Trẻ em Việt Nam trong khói lửa chiến tranh

06:12, 05/12/2019

Bất cứ cuộc chiến tranh nào, trẻ em cũng là nạn nhân chịu mất mát, đau thương lớn nhất, chịu hậu quả nặng nề nhất, bởi trong cơn ly loạn con trẻ là những người không có khả năng tự bảo vệ mình và cũng không có khả năng tự vệ...

Bất cứ cuộc chiến tranh nào, trẻ em cũng là nạn nhân chịu mất mát, đau thương lớn nhất, chịu hậu quả nặng nề nhất, bởi trong cơn ly loạn con trẻ là những người không có khả năng tự bảo vệ mình và cũng không có khả năng tự vệ. Chiến tranh cướp đi mái ấm của bao gia đình, cướp đi người cha người mẹ, biến trẻ em thành những đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa, mất đi tình yêu thương, chở che. Nhân kỷ niệm 10 năm Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt đón nhận Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đã tổ chức cuộc triển lãm “Trẻ em Việt Nam trong khói lửa chiến tranh”. Gần 200 tấm hình là những tư liệu lịch sử quý do TTXVN và báo chí nước ngoài ghi lại hình ảnh trẻ em trên khắp các chiến trường, các làng quê, thành phố, trong vùng bị chiếm, vùng giải phóng và ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ánh mắt trẻ thơ vô tội trong khói lửa chiến tranh đã ám ảnh, gây xúc động lớn cho người xem.
 
Trẻ em đào hầm tránh máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu
Trẻ em đào hầm tránh máy bay Mỹ. Ảnh tư liệu
 
Những người Mỹ cao lớn, trên tay là những vũ khí hiện đại, càn quét, đốt phá, bắt bớ, bắn giết đồng bào ta, trong đó biết bao trẻ thơ vô tội, chết mà chưa hiểu cái chết là gì, bị mất đi một phần thân thể mà không biết mình mất nó vì sao. Nhìn những bức ảnh: Người dân bị buộc phải rời khỏi xóm làng, các bà mẹ phải gánh con đi lánh nạn; trẻ em dân tộc Ba Na, Gia Rai bị dồn ép vào ấp chiến lược tại Pleiku 1965; ánh mắt ngơ ngác của trẻ em bị gom vào các trại tập trung; lính Mỹ bất ngờ tấn công vào làng, người mẹ dắt đàn con thơ bỏ chạy 1966; người Mỹ bắt trẻ em cùng gia đình của mình rời khỏi nhà cửa ở Củ Chi; ánh mắt sợ hãi của trẻ em phía sau hàng rào gai kẽm dày đặc của trại tập trung... mới thấy sự khốc liệt của chiến tranh.
 
Bom đạn và những cuộc hành quân càn quét của người Mỹ khiến trẻ em bơ vơ. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ, có tới 700.000 trẻ em mồ côi được đưa vào các cô nhi viện, đó chỉ là con số ít, phần lớn trẻ em không nhà, không nơi nương tựa sống nhờ bà con, họ hàng hoặc vất vưởng nơi hè phố. Trong suốt cuộc chiến tranh, có 7.800 ngàn tấn bom các loại được Mỹ ném xuống Việt Nam, khiến vô số trẻ thơ bị thương và bị giết hại mà tiêu biểu là bức ảnh “Em bé Napalm” gây xúc động với toàn thế giới lúc bấy giờ, đó là hình ảnh là cô bé Phan Thị Kim Phúc, nạn nhân của bom Napalm hơn 10 tuổi, không một tấm quần áo che thân vừa chạy vừa khóc cùng nhiều trẻ em trong làng nháo nhác chạy xa khỏi đám cháy, bên cạnh là nhiều lính Mỹ (ảnh chụp tại Trảng Bàng - Tây Ninh); những em bé còn rất nhỏ, có em mới chỉ vài ba tháng tuổi bị thương do bom đạn Mỹ, nhiều em bị bom Mỹ giết hại, chỉ nhìn thôi đã đau xót tâm can: ảnh em Nguyễn Thị Thùy 7 tháng tuổi - Hà Nội, Nguyễn Thế Hùng (Hải Phòng, chụp ngày 31/7/1972, các em ở khu tập thể Trương Định - Hà Nội 1972. 
 
Và rồi mặc dù được sinh trong mưa bom, bão đạn, trẻ em ra đời, sinh hoạt, học tập thời buổi thời chiến đó là: Hình ảnh những em bé được sinh ra trong lòng địa đạo Vĩnh Mốc, Quảng Trị; trẻ em trong hầm trú ẩn (Bình Định - 1965), trẻ em chăn trâu, vui chơi hồn nhiên, khiến chính tác giả bức ảnh quên mất chiến tranh; trẻ em thành phố miền Bắc tản cư về nông thôn học tập, lớp học dã chiến vùng giải phóng ở miền Nam; lớp học dưới hầm của trẻ em ở Củ Chi đất thép. Sinh ra, lớn lên trong cuộc chiến tranh, điều kiện sống khắc nghiệt, trẻ em cũng phải thích nghi với cuộc sống nguy hiểm luôn rình rập, thiếu thốn, trẻ em vẫn vui chơi, vẫn đến trường... Những ngôi trường dã chiến được dựng lên đơn sơ dưới vườn cây, rừng tràm, sân kho hợp tác xã, đình làng, trẻ em cũng làm quen với môi trường sống trong chiến tranh. Đó là hình ảnh: trẻ em rời thủ đô đi sơ tán (tháng 12/1972); trẻ em vui chơi dưới lũy tre làng nhưng luôn trong tình trạng xuống hầm tránh bom đạn khi có báo động; các em bé ở vườn trẻ HTX Dục Tú (Đông Anh, Hà Nội); cô giáo đưa trẻ em xuống hầm khi có máy bay Mỹ; hình ảnh trẻ em đồng bằng sông Cửu Long với cuộc sống thiếu thốn trong chiến tranh; trẻ em thoát hiểm xuống giao thông hào (trường học ở Gia Khánh, Ninh Bình); hình ảnh hội viên chữ thập đỏ là trẻ em thực tập cấp cứu phòng không ở Trường cấp II Vạn Phúc, Hà Nội; trẻ em đội mũ rơm đi học tránh bom bi của Mỹ, mang theo cáng cứu thương, túi cứu thương; trẻ em trong hầm đá, hầm chữ A; niềm vui của các em khi chào đón các chú bộ đội về làng; trẻ em vui Tết Trung thu ở vùng giải phóng.
 
