Hội thảo khoa học về nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

QUỲNH UYỂN 20:21, 30/06/2023

(LĐ online) - Ngày 30/6, tại Di Linh, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội thảo khoa học Thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Lâm Đồng. 

Nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp tại Hội thảo
Nhiều ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp tại Hội thảo

Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các trí thức là người dân tộc thiểu số, các già làng uy tín, cán bộ quản lý có nhiều đóng góp cho sự phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 
Chủ trì Hội thảo có ông Phan Văn Phấn - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, ông Rơ Woang Ya Gương - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, ông Vũ Đức Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Di Linh.

Phát biểu đề dẫn, ThS.Thái Văn Long - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng đã khẳng định: Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho mọi sự phát triển. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đất nước ta đang chuyển mình từ nền sản xuất thủ công, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang nền sản xuất công nghiệp trình độ cao. Do vậy chất lượng nguồn nhân lực cũng cần đáp ứng với trình độ sản xuất mới và tư duy mới. 

 

Lâm Đồng là tỉnh miền núi có cộng đồng 43 dân tộc thiểu số sinh sống với 333.561 người, chiếm 25,72% dân số toàn tỉnh; có 77/142 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. 

Cùng với sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực vượt khó vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo nên bước phát triển đột phá dần rút ngắn, thu hẹp khoảng cách giữa vùng dân tộc thiểu số với các vùng thuận lợi. 

Đặc biệt, các chính sách về đào tạo, phát triển và nâng cao nguồn nhân lực và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đạt được nhiều kết quả. 

Trong giai đoạn 2009-2020, toàn tỉnh đào tạo được 10.800 người dân tộc thiểu số, chiếm 24,7% số người được hỗ trợ học nghề toàn tỉnh. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số của tỉnh được quan tâm tạo nguồn, quy hoạch, bố trí, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ quản lý, có lập trường chính trị vững vàng, có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với công việc, có lối sống lành mạnh, giản dị, gắn bó với Nhân dân. 

Tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo được quan tâm với hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng thông tin đáp ứng yêu cầu dạy và học. Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh, có hiệu quả và được nhân dân hưởng ứng.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng với yêu cầu phát triển và hội nhập. Trình độ, năng lực một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; năng suất, chất lượng lao động trong đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp, cơ cấu lao động chuyển dịch còn chậm; lao động, việc làm và dạy nghề còn nhiều bất cập, đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng, có những ngành đào tạo dư thừa, sinh viên ra trường không tìm được việc làm, trong khi có những ngành, lĩnh vực thiếu… dẫn đến một bộ phận lao động là đồng bào dân tộc thiểu số làm việc không theo đúng ngành nghề, chuyên môn, hoặc được đào tạo nhưng không có việc làm, gây lãng phí nguồn lực. 

Cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập; một số nội dung trong các chủ trương chính sách về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm chưa đồng bộ, khó triển khai thực hiện. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các nghề phi nông nghiệp, việc làm tại chỗ hiệu quả còn thấp, tỷ lệ lao động người dân tộc thiểu số qua đào tạo còn thấp so với mặt bằng chung. Trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhìn chung còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. 

Hội thảo đã nhận được 26 tham luận và nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, nhiều ý kiến từ cơ sở đã làm rõ các nội dung: Thực trạng nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong giai đoạn hiện nay; kết quả đạt được về kinh tế, xã hội nhờ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đồng bào dân tộc thiểu số, các hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; đề xuất các nhóm giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số… 

Tại Hội thảo, cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, nhà khoa học về đào tạo nghề, tạo việc làm, về việc phát triển giáo dục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy năng lực tiếng Việt ở 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cho các em; chính sách bố trí nguồn nhân lực, định hướng nghề nghiệp cho học sinh; phát triển văn hóa, thể thao ở cơ sở, gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc…