BÁO XUÂN GIÁP THÌN 2024:
Giải phóng sức lao động từ những sáng tạo

QUỲNH UYỂN 07:59, 13/02/2024

Cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng năm 2023 đã chứng tỏ sức sáng tạo to lớn, vừa phong phú, vừa đa dạng của người nông dân. Đó là những giải pháp bức thiết nảy sinh từ thực tiễn lao động sản xuất, thôi thúc họ tự bắt tay thiết kế thành các công cụ, thiết bị hữu dụng, các quy trình sản xuất hữu ích vừa phục vụ sản xuất, giải phóng sức lao động cho chính mình, vừa trở thành hàng hóa phục vụ cho nhiều nông dân khác, thúc đẩy sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. 

Hội Nông dân tỉnh trao tặng Bằng khen cho nông dân sáng tạo kỹ thuật xuất sắc
Hội Nông dân tỉnh trao tặng Bằng khen cho nông dân sáng tạo kỹ thuật xuất sắc

MÁY TẠO BẦU TRỒNG CHANH DÂY TỰ ĐỘNG 
Từ nhu cầu sản xuất cây giống chanh dây số lượng lớn, ông Lê Thanh Trị (sinh 1957, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng) đã sáng tạo nên “Máy tạo bầu trồng chanh dây tự động đa chức năng”, làm giảm công lao động làm bằng tay gấp 20 lần, thao tác kỹ thuật đạt tính chính xác cao; nâng cao năng suất vườn ươm từ 48.000 - 96.000 cây/ngày, đáp ứng nhu cầu cây giống cho nông dân. 
Máy tạo bầu trồng chanh dây của ông Trị là máy liên hợp tự động được kết nối 6 modun chức năng để hoàn thiện quy trình trồng từ đầu đến cuối: Rót 50% giá thể vào bầu ly; định lượng phân viên (từ 25 - 30 hạt) vào ly; trộn đều phân hạt với 50% giá thể; rót đầy giá thể vào ly; vệ sinh bề mặt khay (mỗi khay gồm 15 ly); khoan tạo lỗ để trồng cây con vào. Sau khi hoàn thành công đoạn đục lỗ, công nhân sẽ thực hiện thao tác trồng cây con vào ly ở các khay được di chuyển ra ngoài. Toàn bộ hệ thống được hoạt động tự động theo nguyên lý khí nén, cơ học và chương trình phần mềm điện tử. 

Máy tạo bầu trồng chanh dây tự động đáp ứng các nhu cầu về giống
Máy tạo bầu trồng chanh dây tự động đáp ứng các nhu cầu về giống

Là người từng có rất nhiều sáng chế hữu ích, đứng trước yêu cầu thực tiễn sản xuất đặt ra, ông Trị đã lên ý tưởng, tính toán năng suất, thời gian, nguyên lý, chu kỳ và đưa ra các thông số thiết kế. Sau 15 ngày bắt tay vào thiết kế, ông Trị tiến hành sản xuất máy: tạo phôi, cắt laser, tiện cách linh kiện có dạng tròn, chế tạo từng modun riêng; lắp lên hệ thống các modun, hoạt động thử từng modun; lắp liên kết các modun lên hệ thống, hoạt động tổng hợp; tạo các vi mạch, lập trình SETUP thời gian của từng modun trên hệ thống, chỉnh sửa lỗi; hoàn thiện hệ thống; lắp đặt, bàn giao cho đơn vị đặt hàng (Công ty Cổ phần Chanh leo Nafoods).
Từ khi đưa vào sản xuất, máy tạo bầu trồng chanh dây của ông Trị đã hỗ trợ vườn ươm cây giống chanh dây có sản phẩm tốt, chuẩn mực, đồng đều và có năng suất cao đáp ứng được nhu cầu của người nông dân, nhất là vùng Tây Nguyên, hạ giá thành cây giống, người nông dân được hưởng lợi gián tiếp. 
Là một giải pháp ứng dụng tự động như: vi mạch được setup theo thời gian yêu cầu tính toán, ứng dụng linh kiện sensor, silene khí nén, soleinoied, biến tần,… để đạt được những tiêu chí cần thiết cho thiết kế. Vừa hàm chứa giá trị khoa học, kỹ thuật ứng dụng cao, vừa mang lại hiệu quả sản xuất, giải pháp của ông Trị đoạt giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng lần thứ 11 - 2023. 

Máy tời thay thế sức người sản xuất trên địa hình dốc
Máy tời thay thế sức người sản xuất trên địa hình dốc

MÁY TỜI KÉO SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP 
Cách đây 4 năm, khi tuổi mỗi ngày thêm cao, mà hàng ngày ông Trần Văn Túy (sinh 1963) ở xã Madaguoi, huyện Đạ Huoai vẫn phải vác phân bón lên đồi chăm sóc điều, sầu riêng; mùa thu hoạch lại mang vác nông sản xuống. Trong một lần không cẩn thận, ông đã bị giãn cơ lưng do mang vác nặng, cơn đau kéo dài. Sự cố sức khỏe khiến ông suy ngẫm phải sáng tạo ra một cỗ máy để giảm sức lao động cho chính mình. “Máy tời kéo vận chuyển sản phẩm nông nghiệp trên địa hình đất dốc” hỗ trợ vận chuyển sản phẩm nông nghiệp nhằm giảm sức người, tăng năng suất lao động của ông Túy đã ra đời qua nhiều ngày tháng nghiên cứu, hàn xì, lắp ghép.
Đó là một hệ thống đường ray vận chuyển hàng hóa sử dụng năng lượng điện để chuyển động. Hệ thống máy bao gồm: Mô tơ điện để làm quay trục tời cáp; hộp số; trục cuốn cáp; đường ray; thùng hàng và thiết bị điều khiển với tổng chi phí lắp đặt tổng cộng hết 380 triệu đồng. 
Máy được vận hành theo quy trình: Khi được cấp nguồn điện, mô tơ hoạt động làm quay trục cuốn cáp, làm dây cáp tời chuyển động kéo thùng hàng hóa. Thùng hàng (chứa hàng hóa nông sản, phân bón) bằng khung sắt, có trục và ổ bi và được gắn vào mép đường ray chuyển động lên - xuống qua thiết bị điều khiển bấm tời có các nút nhấn. Ngoài ra, trên thiết bị này còn được trang bị nút dừng khẩn cấp khi có sự cố xảy ra. Thiết bị có thể điều khiển được từ xa, đứng dưới chân dốc có thể điều khiển máy tời trên đỉnh đồi.
Năm 2020 đưa vào vận hành, máy của ông Túy đã đạt hiệu quả ngay từ lần đầu thử nghiệm. Đến nay, toàn bộ hệ thống vẫn hoạt động ổn định, có độ bền cao và mang lại hiệu quả thiết thực với cuộc sống lao động sản xuất của gia đình ông. Đặc biệt là mô hình có thể nhân rộng trong vận chuyển trái sầu riêng ở các vườn trên địa bàn huyện Đạ Huoai giúp đẩy nhanh tiến độ thu hoạch, tránh hư hao và có thể áp dụng rộng rãi đối với việc chăm sóc, thu hoạch các loại cây trồng trên địa hình đồi đất dốc.

Bộ tông đơ đóng bông đơn giản mang lại hiệu quả cao
Bộ tông đơ đóng bông đơn giản mang lại hiệu quả cao

BỘ TÔNG ĐƠ ĐÓNG BÔNG ĐA NĂNG
Yêu cầu đặt ra từ việc đóng bông vận chuyển đi tiêu thụ của người nông dân, ở tuổi chưa đến 30 Hà Trọng Tín (1994, Đạ Sar, Lạc Dương) đã tự nghiên cứu, thiết kế bản mẫu, chế tạo “Bộ tông đơ đóng bông đa năng” hỗ trợ đóng gói thùng hoa để công việc trở nên đơn giản; giúp thùng hoa bảo đảm quy cách; hạn chế hư hỏng trong quá trình xê dịch.
Áp dụng nguyên lý hoạt động của ròng rọc, dẫn động bằng tay, thực hiện bằng cách kéo dây xích để xiết vòng dây quanh thùng hoa; bộ tông đơ của anh Tín là một khung sắt có lắp đặt bánh xe, dây đai, pa lăng xích kéo tay… Khi sử dụng chỉ cần dùng tay với lực vừa phải để kéo pa lăng xích, qua đó đóng gói thùng hoa dễ dàng, chặt chẽ, ít tốn sức và nhanh hơn so với sử dụng thuần sức người. Thao tác đóng thùng trở nên đơn giản, nhẹ nhàng. Đây là giải pháp sáng tạo mới, chưa có tổ chức nào thực hiện; không chỉ phục vụ thiết thực cho việc đóng hoa, mà có thể áp dụng đóng các loại thùng hàng hóa khác. 

Bản mẫu thiết kế bộ tông đơ
Bản mẫu thiết kế bộ tông đơ

Ngay sau khi đưa vào áp dụng tháng 6/2021, đến nay, anh Tín đã bán ra gần 2.000 sản phẩm được các nhà vườn, các vựa hoa đặt mua với giá chỉ 3,7 triệu đồng/bộ, nhưng mang lại hiệu quả sử dụng cao, giải phóng phần lớn sức lao động. Giúp giảm khoảng 40% chi phí nhân công đóng thùng hoa và giảm khoảng 15 - 20% nhân công vận chuyển thùng hoa từ vườn ra xe. Ngoài ra, xe đóng thùng hoa cũng có thể dùng để vận chuyển hàng hóa khác trong vườn như phân bón, cây giống. Đặc biệt, giải pháp của anh Tín không sử dụng nhiên liệu, không phát sinh chất thải ra môi trường mà vẫn bảo đảm năng suất; có thể thay thế cho thiết bị có cùng công năng nhưng sử dụng điện hay xăng, dầu.