Một số nhà nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo (AI) đang tìm hiểu xem liệu nội dung do AI tạo ra đang nâng cao hay lãng phí “óc sáng tạo” của người dùng Internet.
Một số nhà nghiên cứu về AI đang tìm hiểu xem liệu nội dung do AI tạo ra đang nâng cao hay lãng phí "óc sáng tạo" của người dùng Internet |
Trong thời gian gần đây, công cụ tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) đã được sử dụng để “sản xuất” nhiều nội dung thu hút được số lượng khán giả đông đảo trên các nền tảng mạng xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những hình ảnh và video “triệu view,” những tổ chức sáng tạo nội dung truyền thống như nhà xuất bản và tạp chí cũng đang “đau đầu” khi phải xử lý hàng loạt “tác phẩm” mà AI tạo ra nhưng không thể sử dụng được.
Trong tháng Hai, tạp chí khoa học viễn tưởng Clarkesworld (Mỹ) đã buộc phải đóng cổng gửi bài trực tuyến sau khi số lượng những tác phẩm do AI viết đã tăng vọt. Neil Clarke, tổng biên tập của tạp chí Clarkesworld cho biết họ đã không thể lọc ra những tác phẩm có tiềm năng vì chúng bị “chôn vùi” giữa những nội dung kiểu này.
Một số bên thậm chí cấm những nội dung do AI sản xuất. Tháng 10/2022, hai kho ảnh trực tuyến lớn nhất thế giới là Getty Images và Shutterstock thông báo từ chối nhận các hình ảnh do AI tạo ra.
Tháng 1/2023, Hội nghị quốc tế về Học máy (ICML) - tổ chức về máy học hàng đầu thế giới - đã cấm các tác giả dùng AI từ ứng dụng trò chuyện ChatGPT để viết bài nghiên cứu của mình.
Một số nhà nghiên cứu về AI đang tìm hiểu xem liệu nội dung do AI tạo ra đang nâng cao hay lãng phí “óc sáng tạo” của người dùng Internet.
Maggie Appleton, nhà thiết kế sản phẩm tại phòng thí nghiệm nghiên cứu AI Ought (Mỹ), cho biết rất khó kiểm soát cách AI được triển khai trên mạng và cách người dùng tạo ra sản phẩm (bằng công cụ AI).
Không nhiều nền tảng có quy định về nội dung mà AI tạo ra. Google chỉ cấm những nội dung AI sản xuất với mục đích thao túng thứ hạng tìm kiếm.
Brett Schickler, một nhân viên bán hàng ở Mỹ, cho biết gần đây anh đã xuất bản một cuốn sách dành cho trẻ em dài 30 trang viết bằng ChatGPT3.
ChatGPT3 là công cụ AI xử lý ngôn ngữ tiên tiến nhất, được chứng minh là có thể bắt chước nhiều phong cách văn học khác nhau để tạo ra những tác phẩm với nội dung đơn giản. Theo Reuters, trong tháng Hai, đã có hơn 200 sách điện tử viết bằng ChatGPT trên cửa hàng sách trực tuyến Kindle của Amazon.
Trên mạng xã hội TikTok, các video được tạo ra bằng công nghệ tái tạo giọng nói ảo đã phát triển mạnh trong những tháng gần đây. Nhiều nhà sáng tạo nội dung trên TikTok đã tận dụng công cụ này để làm video về các cuộc trò chuyện “ảo” giữa những nghệ sỹ nổi tiếng hay các chính trị gia.
Diễn viên hài và nhà sáng tạo nội dung Elyza Halpern đã cho biết cô chỉ phải trả 5 USD mỗi tháng cho ứng dụng Celebrity Voice Changer để tạo ra những video với giọng nói ảo vô cùng giống người thật này.
Cô chia sẻ, các công cụ AI mở ra nhiều cơ hội cho cô và cộng đồng nghệ sỹ hài kịch. Tuy vậy cô cũng lo lắng rằng những công cụ này có thể tước đi cơ hội kiếm sống của những người như cô. Nhờ các công cụ AI, giờ đây doanh nghiệp nghĩ rằng họ không cần phải thuê người thật nữa.
Mặc dù có các công cụ phát hiện giúp sàng lọc nội dung do AI tạo ra, nhưng hiệu quả của chúng vẫn chưa rõ ràng. Theo kinh nghiệm của tổng biên tập tạp chí Clarkesworld, những công cụ như vậy chỉ có độ chính xác dưới 50%.
(Theo TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin