Trong quá trình lịch sử lâu dài của dân tộc, trí thức Việt Nam luôn nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và giữ vững vai trò quan trọng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Ngay từ khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã nói “Nước nhà cần phải kiến thiết, kiến thiết cần phải có nhân tài”; “Trí thức là vốn liếng quý báu của dân tộc”.
Đ/c Phan Xuân Dũng - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam (đầu tiên bên trái)tặng bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động giai đoạn 2017-2022. Ảnh: Quỳnh Uyển |
Sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo từ giữa những năm 80 của thế kỷ XX đã tác động to lớn đối với việc giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra một luồng sinh khí mới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển khoa học - công nghệ, góp phần xây dựng và kiến thiết đất nước.
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về phát triển đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhấn mạnh: “Ngày nay, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức trở thành nguồn lực đặc biệt quan trọng, tạo nên sức mạnh của mỗi quốc gia. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn khẳng định “Trí thức Việt Nam là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng kinh tế tri thức, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”.
Để nâng cao tinh thần trách nhiệm của cộng đồng xã hội đối với sự nghiệp khoa học và công nghệ nói chung, tôn vinh quá trình lao động, cống hiến của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thống nhất chọn ngày 18/5 hàng năm là Ngày Khoa học và công nghệ Việt Nam.
Là một tỉnh miền núi, điểm xuất phát ban đầu còn thấp, nhưng Lâm Đồng có nhiều thuận lợi về khí hậu, đất đai, đặc biệt là đội ngũ khoa học - kỹ thuật, một địa phương có nhiều viện, trường của Trung ương đóng trên địa bàn, với lực lượng hùng hậu của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ đã góp phần vào sự phát triển kinh tế và xã hội của địa phương.
Thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng khối liên minh chiến lược, giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, làm nền tảng cho sự lãnh đạo của Đảng, làm nòng cốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, địa phương; từ tháng 8 năm 1990, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã cho thành lập Câu lạc bộ Khoa học Đà Lạt, Lâm Đồng, là nơi hội tụ giao lưu của đội ngũ trí thức; cũng trong thời kỳ này, một số hội khoa học - kỹ thuật chuyên ngành được thành lập, từ đó đòi hỏi cần phải có một tổ chức để điều hòa, phối hợp, tạo tiếng nói chung.
Được sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự giúp đỡ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ngày 8/8/1994, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng (Liên hiệp Hội Lâm Đồng) được thành lập. Sự ra đời của Liên hiệp Hội Lâm Đồng là bước phát triển rất quan trọng nhằm tập hợp, đoàn kết, phát huy tiềm năng trí tuệ của trí thức khoa học - công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó đã đáp ứng được nguyện vọng của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ tỉnh nhà mong muốn có một tổ chức để tập hợp, điều hòa, phối hợp các hoạt động, để nói tiếng nói chung nhằm đề đạt nguyện vọng và ý kiến chung của giới trí thức tỉnh nhà với cấp ủy và chính quyền địa phương. Đây thật sự là “mái nhà chung” của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ tỉnh nhà.
Từ 5 tổ chức hội thành viên ban đầu từ khi thành lập (Hội Luật gia, Hội Y dược học, Hội Đông y, Hội Kế hoạch hóa gia đình và Hội Khoa học tâm lý giáo dục) với hơn 1.000 hội viên, qua nhiều lần củng cố, kiện toàn, đến nay, Liên hiệp Hội Lâm Đồng đã tập hợp được 39 tổ chức hội thành viên với gần 11.000 hội viên. Trải qua 5 nhiệm kỳ đại hội với gần 30 năm xây dựng và trưởng thành, Liên hiệp Hội Lâm Đồng đã có nhiều cố gắng vươn lên thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, từng bước khẳng định và phát huy vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ ở địa phương.
Những năm qua, Liên hiệp Hội tỉnh đã tổ chức trên 50 lượt hội thảo khoa học về các vấn đề mà xã hội quan tâm, bức xúc. Qua hội thảo đã tập trung kiến nghị nhiều giải pháp góp phần hoạch định những chủ trương, biện pháp và kế hoạch cho địa phương trên lĩnh vực kinh tế - xã hội. Các tổ chức hội thành viên đã tổ chức trên 500 hội thảo khoa học, tọa đàm và các lớp tập huấn để chuyển giao khoa học - công nghệ. Những giải pháp qua hội thảo góp phần vào sự phát triển của tỉnh nhà, giải quyết bước đầu những khó khăn, vướng mắc của địa phương, được các cấp và xã hội đánh giá cao.
Hoạt động sáng tạo kỹ thuật tỉnh thông qua Hội thi Sáng tạo kỹ thuật và Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng thời gian qua đã thu hút được nhiều tập thể, cá nhân và các cơ quan, đơn vị tham gia, số lượng, chất lượng các giải pháp ngày càng được nâng lên.
PGS.TS Nguyễn Mộng Sinh tham gia phản biện tại Hội thảo khoa học tư vấn về đề xuấtcác giải pháp phòng, chống ùn tắc giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt. Ảnh: Xuân Huyền |
Công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp Hội được triển khai nghiêm túc theo tinh thần Quyết định số 14 ngày 14/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định số 453, ngày 8/3/2023, ban hành quy định về hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng. Việc ban hành quy định trên là cơ sở pháp lý cho Liên hiệp Hội tỉnh tổ chức các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội, qua đó vai trò của Liên hiệp Hội ngày càng được nâng lên.
Để phát huy được những kết quả đã đạt được, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Liên hiệp Hội, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa một số giải pháp sau:
Trước hết, chủ động tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Kết luận số 52 ngày 30/5/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 7, qua đó tiếp tục quán triệt quan điểm của Đảng “Trí thức là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc”; “Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Trên cơ sở đó, chủ động tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương có các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm thu hút, trọng dụng, sử dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức, nhằm xây dựng đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ không ngừng lớn mạnh, đảm bảo đủ số lượng và chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh - tế xã hội trong thời kỳ hội nhập.
Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy và chính quyền thực hiện Chỉ thị số 42 ngày 16/4/2010 của Bộ Chính trị khóa X về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước”. Trên cơ sở đó, tạo các điều kiện cần thiết để xây dựng Liên hiệp Hội trở thành tổ chức chính trị - xã hội ngày càng vững mạnh.
Cùng đó, Liên hiệp Hội tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tập hợp, đoàn kết, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các hội thành viên và đội ngũ trí thức phát huy tiềm năng, trí tuệ, để phục vụ hiệu quả sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; kế thừa truyền thống của dân tộc, của các thế hệ đi trước, góp phần đưa khoa học và công nghệ trở thành động lực hàng đầu trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của khoa học - công nghệ trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng gắn với sử dụng, đãi ngộ đội ngũ trí thức, đảm bảo mỗi lĩnh vực đều có chuyên gia đầu ngành để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh. Có kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng trí thức trẻ, trí thức người đồng bào dân tộc thiểu số và nữ trí thức. Khuyến khích đội ngũ trí thức tự học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng thời, chủ động triển khai Quyết định số 14 ngày 14/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Quyết định số 453 của UBND tỉnh về việc “Ban hành quy định về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh”. Trên cơ sở đó, đề xuất lãnh đạo tỉnh giao Liên hiệp Hội thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, dự án kinh tế, khoa học - kỹ thuật có tính liên ngành, có ảnh hưởng lớn đến môi trường tự nhiên và xã hội. Đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố đặt hàng cho Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh thực hiện tư vấn phản biện các đề án về kinh tế - xã hội trước khi trình cấp có thẩm quyền.
Đặc biệt, cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp Hội; nâng cao tính chủ động, năng động, sáng tạo; có nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú gắn với kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin