Cùng với việc đào tạo nguồn nhân lực có đủ phẩm chất, năng lực phục vụ phát triển đất nước, Trường Đại học Đà Lạt luôn coi nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng và đã ghi nhiều dấu ấn. Đội ngũ các nhà khoa học của ngôi trường này ngày càng lớn mạnh cùng nhiều công trình khoa học có giá trị ứng dụng thực tiễn cao.
Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ được áp dụng vào thực tiễn sản xuất phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương |
Chỉ tính 10 năm trở lại đây, Trường Đại học Đà Lạt đã chủ trì thực hiện tổng cộng 350 đề tài nghiên cứu và dự án khoa học, công nghệ (KHCN); trong đó có 9 chương trình KHCN hợp tác với nước ngoài, 25 nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia, 35 nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh và tương đương, 281 nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở. Tổng kinh phí thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học các cấp gần 60 tỷ đồng. Nhà trường đã thực hiện 2 dự án hợp tác nghiên cứu với tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA và 1 dự án chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp. Đối với các nhiệm vụ KHCN theo đặt hàng của địa phương (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Thuận), nhà trường ưu tiên tập trung nghiên cứu các vấn đề về nông nghiệp như: sâu bệnh hại cây trồng (cà chua, tiêu, măng tây), sưu tầm và bảo vệ các nguồn gen đặc hữu của địa phương (cây trà mi, cây họ dẻ); các vấn đề về phát triển du lịch (du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm); các vấn đề về khoa học xã hội nhân văn (khảo cổ, tôn giáo, xóa đói giảm nghèo); các vấn đề về chính sách phát triển kinh tế, xã hội. Mỗi năm, nhà trường nhận được từ 1-2 đề tài KHCN do các địa phương đặt hàng. Tỷ lệ đề tài nghiên cứu trên số cán bộ của nhà trường đã được nghiệm thu trong 10 năm qua là 350/487 cán bộ.
Trong giai đoạn 2012-2022, Trường Đại học Đà Lạt đã không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo với 10 phòng chức năng, 16 khoa chuyên môn, 1 viện nghiên cứu, 7 trung tâm. Quy mô đào tạo hơn 11.000 sinh viên, gồm 3 bậc đào tạo: tiến sĩ (6 ngành), thạc sĩ (8 ngành), đại học 41 ngành. Đội ngũ gần 500 cán bộ, giảng viên, chuyên viên; trong đó có 1 GS.TS, 14 PGS.TS, 96 TS, 168 ThS với 15 giảng viên cao cấp, 98 giảng viên chính, 190 giảng viên. Trường đã khẳng định vị thế là một trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ có chất lượng và uy tín cao ở Tây Nguyên, có vị trí quan trọng trong hệ thống giáo dục đại học của đất nước. Hệ thống trang thiết bị phục vụ đào tạo và thực hành ngày càng được đầu tư hoàn thiện với 16 phòng thí nghiệm các lĩnh vực, 8 phòng máy tính, 5 xưởng thực tập nhà kính.
Công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ, sinh viên được định hướng cụ thể cho các khoa, các ngành đào tạo như Toán, Vật lý nghiên cứu ứng dụng; các Khoa Hóa học, Sinh học, Nông lâm nghiên cứu chuyển giao công nghệ; Khoa Sinh học nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên khu vực Tây Nguyên; Khoa Ngữ văn và Lịch sử nghiên cứu văn học dân gian và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, nghiên cứu lịch sử, dân tộc học khu vực Tây Nguyên... Nhiều hợp đồng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với các tỉnh, các viện nghiên cứu, các trường đại học trong và ngoài nước đã được ký kết thực hiện.
Chú trọng phát triển đồng bộ các lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, Trường Đại học Đà Lạt đã đẩy mạnh hoạt động vừa nghiên cứu phục vụ đào tạo, vừa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Tây Nguyên và vùng phụ cận với 21 đề tài KHCN cấp bộ được giao. Gần đây nhất, Trường đã đăng ký công bố lưu hành 7 giống hoa cúc trên cơ sở hợp tác với Công ty Giống hoa Hàn Quốc; đã thành lập nhóm nghiên cứu mạnh “Cơ sở dữ liệu lớn trong nông nghiệp” hỗ trợ huyện Lạc Dương chuyển đổi số trong nông nghiệp đã hoàn thành 1 phần mềm phục vụ phát triển nông nghiệp, hướng đến phát triển nông nghiệp thông minh.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã thiết kế và xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu nhằm thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn nông nghiệp. Kết quả này tạo tiền đề cho việc thu thập và ứng dụng trên dữ liệu nông nghiệp của huyện Lạc Dương cũng như có thể mở rộng sang các địa phương khác để thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp. Hệ thống sẽ hỗ trợ nông dân và hợp tác xã trong việc quản lý nông trại, tư vấn kỹ thuật; giúp nhà quản lý, cán bộ khuyến nông, nhà cung cấp vật tư nông nghiệp… tham gia quản lý, tư vấn, cung cấp trong quá trình sản xuất, canh tác. Các chức năng đã được phát triển hoàn thiện gồm: Quản lý hồ sơ điện tử của nông hộ; Quản lý nông trại, quá trình canh tác, sản xuất của nông hộ; Dự tính sản lượng nông sản dựa trên dữ liệu canh tác; Các chức năng thống kê cho nhà quản lý, cán bộ khuyến nông. Hệ thống đang được phát triển các tính năng nâng cao, tiếp tục thu thập dữ liệu để có thể áp dụng các mô hình máy học trong dự báo sản lượng và giá cả nông sản, hỗ trợ chẩn đoán phòng trừ sâu bệnh và tư vấn trong quá trình canh tác; đồng thời, phát triển hệ thống kết nối giữa nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp và nhà quản lý trong hệ thống.
Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường định hướng trong thời gian từ nay đến năm 2030, Trường Đại học Đà Lạt sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu khu vực Tây Nguyên và vùng phụ cận trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, công nghệ sinh học, nông nghiệp, du lịch. Hướng đến là nơi đặt hàng tin cậy của Lâm Đồng và các tỉnh lân cận trong cung cấp các đề tài nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, các giải pháp công nghệ hữu hiệu phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin