Tài nguyên nấm Bidoup - Núi Bà

PHAN MINH ĐẠO 06:26, 11/01/2023

Nấm có vai trò cực kỳ quan trọng trong cân bằng vật chất sinh thái và là nguồn đa dạng khổng lồ cho nghiên cứu, thực phẩm và dược liệu. Tại Vườn Quốc gia (VQG) Bidoup-Núi Bà và vùng phụ cận hiện đã thống kê được 95 loài, trong đó 52 loài nấm ăn, 43 loại nấm dược liệu thuộc 32 họ, 11 bộ, 2 lớp, 2 ngành, bao gồm nấm đặc hữu và nuôi trồng. 

Nấm linh chi cổ cò ghi nhận tại VQG Bidoup - Núi Bà tháng 12/2022 (hình nhỏ) và nấm hương do người dân Lạc Dương nuôi trồng
Nấm linh chi cổ cò ghi nhận tại VQG Bidoup - Núi Bà tháng 12/2022 (hình nhỏ) và nấm hương do người dân Lạc Dương nuôi trồng

PHONG PHÚ VỀ CHỦNG LOẠI

Chúng tôi có dịp tham gia nhiều chuyến điều tra, thu thập các chủng loại nấm ăn, nấm dược liệu có giá trị cùng các nhà khoa học tại VQG Bidoup-Núi Bà và vùng phụ cận, đã khẳng định đây là nguồn tài nguyên đem lại giá trị to lớn. 

Tháng 12/2022, nhóm nghiên cứu của Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng, Trường Đại học Đà Lạt (ĐHĐL) và VQG Bidoup-Núi Bà đã ghi nhận nhiều thông tin về nấm qua 10 tuyến điều tra, thu mẫu làm tiêu bản và định danh là kết quả bước đầu cần khích lệ. Nhìn nhận tổng quan để so sánh hiện tại địa bàn VQG Bidoup-Núi Bà và vùng phụ cận có 11 chủng loại nấm đang được nuôi trồng như mộc nhĩ lông, linh chi Đà Lạt, hầu thủ, hương, các loài bào ngư, vân chi, cẩm thạch. Cùng với đó có 27 chủng loại đang được khai thác buôn bán sử dụng như nấm: trứng gà, trứng công, các chủng loại mộc nhĩ, kali tím, các chủng loại san hô, hương, các chủng loại dẻ… Đặc biệt, có 41 loài, thuộc 19 chi, 13 họ đang phân bố tại VQG Bidoup - Núi Bà; trong đó, có 28 loài nấm ăn, 13 loài nấm dược liệu (Hericium erinaceum: nấm thực phẩm và nấm dược liệu). Có thể kể tên thường gọi một số loài nấm như: trứng gà, trứng công, các loài mộc nhĩ, các loài linh chi, gan bò 2 màu, kali tím, lưỡi bò, bào ngư, hầu thủ, san hô chân đỏ, loa kèn vàng… Trong số này các loài có giá trị cao về khoa học như nấm hầu thủ, nấm lưỡi bò,…; đồng thời cần chú trọng thu thập các loài thuộc nấm hương, nấm hoàng chi,…

Còn kết quả điều tra của TS. Trương Bình Nguyên, Trường ĐHĐL ghi nhận có 52 loài nấm ăn, 43 loài nấm dược liệu thuộc 32 họ, 11 bộ, 2 lớp, 2 ngành. TS. Lê Ngọc Triệu, Trường ĐHĐL trong đề tài nghiên cứu của mình đặt vấn đề tuyển chọn các loài nấm ăn, nấm dược liệu có giá trị. Ông đề xuất các chủng/loài để tuyển chọn và chấm điểm, lựa chọn từ 6-8 chủng loài có điểm cao. Cụ thể, tình trạng loài có 4 loài rất nguy cấp, 3 loài nguy cấp, 2 loài sẽ nguy cấp và 1 loài chưa nguy cấp. Theo đó, TS. Triệu đưa ra có 16 loài tuyển chọn cụ thể như: mộc nhĩ, mộc nhĩ nhăn, mộc nhĩ lông, hắc chi dịch đỏ, nấm lưỡi bò, linh chi đỏ, linh chi cổ cò, hương, hầu thủ,… Các loài nấm này đều ghi nhận phân bổ tại VQG Bidoup-Núi Bà.  

BẢO TỒN TỪ SẢN PHẨM 

 Cách đây 14 năm, TS. Trương Bình Nguyên trong một chuyến thu mẫu mùa mưa trên tuyến lên đỉnh LangBiang đã thu được mẫu món quà quý thiên nhiên ban tặng đó là giống nấm Hương bản địa đã trưởng thành và tiến hóa hoàn hảo thích nghi với khí hậu của địa phương. Quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định được chủng loại, đặc tính và nhân giống thành công nấm shiitake bằng một sản phẩm bản địa trọn vẹn những đặc tính tự nhiên hấp dẫn. TS. Nguyên cho biết: “Hơn 40 quả thể của một chủng nấm hương phát triển trên một đoạn gỗ nhỏ, đang khô mục của cây lá rồng được phát hiện tại núi LangBiang, ở độ cao khoảng 1.700 m. Các phân tích hình thái giải phẫu như màu nâu đỏ của mũ nấm, các vảy sợi trên bề mặt mũ, lớp thịt mũ mỏng... cũng như cấu tạo dạng elip của bào tử và đặc biệt là sự tồn tại của các liệt bào cạnh và liệt bảo đỉnh cho thấy mẫu nấm này mang khá nhiều đặc điểm pha trộn của hai loài lentinula edodes và lentinula lateritia, một loài đã được nhận định có thể tồn tại ở nước ta. Tuy nhiên, các dẫn liệu phân tích đoạn ITS rDNA cho mẫu nấm hương trên lại cho thấy đây là loài lentinula edodes. Giống thuần của chủng nấm này đã được phân lập từ mô thịt quả thể. Nấm sinh trưởng và phát triển rất tốt trong điều kiện nuôi trồng nhân tạo trên cơ chất mạt cưa gỗ cao su. Tốc độ tăng trưởng hệ sợi và khả năng hình thành mầm nấm rất mạnh cho thấy đây là một chủng nấm có nhiều tiềm năng ứng dụng cho công nghệ nuôi trồng nấm hương của địa phương”. 

Từ đó, TS. Nguyên thành lập Công ty Cổ phần Hưng Long để vừa bảo tồn vừa phát triển loài nấm Hương bằng chuyển giao kỹ thuật cho 20 hộ dân dân tộc Kinh và dân tộc K’Ho ở huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt nuôi trồng. Những lợi ích cho các bên hợp tác thấy rõ là người dân có được tay nghề và thu nhập ổn định, tận dụng thời gian và nhân lực nhàn rỗi, không phụ thuộc nhiều ảnh hưởng của biến đổi khí lậu và phương pháp trồng nấm hoàn toàn sạch, không tiếp xúc với hóa chất, an toàn cho sức khỏe. Sản phẩm đã được bán rộng rãi trên thị trường trong đó có cả siêu thị, tuy nhiên, nẩy sinh bất lợi là môi trường khí hậu nóng nên khó bảo quản. Ngày 9/1/2023, TS. Nguyên cho biết thêm, sắp tới Công ty sẽ phát triển loài đông trùng hạ thảo theo phương thức nhân giống để bảo tồn. Còn theo TS. Lương Văn Dũng, Trường ĐHĐL, tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Chương trình quỹ gen cấp tỉnh bảo tồn là hướng đi thuận lợi trong công tác bảo tồn các chủng loại nấm của địa phương một cách tổng thể và toàn diện.