Vừa vui chơi, học tập; trẻ em thời chiến đã góp sức nhỏ của mình vào công cuộc kháng chiến của dân tộc. Đó là hình ảnh: các em học sinh cấp II Xuân Định - Hà Nội góp lá cây giúp các chú bộ đội ngụy trang trận địa pháo cao xạ; thiếu nhi Bắc Ninh nhận nuôi bò béo khỏe, nuôi gà kế hoạch nhỏ bán cho HTX; tăng gia sản xuất giúp gia đình; làm gậy Trường Sơn tặng bộ đội lên đường nhập ngũ. Trong chiến tranh, Đảng và Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc, giáo dục, động viên khích lệ trẻ em: trao cờ thi đua, phần thưởng cho học sinh chăm học, chăm làm. Dù bận trăm công ngàn việc, Bác Hồ vẫn dành tình cảm sâu sắc, đặc biệt đến thiếu nhi, gửi thư khen tập thể, cá nhân trẻ em có thành tích nổi bật, xuất sắc và niềm vui của trẻ em khi đọc thư Người. 
 
Trong muôn vàn gian khó, bom đạn ác liệt của cuộc chiến, nhiều trẻ em trở thành gương sáng: Đó là hình ảnh em Hoa Xuân Tứ (lớp 6, cấp II Hưng Nhân - Hưng Nguyên - Nghệ An), bị mất đôi tay từ nhỏ sau tai nạn, cậu đã nỗ lực luyện viết chữ bằng chân và làm được mọi việc, kể cả bắt cá, bơi lội, là 1 trong 6 thiếu nhi được đi dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước, được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người. Cậu bé Nguyễn Ngọc Ký (Hải Hậu - Nam Định) bị liệt 2 tay từ nhỏ, đôi chân đã trở thành đôi tay thần kỳ, học giỏi làm thơ hay, đã nhận được thư khen ngợi của Bác Hồ. “Những năm bom Mỹ trút trên mái nhà” tại thôn Trực Trì, xã Quốc Tuấn, Nam Sách - Hải Dương xuất hiện thần đồng thơ Trần Đăng Khoa (8 tuổi) làm bạn đọc kinh ngạc bởi bom, đạn chiến tranh đi vào thơ của cậu học trò nhỏ qua cái nhìn và sự cảm nhận thật đặc biệt...
 
Chiến tranh qua đi gần 45 năm, nhưng hơn 500.000 trẻ em bị dị tật bởi chất độc da cam, nhiều trẻ em sinh ra suốt đời chỉ là trẻ em, không bao giờ khôn lớn, đó là lời tố cáo đanh thép nhất cho tội ác của chiến tranh. Cùng với việc sử dụng các loại bom đạn sát thương, Mỹ còn sử dụng vũ khí hóa học (từ 1961 - 1971) với 100 triệu lít chất khai quang (diệt cỏ, làm rụng lá cây), trong đó 44 triệu lít chất độc da cam chứa 366 kg Dioxin để lại hậu quả nặng nề qua nhiều thế hệ. Vì vậy những đứa trẻ sinh ra dị dạng, những hình hài con trẻ vặn vẹo, thật xót xa...
 
Triển lãm không chỉ phản ánh mức độ ác liệt của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước; qua đó khẳng định sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, bản lĩnh và ý chí tuyệt vời của trẻ em Việt Nam, lòng gan dạ, dũng cảm, sự kiên cường được hun đúc từ cha ông truyền lại cho thế hệ trẻ. Từ đó giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay, phấn đấu học tập, rèn luyện, góp sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng. Trong không gian Nhà lao Thiếu nhi Đà Lạt - nơi giam giữ hàng trăm trẻ em yêu nước, bị giam cầm, tra tấn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, triển lãm càng trở nên có ý nghĩa, là minh chứng hùng hồn nhất cho tội ác của chiến tranh. Qua đó, nhắc nhớ những người lớn cần có trách nhiệm trân trọng và gìn giữ hòa bình, để trẻ em được sống chở che trong vòng tay yêu thương, hạnh phúc, để “Không có trẻ em nào phải chịu sự tra tấn, đối xử, trừng phạt độc ác, vô nhân đạo hay làm mất phẩm giá. Không có trẻ em nào bị tước quyền tự do một cách bất hợp pháp hoặc tùy tiện” như Công ước quốc tế về Quyền trẻ em đã ghi rõ.
 
QUỲNH UYỂN