biết bao cảm nhận, cảm xúc sâu sắc và thật ấn tượng về lịch sử đấu tranh cách mạng, tinh thần yêu nước quật cường của những người chiến sĩ cộng sản...; đây là những tư liệu quý giá cho quá trình sáng tạo tác phẩm trách nhiệm cao, giàu ý nghĩa với đời.
 
Bút ký: NGUYỄN THANH ĐẠM