Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã tìm thấy tổng cộng 234 đồ tùy táng được chôn cất, chủ yếu là đồ gốm, trong 21 ngôi mộ có niên đại từ triều Tây Hán ở thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam.
Các ngôi mộ cổ được khai quật tại thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc |
Các nhà khảo cổ học Trung Quốc vừa khai quật 21 ngôi mộ có niên đại từ triều Tây Hán (202 trước Công nguyên - 25 sau Công nguyên) ở thành phố Trường Sa, thủ phủ của tỉnh Hồ Nam, miền Trung nước này.
Trao đổi với báo giới, ông Zhou Baodong, người đứng đầu dự án khai quật, cho biết các ngôi mộ này đều là hố đất và được chia thành 2 loại, mộ có lối đi và loại không có lối đi.
Nhiều ngôi mộ được tìm thấy nằm cạnh nhau có thể là những mộ chung dành cho các cặp vợ chồng hoặc các thành viên gia đình.
Đáng chú ý, các nhà khảo cổ học tìm thấy một ngôi mộ đặc biệt trong nhóm mộ. Theo suy đoán, đó có thể là một cấu trúc hai tầng, hiếm gặp tại tỉnh Hồ Nam.
Ông Zhou nhấn mạnh: "Nếu suy đoán của chúng tôi là đúng, ngôi mộ này sẽ cung cấp thông tin quan trọng để nghiên cứu sự phát triển và phân bố của những ngôi mộ hai tầng vào thời nhà Hán."
Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy tổng cộng có 234 đồ tùy táng được chôn cất, chủ yếu là đồ gốm trong các ngôi mộ.
Do khoảng cách gần nhau và niên đại tương đồng của các ngôi mộ, các nhà khảo cổ học cho rằng đây có thể là những ngôi mộ phụ của một lăng mộ hoàng gia cổ đại.
Ông Zhou khẳng định các phát hiện mới này có thể cung cấp thông tin cơ bản để nghiên cứu hệ thống mai táng ở khu vực này vào thời Tây Hán.
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin