"AI Suitcase" có những tính năng vượt trội như có thể đem lại mức độ an toàn lớn hơn cho người dùng khiếm thị đồng thời giúp họ nhận biết nhiều hơn về môi trường xung quanh trong quá trình di chuyển.
Bà Chieko Asakawa được thiết bị AI Suitcase dẫn đường tới nhà ga ở quận Aomi, Tokyo |
Một nhóm nghiên cứu cùng 4 công ty của Nhật Bản đã hợp tác phát triển một mô hình robot được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) giúp dẫn đường cho người khiếm thị một cách dễ dàng và an toàn.
Được thiết kế giống như một vali xách tay, thiết bị mới này được biết đến với tên gọi "AI Suitcase."
Công nghệ này được tích hợp thiết bị cảm biến cảm ứng ở tay kéo, camera có độ sâu trường ảnh và một thiết bị kiểm soát giọng nói có thể được kết nối với điện thoại thông minh.
Nhờ được tích hợp bánh xe đẩy cỡ lớn, động cơ công suất lớn bên trong, người sử dụng có thể điều khiển thiết bị này ở những địa hình bên ngoài.
Hồi tháng 3, công nghệ mang tính đột phá nói trên đã trải qua một cuộc thử nghiệm đầu tiên trước công chúng và được thực hiện tại một khách sạn ở bang California (Mỹ).
Cuộc thử nghiệm đã thu hút được mối quan tâm đáng kể của công chúng đồng thời mở ra các cuộc thảo luận về những ứng dụng tương lai trong thực tế của công nghệ này.
Người sử dụng chỉ cần nắm vào tay kéo của thiết bị giống như vali xách tay bốn bánh này. Sau đó, thiết bị sẽ đóng vai trò như "người dẫn đường."
Khi có vật cản, thiết bị cảm biến của hệ thống sẽ phát hiện ra sự hiện diện của vật cản phía trước và thông báo để thiết bị này dừng lại.
So với các ứng dụng dẫn đường được tích hợp trong điện thoại thông minh, "AI Suitcase" có những tính năng vượt trội chẳng hạn như có thể đem lại mức độ an toàn lớn hơn cho người dùng đồng thời giúp họ nhận biết nhiều hơn về môi trường xung quanh trong quá trình di chuyển.
Bên cạnh đó, hệ thống thiết bị cảm biến được tích hợp trong công nghệ mới này cũng giúp người dùng di chuyển ổn định mà không gặp phải khó khăn hay gián đoạn nào.
Ý tưởng phát triển công nghệ mới này đến từ bà Chieko Asakawa - một kỹ sư khiếm thị người Nhật Bản hiện làm việc với vị trí là kỹ sư danh dự của IBM đồng thời là Giám đốc của Bảo tàng Quốc gia về Khoa học và Đổi mới Tiên tiến của Nhật Bản.
Ngoài ra, có 4 công ty tham gia hợp tác phát triển sản phẩm này, bao gồm tập đoàn Omron chuyên về thiết bị điện tử và có trụ sở ở Kyoto.
Ngoài địa điểm thử nghiệm ở Mỹ nói trên, bà Asakawa và nhóm phát triển sản phẩm cũng đã tiến hành hàng loạt thử nghiệm ở Tokyo.
Khi công nghệ này được tung ra thị trường cả ở Nhật Bản và nước ngoài, nhóm phát triển hy vọng người sử dụng sẽ có thể vận hành thiết bị thông qua ứng dụng được cài đặt trong chính điện thoại thông minh của họ.
Theo khảo sát của Hội Nhãn khoa Nhật Bản, tổng số người khiếm thị ở nước này đã lên tới khoảng 1,64 triệu người.
(Theo TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin