Hội thảo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần hội nhập, nâng tầm sản phẩm địa phương”

QUỲNH UYỂN 21:05, 25/10/2023

(LĐ online) - Nằm trong chuỗi hoạt động Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Lâm Đồng năm 2023, chiều 25/10, tại Đà Lạt đã diễn ra Hội thảo “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần hội nhập, nâng tầm sản phẩm địa phương” do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Quang cảnh hội thảo

 Tham dự có hơn 100 đại biểu đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, nhà khoa học các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân có dự án, ý tưởng khởi nghiệp tham gia ngày hội. ThS. Võ Thị Hảo – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ThS. Phạm Thị Nhâm – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Duy Đa – Giám đốc Công ty Cổ phần Viên Sơn cùng chủ trì hội thảo.

Phát biểu đề dẫn, ThS.Phạm Thị Nhâm – Phó Giám đốc Sở KHCN Lâm Đồng cho biết: Trong 5 năm qua, với chức năng nhiệm vụ của mình, Sở KHCN đã hỗ trợ 15 doanh nghiệp về ứng dụng công nghệ, đổi mới và hoàn thiện công nghệ, phát triển công nghệ sản xuất sản phẩm mới, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ với tổng kinh phí là 566,7 triệu đồng. Hỗ trợ 14 doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hội chợ công nghệ, thiết bị, sự kiện “kết nối cung cầu công nghệ” trong và ngoài tỉnh. Hỗ trợ 5 huyện, thành (Đạ Huoai, Di Linh, Đạ Tẻh, Bảo Lộc, Đà Lạt) thực hiện nhiệm vụ quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai”, “Cà phê Di Linh”, “Gạo nếp quýt Đạ Tẻh”, “Tơ lụa Bảo Lộc” và tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Atiso Đà Lạt”, “Măng cụt Bảo Lộc” với tổng kinh phí khoảng 1,050 tỷ đồng.

Quảng bá thương hiệu sâu rộng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Hỗ trợ các địa phương (chủ nhãn hiệu) thực hiện các hoạt động đăng ký xác lập, quản lý và phát triển 33 nhãn hiệu sở hữu cộng đồng (nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể. Hỗ trợ 181 doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng và công cụ cải tiến năng suất chất lượng, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy; 9 doanh nghiêp tham dự và đạt Giải thưởng chất lượng quốc gia, quốc tế. Khảo sát, hướng dẫn 9 doanh nghiệp đăng ký tham gia áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc…

Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp về khoa học và công nghệ đã đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất đã có chuyển hướng tích cực phục vụ sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, đổi mới công nghệ nhằm sản xuất ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng hợp lý nguyên, vật liệu; hợp lý hóa sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng; tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên thị trường, hạn chế đến mức thấp nhất về ô nhiễm môi trường, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Nhiều tham luận gợi mở cho các doanh nghiệp, đơn vị, các nhân khởi nghiệp

Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận xoay quanh các vấn đề: Khởi nghiệp – đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng sở hữu trí tuệ và công nghệ (TS.Từ Diệp Công Thành – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh); Yếu tố chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong khởi nghiệp (ông Nguyễn Đào Duy Tài – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chí Tân; Xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản để phát triển bền vững (Sở Công thương); Giải pháp thúc đẩy thương mại hóa cho các sản phẩm khởi nghiệp (ông Dương Quốc Anh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Lâm Đồng); Ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị nông sản (Chi nhánh Viettel Lâm Đồng); Ứng dụng kết nối Internet vạn vật (IoT) trong nông nghiệp (ông Nguyễn Khắc Minh Trí - CEO Mimosa Technology); Giải pháp nông nghiệp thông minh Nextfram – Nền tảng mở chuyển đổi số kết nối doanh nghiệp địa phương (Công ty Cổ phần Next Vision); Ứng dụng chiếu xạ để bảo quản nông sản (ông Nguyễn Kiên Cường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân)...

Hội thảo đã khai mở nhiều ý tưởng, trang bị nhiều kiến thức cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đẩy mạnh các hoạt động đổi mới sáng tạo để tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống; tăng cường các hoạt động tạo ra tài sản trí tuệ, gắn quyền sở hữu trí tuệ với các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển sản xuất, kinh doanh; kết nối mạng lưới nghiên cứu, phát triển ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm khoa học và công nghệ.

Hội thảo cũng tạo ra sự kết nối, hỗ trợ của các chuyên gia đối với doanh nghiệp, cá nhân, đơn vị khởi nghiệp, giúp sản xuất ra những sản phẩm đa dạng, tạo đầu ra cho nông sản, nâng cao giá trị đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.